Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

ĐIỀU VĨ ĐẠI CỦA KITÔ GIÁO

"ĐIỀU VĨ ĐẠI CỦA KITÔ GIÁO" là bản lược dịch cuốn "What's So Great About Christianity" của Dinesh D'Souza, với mục đích đem lại cho độc giả www.nguoitinhuu.com một cái nhìn về Kitô Giáo qua các lý luận sắc bén của D'Souza, một trong những văn gia hộ giáo nổi tiếng ngày nay của Kitô Giáo.
Nếu quý học giả muốn biết tường tận hơn về các lý lẽ trong sách, xin đọc sách tiếng Anh với các tham khảo đầy đủ mà trong bản dịch chúng tôi không phụ đính.
Ước mong bản dịch này sẽ giúp quý độc giả hiểu biết thêm về Kitô Giáo.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
Pt Giuse Trần Văn Nhật

MỤC LỤC

1. Sự Suy Thoái của Chủ Nghĩa Vô Thần: Sự Chiến Thắng Toàn Cầu của Kitô Giáo.
2. Sự Sống Còn của Điều Linh Thiêng: Tại Sao Tôn Giáo Đang Thắng Lợi.
3. Giới Vô Thần Tấn Công Tôn Giáo: Thiên Chúa Không Vĩ Đại.
4. Giáo Dục Trẻ Em Sai Lạc: Đừng Để Chúng Bị Ảnh Hưởng của Cha Mẹ.
5. Của Xêda Trả Lại Cho Xêda: Những Nền Tảng Tinh Thần của Chính Quyền Hạn Chế.
6. Sự Dữ Mà Tôi Không Muốn: Kitô Giáo và Sự Sai Lầm Con Người.
7. Được Dựng Nên Bình Đẳng: Nguồn Gốc Phẩm Giá Con Người.
8. Kitô Giáo và Lý Trí: Nguồn Gốc Thần Học của Khoa Học.
9. Từ Lời Đến Vũ Trụ: Kitô Giáo và Những Sáng Tạo của Phát Minh.
10. Một Ngụ Ngôn Vô Thần: Tái Mở Hồ Sơ Galilê.
11. Một Vũ Trụ Với Khởi Đầu: Thiên Chúa và Các Nhà Thiên Văn.
12. Một Hành Tinh Được Hoạch Định: Vị Trí Đặc Biệt của Con Người Trong Sự Tạo Dựng.
13. Paley Nói Đúng: Sự Tiến Hoá và Lý Luận Phát Sinh từ Sự Hoạch Định.
14. Vấn Đề Sáng Thế: Chủ Thuyết Vô Thần Có Phương Pháp của Khoa Học.
15. Thế Giới Bên Ngoài Các Giác Quan: Kant và Những Giới Hạn của Lý Lẽ.
16. Trong Bụng Cá Mập: Tại Sao Phép Lạ Có Thể Xảy Ra.
17. Canh Bạc Hoài Nghi: Pascal và Tính Cách Hợp Lý của Đức Tin.
18. Nghĩ Lại Toà Thẩm Tra: Tội Ác Tôn Giáo Được Thổi Phồng.
19. Quyền Giết Người: Thuyết Vô Thần và Sự Tàn Sát Trong Lịch Sử.
20. Luật Tự Nhiên và Luật của Thiên Chúa: Các Nền Tảng Khách Quan của Luân Lý.
21. Bóng Ma Trong Bộ Máy: Tại Sao Con Người Thì Hơn Vật Chất.
22. "Tôi" Hống Hách: Khi Cái Tôi Trở Nên Quan Toà của Luân Lý.
23. Thuốc Phiện của Sự Băng Hoại Luân Lý: Tại Sao Sự Hoài Nghi Lại Quá Hấp Dẫn.
24. Vấn Đề Sự Dữ: Thuyết Vô Thần Ở Đâu Khi Có Sự Dữ Xảy Ra?
25. Đức Giêsu Trong Các Thần Khác: Sự Độc Đáo của Kitô Giáo.
26. Nếm Thử Vĩnh Cửu: Làm Thế Nào Kitô Giáo Có Thể Thay Đổi Đời Bạn.

CHƯƠNG 1

SỰ SUY THOÁI CHỦ NGHĨA VÔ THẦN:
SỰ CHIẾN THẮNG TOÀN CẦU CỦA KITÔ GIÁO

T
HIÊN CHÚA ĐÃ TRỞ LẠI ĐỜI SỐNG. Thế giới đang mục kích sự phát triển rầm rộ của sự hoán cải và gia tăng tôn giáo, và Kitô Giáo phát triển nhanh hơn bất cứ tôn giáo nào khác. Lời tuyên bố của Nietzche, "Thiên Chúa đã chết", giờ đây đang được chứng minh là sai lầm. Nietzche đã chết. Hàng ngũ những người không có đức tin đang thu hẹp thành một phần của dân số thế giới. Chủ nghĩa thế tục đã mất đi căn tính của nó theo đà tiến bộ và hiện đại hóa, và hậu quả là nó mất đi sự hấp dẫn chính yếu. Thiên Chúa thật sống động, và viễn ảnh tương lai của Người có vẻ thật xuất sắc. Đây là câu chuyện trở lại của thế kỷ hai mươi mốt.
Nếu Thiên Chúa trở lại, tại sao chúng ta không thấy? Lý do là vì nhiều người chúng ta sống sai khu vực. Brent Staples viết trong tờ New York Times, "Hãy bất ngờ ghé vào một nhà thờ trong ngày Chúa Nhật, và có lẽ bạn sẽ thấy khoảng một chục người phân tán mỏng trong một nơi tôn nghiêm được xây cất cho hàng trăm hay hay ngàn người." Phải, tôi đã từng thấy "các hàng ghế vắng tanh và giáo đoàn tóc bạc" mà Staples diễn tả. Nhưng, Staples sống ở Nữu Ước và tôi sống ở California . Chúng tôi sống giữa những người vô thần.
Dĩ nhiên, những hàng xóm của tôi không nghĩ là họ vô thần. Rất ít người trong họ thuộc về một tổ chức vô thần hay có ghi danh mua sách báo vô thần. Một số người trong họ rất có học thức và tự cho mình là người theo thuyết bất khả tri: họ chưa quyết định vì chưa thấy chứng cớ. Còn có những người tự cho mình là Kitô Hữu, hoặc vì họ được sinh ra như vậy hoặc thỉnh thoảng họ có đến nhà thờ. Đặc điểm của những người này là họ sống như thể Thiên Chúa không hiện diện. Thiên Chúa không tạo nên điều gì khác biệt trong đời sống của họ. Đây là "chủ thuyết vô thần thực tiễn". Tất cả chúng ta đều có biết những người giống như vậy. Một số chúng ta ít khi biết được những người không như vậy. Và nhiều khi chính chúng ta sống như vậy.
Nếu chúng ta sống sai khu vực, sự nguy hiểm là chúng ta không biết đến sự phát triển quan trọng nhất trong thời đại chúng ta: sự hồi sinh tôn giáo trên toàn cầu. Nó đang xảy ra trong mọi lục địa. Trong quê hương Ấn Độ của tôi, Ấn Giáo đang phục hồi. Hồi Giáo cũng thế. Khi tôi viết về chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan và khủng bố tôi thường tự hỏi, "Khi nào người Hồi Giáo hiểu được sự quan trọng của chủ thuyết thế tục? Khi nào chúng ta nhìn thấy phong trào Cải Cách Hồi Giáo?" Câu trả lời của tôi là người Hồi Giáo không bao giờ hiểu được sự quan trọng của chủ thuyết thế tục. Họ cũng không cần hiểu, bởi vì như chúng ta sẽ thấy, chủ thuyết thế tục ngày càng trở nên không quan trọng, không như một hiện tượng toàn cầu. Hơn thế nữa, Hồi Giáo đang ở giữa thời kỳ cải tổ. Chúng ta thấy người Hồi Giáo đạo đức đang hồi sinh không chỉ ở Trung Đông nhưng còn ở Nam Dương, Mã Lai, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, và Đông Phi Châu. Có lúc Thổ Nhĩ Kỳ là một tấm gương của Hồi Giáo thế tục, nhưng không còn nữa. Không quốc gia Hồi Giáo nào đi theo con đường của Thổ Nhĩ Kỳ, và trong những năm gần đây ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng chấm dứt kiểu cách của mình.
Một số phân tích gia Tây Phương diễn tả những cuộc hồi sinh tôn giáo trên thế giới như sự lớn mạnh của "thuyết duy văn tự" (fundamentalism). Đây là ảo tưởng của chủ thuyết vị chủng (cho dân tộc mình là hơn cả), khi nhìn thế giới qua lăng kính của thành kiến. Hãy nhớ rằng thuyết duy văn tự  là một danh từ xuất phát từ Kitô Giáo Tin Lành. Đó là một danh từ mới được đặt ra để ám chỉ một nhóm Tin Lành tích cực hoạt động vào đầu thế kỷ hai mươi để chống với thuyết tiến hóa của Darwin và họ cổ võ việc đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen. Thuyết duy văn tự là một danh từ vô nghĩa nằm ngoài khung cảnh này.
Dĩ nhiên, cũng có các dân quân Ấn Giáo và Hồi Giáo cực đoan của nhánh "bin Laden", và quả thật họ là mối đe dọa cho thế giới. Nhưng sự gia tăng của dân quân tôn giáo và sự gia tăng tôn giáo thì rất khác biệt. Nhóm này có thể lợi dụng nhóm kia, nhưng không thể lẫn lộn hai điều này với nhau. Sự hồi sinh tôi muốn nói đến là sự phục hồi toàn cầu của tôn giáo truyền thống. Điều này có nghĩa Ấn Giáo truyền thống, Hồi Giáo truyền thống, và Kitô Giáo truyền thống. Chữ "truyền thống" có nghĩa tôn giáo từng được hiểu và được thực hành trong nhiều thế kỷ. Đây là loại tôn giáo đang phát triển.
Tôn giáo truyền thống là nguồn chính, nhưng nó không chỉ là hình thức tôn giáo ngày nay. Còn có tôn giáo phóng khoáng. Người ta khó có thể nói về người Hồi Giáo phóng khoáng, vì trong thế giới Hồi Giáo tuyệt nhiên không có chủ nghĩa tự do. Nhưng có người Do Thái Giáo phóng khoáng, mà đạo Do Thái đối với họ dường như chỉ là vấn đề ký ức lịch sử và thói quen văn hóa. Ở Tây Phương có rất nhiều Kitô Hữu phóng khoáng. Một số tín hữu ấy tự khoác cho mình một loại sứ vụ đảo ngược: thay vì là các nhà thừa sai của giáo hội cho thế giới, họ trở thành các nhà thừa sai của thế giới cho giáo hội. Họ dành nhiều sức lực để làm cho giáo hội trở nên dân chủ hơn, để bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ, để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và vân vân. Một nhánh nhỏ nhưng có ảnh hưởng của nhóm Kitô Giáo phóng khoáng đã tẩy chay mọi học thuyết cốt yếu của Kitô Giáo. H. Richard Niebuhr đã thật tài tình tóm lược tín điều của nhóm này: "Một Thiên Chúa không trừng phạt đưa con người không tội lỗi vào một vương quốc không có sự phán xét qua sự chăm sóc của một Kitô không thập giá."
Tôi đã gặp các Kitô Hữu phóng khoáng, họ là những người tốt và thành thật. Nhưng quan điểm Kitô Giáo của họ thì đang đi lùi, trong hai ý nghĩa. Người Kitô Giáo phóng khoáng được phân biệt bởi những điều luân lý và sự hiểu biết mà họ nhìn nhận đối với các kẻ thù của Kitô Giáo. "Cứ cho là không ai có lý trí còn tin vào phép lạ, nhưng…" "Đúng vậy, Thiên Chúa trong Cựu Ước dường như là một người đầy căm thù, nhưng…" "Phải thú nhận rằng tôn giáo có trách nhiệm về hầu hết các cuộc xung đột và đàn áp trong lịch sử, nhưng…."
Loại Kitô Giáo đúng-nhưng này ngày càng trở nên ít quan trọng. Các giáo hội phóng khoáng đang mất dần hàng loạt phần tử. Có lúc các giáo hội này tiếp nhận một trong sáu người Hoa Kỳ; bây giờ họ chỉ còn một trong ba mươi. Trong năm 1960 giáo hội Presbyter có 4.2 triệu phần tử; giờ đây chỉ còn 2.4 triệu. Giáo hội Episcopal từng có 3.4 triệu; giờ đây chỉ có 2.3 triệu. Giáo hội "United Church of Christ" từng có 2.2 triệu; giờ đây chỉ còn 1.3 triệu. Các Kitô Hữu truyền thống vẫn ở trong các giáo hội phóng khoáng thì ngày càng trở nên xa lạ. Một số quá chán ngán đến độ họ tự đặt mình dưới thẩm quyền của các giáo sĩ ít phóng khoáng hơn có cơ sở ở các quốc gia như Nigeria , Ghana , và Ivory Coast .
Không may, những đề tài chính yếu của một số giáo hội phóng khoáng này thì càng giống với chủ đề của các tổ chức như "American Civil Liberty Union", "National Organization for Women," và các phong trào tranh đấu cho quyền đồng tính luyến ái. Sao lại phải lắng nghe John Shelby Spong, giám mục Anh Giáo, lải nhải trong khi bạn có thể nghe cùng luận điệu ấy trong một quang cảnh ngoạn mục hơn của cuộc diễn hành đầy tự hào của người đồng tính luyến ái tại San Francisco? Các giáo hội truyền thống chứ không phải các giáo hội phóng khoáng thì đang lớn mạnh tại Hoa Kỳ. Tỉ như, trong năm 1960 các giáo hội chi nhánh của "Southern Baptist Convention" có 8.7 triệu thành viên. Giờ đây họ có 16.4 triệu.
Sự lớn mạnh của tôn giáo truyền thống và sự sút giảm của tôn giáo phóng khoáng đặt ra một vấn đề quan trọng về đường lối hiểu biết các khuynh hướng tôn giáo hiện nay. Đây là đường lối thế tục: họ nghĩ rằng khoa học, lý lẽ, tiến bộ, và sự hiện đại hóa sẽ đưa đến kết quả không thể tránh được là Tây Phương sẽ tiếp tục ngày càng tục hóa, sau đó cả thế giới sẽ theo sau. Những người tiêu biểu cho phong trào tục hóa tin tưởng rằng, như Peter Berger đã viết, "rồi thì các thầy đạo Iran, mục sư Pentacost, và thầy tu Tibet sẽ suy nghĩ và hành động như các giáo sư văn chương tại các đại học Hoa Kỳ."
Trong một phần của thế kỷ qua, lời tường thuật ấy dường như hợp lý. Người đời tin điều đó và hân hoan, trong khi tín đồ cũng tin điều đó và than vãn. Nhưng giờ đây chúng ta thấy luận đề đó có một khó khăn. Nếu phong trào tục hóa tiến triển liên tục thì các tín đồ phải ngày càng ít đạo đức, và các giáo hội truyền thống sẽ thu hẹp trong khi các giáo hội phóng khoáng sẽ gia tăng. Nhưng thực tế lại trái ngược.
Một số học giả ghi nhận điều này là sự "phản hồi" đối với phong trào tục hóa, nhưng điều này càng làm cho người ta thắc mắc: điều gì đã gây nên sự phản hồi? Luận điệu của phong trào tục hóa được dựa trên giả thuyết rằng khoa học và sự hiện đại hóa sẽ thỏa mãn những khao khát và nhu cầu như tôn giáo trước đây đã làm được. Nhưng một cuộc nổi dậy chống với sự tục hóa cho thấy có lẽ các nhu cầu quan trọng vẫn chưa được đáp ứng, và vì thế người ta đang tìm kiếm một sự hồi sinh tôn giáo—có lẽ trong một hình thức mới--để giải quyết các lưu tâm đặc biệt trong một xã hội trần tục.
Dĩ nhiên luận điệu của phong trào tục hóa không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Trong Âu Châu, Úc Châu, và Gia Nã Đại, tôn giáo đã bị xóa bỏ khỏi dòng văn hóa chính. Nó bị hạ cấp đến độ chỉ còn là một hiện tượng du lịch; khi bạn đến Chartres hay Canterbury , hướng dẫn viên nói với bạn về lịch sử kiến trúc và nghệ thuật nhưng rất ít nói đến niềm tin của những người đã tạo ra các công trình ấy.  Theo bản thăm dò có tên "European Values Survey", số người đi nhà thờ thường xuyên trong khoảng 10 đến 25 phần trăm dân số, tùy theo quốc gia. Chỉ có một phần năm người Âu Châu cho rằng tôn giáo thì quan trọng trong đời sống. Tổng thống Tiệp là Vaclav Havel đã rất đúng khi diễn tả Âu Châu là "nền văn hóa vô thần đầu tiên trong lịch sử con người."
Bức tranh tôn giáo ở Âu Châu không phải là không ngừng ảm đạm. Chín mươi phần trăm người Hy Lạp nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, và chỉ 5 phần trăm người Hy Lạp là vô thần. Ái Nhĩ Lan vẫn có số người đến nhà thờ khoảng 45 phần trăm, gấp đôi toàn thể lục địa này, mặc dù đạo Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan cũng suy yếu trong các thập niên gần đây. Cùng với Ái Nhĩ Lan, Ba Lan và Slovakia là hai quốc gia đạo đức nhất Âu Châu. Và một số bình luận gia nhận xét rằng ngay cả người Âu Châu không đạo đức vẫn tiếp tục coi mình là "có tinh thần". Các phân tích gia này lý luận rằng, tổng quát Âu Châu chưa từ bỏ tôn giáo nhưng chỉ "sắp xếp lại" tôn giáo.
Nhưng nếu Âu Châu nói chung hỗ trợ các luận điệu tục hóa thì Hoa Kỳ là một trường hợp nhiều khó khăn hơn. Hoa Kỳ không đi theo con đường của Âu Châu. Thật đúng là số người đến nhà thờ ở Hoa Kỳ sút giảm trong ba thập niên qua. Nhưng, khoảng 40 phần trăm người dân Hoa Kỳ nói rằng họ đến nhà thờ trong ngày Chúa Nhật. Trên 90 phần trăm người Hoa Kỳ tin vào Thiên Chúa, và 60 phần trăm nói rằng đức tin là điều quan trọng. Nghiên cứu dữ kiện về tôn giáo, Paul Bloom viết trong tờ "Atlantic Monthly" rằng "trên một nửa người Hoa Kỳ tin có phép lạ, ma quỷ, và thiên thần. Hầu hết người Hoa Kỳ tin rằng sau khi chết họ sẽ được thực sự gặp lại thân nhân và được gặp Thiên Chúa." Tất cả những điều này là một khó khăn trầm trọng cho luận điệu tục hóa, vì Hoa Kỳ đứng đầu sự hiện đại hóa. Luận điệu này tiên đoán rằng Hoa Kỳ sẽ là xã hội trần tục nhất trên thế giới. Thực tế, Hoa Kỳ là quốc gia đạo đức nhất trong thế giới Tây Phương.
Có lẽ khó khăn lớn nhất cho thuyết tục hóa là trong một thời đại ngày càng hiện đại hóa và toàn cầu hóa, thế giới nói chung thì ngày càng đạo đức, chứ không bớt. Trong một cuộc thăm dò mới đây, Pippa Norris và Ron Inglehart tóm lược các chứng cớ. Bất kể sự tiến bộ của phong trào tục hóa ở Tây Phương, họ viết, "Toàn thể thế giới giờ đây lại có thêm những người có quan điểm tôn  giáo truyền thống hơn trước, và họ tạo thành một lực lượng ngày càng gia tăng của dân số thế giới." Kết quả, Tây Phương thì càng tục hóa nhưng "toàn thể thế giới ngày càng đạo đức."
Đáng chú ý hơn nữa là sự hồi sinh tôn giáo đang xảy ra ở những nơi có sự hiện đại hóa nhanh chóng. Trung Cộng và Ấn Độ ngày nay có tỉ lệ gia tăng nhanh nhất thế giới, và tôn giáo đang lớn mạnh ở cả hai nơi. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các quốc gia Hồi Giáo tân tiến nhất, và người Hồi Giáo vững vàng phát triển mạnh. Ở Trung và Nam Mỹ, các giai cấp đang lên hiện đi theo Kitô Giáo Pentecost.
Sự lan tràn của văn hóa Hoa Kỳ, cùng với các giá trị trần tục, dường như không ngăn cản và ngay cả làm trì trệ sự bộc phát tôn giáo. Lý do là vì nhiều văn hóa không phải Tây Phương đang tích cực chống với chủ thuyết tục hóa. Một khẩu hiệu phổ thông ở Á Châu ngày nay là "hiện đại hóa nhưng không Tây Phương hóa". Nhiều người muốn sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và kỹ thuật của Hoa Kỳ, nhưng họ muốn dùng những điều này để duy trì và củng cố nếp sống truyền thống của họ. Họ muốn sống trong một thế giới nhiều sự hiện đại hóa.
Chúng ta thường nghe nói Hồi Giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất. Không đúng. Kitô Giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất trên thế giới ngày nay. Hồi Giáo đứng thứ nhì. Trong khi Hồi Giáo gia tăng phần lớn nhờ sự sinh sản--người Hồi Giáo thường có gia đình đông—Kitô Giáo lan tràn qua sự cải đạo nhanh chóng cũng như gia tăng tự nhiên. Hồi Giáo trở nên tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Âu Châu, mà trước đây trên một ngàn năm nó từng là mái nhà của Kitô Giáo. Năm 1920, văn sĩ Công Giáo Hilaire Belloc viết "đức tin là Âu Châu và Âu Châu là đức tin." Belloc tin rằng tương lai của Kitô Giáo nằm ở Âu Châu.
Thật cay đắng, trong khi Âu Châu tách rời khỏi Kitô Giáo, tôn giáo này lại phát triển ảnh hưởng  ở Trung và Nam Mỹ Châu, ở Phi Châu, và ở Á Châu. Vì lần đầu tiên trong lịch sử, Kitô Giáo trở nên một tôn giáo hoàn vũ. Nó thực sự là tôn giáo duy nhất ở khắp nơi. Phật Giáo và Hồi Giáo, cũng như Kitô Giáo, là các tôn giáo có khát vọng toàn cầu, nhưng những khát vọng này chưa được thực hiện. Phật Giáo chưa bao giờ được chính thức hóa ngay cả trong phần đất nơi phát sinh, là Ấn Độ, dù nó có quan hệ chặt chẽ với các nền văn hóa Đông và Nam Á Châu. Tuy có ít tín đồ ở Tây Phương, Phật Giáo vẫn là một tôn giáo có ảnh hưởng trong vùng. Hồi Giáo thì vững mạnh rộng lớn hơn, nhưng ngay cả như vậy Hồi Giáo chỉ có tính cách địa phương, ít có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Trung và Nam Mỹ Châu, hay Úc Châu. Ngược lại, Kitô Giáo là một lực lượng trong mọi lục địa và trong mọi vùng chính yếu của thế giới, với ngoại lệ duy nhất là Trung Đông, tâm điểm của Hồi Giáo.
Khuôn mặt mới của Kitô Giáo không còn là da trắng hay hoe vàng nhưng là da vàng, da đen và da nâu. Philip Jenkins viết trong The Next Christendom, "Nếu chúng ta muốn hình dung ra một Kitô Hữu tiêu biểu đương thời, chúng ta phải nghĩ đến người phụ nữ sống trong ngôi làng ở Nigeria hay trong khu lụp xụp ở Brazil ." Các trung tâm quan trọng của Kitô Giáo ngày nay không còn ở Geneva , Rôma, Ba Lê, hay Luân Đôn. Mà là Buenos Aires, Manila, Kinshasa, và Addis Ababa. Jenkins nhận xét, "Thời đại Kitô Giáo Tây Phương đã qua đi trong cuộc đời chúng ta, và những ngày của Kitô Giáo Nam Phương đang ló dạng."
Trong năm 1990, trên 80 phần trăm Kitô Hữu sống ở Âu Châu và Mỹ Châu. Ngày nay 60 phần trăm sống trong thế giới đang phát triển. Trên hai phần ba tín hữu Kitô hiện sống ở Á Châu, Phi Châu, và Nam Mỹ Châu. Sau đây là những con số Jenkins cho biết: Âu Châu ngày nay có 560 triệu Kitô Hữu và Hoa Kỳ có 260 triệu, tuy nhiên nhiều người chỉ mang danh là Kitô Hữu. Trong khi có 480 triệu Kitô Hữu ở Nam Mỹ, 313 triệu ở Á Châu, và 360 triệu ở Phi Châu. Phần lớn những người này là Kitô Hữu có sống đạo. Ở Ghana có nhiều người phái Presbyter đến nhà thờ hơn là ở Scotland.
Đã vậy, sự gia tăng Kitô Hữu này xảy ra sau khi chấm dứt sự xâm lăng và chủ nghĩa thực dân của Âu Châu. Những người đội nón thuộc địa từ lâu không còn nữa, nhưng đức tin đi theo với họ đến đây lần đầu tiên vẫn còn kéo dài và giờ đây đức tin ấy phát triển mà không cần họ. Nó giống như thời Kitô Giáo tiên khởi. Sau khi Constantine trở lại đạo và Theodosius công bố Kitô Giáo là quốc giáo cho đến khi chấm dứt thế kỷ thứ tư, Kitô Giáo được đế quốc La Mã chống đỡ. Tuy nhiên đức tin ấy lại lan tràn mau hơn sau khi đế quốc xụp đổ, và không lâu toàn thể Âu Châu là Kitô Hữu. Chúng ta đang chứng kiến một bước phát triển tương tự cho Kitô Giáo trên toàn thế giới.
Một thế kỷ trước, ít hơn 10 phần trăm Phi Châu là Kitô Hữu. Ngày nay nó gần 50 phần trăm. Đó là sự gia tăng từ 10 triệu người trong năm 1900 đến hơn 350 triệu ngày nay. Chỉ nước Uganda thôi có gần 20 triệu Kitô Hữu và được dự đoán sẽ có 50 triệu vào giữa thế kỷ này.  Một số giáo phái Phi Châu phát triển quá mạnh đến độ nhà thờ của họ không còn chỗ. Trong khi các nhà thuyết giáo Tây Phương lúc nào cũng phải nài nỉ dân chúng đến nhà thờ ngày Chúa Nhật để lấp đầy các hàng ghế, một số nhà giảng thuyết Phi Châu lại phải yêu cầu tín đồ giới hạn sự tham dự để giúp cho người khác có cơ hội được nghe tin mừng.
Trung và Nam Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng vượt bực của phái Pentacostal. Như David Martin cho thấy trong cuốn "Tongues of Fire", một phần của sự kiện này là vì sự chuyển đổi trong lòng Kitô Giáo: hàng triệu người Công Giáo Nam Mỹ đi sang các giáo phái Tin Lành. Thí dụ, ở Brazil, hiện giờ có khoảng 50 triệu người Tin Lành trong khi một vài thập niên trước đây không đủ để đếm. Tuy nhiên, sự chuyển đổi của người Công Giáo sang Tin Lành không chỉ thuần túy có tính cách chiều ngang, mà sự hoán cải của người Công Giáo ủy mị sang người Tin Lành tích cực, hăng hái có thể coi là một mối lợi cho Kitô Giáo. Ngay trong Công Giáo cũng có phong trào canh tân đoàn sủng đang lớn mạnh để phản ứng với sự thành công của các giáo phái Tin Lành. Sự canh tân đoàn sủng Công Giáo nhấn mạnh đến cùng chủ đề tỉ như Kitô Giáo "tái sinh", bao gồm sự tương giao cá biệt với Chúa Kitô. Và số giáo dân Công Giáo vẫn to lớn: Brazil có 50 triệu người Công Giáo trong 1950, nhưng giờ đây nó có đến 120 triệu.
Bất kể những bó buộc do nhà cầm quyền Trung Cộng áp đặt, người ta ước lượng hiện giờ có khoảng 100 triệu Kitô Hữu trong các giáo hội thầm lặng, Công Giáo cũng như Tin Lành. Với tỉ lệ phát triển hiện thời, David Aikman nhận xét trong cuốn Jesus in Bejing rằng trong một vài thập niên tới, Trung Cộng sẽ trở thành quốc gia Kitô Giáo lớn nhất thế giới. Ở Đại Hàn, số Kitô Hữu vượt cả số tín đồ Phật Giáo, có nhiều nhà thờ thật lớn với sức chứa trên 10,000 người. Giáo Hội Yoido Full Gospel cho biết có 750,000 thành viên. Giáo hội Công Giáo ở Phi Luật Tân cho biết có 60 triệu phần tử, và dự trù sẽ lên đến 120 triệu vào giữa thế kỷ này.
Điều đặc biệt của các Kitô Hữu này, Philip Jenkins cho biết, là họ đắm mình trong thế giới của Kinh Thánh đến độ một Kitô Hữu Tây Phương đạo đức không thể sánh được. Với người nghèo trên thế giới, hoàn cảnh xã hội của thời Kinh Thánh thì thật quen thuộc. Họ cũng sống trong một thế giới khổ cực, nghèo đói, có kẻ cho vay ăn lời và người phong cùi. Các đề tài tha hương và sự bách hại như còn âm vang trong lòng họ. Ma quỷ dường như rất thực đối với họ, và họ không có khó khăn gì với ý niệm hỏa ngục. Một số người còn trông đợi các phép lạ thời xa xưa sẽ xảy ra ngay trong cuộc đời họ. Tôi nhớ có một mục sư Phi Châu đến thăm nhà thờ mà tôi thường tham dự ở Northern Virginia. Ông nhấn mạnh rằng nhờ ơn Chúa ông đã chữa lành biết bao nhiêu người. Khi một linh mục phó xứ nhìn ông có vẻ nghi ngờ, ông chỉ tay vào cuốn Kinh Thánh và nói, "Này bạn, đó là sự khác biệt lớn lao giữa bạn và tôi. Bạn thấy cuốn sách kia không? Chúng tôi tin cuốn sách ấy."
Kitô Giáo của Thế Giới Thứ Ba này đang đến với chúng ta. Nam Hàn đã trở nên nguồn cung cấp các nhà truyền giáo đứng hàng thứ hai trên thế giới với 12,000 người đang rao giảng khắp nơi. Chỉ có Hoa Kỳ là gửi nhiều các nhà truyền giáo sang nước khác. Có thể chúng ta đang thấy khởi đầu của một sự đảo ngược. Đã có lần các nhà truyền giáo Kitô đến những lục địa xa xôi ở Phi Châu và Á Châu, là nơi các linh mục mặc áo chùng trắng rao giảng Kinh Thánh cho những người da nâu và da đen đang trố mắt nhìn và không hiểu. Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ thấy các nhà truyền giáo da đen và da nâu rao giảng Kinh Thánh cho những người da trắng ở Tây Phương đang trố mắt nhìn và không hiểu.
Chúng ta có thể nghĩ rằng lời rao giảng này sẽ không được đón nhận. Nhưng tôi không chắc. Tờ Washington Post cho biết có 150 nhà thờ ở Đan Mạch và trên 250 ở Anh do người ngoại quốc điều hành như "một phần của khuynh hướng đang lan tràn là các nhà thuyết giáo từ các quốc gia đang phát triển đến với Âu Châu Tây Phương." Stendor Johansen, một thuyền trưởng người Đan Mạch, dường như phản ảnh tình cảm của nhiều người Âu Châu đang gia nhập các giáo phái mới. Ông nói, "Giáo hội Đan Mạch thì chán chường. Tôi cảm thấy có sinh lực khi từ bỏ." Nếu có nhiều người chia sẻ các tình cảm như thế này thì có lẽ sau cùng phong trào tục hóa sẽ bị đảo ngược ngay ở Âu Châu.
Peter Berger viết về điều mà ông gọi là "huyền thoại tục hóa." Ông muốn nói các luận điệu của phong trào tục hóa giờ đây đã mất tín nhiệm. Thật vậy, nó đã đi theo thần Zeus và Baal. Tác phẩm của Berger đề cập đến các lý do của vấn đề này. Thành thật mà nói, phong trào tục hóa có thể bị đảo ngược ngay ở Âu Châu.
Berger lý luận rằng sự hiện đại hóa làm cho người ta có nhiều hơn những gì cần thiết nhưng nó cũng tạo ra một khủng hoảng sâu đậm về mục đích trong đời sống hiện đại. Ảnh hưởng của sự hiện đại hóa càng lớn thì sự lo âu của xã hội càng mạnh cũng như sự phấn đấu cho "điều gì hơn nữa". Như Wolfhart Pannenberg có viết, "Văn hóa thế tục tự nó tạo ra một nhu cầu sâm đậm về ý nghĩa cuộc đời và bởi thế cũng có nhu cầu về tôn giáo." Tôn giáo này có thể không phải là tôn giáo cùng một hình thức mà nó tiêm nhiễm ở Nigeria hay Đại Hàn, nhưng nó là tôn giáo truyền thống rất giống vậy, không kém quan trọng khi được thu nhận vào hoàn cảnh mới. Rất có thể là một Kitô Giáo được canh tân có thể thăng tiến đời sống hiện đại bằng sự chấn chỉnh một số thiếu sót và kiềm chế một số quá đáng của hiện đại.
Tôi thấy điều này rất đúng ngay trong chính đời tôi. Tôi sinh ở Ấn, và tổ tiên của tôi trở lại Kitô Giáo bởi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Vì đây là thời đại của Tòa Thẩm Tra Bồ Đào Nha, một số vũ lực và dùi cui đã được sử dụng. Khi tôi đến Hoa Kỳ với tư cách một sinh viên năm 1978, đạo nghĩa của tôi phần lớn là vì sinh trưởng và thói quen. Nhưng khi tôi lao vào đời sống hiện đại ở Hoa Kỳ, đức tin của tôi từ từ sâu đậm. G.K. Chesterton gọi đó là "cuộc khởi nghĩa tìm về chính thống". Cũng như Chesterton, tôi thấy mình nổi lên chống với chủ nghĩa thế tục cực đoan và tìm thấy trong Kitô Giáo một số câu trả lời cho những lưu tâm thực tiễn và trí thức. Bởi thế tôi biết ơn các vị thẩm tra lạnh lùng vì đã đưa tôi vào quỹ đạo của Kitô Giáo, dù rằng tôi không chắc tổ tiên tôi có cùng một nhiệt huyết như tôi hay không. Sự hăng hái của tôi là một Kitô Hữu ngược dòng văn hóa trong ý nghĩa là nó chống với các xu hướng mạnh mẽ trong văn hóa Tây Phương hiện đại. Tuy vậy nó hoàn toàn hiện đại vì nó đề cập đến các vấn đề và nhu cầu được phát sinh bởi cuộc sống trong văn hóa đó. Tôi không biết làm thế nào mà tôi có thể sống mà không có nó.
Dù vậy, nói cho cùng, câu chuyện của tôi không đáng quan tâm lắm, và dù Tây Phương có trở lại Kitô Giáo hay không thì cũng vậy. Có lẽ Kitô Hữu ngoài Tây Phương sẽ hoán cải những người Tây Phương không có đức tin, và có lẽ sẽ không phải như vậy. Cách nào đi nữa, họ là tương lai, họ biết điều đó, và bây giờ chúng ta cũng biết như vậy. Kitô Giáo có thể đến dưới một dạng thức khác hơn trong quá khứ của vài thế kỷ qua, nhưng Kitô Giáo sẽ chiến thắng, và chủ nghĩa thế tục sẽ thua. Tương lai thì không thể tiên đoán, nhưng có một chiều hướng dường như rất rõ. Thiên Chúa là tương lai, và chủ thuyết vô thần thì đang trên đà suy thoái.

CHƯƠNG 2

SỰ SỐNG CÒN CỦA ĐIỀU LINH THIÊNG:
TẠI SAO TÔN GIÁO ĐANG THẮNG LỢI

"Cường tráng, mạnh khỏe, và vui sướng thì tồn tại và phát triển."
Charles Darwin, The Origin of Species

S
ự phát triển liên tục của tôn giáo trên toàn thế giới không thể lọt qua mắt của những người vô thần có thế lực. Một số những người không có đức tin này, hầu hết theo thuyết Darwin , thẳng thắn bày tỏ sự kinh ngạc trước sự tồn tại mạnh mẽ của tôn giáo. Những người theo thuyết Darwin tin rằng phải có những giải thích có tính cách sinh vật học về lý do tại sao trong mọi nền văn hóa kể từ khi bắt đầu có lịch sử, người ta đã tìm thấy và tiếp tục tìm thấy sự khuây khỏa nơi tôn giáo. Nhà sinh vật học Richard Dawkins thú nhận rằng tôn giáo đề ra "vấn đề nan giải lớn lao cho bất cứ ai suy nghĩ theo đường lối của Darwin ."
Theo cái nhìn tiến hóa, đây là nan đề. Các học giả như nhà nhân loại học Scott Atran cho rằng niềm tin tôn giáo thì không gì khác hơn là ảo giác. Artran quả quyết rằng niềm tin tôn giáo đòi hỏi phải chấp nhận "những gì sai lạc về vật chất sẽ trở nên đúng" và "những gì đúng về vật chất sẽ trở nên sai lạc." Atran và những người khác tin rằng tôn giáo đòi hỏi một sự ủy thác vào "những thế giới không thể đúng như sự thật." Vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao loài người lại tiến hóa theo một phương cách nào đó để rồi họ tin vào những gì không hiện hữu.
Triết gia Daniel Dennett phát biểu vấn đề một cách rõ ràng: "Nền tảng để đo lường giá trị tiến hóa là sự phù hợp--khả năng sinh sôi nảy nở thành công hơn đối phương." Nhưng xét theo bề ngoài, tôn giáo dường như vô dụng theo quan điểm tiến hóa này. Nó mất thời giờ và tiền bạc, và nó xui giục các tín đồ hãy hy sinh sự thịnh vượng của mình cho những ích lợi của tha nhân, là những người nhiều khi hoàn toàn xa lạ.
Các tín đồ xây thánh đường và kim tự tháp mà các cơ sở ấy không được dùng trong công việc gì khác hơn là thờ phượng và chôn cất. Đạo Do Thái xưa sát tế những con bê béo để dâng lên Giavê, và ngày nay họ còn giết cả chiên và gà trên bàn thờ. Các tín đồ đôi khi còn kiêng cữ một vài thức ăn nào đó—đối với người Ấn Giáo con bò thì linh thiêng, và con heo thì xấu xa đối với người Hồi Giáo. Kitô Hữu đóng góp và tặng tiền bạc cho giáo hội. Người Do Thái tuân giữ ngày Sabát, như tín hữu Kitô giữ ngày Chúa Nhật. Tín đồ đọc kinh và đi hành hương. Một số trở thành nhà truyền giáo hoặc hy sinh cuộc đời để phục vụ người khác. Một số sẵn sàng hy sinh tính mạng vì niềm tin tôn giáo.
Nhà sinh vật học theo thuyết tiến hóa bị lúng túng: tại sao các tạo vật tiến hóa như con người, có khuynh hướng tồn tại và sinh sản, lại thi hành những điều dường như không có liên can và ngay cả độc hại đối với đối tượng? Đây là một câu hỏi hóc búa, không chỉ vì tôn giáo đưa ra một nan đề có tính cách trí thức cho giới Darwin, nhưng cũng vì giới Darwin hy vọng rằng khi giải thích được sự hiện hữu của tôn giáo họ có thể phô bầy các nguồn gốc tự nhiên của tôn giáo và sự hiểu biết về quyền lực siêu nhiên của tôn giáo. Nhà sinh vật học E.O. Wilson viết "chúng ta đi đến một giai đoạn chủ yếu trong lịch sử sinh vật học khi chính tôn giáo phải chịu sự giải thích của các khoa học tự nhiên." Ông bày tỏ sự hy vọng rằng một ngày nào đó không lâu "khía cạnh quyết liệt sau cùng sẽ đến khi ngành khoa học tự nhiên sẽ giải thích được tôn giáo truyền thống, địch thủ chính yếu của nó, như là một hiện tượng hoàn toàn vật chất."
Cho đến bây giờ, các thuyết tiến hóa này đã có tiến bộ nào khi giải thích về sự thành công của tôn giáo chưa? Dawkins viết, "Nguyên do gần đúng của tôn giáo có thể là tính hiếu động trong một giao điểm đặc biệt nào đó của não bộ." Ông cũng suy đoán rằng "ý tưởng bất tử được tồn tại và lan tràn vì nó nuôi dưỡng mơ tưởng." Nhưng nó không tạo ra ý thức tiến hóa để trí óc phát triển thành những điều tin tưởng khuây khỏa mà hiển nhiên là sai lầm. Tâm lý gia về nhận thức là Steven Pinker giải thích, "Một người đang chết cóng thì không thấy khuây khỏa khi tin rằng mình đang ấm áp. Một người đang đối diện với sư tử thì không an tâm khi tin rằng mình là một con thỏ." Mơ tưởng theo kiểu này sẽ tan biến mau chóng khi chủ thể bị chết cóng và bị ăn thịt.
Tuy nhiên, giải pháp của chính Pinker thì cũng không khá hơn của Dawkins. Ông đưa ra giả thuyết rằng có lẽ trong não bộ có một "yếu tố Thiên Chúa" khiến người ta tin vào Đấng Toàn Năng. Pinker viết, yếu tố đó có thể không nhằm mục đích sinh tồn nhưng có thể biến hóa thành một phó sản phẩm của các yếu tố khác với giá trị tiến hóa. 8 Kiểu nói này không khác gì thú nhận rằng không thể giải thích theo kiểu Darwin . Nói cho cùng, nếu một "yếu tố Thiên Chúa" tạo ra niềm tin nơi Thiên Chúa, thì "yếu tố Darwin " tạo ra niềm tin nơi sự tiến hóa?
Tuy vậy, vấn đề được nêu lên bởi giới Darwin thì không phải là điên rồ. Các nhà sinh vật học như Dawkins và Wilson nói rằng tuyệt đối phải có sự giải thích có tính cách tiến hóa và tự nhiên về tính phổ quát và kiên trì của niềm tin tôn giáo, và họ rất đúng. Có sự giải thích như vậy, và tôi rất vui để cung cấp một sự giải thích trong chương này. Mục Sư Randy Alcorn, người sáng lập phái Eternal Perspective Ministries ở Oregon, nhiều khi trình bầy cho khán giả hai câu chuyện tạo dựng và ông hỏi họ vấn đề sự thật của câu chuyện có quan trọng không. Trong câu chuyện thế tục, "Quý vị là hậu duệ của một tế bào nhỏ xíu của một nguyên sinh chất thời xa xưa bị trôi dạt vào một bờ biển trống vắng cách đây ba tỉ rưỡi năm. Quý vị là sản phẩm bất chợt và tùy tiện của thời gian, cơ hội, và các động lực tự nhiên. Quý vị chỉ là một mớ phân tử, một chất kết hợp di truyền. Qúy vị hiện hữu trong một tinh cầu li ti trong một thái dương hệ nhỏ xíu ở một góc vô nghĩa của vũ trụ. Qúy vị thuần tuý chỉ là một thực thể sinh vật học, chỉ khác biệt ở mức độ nhưng thể loại thì không khác gì vi trùng, vi khuẩn. Ngoài thể xác quý vị không có thực chất, và khi chết qúy vị sẽ tuyệt đối ngừng hiện hữu. Nói tóm lại, qúy vị đến từ hư không và không biết sẽ đi về đâu."
Ngược lại, theo quan điểm Kitô Giáo, "Quý vị là tạo vật đặc biệt của một Thiên Chúa nhân lành và toàn năng. Qúy vị được dựng nên theo hình ảnh của Người, với khả năng suy nghĩ, cảm nhận, và thờ phượng mà nhờ đó cao hơn tất cả các hình thức sự sống khác. Qúy vị khác với loài vật không chỉ ở mức độ nhưng còn ở bản tính. Bản tính của qúy vị không chỉ độc đáo, nhưng chính qúy vị còn độc đáo giữa dòng giống. Đấng Tạo Hóa rất yêu thương qúy vị và rất muốn được bầu bạn với qúy vị và muốn dành được thiện cảm qúy vị đến độ Người đã hoạch định một chương trình tuyệt hảo cho cuộc đời qúy vị. Ngoài ra, Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống đứa con duy nhất của Người để quý vị có thể sống vĩnh viễn với Người. Nếu quý vị muốn đón nhận món quà cứu độ, quý vị có thể trở nên con cái Thiên Chúa."
Bây giờ hãy tưởng tượng ra hai nhóm người—hãy gọi đó bộ lạc thế tục và bộ lạc tôn giáo—với hai quan điểm nói trên. Nhóm nào có vẻ muốn sinh tồn, phát triển và sinh sản? Bộ lạc tôn giáo được hình thành bởi những người có ý thức mạnh mẽ về mục đích. Bộ lạc thế tục gồm những người không biết chắc tại sao họ lại hiện hữu. Bộ lạc tôn giáo bao gồm những người lưu tâm đến từng ý nghĩ và hành động như hậu quả đương nhiên. Bộ lạc thế tục được hợp thành bởi những thể chất mà không thể giải thích được tại sao nó có thể suy nghĩ.
Các chuyên gia thuyết tiến hóa như Dennett, Dawkins, Pinker, và Wilson liệu có ngạc nhiên khi thấy các bộ lạc tôn giáo phát triển không? Trên toàn thế giới, các nhóm tôn giáo thu hút rất đông tín đồ và người có tôn giáo cho thấy họ rất tin tưởng vào đường lối sinh hoạt của đời sống họ và tin tưởng vào tương lai khi họ sinh sản. Trái lại, các nghị hội người vô thần chỉ thu hút một số ít các linh hồn cay đắng. Một trong những tổ chức vô thần lớn nhất là American Atheists có khoảng 2,500 thành viên. Bạn ném một viên đá vào bãi đậu xe của một đại học ưu tú ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, có lẽ hòn đá ấy sẽ trúng được một người vô thần. Nhưng ném viên đá ấy ở bất cứ chỗ nào khác, bạn phải nhắm cho kỹ.
Điểm quan trọng thì không chỉ là chủ nghĩa vô thần không thể cạnh tranh với tôn giáo trong sự thu hút tín đồ, nhưng còn là lối sống thực tế của người vô thần dường như tạo ra các bộ lạc lờ phờ mà chính họ cũng không muốn sinh sản. Nhà xã hội học Pippa Norris và Ron Inglehart nhận xét rằng nhiều quốc gia giầu có, tục hóa "chỉ sinh sản khoảng một nửa số trẻ em cần thiết để thay thế cho số dân lớn tuổi" trong khi các quốc gia nghèo hơn, ngoan đạo hơn thì "sinh sản gấp đôi hay gấp ba số trẻ em cần thiết để thay thế số dân lớn tuổi." Hậu quả, quá dễ tiên đoán đến độ hầu như người ta gọi đó là quy luật, là "dân có tôn giáo thì gia tăng nhanh, trong khi dân thế tục thì lại thu hẹp."
Nga là một trong những quốc gia vô thần nhất thế giới, và sự phá thai vượt quá sự sinh sản với tỉ lệ sinh một thì chết hai. Sinh xuất của Nga xuống thấp đến độ quốc gia này đang mất khoảng 700,000 người hàng năm. Nhật Bản, có lẽ là quốc gia trần tục nhất Á Châu, có số dân đang thu hẹp: 130 triệu hiện nay sẽ rút xuống còn 100 triệu trong vài thập niên tới. Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, và Tân Tây Lan cũng thấy mình trong tình trạng khó khăn tương tự.
Và rồi đó là Âu Châu. Lục địa trần tục nhất của địa cầu thì suy đồi theo nghĩa đen khi dân số của nó đang thu hẹp cách nhanh chóng. Sinh xuất vô cùng thấp ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Cộng Hòa Tiệp, và Thụy Điển. Các quốc gia Tây Âu ngày nay cho thấy mức sinh xuất xuống thấp đến độ kỷ lục, và sinh xuất của Đông Âu thấp tương đương. Các sử gia nhận xét rằng Âu Châu đang đau khổ vì sự sút giảm dân số kể từ khi có trận dịch hạch trong thế kỷ mười bốn, cứ ba người thì một người chết vì bệnh dịch. Thiếu căn tính tôn giáo mạnh mẽ mà trước đây từng được coi là quốc gia Kitô Giáo, Âu Châu vô thần dường như chỉ còn là một nền văn minh dẫy chết. Nietzsche tiên đoán rằng sự suy thoái của Âu Châu sẽ tạo ra một "con người sau cùng" khốn khổ không còn bất cứ mục đích gì khác ngoài việc sống thoải mái và cung cấp sự gian dâm thường xuyên. Vậy thì "con người sau cùng" của Nietzsche đã có đây, và tên của hắn là Sven.
Erich Kaufman từng nhận xét rằng ở Hoa Kỳ, là nơi mức độ di dân cao đã giúp bù đắp cho sự sa sút của sinh xuất, sinh xuất trong những người có tôn giáo thì hầu như cao gấp đôi so với người thế tục. Chiều hướng này cũng được nhận thấy ở Âu Châu. Điều này có nghĩa là, bởi sự chọn lựa tự nhiên, Tây Phương dường như đang tiến về chiều hướng đạo đức hơn. Chiều hướng này sẽ gia tăng nếu các xã hội Tây Phương tiếp tục du nhập người di dân từ các xã hội đạo đức hơn, dù là tín hữu Kitô Giáo hay Hồi Giáo. Như thế chúng ta có thể mong chờ rằng ngay cả các vùng trần tục nhất của thế giới sẽ trở nên ít trần tục hơn qua thời gian, hoàn toàn nhờ vào sự hợp lý của nhân khẩu học.
Trong các thập niên trước đây, các học giả cố gắng dùng kinh tế thuần túy để giải thích cho chiều hướng di dân. Ý tưởng chung cho rằng dân số là một yếu tố định đoạt sự sung túc. Các nhà xã hội học nhận xét rằng khi người dân và quốc gia ngày càng giầu hơn, họ có ít con hơn. Có lẽ xã hội sơ khai cần con cái để giúp việc đồng áng, và xã hội giầu sang hơn thì không cần. Người nghèo còn được nghĩ rằng họ có nhiều con hơn vì sinh hoạt tình dục là một trong những phương tiện giải trí duy nhất. Hơn thế nữa, người nghèo thường dốt nát về ngừa thai hay không có phương tiện. Từ quan điểm này, gia đình đông thường được giải thích là một hiện tượng của sự nghèo khổ và dốt nát.
Sự giải thích có tính cách kinh tế này chỉ đúng một phần, nhưng nó không thấy được toàn cảnh. Nhiều người nghèo có gia đình đông dù họ có thể ngừa thai và phương tiện giải trí; hoá ra họ thường muốn có đông con. Chắc chắn họ trông nhờ vào con cái về phương diện kinh tế, nhưng đàng khác, khi giầu hơn người ta thường có điều kiện để có thêm con cái. Người giầu ở Hoa Kỳ ngày nay có khuynh hướng chỉ có một con hay không có đứa nào, nhưng các gia đình giầu thời xưa thường có ba con hay hơn. Sự khác biệt thực sự không chỉ ở mức độ lợi tức—nhưng chính là vì thời xưa con cái được quý trọng như các quà tặng của Thiên Chúa, và các văn hóa truyền thống vẫn còn coi như vậy.
Các quốc gia theo Hồi Giáo, với lợi nhuận của dầu hỏa, thì không cách chi được coi là nghèo nhất thế giới, tuy vậy họ có sinh xuất thuộc những quốc gia cao nhất. Những tín hữu đạo đức trong Công Giáo, Do Thái chính thống, Mormon, và Tin Lành thì không phải là những nhóm nghèo nhất ở Hoa Kỳ, tuy vậy họ có gia đình đông. Hiển nhiên yếu tố tôn giáo có vai trò ở đây. Sự sút giảm sinh xuất ở Tây Phương, một cách tổng quát, đáng lưu ý nhất là vì phong trào tục hóa. Động lực tôn giáo để sinh con đã bị giảm bớt rất nhiều, và ngày nay con cái được nhiều người coi là các phương tiện để tự ban thưởng. Nguyên tắc xưa trong Kinh Thánh là "Hãy sinh sôi nẩy nở." Nguyên tắc mới là "có đông con càng nâng cao nếp sống."
Các nhà tiên đoán kinh tế về sự biến dạng của tôn giáo đã tự minh chứng họ là các tiên tri giả. Tôn giáo không chỉ thịnh vượng, nhưng nó còn phát triển vì giúp người ta thích ứng và tồn tại trong thế giới. Trong cuốn Darwin's Cathedral, tác giả là nhà sinh vật học tiến hóa David Sloan Wilson lý luận rằng tôn giáo cung ứng điều gì đó mà xã hội trần tục không có: một cái nhìn về mục đích siêu việt. Hậu quả là người có tôn giáo vui thích với đời sống, trong một ý nghĩa, trái tự nhiên. Họ cho thấy sự hy vọng về tương lai mà nó vượt quá những điều được cảnh cáo về chiều hướng thế giới. Và họ rèn đúc các quy tắc luân lý và bác ái chỉ để liên kết với nhau hơn, thích ứng hơn, và thành công hơn các nhóm mà phần tử của nó thiếu động lực ràng buộc và phấn khởi.
Tôi kết luận rằng không phải tôn giáo nhưng chủ thuyết vô thần cần được giải thích theo thuyết của Darwin . Thuyết vô thần thì hơi giống đồng tính luyến ái: người ta không biết nó thích hợp ở chỗ nào trong thuyết lựa chọn tự nhiên. Tại sao thiên nhiên lại chọn những người mà họ luyến ái với người đồng tính, một tiến trình không mang lại ích lợi sản xuất chút nào? Dường như cũng phức tạp tương tự tại sao thiên nhiên lại phát sinh ra một nhóm người mà họ không thấy mục đích cao cả hơn đối với đời sống và với vũ trụ. Đây là chỗ các chuyên gia sinh vật học như Dawkins, Pinker, và Wilson có thể chứng tỏ sự sáng chói. Có lẽ họ có thể xoay ống kính Darwin về chính họ và giúp chúng ta hiểu làm thế nào mà chủ thuyết vô thần lại tồn tại như một vật còn sót lại của thuyết tiến hóa sau thời nguyên thủy xa xưa của loài người.

CHƯƠNG 3

GIỚI VÔ THẦN TẤN CÔNG TÔN GIÁO:
THIÊN CHÚA KHÔNG VĨ ĐẠI

B
ị hoảng sợ bởi sức phát triển tôn giáo trên toàn thế giới, người vô thần Tây Phương ngày nay lên tiếng và tranh đấu nhiều hơn. Điều chúng ta đang chứng kiến ở Hoa Kỳ là phản ứng dữ dội của giới vô thần. Người vô thần nghĩ rằng họ đang chiến thắng, nhưng giờ đây họ nhận thấy rằng, tôn giáo chẳng những âm thầm dẫy chết nhưng lại đang tăng tiến trên toàn cầu. Bởi thế người vô thần đang phản công, họ dùng mọi nguồn tài nguyên có thể để vận động. Đây không phải là một cuộc chiến tôn giáo nhưng là cuộc chiến trên tôn giáo, và nó đã được tuyên bố bởi các người vô thần nổi tiếng Tây Phương, họ đã khởi đầu thái độ thù nghịch.
Con số thống kê cho thấy dường như số người vô thần ở Hoa Kỳ đang gia tăng. Chương trình "Pluralism Project" ở đại học Harvard cho biết những người không gia nhập tôn giáo giờ đây gần bốn mươi tỉ. Con số đó hầu như chiếm 15 phần trăm dân số, gia tăng từ mức độ dưới 10 phần trăm trong 1990, và như vậy chỉ trong một thập niên đội ngũ vô thần gần gấp đôi. Văn gia khoa học John Horgan rêu rao rằng "chúng tôi có nhiều người không tôn giáo hơn bạn tưởng." Người ta không rõ dữ kiện đó là vì có nhiều người vô thần hay chỉ vì nhiều người có thái độ cởi mở với chủ nghĩa vô thần.
Người vô thần xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thành bè phái riêng cho chính mình. Có những người theo chủ nghĩa thế tục (secularist), người không tín ngưỡng (nonbeliever), người không tin thần thánh (non-theist), người vô thiên hướng (apatheist), người chống thần thánh (anti-theist), người bất khả tri (agnostic), người hoài nghi (skeptic), người độc lập tư tưởng (free-thinker), và người theo chủ nghĩa nhân văn (humanist). Sự phân biệt tinh tế sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa các nhóm này. Trong khi người bất khả tri nói rằng họ không biết Thiên Chúa có hiện hữu hay không thì người thờ ơ tôn giáo nói rằng họ chẳng mấy lưu tâm. Một số nhóm này thực sự không phải vô thần, vì người vô thần là người tuyên bố rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Nhưng ngay cả vậy, trên thực tế, họ là người vô thần, bởi vì sự lãnh đạm và thiếu hiểu biết của họ đưa đến thái độ tẩy chay vai trò của Thiên Chúa trong thế giới. Trong sách này tôi sẽ dùng chữ vô thần theo nghĩa rộng để ám chỉ những người từ chối Thiên Chúa và họ sống như thể Người không hiện diện.
Yếu tố khác biệt của chủ nghĩa vô thần hiện đại là đội ngũ trí thức và sự tự tin luân lý. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ồ ạt sách vô thần, như cuốn "The God Delusion" của Richard Dawkins, "The End of Faith" của Sam Harris, "God: The Failed Hypothesis" của Victor Stenger, và "God is Not Great" của Christopher Hitchens. Các văn gia khác, như E.O. Wilson, Carl Sagan, Daniel Dennett, và Steven Pinker, cũng có nhiều tiểu luận chống tôn giáo và chống Kitô Giáo. Ở Âu Châu, tờ Wall Street Journal cho biết, triết gia Michel Onfray tập hợp lại những người thế tục với cuốn sách bán chạy nhất của ông "Atheist Manifesto", mà nó đề ra "trận chiến sau cùng" chống với các lực lượng Kitô Giáo.
Chúng ta chưa từng thấy những gì đang thấy hiện nay, đó là điều mà Dawkins quyết đoán là "sự kiêu hãnh vô thần." Các người vô thần nổi tiếng đang ăn mừng lớn. Hai người trong nhóm, là triết gia Hoa Kỳ Daniel Dennett và sinh vật học Anh Richard Dawkins, công bố các bài viết kêu gọi những người không tín ngưỡng hãy bỏ chữ "vô thần," vì theo họ đề nghị, chữ này bao hàm sự tiêu cực. Họ dùng chữ gì? Dennett và Dawkins muốn được gọi là "người sáng chói" (bright). Phải, "người sáng chói", như trong câu "Tôi là người sáng chói." Dawkins định nghĩa một người sáng chói là người tán thành "một quan điểm về thế giới không bị ràng buộc bởi siêu nhiên và thần bí." Theo Dennett, "Những người sáng chói chúng ta không tin vào ma qủy hay người lùn (elf) hay 'Easter Bunny'—hay Thiên Chúa." 6 Điều ngụ ý của Dennett thật hiển nhiên: người sáng chói là người thông minh không tin vào những điều mê tín ngớ ngẩn.
Những người sáng chói và người thế tục không bị ảnh hưởng trước sự gia tăng tôn giáo trên thế giới. Khi tôi viết một bài đăng trong tờ San Francisco Chronicle để chi tiết hóa sự gia tăng này, tôi nhận được nhiều lá thư phẫn nộ. Một đề tài thấy rõ: sự ngu dốt hay phi lý của người tín hữu. "Lý do mà các bộ lạc tôn giáo gia tăng trên toàn thế giới là vì tin vào những điều không được minh chứng thì dễ hơn là suy nghĩ và đặt vấn đề." "Hầu hết trên thế giới thì nghèo, thiếu giáo dục, và bị khó khăn bởi chiến tranh và bệnh tật. Bởi đó tôi không thấy khuây khỏa nhiều khi những người này tin vào các chuyện thần tiên để làm cho đời sống họ dễ dàng hơn." "Thật bàng hoàng là bất cứ ai với một chút tri giác lại có thể tin vào thần thánh, ma qủy, và yêu tinh. Hèn chi thế giới thật lộn xộn với quá nhiều người không có lý trí." "Thế giới thì đã quá đông người. Do đó nhờ những người vô thần chúng ta mà con số ấy giảm đi. Người nghèo, người tín hữu trong các quốc gia khác dường như đang sinh đẻ như chuột."
Phải, nghe có chút ngạo mạn, nhưng trong quan điểm của người vô thần và người sáng chói, nó được cho là đúng. Từ lâu người vô thần từng được coi là thiểu số bên lề và kín đáo, giờ đây họ đang đả kích tôn giáo với sự khoái trá lớn lao. Người đoạt giải Nobel là Steven Weinberg viết, "Bất cứ gì mà các khoa học gia chúng ta có thể làm để suy yếu vị thế tôn giáo thì phải được thực hiện và có lẽ đó là sự đóng góp lớn lao nhất của chúng ta cho nền văn minh." Sam Harris trong cuốn "The End of Faith" lên án điều mà ông cho rằng "ảnh hưởng điên rồ của niềm tin tôn giáo." Christopher Hitchen viết, "Mọi tôn giáo và mọi giáo hội đều điên cuồng trong niềm tin nơi sự can thiệp thần thánh, sự cầu bầu thần thánh, hoặc ngay cả sự hiện diện của thần thánh trước hết." Dawkins viết thêm, "Sự xấu xa vĩ đại không được nhắc đến ngay tại trung tâm văn hóa chúng ta là độc thần giáo. Từ một văn bản man rợ thời đồ đồng là Cựu Ước, ba tôn giáo đi ngược với con người đã phát sinh: Do Thái Giáo, Kitô Giáo, và Hồi Giáo."
Điều gì đã khiến người vô thần tự tin như thế? Câu trả lời ngắn gọn là khoa học. Nhiều người vô thần tin rằng khoa học hiện đại—phương cách nổi tiếng nhất để thu thập kiến thức, kỹ thuật để đem cho chúng ta máy bay và máy điện toán cũng như thuốc kháng sinh—đã chứng minh cho vị thế của người thế tục. Và dường như đa số khoa học gia ở Hoa Kỳ là người vô thần. Chỉ có 40 phần trăm--một thiểu số khá lớn, nhưng vẫn là một thiểu số--tin vào Thiên Chúa. Và trong các thành viên của tổ chức ưu tú "National Academy of Sciences", chỉ có 7 phần trăm khoa học gia có thể được xếp vào hạng người tín hữu. Nói chung, các con số này vẫn giữ nguyên trong vài thập niên, với tỉ lệ người vô thần có gia tăng chút đỉnh.
Nhưng điều gì của khoa học đã hỗ trợ chủ thuyết vô thần? Trước hết, khoa học dường như hữu hiệu hơn tôn giáo. Carl Sagan viết, "Chúng ta có thể cầu nguyện cho người bị dịch tả, hoặc cứ mười hai giờ đồng hồ cho họ 500 miligam thuốc trụ sinh tetracycline." Trong những trường hợp đó, Sagan nói rõ, ngay cả Kitô Hữu cũng bổ sung cho lời cầu nguyện bằng thuốc tây. Một lý do khác, theo Steven Pinker, đó là "các ngành khoa học hiện đại về vũ trụ, địa chất, sinh vật, và khảo cổ đã khiến cho một người hiểu biết khoa học không thể nào tin rằng câu chuyện tạo dựng trong kinh thánh thực sự đã xảy ra." Trong khi khoa học dựa vào nguyên tắc là "không có gì linh thiêng hơn dữ kiện,"  Sam Harris buộc tội rằng "thần học bây giờ chỉ hơn một nhánh ngu dốt của con người. Thật vậy, đó là sự ngu dốt với đôi cánh."
Để đưa ra lập trường của mình, người vô thần thường viện dẫn đến ảnh hưởng cách mạng của Charles Darwin. Trong cuốn "The Blind Watchmaker" Dawkins viết rằng "Darwin làm cho một người vô thần mãn nguyện về trí thức." Ông nói rõ rằng vũ trụ và các tạo vật trong đó cho thấy chứng cớ không thể chối cãi của sự hoạch định. Trước Darwin, không có sự giải thích nào đáng tin cậy cho sự hoạch định đó hơn là đưa ra một người hoạch định. Bởi đó không cách chi người vô thần dính dáng gì đến tính cách đa dạng và phức tạp của đời sống. Nhiều người--kể David Hume theo chủ thuyết hoài nghi--buộc phải nhìn nhận rằng, với các trang bị cần thiết, mỗi một tạo vật được làm cho phù hợp để sinh tồn bởi một loại hữu thể cao đẳng (higher-being) nào đó.
Dawkins và nhiều người khác nói rằng, thành tích lớn lao của thuyết tiến hóa và sự chọn lựa tự nhiên của Darwin là nó cho thấy làm thế nào mà các tạo vật dường như được hoạch định thì thật ra chúng tiến hóa theo sự thúc đẩy của cơ hội và sự sinh tồn. Bây giờ người vô thần có một cách giải thích khác tại sao cá lại có mang, chim lại có cánh, và tại sao con người lại có bộ óc và cánh tay và buồng phổi. Thật vậy, trong quan điểm vô thần, sự tiến hóa bác bẻ câu chuyện tạo dựng con người trong kinh thánh, cho rằng đó chỉ là một thần thoại thô thiển và cổ xưa. Carl Sagan nhận xét rằng "khi khoa học tiến bộ, dường như ngày càng ít việc của Thiên Chúa làm… Về sau, bất cứ gì chúng ta không thể giải thích được thì đều gán cho Thiên Chúa… Và sau đó ít lâu, chúng ta lại giải thích được, và vì vậy nó không còn trong lãnh vực của Thiên Chúa."  Dawkins lý luận rằng trái với những điều rêu rao của tôn giáo, con người chúng ta "là các bộ máy sinh tồn—các phương tiện biểu lộ máy móc được lập trình một cách mù quáng để duy trì các phân tử ích kỷ thường được gọi là 'gene'."
Trong cuốn "Darwin's Dangerous Idea", Dennett đồng ý rằng các lý thuyết của Darwin là một loại "axít phổ quát" mà nó "ăn xuyên qua mọi quan niệm cổ truyền, và để lại phía sau một quan điểm phổ quát cách mạng" về bản chất con người và vũ trụ. Đặc biệt, Dennett và những người khác giải thích lý thuyết Darwin theo ý nghĩa rằng mọi sự sống có thể hiểu hoàn toàn theo ý nghĩa tự nhiên và vật chất. Con người thì không gì khác hơn là vật thể đang di động. Còn linh hồn? Một sản phẩm của tưởng tượng. Còn sự sống đời sau? Chuyện hoang đường. Còn mục đích con người? Một ảo tưởng.
Các nhà sinh vật học nổi tiếng giải thích rõ ràng một số điều gợi ý. Như Darwin từng chứng minh rằng sự sống "là kết quả của một tiến trình tự nhiên," Francisco Ayala viết, chúng ta thì "không cần cầu viện đến Đấng Tạo Hóa."19 Trong một luận đề về sự tiến hóa và những quan hệ, William Provine viết, "Khoa học hiện đại trực tiếp hàm ý là không có luân lý cố hữu hay các quy luật đạo đức, không có các quy tắc hướng dẫn tuyệt đối cho xã hội con người … Chúng ta phải kết luận rằng khi chúng ta chết là chúng ta chết, và đó là sự chấm dứt của chúng ta."
Nhiều khoa học gia vô thần diễn tả con người như một bộ máy có gốc carbon, một vật thể hoàn toàn vật chất mà sự tin tưởng nơi những điều phi vật chất là một loại hiện tượng phụ hay ảo tưởng. Nhà sinh vật học Francis Crick, người giúp khám phá ra cơ cấu DNA, viết rằng mọi sinh vật có thể rút gọn vào các quy tắc về vật lý và hóa học. Sự sống là sản phẩm của các cơ năng cùng một loại với vật thể vô tri giác trong thiên nhiên. Ý thức thì "không gì khác hơn các tác động của một chuỗi tế bào não và các phân tử liên hệ." Nhà sinh vật học E.O. Wilson viết rằng những hoạt động tiềm ẩn của trí óc đem cho chúng ta "ảo tưởng của ý muốn tự do."
Khoa học gia về nhận thức Steven Pinker nói rõ rằng, trong nhiều thế kỷ, tôn giáo dậy con người tin vào linh hồn bất tử mà nó ngự trong thân xác chúng ta, một loại "ma quái trong bộ máy." Nhưng theo quan điểm của Pinker, khoa học hiện đại đã tiêu hủy niềm tin đó. "Trí tuệ là hoạt động sinh lý của não bộ" và "bộ óc, như các cơ phận khác, được khuôn đúc bởi 'gene'" và những gì được "khuôn đúc bởi sự chọn lựa tự nhiên và các quy trình tiến hóa khác." Do đó, trí tuệ thì không gì khác hơn "một thực thể trong thế giới vật lý, thuộc về một chuỗi nhân quả của các biến cố vật lý." Khi bộ óc suy sụp qua thời gian hay vì bệnh tật, trí tuệ biến mất. Còn linh hồn thì sao? Pinker om xòm tuyên bố rằng "bóng ma trong bộ máy đã bị yểm trừ."
Thuyết vô thần về khoa học này bắt nguồn từ thời Khai Sáng. Các nhà tư tưởng hàng đầu của thời Khai Sáng, như Voltaire, chống đối giáo sĩ và chống đối tôn giáo hơn là người vô thần. Tuy nhiên, Denis Diderot và Baron d'Holbach đã giới thiệu chủ thuyết vô thần một cách đầy đủ cho dân trí thức ở Âu Châu. Những nhà tư tưởng này coi khoa học như một hình thức vinh dự của kiến thức dựa trên lý trí và sự phê bình và sự thử nghiệm, và họ coi học thuyết tôn giáo như một hình thức ngu dốt bắt nguồn từ chuyện hoang đường, sự ép buộc, và sợ hãi. Như Voltaire viết, "Không có giáo phái nào trong hình học." Đó là vì có những phương pháp minh chứng giúp cho người có đầu óc khoa học đồng ý dựa trên dữ kiện.
Các chủ thuyết duy vật và tự nhiên hiện đại, đặt nền tảng trong đôi cánh vô thần của thời Khai Sáng, cho rằng vật thể chỉ là thực thể và không có những ảnh hưởng siêu nhiên trong thiên nhiên. Các người vô thần ngày nay dùng các ý tưởng này để hình thành các lý thuyết có ảnh hưởng. Tỉ như, Marx trình bầy tôn giáo như "thuốc phiện của đám đông", một dược chất làm đần độn trí tuệ, để nó không hiểu được các động lực khoa học đang tác động trong lịch sử. Freud, trong cuốn sách của ông "The Future of an Illusion" xuất bản năm 1927, định nghĩa niềm tin nơi Thiên Chúa là một ảo giác an ủi được phát minh bởi loài người để tránh dối diện với thực tại của sự chết. Khi Richard Dawkins xác nhận trong cuốn "The God Delusion" rằng ông có những điều tin tưởng "không vì đọc sách thánh nhưng vì tôi đã nghiên cứu chứng cớ," ông dứt khoát tự đặt mình trong truyền thống của thời Khai Sáng đầy hoài nghi.
Sự chỉ trích tôn giáo của thời Khai Sáng không chỉ là một chỉ trích về trí thức nhưng còn là một chỉ trích về luân lý. Đây cũng là trường hợp của thuyết vô thần ngày nay, nó bao gồm sự tẩy chay vai trò luân lý của Thiên Chúa trong thế giới cũng như kết án ảnh hưởng xấu của tôn giáo trong lịch sử. Christopher Higgins viết lưu loát về "sự trổi vượt luân lý của thuyết vô thần." Khuôn mặt hàng đầu của loại vô thần này là triết gia Friedrich Nietzche. Nietzche công nhận thuyết tiến hóa của Darwin là đúng, nhưng ông ghê tởm thuyết Darwin về điều mà ông cho là đề cao một loại hung ác đã sống sót trong thiên nhiên qua động lực thô bạo. Thuyết vô thần của Nietzche là một loại phả hệ khác với của Dawkin. Nietzche có lẽ sẽ lấy một giống Darwin của Dawkin như một tiêu chuẩn của loại người đặc biệt thấp và không giầu tưởng tượng thường tìm thấy ở nước Anh. Nietzche cũng quan tâm với sự sống còn của giống mạnh, nhưng đối với ông điều này có nghĩa sự tồn tại văn hóa của một hình thức con người vĩ đại và cao thượng và có óc tưởng tượng sắc sảo. Nietzche định nghĩa loại người cao cấp này là ubermensch, hoặc "thượng-nhân" (over-man).
Nietzche ghét tôn giáo, và trong tất cả ông ghét Kitô Giáo. Với ông, Kitô Giáo đại diện cho thái độ thù nghịch với đời sống, một sôi sục căm thù của sự hiện hữu được khoác chiếc áo đức tin trong một cuộc đời khác. Nietzche cũng coi Kitô Giáo như một kẻ thù của tự nhiên, vì nó tước đoạt của con người những khao khát chính đáng và thuộc bản năng muốn khuất phục và đè bẹp người thấp kém hơn. Trong quan điểm của Nietzche, Kitô Giáo phát minh ra luân lý như một phương tiện để kiểm soát những người có thế lực trên thế giới và dụ dỗ họ chia sẻ kết quả kỳ tài của mình cho những người kém cỏi hơn. Nói tóm lại, Kitô Giáo là một "nô lệ luân lý" được đề ra cho người tồi tệ, mà đối với Nietzche nó giải thích sự phổ biến rộng lớn của tôn giáo. Thuyết vô thần quý phái của Nietzche ít được công khai hỗ trợ ngày nay, nhưng nhiều đề tài của những bài bút chiến của ông chống với Kitô Giáo vẫn còn ảnh hưởng.
Một trong những đề tài đó là Thiên Chúa của Kitô Giáo là người chuyên chế. Nietzche chống đối không phải vì sự bạo ngược của Thiên Chúa, nhưng vì Người đại diện cho một loại bạo ngược sai lầm. Nietzche lên án Thiên Chúa của Kitô Giáo vì hạ bệ người cao trọng và nâng cao kẻ thấp kém. Người vô thần hiện đại như Christopher Hitchens cũng khiển trách Thiên Chúa của Kitô Giáo vì "luân lý nhạt nhẽo" của Người. Sự nô lệ và hệ thống gia trưởng thường được đề cập trong lời buộc tội, nhưng lý do phản đối thực sự là sự nghiêm khắc luân lý của đạo đức Kitô Giáo, mà nó đặt ra các giới răn khắt khe và dự báo hỏa ngục cho những ai không tuân theo. Hitchens buộc tội rằng "bốc đồng tôn giáo nằm gần những người độc đoán, nếu không phải là người chuyên chế," và nhất là ông đổ lỗi cho tôn giáo vì sự "dồn nén tình dục." Trong dòng tư duy này, Thiên Chúa bị kết án vì sự tự do, nhất là tự do luân lý không để cho loài người tự thẩm định những gì đúng và những gì sai.
Chủ đề chính thứ hai của nghị luận vô thần là tội ác của tôn giáo trong lịch sử. Những Thập Tự Chinh, Tòa Thẩm Tra, các cuộc chiến tranh tôn giáo, và các phiên toà xử các phù thủy, tất cả được nổi bật trong bản cáo trạng về luân lý này. Bertrand Russell viết trong cuốn "Why I Am Not A Christian", "Trong các thời đại thường được coi là thời đại đức tin, nhân danh tôn giáo, có đủ loại hung ác thi hành trên đủ mọi người." Trong những năm gần đây, với sự gia tăng của Hồi Giáo cực đoan và khủng bố, người vô thần thường trưng ra bin Laden và các kẻ đồng lõa để cho thấy tôn giáo là một xung lực để bạo động và đàn áp nói chung. Nhà bình luận Wendy Kaminer diễn tả cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín như một "khởi xướng dựa trên đức tin." Cuộc Chiến Chống Khủng Bố thường được miêu tả như sự đụng độ vì ganh đua giữa các chủ nghĩa cực đoan, với Kitô Hữu cực đoan ở một phía và Hồi Giáo cực đoan ở phía bên kia. Sam Harris bực dọc rằng "ngay cả hôm nay chúng ta còn giết lẫn nhau chỉ vì tài liệu cổ xưa."
Với người vô thần, giải pháp là làm suy yếu sức mạnh tôn giáo trên thế giới và đưa tôn giáo ra khỏi phạm vi công cộng để nó không còn ảnh hưởng đến chính sách chung. Trong quan niệm này, một thế giới trần tục sẽ an toàn hơn và hòa bình hơn. Triết gia Richard Rorty công bố niềm tin tôn giáo "nguy hiểm về chính trị" và tuyên bố rằng thuyết vô thần là căn bản thực tế duy nhất cho một "xã hội dân chủ đa nguyên." Các ý tưởng này vang dội khắp nơi trong nền văn hóa Tây Phương ngày nay.
Người ta có thể nghĩ rằng thuyết vô thần--được dựa trên như hiện nay là tẩy chay hay khước từ Thiên Chúa--sẽ không có một triết thuyết hay quan điểm về thế giới của nó. Về phương diện lịch sử, không thể nào vạch ra được điều gì giống như học thuyết vô thần. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều chủ đề chung mà gộp lại với nhau có thể đưa đến một loại ý thức hệ vô thần. Chúng ta nghe qua về ý thức hệ này khi Dawkins viết về "cảm xúc bàng hoàng mà khoa học có thể đem cho chúng ta" khi "một trong những cảm nghiệm cao nhất mà linh hồn con người có khả năng." Ở đây hầu như một loại tri giác tôn giáo, nhưng được đóng khung trong thuật ngữ trần tục. Hãy để  ý đến bản tuyên ngôn tự công bố của Carl Sagan, "Cho đến bây giờ, tốt hơn thì nắm lấy sự thật khó chấp nhận hơn là yên lòng với chuyện hoang đường." Đây là một khẳng định không bởi dữ kiện nhưng bởi quy tắc đạo đức, một quyết tâm thành thật can đảm thay vì mơ tưởng kỳ quặc, một khẳng định về điều mà người ta phải tin và về điều căn bản. Tuy có vẻ kỳ lạ, cách tốt nhất để hiểu về ý thức hệ này là hãy tham khảo nhân vật độc ác nhất trong câu chuyện Kitô Giáo.
Tên độc ác của Kitô Giáo, Satan, giờ đây trở thành người anh hùng vô thần. Hãy để ý đến cuốn "Paradise Lost" của Milton, Satan được miêu tả như một nhân vật cô đơn, gan dạ, mất hết hy vọng của vũ trụ, bị bỏ rơi với mưu kế của chính mình, lèo lái qua các tầng trời, từ chối không chấp nhận chủ quyền chuyên chế của Thiên Chúa, nổi loạn chống lại án trời, và quyết định bằng tài nguyên của chính mình xây dựng một vương quốc thù nghịch dành hết cho sự hạnh phúc ngay đây và tại lúc này. "Điều tưởng rằng đã mất thì chưa mất tất cả, ý muốn không khuất phục, và nghiên cứu sự trả thù, lòng căm thù bất diệt, và sự can đảm không bao giờ quy phục hay nhượng bộ." Đây là sự độc lập mà các người vô thần thời nay mơ tưởng. Như Rorty viết, "Đó là vấn đề quên đi vĩnh cửu." E.O. Wilson viết, "Chúng ta có thể tự hào là một giống loài bởi vì, khi khám phá rằng chúng ta cô độc, chúng ta nợ thần thánh rất ít."
Các người vô thần thời nay tự coi mình là những người tiền phong can đảm, đối diện với sự thật về nguồn gốc thấp kém của loài người và họ can đảm chấp nhận sự thật của cái chết. Họ tự nhận là được hướng dẫn không bởi đức tin mù quáng nhưng bởi ngọn lửa sáng chói của lý lẽ (tuy không thể không sai lầm). Họ tìm thấy luân lý không từ những giới răn tự bên ngoài nhưng tự bên trong phát sinh bởi sự tính toán phí tổn và ích lợi. Gạt qua một bên niềm hy vọng vào vĩnh cửu, họ tận tụy với sự thịnh vượng của giống người. Khoa học là châm ngôn của họ, và các thành quả thực tế là các "phép lạ" duy nhất mà họ sẵn sàng tán thành. Đó là một quan điểm gây ấn tượng sâu sắc, và toàn thể cuốn sách này tôi sẽ khảo sát quan điểm ấy một cách thận trọng để xem nó có ý nghĩa gì cho thế giới chúng ta và có thể nào nó phong phú đời sống chúng ta hay không

CHƯƠNG 4

GIÁO DỤC TRẺ EM SAI LẠC:
ĐỪNG ĐỂ CHÚNG BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA CHA MẸ

"Đó không phải là hình thức hành hạ trẻ em hay sao khi cho rằng chúng là những người thừa hưởng đức tin khi chúng quá non dại để suy nghĩ về điều đó?."
Richard Dawkins, The God Delusion

D
ường như người vô thần không bằng lòng với sự tự sát văn hóa--họ muốn đem trẻ em theo với họ. Chiến lược của người vô thần có thể diễn tả như thế này: hãy để người có đức tin sinh con đẻ cái, và chúng ta sẽ giáo dục chúng khinh dể đức tin của cha mẹ chúng. Như thế, sự tục hóa tâm trí của người trẻ, như nhiều người nghĩ, là hậu quả không thể tránh của sự học hỏi và trưởng thành. Đúng hơn, đó là sự bố trí của các giáo chức để cổ vũ chương trình chống đối tôn giáo ở mức độ rộng lớn.
Hãy lưu ý đến một thí dụ hợp thời để xem nó hoạt động như thế nào. Trong những năm gần đây, một số phụ huynh và ban giáo dục lên tiếng yêu cầu rằng các trường công dậy những điều khác hơn sự tiến hóa của Darwin. Các nỗ lực này khuấy động sự phản đối kịch liệt từ giới khoa học và cộng đồng những người không tín ngưỡng. Những người bảo vệ sự tiến hóa lên án phụ huynh và ban giáo dục là đã nhân danh tôn giáo mà làm trì trệ sự thu nhận kiến thức khoa học. Tờ Economist viết bài xã luận rằng, "Hầu như thuyết Darwin có nhiều kẻ thù là vì nó không phù hợp với sự giải thích sách Sáng Thế theo nghĩa đen."
Điều này có lẽ như vậy, nhưng thuyết Darwin cũng được hỗ trợ với cùng một lý do đó, có phải không? Hãy suy nghĩ cách khác: những người theo Darwin chỉ hỗ trợ khoa học. Nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy giới trẻ ở Hoa Kỳ ngày nay thì không biết gì về khoa học, phần lớn dốt nát về mọi khía cạnh của khoa học. Bao nhiêu em học sinh tốt nghiệp trung học có thể giải thích được ý nghĩa của phương trình nổi tiếng của Einstein? Nhiều người trẻ không có ý niệm gì về sự quang hợp hay định luật của Boyle. Vậy tại sao không có một phong trào chính trị tranh đấu cho việc dậy sự quang hợp? Tại sao ACLU không đệ đơn kiện nhân danh Định Luật Boyle?
Câu trả lời thật rõ ràng. Với những người bảo vệ thuyết Darwin, tôn giáo là vấn đề. Cũng như một số người chống đối thuyết tiến hóa bởi vì họ tin rằng nó trái với tôn giáo, nhiều người hỗ trợ thuyết này cũng chỉ vì cùng một lý do. Đây là lý do tại sao chúng ta có thuyết Darwin chứ không có thuyết Kepler; chúng ta gặp người theo Darwin chứ không ai tự cho mình là người theo Einstein. Thuyết Darwin đã trở nên một ý thức hệ.
Phong trào có tổ chức chu đáo để cổ vũ thuyết Darwin và loại trừ những lối giải thích khác là một phần của chương trình giáo dục rộng lớn trong các trường công ngày nay. Tôi để cho những người quán quân của chương trình này diễn tả nó theo ngôn từ của họ. "Đức tin là một trong những điều xấu xa nhất thế giới, có thể so với vi trùng đậu mùa nhưng khó để trừ khử," Richard Dawkins viết. "Tôn giáo có thể đưa dẫn người ta đến sự điên rồ nguy hiểm mà đối với tôi, dường như đức tin là loại bệnh tâm thần." Trong khi Dawkins công nhận là nhiều người tin rằng Thiên Chúa nói với họ hoặc Người đáp lời cầu xin của họ, ông nói rõ rằng "nhiều người của nhà thương điên này có một đức tin không lay chuyển rằng họ là Napoleon… nhưng đây không là lý do mà tất cả chúng ta phải tin họ."
Nhà bình luận Christopher Hitchens, một người Darwin hăng say, viết rằng, "Làm thế nào để chúng ta biết được có bao nhiêu trẻ em đã bị thương tật về đời sống tâm lý và thể lý bởi sự ép buộc ghi khắc đức tin?" Ông buộc tội, tôn giáo "nuôi hy vọng được thực hành trên các trí tuệ không được bảo vệ và không được khuôn đúc của giới trẻ." Ông tiếc nuối kết luận, "Nếu sự giáo dục tôn giáo không được cho phép cho đến khi đứa trẻ đến tuổi khôn, hẳn chúng ta đã sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt."
Nếu tôn giáo quá xấu, phải thi hành điều gì với tôn giáo chứ? Nó phải bị tẩy trừ. Theo Sam Harris, niềm tin nơi Kitô Giáo thì giống như niềm tin nơi sự nô lệ. "Tôi sẽ là người đầu tiên thú nhận rằng triển vọng tẩy xoá tôn giáo trong thời đại chúng ta dường như không kết quả. Cũng không khác gì các nỗ lực để tẩy xóa sự nô lệ vào cuối thế kỷ mười tám."
Nhưng làm thế nào để tiêu diệt tôn giáo? Các nhà giáo dục vô thần có câu trả lời ngắn gọn: qua sức mạnh của khoa học. "Cá nhân tôi cảm thấy rằng việc giảng dậy môn khoa học cận đại là sự sói mòn đức tin tôn giáo, và tôi hết sức ủng hộ," nhà vật lý học Steven Weinberg viết. Nếu các khoa học gia có thể tiêu diệt ảnh hưởng của tôn giáo nơi người trẻ, "thì tôi nghĩ rằng có lẽ đó là sự góp phần quan trọng nhất mà chúng ta đã thực hiện."
Một phương cách mà khoa học có thể làm suy yếu tính cách đáng tin cậy của tôn giáo, theo nhà sinh vật học E.O. Wilson, là cho thấy rằng trí tuệ chỉ là sản phẩm của sự tiến hóa, và sự tự do chọn lựa về luân lý chỉ là ảo giác. "Nếu tôn giáo… có thể bị phân tích và giải thích có phương pháp như một sản phẩm của sự tiến hóa của não bộ, sức mạnh của tôn giáo như một nguồn đạo lý ở ngoài sẽ bị biến mất."
Bởi xoá bỏ mọi chân lý siêu việt hay siêu nhiên, khoa học có thể tự củng cố như nguồn chân lý duy nhất, lối duy nhất của chúng ta đến với thực tại. Tính khách quan của sự giáo dục khoa học, theo nhà sinh vật học Richard Lewontin, "thì không phải là cung ứng cho công chúng kiến thức về khoảng cách tinh tú và làm bằng 'gene' nào." Đúng ra, "vấn đề là giúp họ loại bỏ những giải thích có tính cách siêu nhiên và phi lý về thế giới, những ma quái hiện diện chỉ trong trí tưởng tượng của họ, và chấp nhận một đồ dùng có tính cách xã hội và hiểu biết, là khoa học, như điều duy nhất phát sinh ra chân lý."
Vậy, điều gì xảy ra cho tôn giáo? Triết gia Daniel Dennett đề nghị rằng "các tôn giáo truyền thống chắc chắn phải được duy trì, cũng như ngôn ngữ, nghệ thuật, y phục, nghi thức, đền đài. Các sở thú bây giờ không ít thì nhiều được coi nơi trú ẩn hạng hai cho các giống đang bị nguy cơ diệt chủng, nhưng tối thiểu chúng là nơi trú ẩn, và những gì chúng duy trì thì không thể thay thế được."
Làm thế nào để thực hiện tất cả những điều này? Câu trả lời thật đơn giản: qua sự truyền bá trong các trường. Richard Dawkins vừa mới phát hành một bộ DVD có tên là "Growing Up in the Universe", dựa trên các bài thuyết trình của ông "Royal Institution Christmas Lectures" cho trẻ em. Các bài này cổ vũ nền triết học có tính cách trần tục và tự nhiên của ông về đời sống.
Daniel Dennett khích lệ rằng các trường hãy dậy về tôn giáo như một hiện tượng thuần túy tự nhiên. Điều này ông muốn nói rằng tôn giáo phải được dậy như thể nó không thật. Dennett lý luận rằng tôn giáo thì giống như môn thể thao hay ung thư, "một hiện tượng con người tổng hợp bởi các biến cố, sinh vật, vật thể, cơ cấu, khuôn khổ." Khi học hỏi tôn giáo theo giả thuyết rằng không có chân lý siêu nhiên nằm đằng sau, Dennett cho rằng người trẻ sẽ đi đến việc chấp nhận tôn giáo như một sáng tạo xã hội không hướng về điều gì cao hơn là hy vọng và khao khát của con người.
Còn với thuyết vô thần, Sam Harris lý luận rằng nó phải được dậy như chỉ là một nhánh tiếp nối của khoa học và sự hợp lý. "Thuyết vô thần không phải là triết lý. Nó cũng không phải là một quan điểm về thế giới. Nó chỉ là sự thu nạp những gì hiển nhiên… Thuyết vô thần thì không khác gì hơn là những tiếng ồn ào gây ra bởi người có lý trí khi thấy sự hiện diện vô lý của các niềm tin tôn giáo."
Hãy để ý đến một thí dụ thực tế về hoạt động này. Trong chương trình Cosmos nổi tiếng trên đài PBS, nhà thiên văn học Carl Sagan đề ra một khẩu hiệu đặc biệt "Tất cả vũ trụ chỉ có thế, trước đây cũng vậy, mãi mãi cũng vậy." Điều Sagan muốn nói thật rõ ràng: thiên nhiên là tất cả những gì hiện hữu, và tuyệt đối không có siêu nhiên. Điều này được trình bầy không chỉ là một xác nhận trừu tượng nhưng như một khám phá khoa học có uy quyền.
Nhưng ít ra điều đó được trình bầy cho người lớn, ai có thể thẩm định giá trị câu nói của Sagan và tự mình quyết định. Không lâu sau đó, học thuyết của Sagan được tìm thấy trong sách giáo khoa trẻ em. Cuốn "The Berenstain Bears' Nature Guide", với các chú gấu dạo chơi trong khu rừng. Đậm nét trên trang bìa với cảnh xinh đẹp là hàng chữ ý thức hệ, ""Tất cả vũ trụ chỉ có thế, trước đây cũng vậy, mãi mãi cũng vậy."
Ảnh hưởng của mọi sự truyền bá này, những đề cao lý luận vô thần, thì tôn giáo không chỉ biến mất nhưng nó sẽ không còn là vấn đề. Văn gia Jonathan Rauch gọi đây là "apatheism" (vô thiên hướng), mà ông định nghĩa như "một sự miễn cưỡng lưu tâm đến tôn giáo của chính mình, và ngay cả càng chán ghét lưu tâm đến tôn giáo của người khác." Rauch lý luận rằng ngay cả nhiều người tự nhận là tín hữu Kitô ngày nay thực sự là người vô thiên hướng. Ông dám chắc rằng, "Nó không phải là sự suy đồi. Nó là một thành tích." Rauch hy vọng toàn thể văn hóa của chúng ta sẽ đi theo chiều hướng này.
Nếu siêu nhiên không còn trở nên một chủ thể của lòng sùng bái, điều gì xảy ra cho động lực tôn giáo? Một số nhà giáo dục thuyết phục rằng trẻ em phải được dậy tôn sùng khoa học, mà có thể thay thế tôn giáo như đối tượng của sự sùng kính của con người. Trong một nghị hội về khoa học và tôn giáo năm 2006, Carolyn Porco, một khoa học gia về nghiên cứu tại viện Space Science Institute ở Colorado, khuyên "Chúng ta phải để sự thành công của các công thức tôn giáo hướng dẫn chúng ta. Hãy dậy các em ngay từ khi còn bé về câu chuyện của vũ trụ và sự phong phú cũng như mỹ miều của vũ trụ. Nó đã có quá nhiều điều rực rỡ và kinh hoàng—và ngay cả sự sung túc—hơn bất cứ gì được đưa ra bởi bất cứ sách thánh hay ý niệm Thiên Chúa nào mà tôi biết."
Dĩ nhiên, phụ huynh--nhất là phụ huynh Kitô Hữu—có thể muốn nói điều gì về tất cả những điều này. Đó là lý do các nhà giáo dục vô thần hiện đang đặt vấn đề là liệu cha mẹ có quyền kiểm soát những gì con cái học hỏi hay không. Dawkins hỏi, "Chúng ta coi trẻ em là sở hữu của cha mẹ đến mức nào? Nói rằng người ta được tự do tin tưởng bất cứ gì họ muốn là một chuyện, nhưng họ có được tự do để áp đặt đức tin lên con cái không? Có cần nói gì để xã hội can thiệp vào không? Còn việc dậy dỗ con cái để chúng tin những điều lầm lạc hiển nhiên thì sao? Đó không phải là hình thức hành hạ trẻ em hay sao khi cho rằng chúng là những người thừa hưởng đức tin khi chúng quá non dại để suy nghĩ về điều đó?"
Dennett nhận xét rằng, "một số trẻ em được lớn lên trong một nhà tù ý thức hệ như thế mà chúng sẵn sàng trở nên người cai tù chính mình… tự cấm mình không được giao tiếp với bất cứ ý tưởng giải phóng nào mà nó có thể thay đổi tâm trí của chúng." Ông nói thêm, lỗi lầm là ở cha mẹ  người nuôi nấng chúng. "Cha mẹ không sở hữu con cái giống như trước đây chủ nhân sở hữu nô lệ, nhưng đúng ra, sự quản lý và giám hộ của họ cũng như người bên ngoài phải chịu trách nhiệm về sự giám hộ chúng, mà nó ám chỉ người bên ngoài có quyền can thiệp vào."
Trong một bài nói chuyện mới đây, tâm lý gia Nicholas Humphrey lý luận rằng cũng như tổ chức Ân Xá Quốc Tế hoạt động để giải phóng tù nhân chính trị trên thế giới, các giáo chức ngoài đời cũng phải hoạt động để giải thoát trẻ em khỏi sự ảnh hưởng thiệt hại của các điều giảng dậy về tôn giáo của cha mẹ. "Theo đó, cha mẹ không được phép để thay đổi văn hóa của con cái theo bất cứ cách nào họ chọn: không có quyền giới hạn sự hiểu biết của con cái, nuôi dưỡng chúng trong một môi trường của giáo điều và dị đoan, hay nhất quyết chúng phải theo con đường thẳng và hẹp của đức tin mình."
Triết gia Richard Rorty thuyết phục rằng các giáo sư trần tục trong các đại học phải "sắp đặt thế nào để sinh viên khi đi vào là một người tôn giáo chính thống, tin mù quáng, sợ đồng tính luyến ái sẽ ra khỏi đại học với các quan điểm giống như của chính chúng ta." Rorty nhận định rằng các sinh viên thật may mắn để thấy mình "được dưới sự Herrschaft nhân từ của những người như tôi, và thoát khỏi sự kềm kẹp của cha mẹ đáng sợ, độc ác và nguy hiểm." Thật vậy, cha mẹ gửi con cái vào trường phải biết rằng là các giáo sư "chúng ta sẽ đi ngay vào việc tìm cách giảm uy tín cha mẹ trong ánh mắt con cái, tìm cách lột bỏ phẩm giá của cộng đồng tôn giáo của cha mẹ, tìm cách làm cho các quan điểm của cha mẹ dường như lố bịch hơn là có thể tranh luận."
Đây là cách nhiều giáo chức trần tục đối xử với các sinh viên có đức tin truyền thống. Chiến lược là không tranh luận với các quan điểm tôn giáo hay chứng minh là sai. Thay vào đó, làm cho họ bị khinh bỉ đến độ bị đẩy ra khỏi các lãnh vực có thể tranh luận. Chiến lược này có hiệu quả bởi vì người trẻ vào đại học với sự hăng hái muốn biết là một người của Harvard hay Stanford có nghĩa gì. Hậu quả là các giáo sư có thể dễ dàng lèo lái họ suy nghĩ theo một phương cách nào đó chỉ bởi làm cho quan điểm đó có vẻ hợp thời và sáng suốt. Tương tự, giáo sư có thể áp lực sinh viên từ bỏ những gì mà cha mẹ họ dậy bảo do bởi chỉ cần gán cho những lập trường đó là giản dị và ngây thơ.
Một chiến lược phổ thông thứ hai được dùng để cổ vũ thuyết vô thần ở đại học là sinh hoạt tình dục. Một tay quán quân về thuyết bất khả tri nói với tôi, "Để chống với sức mạnh của tôn giáo, chúng tôi dùng đến sức mạnh ngang bằng nếu không muốn nói là lớn hơn--sức mạnh của kích thích tố." Thuyết vô thần được đề cao như một phương tiện để người trẻ tự giải thoát mình khỏi sự ràng buộc luân lý và thoả mãn khao khát của họ. Tôn giáo, trong khung cảnh này, được trình bầy như một hình thức kềm chế tình dục.
Giờ đây, trong văn hóa Tây Phương, câu chuyện của một người trẻ đi từ thời thơ ấu ngây thơ và đạo đức đến trạng thái nghi ngờ, giải thoát tình dục, và sau cùng một người bất cần đạo lý thì thật phổ thông. Trong khi điều này thường được miêu tả như một hình thức khai sáng và giải phóng, nó cũng tượng trưng cho một sự tấn công tôn giáo và luân lý truyền thống được thúc giục bởi ý thức hệ. Tôn giáo và luân lý hoặc bị loại trừ khỏi sự lưu tâm hoặc bị đối xử với sự khinh miệt hữu lý. Nhà sinh vật học Kenneth Miller, người đã làm chứng bênh vực thuyết bất khả tri trong các phiên toà, thú nhận rằng "trong đời sống đại học, việc thừa nhận thuyết vô thần hay thuyết bất khả tri thì rất phổ thông… Các cuộc họp trong sinh hoạt đại học, hầu như mọi nơi, xoay quanh sự thừa nhận rằng niềm tin tôn giáo là một điều mà người ta từ bỏ khi họ trở nên trí thức."
Trẻ em dành phần lớn thời giờ ở nhà trường. Cha mẹ đầu tư phần lớn tiền tiết kiệm vào đại học để giao khoán con cái họ cho những người được nghĩ rằng sẽ giáo dục chúng. Đó không phải là tuyệt diệu hay sao khi các nhà giáo dục đã nghĩ ra cách để làm cho cha mẹ trở nên công cụ cho chính những điều họ không làm? Đó không phải là sáng chói hay sao khi họ dẫn dụ các phụ huynh Kitô Giáo cung cấp tài chánh cho sự hủy hoại đức tin và giá trị của chính mình? Ai nói rằng người vô thần thì không khôn ngoan?

CHƯƠNG 5

CỦA XÊDA TRẢ LẠI CHO XÊDA:
NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA CHÍNH QUYỀN HẠN CHẾ

"Kitô giáo chứ không phải điều gì khác là nền tảng cơ bản của sự tự do, lương tâm, nhân quyền và dân chủ, các tiến bộ đáng kể của văn minh Tây Phương. Chúng ta tiếp tục được nuôi dưỡng tự nguồn gốc này." Jurgen Habermas, "A Time of Transition"
S
ỗ lực dậy bảo con cái chúng ta phải có thái độ thù nghịch với tôn giáo, và nhất là Kitô Giáo, thì thực sự lạ lùng nếu biết rằng văn minh Tây Phương được xây dựng bởi Kitô Giáo. Vấn đề thì không phải là con em chúng ta biết quá nhiều về Kitô Giáo, nhưng là chúng biết quá ít. Ở Hoa Kỳ chúng ta không có trở ngại về madrassas của Hồi Giáo, là nơi kinh Koran được học hỏi. Đúng hơn, chúng ta sống trong một xã hội ngu dốt về tôn giáo mà trong đó Kinh Thánh ít khi được dậy bảo. Hậu quả là nhiều người ở Hoa Kỳ và Tây Phương không thể kể ra năm điều trong Mười Điều Răn, hoặc biết rằng Sáng Thế Ký là cuốn đầu tiên của Kinh Thánh. Ngay cả ý nghĩa của Ba Ngôi Thiên Chúa cũng không được điểm nào. Một trong mười người Hoa Kỳ hình như họ tin rằng "Joan of Arc" là vợ của ông Noe. Sự ngu dốt kiểu này làm cho nhiều người Tây Phương xa lạ với nền văn minh của chính mình, vì họ không biết văn chương, lịch sử, và triết lý nào đã làm cho Tây Phương trở nên văn minh như ngày nay.
Còn có loại người thứ hai, trong một phương cách nào đó còn nguy hiểm hơn loại thứ nhất, mà tôi thường chạm trán. Đây là những người nghĩ rằng họ biết về nền móng của văn minh Tây Phương nhưng thực sự lại không biết. Những người này thường là sản phẩm của sự tự giáo dục, hay chỉ đọc lướt qua, hay những lời đồn đại mà họ góp nhặt từ nhiều năm. Họ không đọc Edward Gibbon, nhưng lại thấm nhuần thái độ bài-Kitô Giáo của ông ta. Do đó họ mạnh dạn khẳng định rằng Hy Lạp và Rôma đại diện cho cao điểm của nền văn minh cổ. Họ than thở, thế giới kinh điển sau đó bị tiêu diệt bởi quân man di mọi rợ Kitô Hữu là những người đã nhận chìm thế giới vào Thời Tăm Tối. Họ nói tiếp, may mắn thay nền văn minh được duy trì bởi thời kỳ Phục Hưng mà đó là một sự quay trở về để nghiên cứu kinh điển. Sau đó là thời Khai Sáng, nó đã mở mắt chúng ta để thấy những điều lạ lùng của khoa học hiện đại, của hệ thống thị trường để tạo nên sự thịnh vượng, và dân chủ cận đại.
Ngay cả những danh từ—"Thời Trung Cổ", "Thời Tăm Tối"—đưa những người này đến các thành kiến. Những chữ như "Phục Hưng" và "Khai Sáng" thường được giải thích mù quáng là những miêu tả tinh thần thời đại theo nghĩa đen. Chúng ta phải nhớ rằng những người sống trong thời Phục Hưng không tự coi mình là nhân vật Phục Hưng. Chữ này là một danh từ của thế kỷ mười chín mà nó được dùng để áp dụng cho thời trước đó.
Ngoài hai nhóm mà tôi đã nhắc đến—nhóm ngu dốt và nhóm giáo dục nửa vời—chúng ta phải thêm nhóm thứ ba là những người biết rằng Tây Phương có nguồn gốc Kitô Giáo nhưng họ muốn từ bỏ. Khi những người soạn thảo hiến chương của Liên Hiệp Âu Châu để loại trừ bất cứ điều gì dính đến Kitô Giáo ra khỏi gốc gác của Âu Châu, họ đã thi hành điều này bởi vì họ muốn nhấn mạnh đến mức độ mà Âu Châu đã tách rời khỏi quá khứ Kitô Giáo. Như George Weigel viết trong cuốn "The Cube and the Cathedral", chủ nghĩa thế tục hiện giờ là một trong những biểu ngữ mà người Âu Châu hiện đại muốn diễn hành dưới bóng của nó.
Trong chương này và chương kế tiếp, tôi muốn đánh tan một số thành kiến hiện nay và cho thấy Kitô Giáo chính là nguồn gốc và nền tảng của văn minh Tây Phương. Tôi cũng muốn chứng tỏ rằng Kitô Giáo chịu trách nhiệm cho nhiều giá trị và tổ chức ngoài đời mà người ta quý mến nhất. Kết quả là, sự khao khát muốn từ chối nguồn gốc Kitô Giáo của văn hóa Tây Phương thì không chỉ là một hành vi từ chối lịch sử, nhưng nó còn đưa các ưu tiên luân lý của người thế tục vào tình trạng hiểm nghèo.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc khảo sát xem Kitô Giáo đã hình thành loại cột trụ nền tảng nào cho văn minh Tây Phương. Thực sự, Tây Phương được xây dựng trên hai cột trụ: Athen và Giêrusalem. Nói đến Athen, tôi muốn nói văn minh cổ điển, nền văn minh của Hy Lạp và Rôma trước khi có Kitô Giáo. Nói đến Giêrusalem, tôi muốn nói đến đạo Do Thái và Kitô Giáo. Trong hai chữ này, Giêrusalem thì quan trọng hơn. Athen mà chúng biết và yêu mến thì không thực sự là Athen, nhưng đúng ra nó là Athen được nhìn dưới mắt của Giêrusalem.
"Chính ở Rôma, vào ngày mười lăm tháng Mười 1764, khi tôi ngồi đăm chiêu ở giữa đống gạch vụn của Thủ Đô, trong khi các thầy tu khổ hạnh đang ngâm nga kinh chiều trong Đền Jupiter, đó là khi trong đầu tôi nảy ra ý tưởng viết về sự suy sụp của thành phố này". Trong cuốn "The Decline and Fall of the Roman Empire", Edward Gibbon kết án Kitô Giáo đã thay thế nền văn minh kinh điển bằng sự man rợ của tôn giáo. Nhưng nền văn minh kinh điển thì tự nó pha trộn với các thói quen man rợ tỉ như thói đồng dâm nam (pederasty) và nô lệ. Hơn thế nữa, tín hữu Kitô không tiêu diệt văn minh La Mã. Người Hun, người Goth, người Vandal, và Visigoth đã làm điều đó. Những người man rợ này, đến từ các vùng ngoại giáo ở phía bắc Âu Châu, tàn phá Rôma mà từ lâu nó đã suy yếu và điêu tàn. May mắn thay, sau cùng họ trở lại Kitô Giáo. Sau một thời gian, chính Kitô Giáo đã văn minh hóa những người thô lỗ này. Kitô Giáo tìm thấy một lục địa mà nó đã từng bị bỏ hoang. "Thời Tăm Tối" là hậu quả của sự điêu tàn và cướp phá của những người man rợ.
Một cách từ từ và chắc chắn, Kitô Giáo đã chiếm lục địa lạc hậu này và đem cho nó kiến thức và trật tự, sự vững vàng và phẩm giá. Các đan sĩ sao chép và nghiên cứu các bản thảo mà nhờ đó đã duy trì kiến thức của thời cổ xưa này. Trong cuốn "Religion and the Rise of Western Culture", Christopher Dawson cho thấy làm thế nào mà các đan viện đã trở nên các địa điểm thành công và có kiến thức trên toàn Âu Châu. Nơi trước đây từng bị bỏ hoang nay họ làm thành các thôn xóm, sau đó thị xã, và sau cùng các khối thịnh vượng chung và thành phố. Qua nhiều năm, các chiến sĩ man rợ độc ác trở nên hiệp sĩ Kitô Giáo có tác phong, và các lý tưởng về văn minh và phong cách cũng như tình cảm được hình thành mà chúng khuôn đúc xã hội chúng ta ngày nay. Nếu Kitô Giáo không được phát sinh từ Do Thái Giáo, Rodney Stark viết, rất có thể chúng ta vẫn còn sống trong Thời Tăm Tối.
Kitô Giáo có trách nhiệm về đường lối mà xã hội chúng ta được tổ chức và phương cách chúng ta sống hiện thời. Kitô Giáo góp phần quá nhiều vào hệ thống luật lệ, kinh tế, chính trị, nghệ thuật, lịch, ngày lễ của chúng ta, cũng như các ưu thế về luân lý và văn hóa mà sử gia J.M. Roberts viết trong cuốn The Triumph of the West rằng "Không ai trong chúng ta ngày nay có thể trở nên như bây giờ nếu một nhóm người Do Thái cách đây gần hai ngàn năm đã không tin rằng họ được biết đến một bậc thầy vĩ đại, từng thấy ngài bị đóng đinh, bị chết, bị mai táng, và sau đó sống lại."
Hãy nghĩ đến nghệ thuật Tây Phương. Bạn đã đến Đền Sistine chưa? Đã thấy bức tượng Pietà của Michelangelo chưa? Bức Last Supper của Leonardo da Vinci? Có lẽ bạn quen thuộc với bức Christ at Emmaus hay bức Simeon in the Temple của Rembrandt. Ở Venice bạn có thể thấy các bích họa tuyệt vời của Veronese, Titian, và Tintoretto. Âm nhạc Tây Phương sẽ thế nào nếu không có bản Messiah của Handel, bản Requiem của Mozart, và hàng loạt sáng tác của Johann Sebastian Bach? Nếu bạn chưa bao giờ thì hãy đặt chân vào một trong những vương cung thánh đường vĩ đại kiểu Gothic và nhìn ngắm những gì mà các thợ xây cất vô danh đã thực hiện với đá và kính. Làm thế nào có thể mường tượng được văn chương Tây Phương mà không có Dante, Milton , và Shakespeare? Điều tôi muốn nói thì không chỉ tất cả các đại nghệ sĩ này là Kitô Hữu. Đúng hơn, đó là, các công trình vĩ đại của họ sẽ không được thực hiện nếu không có Kitô Giáo. Liệu rằng họ sẽ tạo thành các công trình vĩ đại khác không? Chúng ta không biết. Điều chúng ta biết là Kitô Giáo đã đem lại những đường nét độc đáo cho thiên tài của họ. Không đâu có sự hứng khởi con người quá cao hay rung động tâm hồn quá sâu đậm hơn là các công trình về nghệ thuật, kiến trúc, văn chương và âm nhạc có sắc thái Kitô Giáo.
Ngay cả các nghệ nhân tẩy chay Kitô Giáo cũng hoàn thành các tác phẩm mà chắc chắn được khuôn đúc bởi các chủ đề của Kitô Giáo. Ông Goethe là một loại người phiếm thần, họ coi Thiên Chúa không khác gì với thiên nhiên, tuy nhiên tác phẩm Faust của ông là một chuyện ngụ ngôn thâm thúy xuất phát từ các đề tài đau khổ, biến đổi và cứu chuộc của Kitô Giáo. Những người vô thần và theo chủ thuyết hoài nghi nổi tiếng--tỉ như Voltaire và Nietzsche—thì không thể hiểu được nếu không có Kitô Giáo (Voltaire được giáo dục bởi các linh mục dòng Tên; cha của Nietzsche là một mục sư và tựa đề cuốn tự truyện của ông Ecce Home, có liên hệ đến điều mà Philatô đã nói về Chúa Kitô: "đây là người.")
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đọc những cuốn như Freethinkers của Susan Jacoby mà bà tán dương sự kiện rằng chúng ta sống trong một xã hội hầu như hoàn toàn thế tục. Chúng ta thấy Sam Harris nhấn mạnh rằng, phát triển một nền luân lý độc lập với Kitô Giáo hay tôn giáo nói chung là điều rất có thể. Chúng ta đọc Free Inquiry của Theodore Schick Jr. và ông nhấn mạnh rằng các triết gia rất đặc biệt tỉ như John Stuart Mill và John Rawls "từng chứng minh rằng rất có thể có được một nền luân lý tổng quát mà không có Thiên Chúa."
Ở đây có sự mơ hồ lớn lao. Chúng ta hơi chút mơ hồ khi biết rằng chữ "secular" (thế tục) thì tự nó là một danh từ của Kitô Giáo. Trong đạo Công Giáo, một linh mục gia nhập một cộng đoàn chuyên về chiêm niệm và rút lui khỏi thế gian thì được coi là gia nhập một dòng "tôn giáo", trong khi một linh mục sống trong giáo xứ giữa những người thường thì được coi là linh mục "thế tục." Như chúng ta sẽ thấy, chủ nghĩa thế tục tự nó là một sáng chế của Kitô Giáo. Các giá trị thế tục cũng là sản phẩm của Kitô Giáo, ngay cả khi chúng bị tách biệt khỏi nguồn gốc nguyên thủy.
Nếu tất cả điều này đúng thì thật sai lầm khi có thành kiến chống với sự nhận biết và giảng dậy về vai trò của Kitô Giáo. Tín hữu cũng như không tín hữu đều phải tôn trọng Kitô Giáo như một phong trào đã tạo nên văn minh của chúng ta. Chúng ta phải qúy trọng di sản Kitô Giáo không chỉ như một vật gia truyền nhưng như một sự hiện diện sống động trong xã hội, và chúng ta phải lo rằng điều gì sẽ xảy ra cho nền văn minh chúng ta nếu Kitô Giáo biến dạng khỏi Tây Phương và tự thiết lập trong các nền văn hóa không phải Tây Phương.
Thay vì thử thiết lập bản liệt kê các thành quả của Kitô Giáo, tôi sẽ truy nguyên ảnh hưởng của Kitô Giáo ở Tây Phương bằng việc chú trọng đến ba ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất sẽ được khai triển trong chương này và hai ý tưởng kế tiếp trong các chương tiếp theo. Trước hết tôi để ý đến ý tưởng tách biệt các phạm vi tôn giáo và chính quyền. Tuy ý niêm này ngày càng trở nên mập mờ và bị xuyên tạc trong thời đại chúng ta, ý niệm nguyên thủy thì rất hay. Chúng ta nghĩ rằng sự tách biệt tôn giáo và chính quyền như một ý tưởng của người Hoa Kỳ hay ý tưởng thời Khai Sáng, nhưng trước đó từ lâu nó là một ý tưởng của Kitô Giáo. Đức Kitô dường như là người đầu tiên nghĩ về điều đó. Như chúng ta đọc trong Phúc Âm Mátthêu 22:21, Đức Kitô nói, "Hãy trả lại cho Xêda những gì thuộc về Xêda, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa."
Để nhìn thấy tính cách cấp tiến của tư tưởng Đức Kitô, tôi quay về với văn sĩ cổ người La Mã, Celsus, là người thuộc thế kỷ thứ hai đã viết một bài tấn công Kitô Giáo rất có ảnh hưởng. Tài liệu của Celsus đã bị thất lạc, nhưng giáo phụ Origen đã công bố bài phản bác, Contra Celsum, nhờ đó chúng ta có thể thấy lý luận của ông. Trên căn bản, Celsus kết án người tín hữu Kitô là vô thần.
Ông không đùa. Với người Hy Lạp và La Mã thời xưa, các thần mà người ta phải thờ cúng là các thần của nhà nước. Mỗi một cộng đồng có các thần riêng của mình—đó là thời đại đa thần—và tinh thần ái quốc đòi hỏi một công dân Athen phải dâng cúng cho các thần của Athen và một công dân Rôma phải thần phục các thần của Rôma. Celsus nổi giận, người tín hữu Kitô từ chối thờ các thần của người Rôma. Họ không công nhận hoàng đế La Mã như một vị thần, tuy Xêda đã được Thượng Viện Rôma nâng lên hàng thần thánh. Thay vào đó, tín hữu Kitô nhấn mạnh đến việc thờ phụng một thần bên ngoài, thề trung thành với thần ấy trên cả sự trung thành với nhà nước. Thật là sự phạm thượng! Thật là sự phản quốc!
Tôi không ám chỉ rằng người Hy Lạp và La Mã xưa thì đặc biệt "đạo đức". Ông Gibbon cho biết các triết gia và viên chức chính phủ có thái độ rất khác biệt với công dân thường về việc đối xử với các thần: "Các kiểu thờ phượng khác nhau được thấy trong thế giới La Mã thì tất cả được nhìn bởi người dân là đúng như nhau, bởi triết gia là sai như nhau, và bởi quan tòa là hữu dụng như nhau." Ngay cả vậy, căn tính tôn giáo trong thế giới xưa thì có sự ràng buộc không thể chia lìa với bộ lạc và cộng đồng của bạn. Bạn không thể là một người Dinka tốt và không thờ các thần của Dinka, dù đó là hòn đá hay tảng đá hay mặt trời. Bạn cũng không thể là một người Rôma tốt và không tán dương các thần của Rôma, dù là Apollo, Bacchus, hay Jupiter.
Kitô Giáo giới thiệu không chỉ một tôn giáo mới nhưng còn một ý niệm mới về tôn giáo. Cuộc cách mạng văn hóa này ở Tây Phương quá thành công đến độ ngày nay, các phiếm thần xa xưa chỉ còn được thấy trong các tên của hành tinh và trong bảng tử vi những người theo khoa chiêm tinh. Người vô thần không thèm tin vào thần Baal hay Zeus và việc cầu khẩn họ chỉ làm cho mọi tôn giáo nghe có vẻ ngờ nghệch. Mục tiêu thực sự của người vô thần là Thiên Chúa của độc thần giáo, thường là Thiên Chúa của Kitô Giáo.
Kitô Giáo không phải là đạo độc thần đầu tiên. Có nhiều dấu vết của độc thần giáo trong tôn giáo cổ của người Ba Tư là đạo thờ lửa. Người Ba Tư là tín đồ của đơn nhất thần đạo: dường như họ tin có nhiều thần nhưng chỉ có một thần tối cao quyền thế hơn các thần khác. Người Do Thái là tín đồ độc thần giáo đầu tiên, họ đi theo ý niệm một Thiên Chúa, Đấng hiện thân mọi đức tính và đáng được loài người thờ phượng và tuân phục: "các ngươi không được có thần nào khác ngoài ta." Trong Cựu Ước chúng ta có thể chứng kiến cuộc chiến giữa độc thần giáo Do Thái và khuynh hướng đa thần vẫn còn mạnh mẽ, được thấy trong các tình tiết của người Do Thái thờ thần Baal, Moloch, và bò vàng.
Kitô Giáo chấp nhận độc thần giáo Do Thái và dẫn giải nó vừa có tính cách hoàn vũ vừa có tính cách cá biệt. Không có chủ nghĩa cá nhân trong Do Thái Giáo của người Israel xa xưa; người Do Thái thờ phượng Giavê như một bộ lạc và như một cộng đồng. Cá nhân người Do Thái không có sự lựa chọn về vấn đề này. Khi ông Môsê từ núi đi xuống và thấy dân Israel thờ bò vàng, ông không nghĩ rằng họ chỉ muốn đi theo một đức tin khác. "Tự do tôn giáo" không được phép ở đây. Thái độ của ông Môsê có chút gay gắt; hoặc đi theo Giavê, Thiên Chúa độc nhất của người Do Thái, hoặc bị giết chết. Một số người không khôn ngoan đã chọn thờ bò vàng, và ông Môsê đã ra lệnh giết tất cả.
Thiên Chúa trong Cựu Ước là một vị thần hoàn vũ, tuy nhiên cùng lúc dường như Người là Thiên Chúa của một bộ tộc. Người liên hệ chính yếu đến tuyển dân của Người, và kẻ thù của Israel là kẻ thù của Người. Người Do Thái không mong đợi người Ai Cập và Rôma đi theo Thiên Chúa, tuy họ coi Thiên Chúa vượt trên cả các thần của người Ai Cập và La Mã. Do đó, không ngạc nhiên gì khi độc thần giáo của Do Thái nói chung không được coi là mối đe dọa đối với ngoại giáo La Mã. Thật vậy, người La Mã chỉ coi vị thần của người Do Thái là một trong các thần của họ. Do Thái Giáo là một tôn giáo hợp pháp trong đế quốc La Mã; Kitô Giáo thì không, tối thiểu cho đến khi hoàng đế Constantine trở lại Kitô Giáo. Lý do để cấm đoán và bách hại Kitô Giáo là vì người tín hữu Kitô cho rằng Thiên Chúa không chỉ riêng cho họ mà còn cho toàn thế giới.
Tiềm tàng trong độc thần Kitô Giáo là sự phê bình tính cách đa thần của dân ngoại. Theo người tín hữu Kitô, các thần của Hy Lạp và La Mã là những sáng chế của con người. Hãy nhìn đến các thần ở Homer. Mỗi một người dường như hiện thân một đức tính con người: Aphrodite là nữ thần của đam mê tình dục, Ares là thần của sự xung đột, vân vân. Các thần này cũng có những phù phiếm nhỏ nhen và ghen tương như con người. Các đức tính của họ là các đức tính con người được phóng đại. Như văn sĩ kinh điển Mary Lefkowitz đã viết, "Đời sống của các thần này là một hình thức đời sống con người được lý tưởng hóa cao độ nếu loài người được bất tử, trẻ mãi không già và mạnh mẽ." Thật cay đắng, sự chỉ trích việc sáng chế các thần này, mà chúng dường như có giá trị khi được phát động chống với thuyết đa thần xưa, thì ngày nay lại được nhắm đến việc chống Kitô Giáo. Như Daniel Dennett và Richard Dawkins sẽ đồng ý, người tín hữu Kitô cũng sáng chế ra Thiên Chúa của họ. Nhưng Thiên Chúa Kitô Giáo thì không giống con người chút nào. Người vượt lên trên không gian và thời gian. Người không có thân xác. Người là một bản thể thuần túy tinh thần. Loài người chỉ có thể hiểu lờ mờ về Người, con người phải nhờ đến các hình ảnh và sự loại suy có tính cách nhân hình luận (anthropomorphic).
Độc thần giáo là một ý tưởng quan trọng lớn lao, nhưng như chúng ta có thể thấy ngày nay người Hồi Giáo giải thích như thế nào, nó là một ý tưởng có thể được dùng để biện minh cho chế độ thần quyền. Khi dùng chữ chế độ thần quyền, tôi không muốn nói sự cai trị của hàng tư tế. Tôi chỉ muốn nói rằng lề luật của Thiên Chúa được nới rộng ra đến mọi lãnh vực của xã hội và đời sống con người. Đây là trường hợp của Do Thái xưa, và đây từng là truyền thống của Hồi Giáo. Tiên tri Môhamét khi còn sống thì vừa là một ngôn sứ vừa là một Xêda, là người nhập nhằng giáo hội với quốc gia. Theo gương của ông, các người cai trị các đế quốc Hồi Giáo, từ Umayyad cho đến Ottaman, tự coi mình là đại diện cho Ala trên mặt đất, có nhiệm vụ thiết lập luật lệ Hồi Giáo trên toàn thế giới và nếu có thể đưa mọi phần đất đặt dưới quyền của thánh luật Hồi Giáo. Sử gia Bernard Lewis viết rằng "Trong Ả Rập cổ điển và trong các ngôn ngữ cổ của Hồi Giáo, không có hai chữ đi liền với nhau như 'giáo dân' và 'giáo hội', 'thiêng liêng' và 'tạm thời', 'trần tục' và 'tôn giáo', bởi vì những chữ này diễn tả một sự phân biệt của Kitô Giáo mà không có sự tương đương trong thế giới Hồi Giáo." Ngay cả ngày nay, ở những quốc gia Hồi Giáo nghiêm khắc như Saudi Arabia chúng ta thấy luật Hồi Giáo (sharia) vượt ra ngoài luật tôn giáo để bao trùm cả luật thương mại, dân luật, và luật về gia đình.
Trong Kitô Giáo thì không như vậy. Lý do thì đã được nêu rõ trong cuốn nổi tiếng The City of God của Augustine, một giáo phụ. Augustine lý luận rằng trong khi chúng ta còn sống ở mặt đất, tín hữu Kitô cư ngụ trong hai lãnh vực, thành phố dưới đất và thành phố thiên đàng. (Chỉ khi lúc tận thế Thiên Chúa sẽ hội nhập hai lãnh vực thành một vương quốc uy nghi duy nhất do Người cai trị). Công dân Kitô Hữu có bổn phận đối với mỗi một lãnh vực này, nhưng bổn phận không giống nhau. Đúng vậy, người tín hữu Kitô phải hết lòng tận tụy với thành phố trên trời. Nhưng theo sau bổn phận chính yếu này là những kết luận đáng chú ý. Nó có nghĩa rằng thành phố dưới đất không cần phải lưu tâm với vấn đề chung cục hay định mệnh tối hậu của con người. Nó cũng hàm ý rằng những yêu sách của thành phố dưới đất thì có giới hạn, và một lương tâm thiêng liêng trong mỗi một con người bảo vệ họ khỏi sự kiểm soát chính trị, và các vua cũng như hoàng đế, tuy quan trọng, nhưng không thể lấn lướt quyền bính chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa.
Ở đây chúng ta thấy có manh nha về ý tưởng của một chính quyền hạn chế. Ý tưởng này xuất phát từ nhận thức của Kitô Giáo rằng lãnh vực của nhà cầm quyền thì bị giới hạn và có những hạn chế mà họ không thể vượt ra ngoài. Những giới hạn đó lúc đầu do giáo hội đặt ra để cạnh tranh với nhà nước và thiết lập lãnh vực thẩm quyền cho chính mình. Chúng ta nên nhớ rằng giáo hội không chỉ là một tổ chức thuần túy tinh thần--tổ chức sinh hoạt phụng vụ và ban các bí tích—nhưng còn là một thẩm quyền thế tục, làm chủ các bất động sản và trong một số trường hợp còn có cả quân binh. Trong nhiều thế kỷ, các vua và giáo hội tranh giành nhau về cách phân chia ranh giới giữa hai lãnh vực, nhưng cả hai đồng ý rằng phải có một ranh giới. Bây giờ các vua được thay thế bởi chính phủ dân chủ, nhưng Kitô Giáo vẫn duy trì ý tưởng rằng có một số điều mà ngay cả các chính phủ dân cử cũng không thể kiểm soát.
Ý tưởng về một chính phủ hạn chế của chúng ta ngày nay được lấy từ quan niệm của Kitô Giáo về sự cách biệt mà nhà nước không có quyền kiểm soát và nới rộng nó để bao trùm toàn thể lãnh vực riêng tư. Đây là sự tinh biệt quan trọng chúng ta thấy ở Tây Phương giữa lãnh vực nhà nước và xã hội. "Xã hội" bao trùm mọi sinh hoạt của người dân, trong khi "nhà nước" ám chỉ một lãnh vực được mô tả rõ rệt về thẩm quyền chính phủ. Nhà nước có thể xâm phạm phần đất mà trước đây thuộc về lãnh vực tư nhân, nhưng không thể chiếm trọn lãnh vực tư nhân. Ngay cả một chính phủ được 99 phần trăm dân chúng tuyển chọn cũng không có quyền nói với 1 phần trăm dân còn lại là họ phải theo đảng Cộng Hòa, chỉ được ăn rau trái, hoặc ngay cả là tín hữu Kitô. Nếu làm như vậy, chính phủ hợp pháp sẽ trở thành chính phủ độc tài, và người dân có quyền chống đối và thay thế.
Nếu lãnh vực của chính phủ phải được hạn chế thì lãnh vực giáo hội cũng vậy. Như Đức Kitô đã nói, "Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này." Thiên Chúa muốn tự giới hạn lãnh vực cai trị trần thế không phải vì Người bị giới hạn, nhưng vì Người đã trao một phần vương quốc của Người cho nhân loại để quản lý ở trần gian. Ý niệm Kitô Giáo này không chỉ có người Athen và Rôma xưa không thể hiểu mà cả người Israel xưa cũng vậy. Trong khung cảnh mới của thuyết phổ quát Kitô Giáo, cùng một Thiên Chúa cai trị toàn thể vũ trụ, nhưng mỗi một quốc gia có luật lệ và văn hóa riêng cho mình.
Lãnh vực của Thiên Chúa là lãnh vực của giáo hội. Luật lệ của Thiên Chúa ở đây là tối cao, tuy phải có những người giải thích ở trần thế để có thể hiểu và áp dụng. Ngay cả như vậy, cũng còn một lãnh vực thế tục hoạt động bên ngoài sự kiểm soát của giáo hội. Ở đây chúng ta thấy làm thế nào ý tưởng "thế tục" lại là một sáng tạo của Kitô Giáo.
Thật quan trọng để biết rằng sự tách biệt giữa hai lãnh vực nhà nước và giáo hội đã có ngay từ khởi đầu Kitô Giáo. Nó không phải là một phát minh hiện đại, tuy trong thời đại ngày nay sự tách biệt này được khoác cho một hình thức mới và có phần nào ác ý. Ở Rôma thời Xêda, các nhà cai trị là hoàng đế, và giáo hội Kitô Giáo là một thiểu số bị bách hại hoàn toàn tách biệt với đế quốc này. Khi Kitô Giáo trở nên tôn giáo chính thức của đế quốc Rôma trong cuối thế kỷ thứ tư, hai lãnh vực này có sự pha trộn nào đó. Nhưng ngay cả vậy, giáo hội chỉ ban phát các bí tích và hoàng đế ban hành và củng cố luật lệ. Ngay cả trong thời kỳ bi thảm Tòa Thẩm Tra Tây Ban Nha, nếu bạn phạm tội lạc giáo bạn sẽ bị giáo hội xét xử, nhưng nếu bạn phạm tội giết người bạn sẽ bị nhà nước xét xử. Do đó trong toàn thể lịch sử Tây Phương, giáo hội và nhà nước hành xử khác nhau dù quyền tài phán chồng chéo lên nhau. Do đó ngày nay ở Tây Phương, chúng ta trố mắt kinh hãi khi thấy chính phủ Hồi Giáo đề nghị xử tử phụ nữ nào từ chối không đeo khăn che mặt như tôn giáo bó buộc, hoặc xử tử bất cứ ai dám bỏ đạo mà theo Kitô Giáo.
Nhưng kiểu cách này cũng đã xảy ra ở Tây Phương, và không may người vi phạm lại là Kitô Hữu. Khởi sự từ thời Kitô Giáo trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc Rôma, kéo dài cho đến thời Tòa Thẩm Tra Tây Ban Nha, và ngay cả cho đến thế kỷ thứ mười bảy, các nhà cầm quyền Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giáo hội đã dùng quyền lực của nhà nước để bắt buộc người khác phải tuân theo tôn giáo chính thống. Cả người Công Giáo cũng như Tin Lành đều phạm tội này. Những người Puritan (Thanh Giáo) rời Anh Quốc đến Hoa Kỳ không phải để trốn tránh sự bách hại của Công Giáo nhưng là sự bách hại của Anh Giáo. Mục đích của họ khi đi tìm đất riêng cho mình thì không phải để cho phép mọi người được tự do tôn giáo nhưng đúng hơn để áp đặt kiểu cách chính thống của mình lên toàn thể xã hội.
Trong những phương cách nào đó, động lực của những người Kitô Giáo chuyên chế này thì có thể hiểu được. Đôi khi các động lực ấy rất có ý nghĩa. Họ tin rằng mình là những người nắm được chân lý duy nhất, nhưng động lực thúc đẩy họ là hãy lưu tâm đến người khác đi đến mức thái quá, họ sử dụng đến cả nhà tù và cưỡng bức để giành được một người về phía mình. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ đã lầm lẫn giữa Kitô Giáo và thế giới Kitô Giáo. Họ cố gắng thiết lập thành phố trên trời ngay ở dưới đất, đó chính là điều Augustine cảnh cáo, cũng như Đức Kitô đã cảnh cáo trước đó. Hơn thế nữa, họ vi phạm nguyên tắc được Thiên Chúa thiết lập ngay trong Vườn Địa Đàng. Thật dễ dàng để Thiên Chúa ép buộc ADong và Evà phải tuân theo mệnh lệnh của Người, nhưng Thiên Chúa đã không làm. Tuy Người biết họ sẽ chọn sai. Người tôn trọng sự tự do của họ để cho phép họ chọn lựa. Sự tự do thi hành điều tốt lành cũng ám chỉ tự do từ chối điều tốt lành.
Các nhà tư tưởng hiện đại từ ban đầu như John Locke là các tín hữu Kitô thành thật và thực tế. Họ đã phát minh ý niệm khoan dung tôn giáo không bởi vì họ muốn làm tan biến hay giảm bớt ảnh hưởng của Kitô Giáo, nhưng vì họ thấy loại Kitô Giáo sai lầm đã thống trị xã hội Tây Phương. Những người như Locke rất đúng khi ghê tởm một số lạm dụng xảy ra nhân danh Kitô Giáo. Do đó, vì vấn nạn Kitô Giáo này—chia cắt và tranh giành—họ đề ra một giải pháp Kitô Giáo: tự do tôn giáo. Ý tưởng này được hình thành qua nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là khoan dung tôn giáo. Chữ khoan dung có xuất xứ từ tiếng Latinh có nghĩa "chịu đựng," và khoan dung có nghĩa "kiên nhẫn chịu đựng." Sự khoan dung bao gồm mầm mống bất đồng và ngay cả khinh miệt: Tôi dung thứ bạn bởi vì tuy tôi tin là bạn sai lầm, tôi sẽ chịu đựng bạn và để bạn cố chấp trong sự lầm lạc của bạn. Sự khoan dung của Locke ảnh hưởng đến hầu hết các giáo phái Tin Lành nhưng không ảnh hưởng đến Công Giáo.
Những người sáng lập quốc gia Hoa Kỳ nới rộng ý niệm khoan dung và tạo thành một ý tưởng táo bạo mới mẻ mà Âu Châu chưa biết: sự tự do lương tâm. Văn kiện "Peace of Westphalia" (1648) đề ra một quy luật thực tiễn là tôn giáo của người cầm quyền trở nên tôn giáo của nhà nước. Nhưng đây chỉ là một giải pháp thỏa hiệp nhắm đến việc chấm dứt sự cãi cọ vô tận giữa nhiều giáo phái Kitô khác nhau. Trong một số phương cách nào đó, "sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước" cũng được hình thành ở Hoa Kỳ với cùng một lý do. Có một vài giáo phái muốn thống trị và áp đặt tôn giáo của họ thành luật, nhưng không có giáo phái nào mạnh đủ để thi hành điều đó ở mọi nơi. Những người Thanh Giáo chiếm ưu thế ở Massachusetts, nhưng người Anh Giáo lại là đa số ở Virginia, và cũng có một số Công Giáo đáng kể ở Maryland. Sau cùng nhiều nhóm đồng ý là để chính phủ ra ngoài tôn giáo. Điều khoản thiết lập Tu Chính Án Đầu Tiên được thông qua phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của Kitô Hữu. Như John Courtney Murray đã nói, đó không phải là một điều khoản tôn giáo, nhưng một điều khoản hòa bình.
Đặc điểm của các nhà sáng lập Hoa Kỳ là họ vượt lên trên sự khoan dung để nhấn mạnh rằng chính phủ trung ương phải hoàn toàn đứng ngoài vấn đề thần học. Bất kể tính cách mới lạ của nó, ý tưởng này là một khái niệm hết sức Kitô Giáo. Phần lớn những người sáng lập là tín hữu Kitô đạo đức, tuy một số trong nhóm, tỉ như Thomas Jefferson, là người Deist (hữu thần giáo). Nhưng dù họ có biết hay không, họ đang theo quy tắc của Đức Kitô là giữ cho các lãnh vực của Xêda và Thiên Chúa tách biệt nhau. Không cách chi các nhà sáng lập từ chối các nền tảng Kitô Giáo của quá khứ nước Hoa Kỳ. Ngay cả Jefferson, có lẽ là người ít đạo đức nhất trong nhóm, lý luận rằng chính đức tin tôn giáo là nền tảng cho chính sự tự do: "Và có thể nào những sự tự do của một quốc gia được nghĩ là an toàn khi chúng ta lấy đi nền tảng duy nhất bền bỉ của chúng, một sự tin tưởng trong tâm trí người dân rằng những tự do này là quà tặng của Thiên Chúa? Rằng có thể nào những sự tự do ấy bị vi phạm mà Người không nổi giận?" Sau cuộc Cách Mạng, các nhà sáng lập tiếp tục duy trì những ngày cầu nguyện công cộng, chỉ định vị tuyên úy cho Quốc Hội và các lực lượng quân sự, và đề cao các giá trị tôn giáo trong các trường thuộc Northwest Territory.
Họ cũng không tìm cách biệt lập chính phủ trung ương với phạm vi luân lý. Không có "bức tường ngăn cách" thiết lập ở đây. Trái lại, các nhà sáng lập tin rằng luân lý là điều không thể thiếu cho hình thức mới của chính phủ nếu muốn thành công. Hầu hết họ chia sẻ quan điểm của George Washington như được bày tỏ trong bài diễn văn từ giã: "Chúng ta hãy cẩn thận ấp ủ giả thuyết rằng có thể duy trì luân lý mà không cần đến tôn giáo." John Adams còn đi xa hơn nữa: "Hiến Pháp của chúng ta được thiết lập chỉ cho một dân tộc có luân lý và tôn giáo." Đồng thời, các nhà sáng lập nhận biết rằng những khác biệt có tính cách thần học thì thuộc phạm vi mặc khải và vì vậy không phải là một chủ đề thích hợp cho cuộc tranh luận dân chủ. Họ tìm cách loại bỏ những khác biệt thần học chính là để có thể bất đồng khi tranh luận về vấn đề luân lý, và vì vậy luật lệ có thể phản ảnh cảm thức luân lý phổ thông của người dân.
Khi đến thăm Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ mười chín, Alexis de Tocqueville nhận xét rằng "các giáo phái ở Hoa Kỳ thì nhiều vô kể," tuy vậy "mọi giáo phái giảng dậy cùng một quy tắc luân lý nhân danh Thiên Chúa." Tocqueville cho là tôn giáo đứng hàng đầu các tổ chức chính trị ở Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa nó có ảnh hưởng sâu đậm đến quần chúng trong sự điều hòa luân lý và còn hơn thế nữa trong toàn thể xã hội. Và ông thấy Kitô Giáo ngăn chặn bản năng tự nhiên con người là ích kỷ và tham vọng bằng cách nêu cao lý tưởng bác ái và tận tụy với hạnh phúc của tha nhân.
Các tòa án ngày nay đã sai lầm giải thích sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước có nghĩa rằng tôn giáo không còn chỗ đứng nơi công cộng, hoặc không được phép dùng điều luân lý xuất phát từ tôn giáo để khuôn đúc luật lệ của chúng ta.  Bằng cách nào đó sự tự do để bày tỏ tôn giáo trở nên sự tự do tách biệt khỏi những bày tỏ tôn giáo. Những người thế tục muốn quét sạch tôn giáo và luân lý có nền tảng tôn giáo ra khỏi công cộng để họ có thể giữ độc quyền chia sẻ quan điểm riêng của họ cho xã hội. Trong tiến trình này, họ biến các tín đồ trở thành công dân hạng hai. Đây là sự bóp méo ghê gớm một ý tưởng cao qúy mà đó cũng chính là ý tưởng của Kitô Giáo. Sự tách biệt giữa các lãnh vực không phải là một vũ khí chống với Kitô Giáo; đúng ra, nó là một dụng cụ được Kitô Giáo cung cấp để đề cao hòa bình xã hội, tự do tôn giáo, và một cộng đồng có luân lý. Nếu chúng ta tái khám phá ý niệm này với ý nghĩa đích thực của nó, xã hội chúng ta sẽ tốt hơn nhiều.

CHƯƠNG 6

SỰ DỮ MÀ TÔI KHÔNG MUỐN:
KITÔ GIÁO VÀ CON NGƯỜI LẦM LẠC

"Với sự thiện mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng với sự dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm".
Thư T. Phaolô gửi tín hữu Rôma 7:19
.

B
ây giờ tôi muốn khảo sát đặc tính thứ hai của nền văn minh Tây Phương mà nó xuất phát từ Kitô Giáo. Đây là điều mà triết gia Charles Taylor gọi là "sự khẳng định của đời sống hàng ngày." Đó là ý tưởng đơn giản cho rằng một người bình thường thì có thể sai lầm, và tuy vậy con người lại quan trọng. Theo quan điểm này, xã hội phải được tổ chức như thế nào để đáp ứng với nhu cầu hàng ngày của họ, mà nó được nâng lên một loại khuôn khổ tinh thần. Đơn vị gia đình, ý tưởng của một chính phủ hạn chế, ý niệm về luật lệ của Tây Phương, và sự nhấn mạnh đến việc vơi bớt đau khổ, tất cả đều xuất phát từ sự hiểu biết căn bản của Kitô Giáo về phẩm giá của một con người có thể sai lầm.
Chúng ta hãy khảo sát điều này bằng cách để ý đến hai chủ đề có liên hệ mà chúng phát xuất từ cùng một nguồn Kitô Giáo. Đầu tiên là câu nói của Thánh Phaolô ở trên. Ở đây, trong một câu nói, T. Phaolô đã bác bỏ toàn bộ triết lý truyền thống kinh điển dựa trên Plato. Với Plato, vấn đề sự dữ là một vấn đề của sự hiểu biết. Người ta làm sai vì họ không biết điều gì là phải. Nếu họ biết điều phải, hiển nhiên, họ sẽ thi hành. Nhưng T. Phaolô chối bỏ điều đó. Thánh nhân cho rằng ngay cả khi biết đó là điều sai, người ta vẫn thi hành. Tại sao? Bởi vì ý muốn của con người thì suy đồi. Vấn đề sự dữ không phải là một vấn đề của sự hiểu biết nhưng là một vấn đề của ý chí.
Tôi cũng muốn chú ý đến việc Kitô Giáo tán dương con người thấp kém, người bình thường, người bị thua thiệt. Nhóm người này không được ưa thích trong thế giới cổ của Hy La. Homer bỏ quên họ trong các thiên sử thi của ông, chỉ hoàn toàn chú trọng đến đời sống của giới cai trị. Những người thấp kém nếu có xuất hiện thì chỉ như tôi tớ. Aristotle cũng có một công việc cho người thấp kém: nô lệ. Aristotle lý luận rằng khi những người thấp kém làm việc phục dịch, người cấp trên sẽ có thời giờ nhàn rỗi để suy nghĩ và tham dự trong việc quản trị cộng đồng. Aristotle qúy mến "người cao trọng" là người kiêu hãnh, đáng kính trọng, giới qúy tộc, giầu sang, và (nếu điều này chưa đủ), luôn có giọng nói trầm hùng và đắn đo.
Nhưng Đức Giêsu không phải là một người như thế. Người sinh trong một chuồng súc vật và hầu hết cuộc đời Người sống với nghề thợ mộc. Người thường di chuyển bằng đôi chân và thỉnh thoảng đi lừa. Như nhà văn học Erich Auerbach viết, "Đức Kitô không đến như một anh hùng hay ông vua nhưng như một con người của giai cấp thấp kém nhất xã hội. Các môn đệ đầu tiên của Người là ngư phủ và thợ thuyền. Hàng ngày Người đi lại giữa đám dân thấp kém. Người nói chuyện với công chúng và phụ nữ sa đọa, người nghèo, người bệnh tật và trẻ em." Có thể nói thêm rằng Đức Kitô kết thúc thảm hại trên thập giá, bị chết treo như một tội nhân giữa hai tội phạm thực sự.
Tuy vậy Auerbach nhận xét rằng bất kể nguồn gốc vô danh tiểu tốt, cuộc đời bình thường, và cái chết nhục nhã của Đức Kitô, mọi sự Người làm đều thấm đẫm phẩm giá cao quý nhất và sâu đậm nhất. Với người đánh cá, người Hy Lạp sẽ coi họ như các nhân vật thấp kém trong khi ở Kitô Giáo, họ dính dáng đến các biến cố vô cùng quan trọng cho sự cứu chuộc nhân loại. Sự siêu phàm của Đức Kitô và các môn đệ đã hoàn toàn đảo ngược toàn thể lý tưởng cổ điển. Bỗng dưng sự kiêu hãnh của giới quý tộc bị coi như một điều gì đó diêm dúa và nực cười. Đức Kitô tạo ra sự biến đổi giá trị, trong đó người chót hết trở nên người trên hết, và các giá trị từng bị khinh miệt giờ đây trở nên tiêu biểu cho các lý tưởng cao qúy của con người.
Charles Taylor nhận xét rằng, như một kết quả của Kitô Giáo, các giá trị mới bắt đầu đi vào thế giới. Lần đầu tiên người ta bắt đầu nhìn xã hội không từ quan điểm của giới quý tộc cao ngạo nhưng từ một người bình thường. Điều này có nghĩa các thể chế không nên chú ý đến các phương tiện mới để giúp giới giầu sang đốt thời giờ nhàn rỗi; đúng hơn, họ phải chú trọng đến phương cách nhằm đem lại cho người bình thường một cuộc đời sung túc và đầy ý nghĩa. Hơn thế nữa, các thể chế kinh tế và chính trị phải được tổ chức theo một phương cách nào đó để các động lực--điều mà Kant gọi là khúc gỗ cong queo của nhân loại—tuy tội lỗi nhưng có thể được hoán chuyển thành các lợi ích cho con người và xã hội.
Một lãnh vực mà chúng ta thấy có sự thay đổi này là sự quan trọng có tính cách xã hội được ban cho hôn nhân và gia đình. Ngày nay chúng ta đương nhiên cho rằng gia đình là một tổ chức được giao phó cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Nhưng trong xã hội Hy Lạp xưa, thật không thể tin được rằng gia đình không được coi là quan trọng. Thật vậy, Plato đề nghị hủy bỏ hôn nhân và gia đình, ông hình dung ra một quốc gia mà trong đó toàn thể công việc sanh đẻ và chăm sóc giới trẻ được giao cho nhà nước.
Aristotle thì khôn ngoan hơn Plato khi nhận ra nhu cầu của gia đình. Đồng thời ông diễn tả gia đình như một lợi ích của hạ tầng cơ sở. Dĩ nhiên, gia đình thì cần thiết cho một đời sống tốt lành, chỉ như sự cần thiết ăn uống và ngủ nghỉ hàng ngày, nhưng với Aristotle một đời sống hoàn toàn dành cho gia đình thì không phức tạp và cũng không cao qúy. Người Hy Lạp coi gia đình hầu như chỉ là phương tiện sinh sản. Hầu hết hôn nhân đều được xếp đặt, và vợ chồng không ai kỳ vọng là sẽ trở nên hai người bạn. Thật vậy, Aristotle nghĩ rằng phần lớn phụ nữ không có khả năng làm bạn, và chắc chắn ông không kỳ vọng các bà vợ tương quan với các ông chồng trên một phương diện bình đẳng. Tính cách không quan trọng của tình yêu trong xã hội Hy Lạp xưa có thể được minh chứng bằng sự kiện là trong hàng chục vở bi kịch Hy Lạp, không một vở kịch nào có chủ đề là tình yêu.
"Eros" là một động lực mạnh mẽ trong Hy Lạp xưa, nhưng nó được bày tỏ trong sự đồng tính luyến ái. Sinh hoạt này rất phổ thông ở Athens, đặc biệt người Spartan rất lừng danh về việc này, họ cổ vũ nó trong các thao đường và dùng sự gắn bó đồng tính luyến ái để xây dựng sự liên đới giữa các chiến sĩ trong thời chiến. Sử gia Michael Grant viết rằng những liên hệ tình dục giữa đàn ông và con trai thì "được ưa thích nhiều hơn sự liên hệ đồng tính giữa hai người cùng tuổi." Người La Mã và Hy Lạp cổ xưa cũng xây dựng triết lý giáo dục dựa trên thói đồng dâm nam (pederasty). Như sử gia K.J. Dover diễn tả, người đàn ông luôn luôn đóng vai trò chủ động và con trai thụ động. Toàn thể vấn đề được chấp nhận trong ý nghĩa trao đổi; con trai đồng ý quan hệ dục tình với một người lớn hơn và đổi lại hắn được kiến thức và được giám hộ.
Chúng ta có thể lo sợ rằng các em trai có thể bị lạm dụng trong sự tương giao như vậy, nhưng người xưa không nghĩ như chúng ta. Nhiều người xưa cảm thấy như Pausanius trong cuốn Symposium của Plato, là người bực dọc vì những quan hệ đồng dâm nam thường không công bằng cho người đàn ông lớn tuổi bởi vì các thanh niên, một khi nhận được sự giám hộ, họ thường tìm đến các phần tử khác cùng tuổi với họ. Chúng ta có thể thán phục những thành quả vĩ đại về triết lý kinh viện, nghệ thuật sân khấu, và thuật quản lý nhà nước của họ, nhưng khi chúng ta phô trương sự "vẻ vang của người Hy Lạp và sự vĩ đại của người La Mã," chúng ta phải nhớ rằng ngày nay, các sinh hoạt tình dục của các nền văn minh này chỉ còn sống động trong các nhà tù và trong ý thức hệ của vài nhóm tỉ như "North American Man/Boy Love Association".
Trong thời đại Kitô Giáo, thói đồng dâm nam và đồng tính luyến ái được coi là tội lỗi. Kitô Giáo đề cao tình yêu khác giới tính mà nó sẽ làm căn bản cho một sự tương giao độc đáo và lâu dài giữa vợ chồng, có chiều hướng nuôi nấng con cái. Chúng ta coi gia đình là điều quá hiển nhiên—nó vẫn là một lý tưởng mạnh mẽ trong xã hội chúng ta, ngay cả khi đời sống gia đình thực sự không đạt mục đích--đến độ chúng ta quên cả các hoàn cảnh chính yếu mà nó được dựa vào. Các hoàn cảnh này được Kitô Giáo đưa vào xã hội mà nó hoàn toàn xa lạ.
Trước hết, Kitô Giáo làm cho đời sống gia đình trở nên quan trọng theo một phương cách chưa từng có. Đời sống gia đình không còn lệ thuộc đời sống của thành phố, như Plato và Aristotle nghĩ rằng phải như thế. Thật vậy, lần đầu tiên gia đình được coi như nơi chính yếu để đạt được sự thoả mãn chính yếu của đời sống. Sự thay đổi này bắt đầu bằng việc nâng hôn nhân lên hàng bí tích Công Giáo, đem cho nó uy thế tôn giáo vượt lên trên sự cần thiết của xã hội. Một biến chuyển tương tự được hoàn thành bởi Cải Cách Tin Lành. Người Công Giáo kính trọng linh mục độc thân, theo gương độc thân của Đức Kitô, nhưng Martin Luther chống lại sự giải thích này, ông nhấn mạnh rằng một Kitô Hữu bình thường lấy vợ và có con cũng hoàn tất "ơn gọi" của mình.
Thứ hai, quốc gia theo Kitô Giáo phát triển một nhận thức mới về tình yêu lãng mạn, mà ngày nay nó là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của nền văn minh chúng ta. Trong khi hôn nhân tiếp tục được xếp đặt ở Tây Phương, nhất là trong tầng lớp có thế lực, một lý tưởng mới và khác biệt xuất hiện trong thời Trung Cổ. Đây là ý tưởng về tình yêu làm căn bản cho việc kết hôn và cũng để duy trì hạnh phúc gia đình. Tôi không nói rằng trước thời trung cổ người ta không yêu nhau. Nhưng trước đây, "yêu nhau" được coi là một hình thức điên dại nhẹ nhàng, là một điều không thể và không nên làm căn bản cho hôn nhân lâu dài. Kitô Hữu thời trung cổ bắt đầu hiểu hôn nhân giữa người nam và nữ tương tự như sự tương giao giữa Đức Kitô và giáo hội. Kinh Thánh trình bầy sự tương giao này là say đắm và mật thiết, chắc chắn không giống như loại giao kèo vụ lợi. Do đó Kitô Hữu bắt đầu coi hôn nhân như một tình bạn mật thiết được phấn chấn bởi những đam mê lãng mạn.
Ngày nay, tình yêu lãng mạn được coi chỉ hơn có cảm giác một chút, nhưng đó chỉ là cái bóng mờ so với ý nghĩa nguyên thủy. Nó được coi là tột điểm của một sự theo đuổi, để đại diện cho các lý tưởng cao cả của sự hy sinh cá nhân và phục vụ người khác. Ý niệm này lúc đầu được giới hạn cho giới qúy tộc, nhưng không lâu nó lan tràn khắp xã hội. Dấu vết đầu tiên của sự lãng mạn—được coi như một giá trị xã hội quan trọng—xuất hiện trong các bài thơ tình phong nhã mà nó nối liền tình ái với tình yêu tinh thần và tập trung vào người phụ nữ xinh đẹp, thường là không có. Loại văn chương khát khao này khơi dậy giấc mơ lãng mạn trong tâm tưởng của Tây Phương.
Thứ ba, Kitô Giáo đưa vào hôn nhân sự ưng thuận của người nam và người nữ như một điều kiện của hôn nhân. Một lần nữa, ngày nay chúng ta lại coi đó là điều đương nhiên, nhưng bạn chỉ cần đến Á Châu, Phi Châu, hay Trung Đông để thấy người ta thường bị ép buộc phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Tôi lớn lên ở Ấn Độ, là nơi hôn nhân ngay cả ngày nay thường được xếp đặt bởi cha mẹ. Tuy nhiên, ở Tây Phương, kể từ thời tiên khởi Kitô Giáo, đã có hôn nhân bởi sự lựa chọn và đồng ý hỗ tương. Điều này không phát sinh bởi sự "bình đẳng giữa các giới tính." Đúng hơn, nó được phát sinh vì ý tưởng của Kitô Giáo cho rằng mỗi một người đều có người bạn đời mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta. Cảm giác lãng mạn được coi như một hoạt động của linh hồn nhằm dẫn dắt chúng ta đi tìm người bạn đời này. Là con người thì có thể sai lầm, chúng ta có thể sai lầm rất nhiều điều, nhưng chúng ta không thể sai khi cảm nhận về người khác. Đồng thời, Kitô Giáo nhấn mạnh rằng sự tự do lựa chọn cũng phải là sự lựa chọn có tính cách bó buộc. Khi chúng ta đồng ý kết hôn mà không bị ép buộc, chúng ta phải sống lời thề hứa đó và gìn giữ hôn nhân như một cam kết suốt đời.
Việc nới rộng sự tôn trọng đến người bình thường của Kitô Giáo—trong khi vẫn để ý đến những sai lầm và thiếu sót của con người—có thể thấy được xuất hiện trong các thể chế chính trị mới ở Tây Phương. Các thể chế chính trị này không xuất hiện ở đâu khác trên thế giới, ngay cả trong thế giới cổ của Hy La. Điều thay đổi gì đó trong Tây Phương đã làm phát sinh chúng. Điều gì đó là Kitô Giáo. Hãy để ý đến quan niệm hiện đại về "quy luật". Trong cuốn "Law and Revolution",  Harold Berman lý luận rằng hệ thống luật lệ Tây Phương là "phần còn sót lại của các quan điểm và sự thừa nhận tôn giáo mà đầu tiên trên phương diện lịch sử được tìm thấy trong phụng vụ và nghi thức và học thuyết của giáo hội, và sau đó trong các tổ chức và quan niệm và giá trị của luật pháp." Điều này thật đúng, nhưng còn hơn thế nữa.
Plato nói rằng hình thức luật pháp cao nhất là sự phân định độc đáo. Điều này thật lạ đối với chúng ta, nhưng rất đúng. Hình thức công bằng tốt nhất là ban cho mỗi một người tùy theo giá trị thích hợp với họ. Thí dụ, trong gia đình, bạn không đối xử với con cái giống như nhau bằng cách đặt ra "luật lệ" cho chúng. Bạn thích ứng sự dậy dỗ và điều kiện theo đặc tính cá nhân và hoàn cảnh của chúng. Theo Plato, trong chính trị cũng như vậy. Hình thức cai trị tốt nhất là một chế độ quân chủ nhân từ hay chế độ qúy tộc cai trị bằng sự phân định và ban bố công lý tùy theo trường hợp cá nhân.
Nhưng bạn không thi hành điều này ở Tây Phương. Hãy để ý đến trường hợp đơn giản của việc lái xe trên xa lộ. Chúng ta đặt ra luật lệ cố định--tỉ như tốc độ giới hạn là bảy mươi dặm một giờ--và rồi bắt phải tuân hành. Tuy nhiên, dường như đó không phải là hệ thống tốt nhất. Một số người lái xe an toàn ở tám mươi dặm một giờ. Một số khác thì lại nguy hiểm cho chính họ và người khác khi lái xe ở vận tốc năm mươi dặm một giờ. Vậy tại sao chúng ta không để nhà cầm quyền quyết định tùy theo từng trường hợp? Câu trả lời đơn giản là chúng ta không tin người cảnh sát thi hành điều này. Chúng ta coi họ là một con người có thể sai lầm, có thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến. Thay vào đó, tốt hơn chúng ta cùng sống dưới một luật lệ đồng nhất, được áp dụng cho mọi người.
Ý tưởng cho rằng quyền hành phải được thận trọng giao phó cho con người lầm lỗi đã trở nên căn bản cho quan niệm tự do hiện nay về luật pháp. Dân chúng chọn chính phủ, nhưng hệ thống Hoa Kỳ áp đặt "sự tách biệt quyền hành" và "cân bằng ngân sách" như một cơ chế nội bộ để giữ cho chính phủ thành thật và có trách nhiệm. Các nhà sáng lập Hoa Kỳ nghĩ ra một cơ cấu cốt để nuôi dưỡng sự ganh đua kinh tế và chính trị nhằm ngăn chặn sự tập trung quyền lực thiếu lành mạnh.
Kitô Giáo cổ vũ ý thức trách nhiệm chính trị và xã hội bằng cách đưa ra một mô thức mới: sự lãnh đạo phục vụ. Trong thời cổ Hy La, không ai dám mơ tưởng rằng nhà lãnh đạo chính trị là tôi tớ mọi người. Công việc của người lãnh đạo là dẫn đầu. Nhưng Đức Kitô phát minh ra ý niệm rằng phương cách dẫn đầu là phục vụ nhu cầu của người khác, nhất là những người cần được giúp đỡ. Trong Máccô 10:43 trích lời Đức Kitô: "Ai muốn là người lớn trong anh em thì phải là tôi tớ anh em… vì ngay cả Con Người cũng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ." Và trong Luca 22:27 chúng ta nghe Đức Giêsu nói, "Ai là người lớn hơn, người ngồi bàn hay là người phục vụ? Chẳng phải là người ngồi bàn hay sao? Nhưng Thầy ở giữa anh em như người phục vụ." Trong khung cảnh mới của Kitô Giáo, các nhà lãnh đạo được phê phán qua phương cách họ đáp ứng thế nào với nhu cầu và sự thịnh vượng của người dân. Sau một thời gian, những người trước đây được gọi là "người hầu" hay "người dân" trở thành "khách hàng" và "cử tri". Như một kết quả của lý tưởng mới này, công việc của nhà lãnh đạo chính trị, nhà buôn, và hàng tư tế trở thành sự phục vụ dân chúng qua sự đáp ứng với nhu cầu chính trị, vật chất, và tinh thần của họ.
Hệ thống tư bản hiện đại phát sinh ở Tây Phương. Với một số người, họ ngạc nhiên khi thấy chủ nghĩa tư bản phát triển quá dễ dàng cùng với đạo đức Kitô Giáo. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã đáp ứng đòi hỏi của Kitô Giáo về một thể chế mà nó chuyển đổi sự ích kỷ của con người sang sự cải tiến xã hội. Một số phê bình gia chỉ trích chủ nghĩa tư bản vì là một hệ thống ích kỷ, nhưng sự ích kỷ thì không nằm trong chủ nghĩa tư bản--nó là bản tính con người. Như Adam Smith đã viết trong cuốn "The Wealth of Nations", ước muốn cải tiến tình trạng của chúng ta "đến từ trong lòng mẹ, và không bao giờ từ bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta đi vào nấm mộ." Sự ích kỷ, cũng như dục tính, là một phần của tình trạng con người. Thật tuyệt vọng khi muốn nhổ tận gốc, tuy một số nhà không tưởng đầy nhiệt huyết đã từng cố gắng. Qua nhiều thế kỷ, Kitô Giáo đưa ra một giải pháp tốt đẹp hơn nhiều. Người ta thường trích dẫn Kinh Thánh để cho rằng tiền bạc là nguồn gốc mọi sự dữ, nhưng đoạn Kinh Thánh có liên quan thực sự nói rằng "sự yêu qúy tiền bạc là nguồn gốc mọi sự dữ." Đây là sự lên án thái độ con người đối với của cải, chứ không lên án của cải hay thương mại.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản là lèo lái sự ích kỷ của con người đến độ, qua bàn tay vô hình của sự cạnh tranh, những năng lực của các nhà tư bản đã tạo thành sự giầu sang mà từ đó toàn thể xã hội được hưởng nhờ. Hơn thế nữa, chủ nghĩa tư bản khích lệ các nhà buôn hãy để ý đến người khác ngay cả khi động lực căn bản của họ là có lợi cho chính mình. Bởi thế, trong khi lợi tức vẫn là mục tiêu tối hậu, các nhà buôn dành thời giờ để suy tính xem cách nào tốt hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Họ đang hoạt động một cách vị tha, nếu không cố tình. Người ta có thể nói rằng chủ nghĩa tư bản giáo hóa sự tham lam theo cùng một phương cách như hôn nhân giáo hóa dục tính. Cả hai cơ chế này tìm cách thuần hóa các động lực bướng bỉnh hoặc lụn bại của con người theo những phương cách có lợi cho xã hội.
Và đối với chủ nghĩa tư bản, văn minh Kitô Giáo đã tạo ra các quy tắc căn bản của nền kinh tế hiện đại. Trong thời Trung Cổ, Rodney Stark cho thấy, lần đầu tiên người ta nhìn nhận giá cả phải được quyết định qua hệ thống cung cầu. Trong quá khứ, giá cả được đặt định bởi luật lệ hay tục lệ. Nhưng Albertus Magnus, một tu sĩ dòng Đa Minh thuộc thế kỷ mười ba, giải thích rằng giá cả phản ảnh "giá trị thực của nó theo sự ước lượng của thị trường vào lúc bán." Và điều này dĩ nhiên là điều chúng ta tin tưởng ngày nay.
Trong tác phẩm cổ điển "The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism",  Max Weber tìm thấy chủ nghĩa tư bản phát sinh từ một tinh thần mời gọi hay tuyển chọn được thuyết Calvin mở đầu. Nhưng như trong trường hợp giá thị trường, các yếu tố căn bản của chủ nghĩa tư bản tất cả đều xuất hiện từ trước thời Cải Cách. Một số học giả tìm thấy các yếu tố này trong các đan viện của thời Kitô Giáo tiên khởi, trong đó các nhóm đan sĩ cho thấy quy cách làm việc, thói quen chuyên biệt hóa và phân chia sức lao động, vay mượn tiền, và tham dự trong việc trao đổi hàng hóa với nhiều loại thực phẩm và các tiện nghi khác được mang đến từ xa. Stark lý luận rằng "tất cả những yếu tố căn bản của chủ nghĩa tư bản… được tìm thấy từ thế kỷ mười hai trở đi, trong các thành phố chế độ cộng hòa của Ý, tỉ như Venice, Genoa, hay Florence."
Mục đích của tôi ở đây không phải là ổn thỏa vấn đề cho rằng Kitô Hữu là người đầu tiên. Chủ nghĩa tư bản phát triển theo nhiều giai đoạn, mỗi một giai đoạn chịu ảnh hưởng một khía cạnh khác biệt của Kitô Giáo. Khi Francis Bacon và Descartes kêu gọi một hệ thống kỹ thuật mà trong đó con người trở nên chủ nhân và sở hữu chủ thiên nhiên, hai ông đã trình bầy trường hợp của mình theo ý nghĩa khôi phục lại sự phồn thịnh của Vườn Địa Đàng. Khi Locke bảo vệ các quyền tư hữu và mở mang thiên nhiên qua khả năng hiểu biết thực tiễn, ông nhìn thấy con người như một tạo vật thân thiết của Thiên Chúa và vì vậy hành động "theo hình ảnh của Người." Ngay cả ngày nay, chúng ta nghĩ về công việc dưới dạng một "ơn gọi" hay "thiên hướng". Theo sự hiểu biết của Kitô Giáo, chúng ta nhận được khả năng từ Thiên Chúa và dùng khả năng ấy để có ích cho chúng ta, gia đình, và xã hội phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
Từ chủ nghĩa tư bản và sự thịnh vượng phát sinh một số điều mới: ý tưởng về sự tiến bộ. Đây là nhận thức cho rằng sự vật đang trở nên tốt thì sẽ tiếp tục tốt hơn trong tương lai. Lịch sử được coi như đang di chuyển trên một đường thẳng, tiến lên về phía trước. Trong thế kỷ vừa qua, ý tưởng tiến bộ được thấy thể hiện dưới một số hình thức kỳ lạ và xấu xa, tỉ như "sự tồn tại của điều thích hợp nhất" và "cuộc cách mạng của giới vô sản".  Dù có khuyết điểm như hiện nay, lý tưởng tiến bộ vẫn tồn tại, và trong một vài hình thức, giờ đây, nó là một phần của tâm trí hiện đại. Thí dụ, hầu hết chúng ta đều mong mỏi con cái có đời sống tốt đẹp hơn chúng ta. Chúng ta cũng có khuynh hướng tin tưởng vào sự tiến bộ về luân lý. Tỉ như, việc hủy bỏ chế độ nô lệ dường như là một thành công luân lý không thể đảo ngược. Chúng ta hy vọng rằng các thế hệ tương lai sẽ sáng suốt về luân lý hơn chúng ta, chăm sóc địa cầu tốt hơn, và không còn giết các thai nhi.
Tuy nhiên, đây không phải là kiểu cách mà người Hy La—hay người Trung Hoa và Ấn Độ--nhìn thấy. Hầu hết các nền văn hóa tin rằng lịch sử đi theo đường tròn. Có lúc đi lên thì sẽ có lúc đi xuống. Một cái nhìn khác cho rằng nếu sự việc từng tốt hơn trong quá khứ thì càng đi về quá khứ bao nhiêu, sự việc sẽ càng tốt hơn bấy nhiêu. Nhưng J.B. Bury cho thấy trong cuốn The Idea of Progress, người Tây Phương nghĩ về sự tiến bộ không dưới dạng vòng tròn nhưng mũi tên. Các ý tưởng hiện đại của chúng ta về "phát triển" và "tiến bộ" là một hình thức thế tục của ý tưởng quan phòng của Kitô Giáo.11 Bài tường thuật của Kitô Giáo về lịch sử được Thiên Chúa dẫn dắt từ khi bắt đầu cho đến chấm dứt—câu chuyện sáng thế, nhập thể, và phán xét sau cùng--được hoán chuyển thành câu chuyện tiến bộ của con người. Do đó, qua nỗ lực của con người chúng ta có thể chu toàn một loại đòi hỏi tinh thần là tiếp tục làm cho sự việc tốt đẹp hơn.
Khía cạnh sau cùng của di sản Kitô Giáo về con người lầm lỗi và sự toại nguyện bình thường cũng phải được nhấn mạnh. Đây là sự chú trọng đặc biệt của văn hóa chúng ta đến lòng trắc ẩn, đến sự giúp đỡ người có nhu cầu, và vơi bớt đau khổ dù ở những nơi xa xôi. Nếu có nạn đói khủng khiếp hay tin tức về sự diệt chủng ở Phi Châu, hầu hết những người ở các văn hóa khác đều dửng dưng. Như ngạn ngữ Trung Hoa có câu, "Nước mắt người lạ chỉ là nước lã." Nhưng ở Tây Phương đây, chúng ta vội vã giúp đỡ. Các chương trình cứu tế lớn lao được thành hình. Ca sĩ Bono phát động chiến dịch gây quỹ. Nhiều khi có cả sự can thiệp quân sự để chấm dứt việc sát hại. Một phần của lý do tại sao chúng ta làm như vậy là vì những thừa nhận của Kitô Giáo. Những người đó cũng là con người như chúng ta. Họ cũng đáng được hạnh phúc. Nếu chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải thi hành bất cứ gì có thể để cải tiến số phận của họ.
Người Hy La xưa không tin vào điều này. Họ chủ trương một quan điểm mà nó rất phổ thông trong các nền văn hóa khác ngày nay: đúng vậy, đó là một vấn đề, nhưng không phải vấn đề của chúng ta. Aristotle có quan điểm rất gần với Kitô Giáo, ông viết rằng người cao trọng thực sự giúp đỡ người có nhu cầu. Nhưng trong quan điểm của Aristotle, họ làm như vậy là vì tính hào phóng, để chứng tỏ sự hào hiệp của mình và ngay cả sự ưu việt đối với những người dưới. Giới quý tộc xưa bỏ tiền xây nhà tắm, tượng, và công viên để có tên của mình và chứng tỏ sự qúy phái của dòng họ và sự vĩ đại cá nhân. Đây không phải là quan điểm của Kitô Giáo, vì nó đòi hỏi chúng ta hành động vì lòng trắc ẩn, mà nó có nghĩa "cùng đau khổ với người khác." Chúng ta giúp trẻ em chết đói ở Haiti và Rwanda không vì chúng ta tốt hơn họ nhưng vì tất cả chúng ta đều cùng chung một con tầu. Sự khiêm tốn Kitô Giáo thì rất trái ngược với sự hào hiệp cổ điển.
Chính tinh thần yêu thương hỗ tương và bác ái chung của Kitô Giáo khiến người ngoại đạo và Rôma phải sửng sốt. Trong thế kỷ thứ tư, hoàng đế Julian, người tìm cách làm sống lại chế độ ngoại giáo, cũng phải công khai thán phục phương cách mà Kitô Hữu chăm sóc người nghèo, người góa bụa và các cô nhi, cũng như người đau yếu và hấp hối. Tuy có vẻ rất mâu thuẫn, những người rất tin vào thế giới đời sau thì lại thi hành nhiều điều để cải tiến tình trạng của những người đang sống trong thế giới bây giờ.
Ở Tây Phương, Kitô Hữu xây các bệnh viện đầu tiên. Lúc đầu chỉ dành cho Kitô Hữu, nhưng dần dà họ mở cửa cho bất cứ ai, kể cả người Hồi Giáo mà đi vào đất Kitô Giáo chỉ với mục đích xâm chiếm. Ngày nay nhiều bệnh viện mang tên Kitô Giáo—Bệnh Viện Thánh Gioan, Bệnh Xá Thánh Luca, Nhà Thương Methodist, Bệnh Viện Lutheran, và vân vân—và các tổ chức cứu tế tỉ như Salvation Army và Red Cross chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, đôi khi rất ít, mà đã giúp thành hình. Tương tư như thế là các tổ chức như Rotary Club, Kiwanis Club, và YMCA, tất cả đều can dự đến các sinh hoạt dân sự và bác ái.
Kitô Giáo cũng tạo thành nhiều nhân vật vĩ đại, từ "Vincent de Paul" đến Mẹ Têrêsa, người đã dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo và bệnh tật. Không ở bất cứ đâu—trong các tôn giáo khác hay trong xã hội trần thế--chúng ta tìm thấy những điều như vậy. Người ta không phải là một Kitô Hữu hay ngay cả một tín đồ để nhận thực rằng chính niềm tin ở Tây Phương này đã hoàn thành những điều không thể ngờ nhằm thăng tiến đời sống con người và giảm bớt đau khổ cho nhân loại.

CHƯƠNG 7

ĐƯỢC DỰNG NÊN BÌNH ĐẲNG:
NGUỒN GỐC PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

"Một ý niệm khác của Kitô Giáo, không kém điên rồ: ý niệm về sự bình đẳng của các linh hồn trước Thiên Chúa. Ý niệm này cung cấp một khuôn mẫu cho tất cả các lý thuyết về quyền bình đẳng."
Friedrich Nietzsche, The Will to Power

T
rong những chương trước đây tôi đã thảo luận về việc tại sao Kitô Giáo lại là nguyên nhân gây ra các ý tưởng và thể chế quan trọng mà ngày nay vẫn còn chủ yếu trong đời sống chúng ta. Dĩ nhiên, không phải tất cả những đổi mới này đều được mọi người qúy trọng. Một số người chống đối Kitô Giáo chỉ vì nó đã đem cho chúng ta chủ nghĩa tư bản hay truyền thống gia đình có cha và mẹ. Nhưng ở đây, tôi thảo luận về một di sản Kitô Giáo mà hiển nhiên mọi người đời đều trân qúy: sự bình đẳng của con người. Ý tưởng Kitô Giáo này là động lực bên trong của chiến dịch chấm dứt nô lệ, phong trào dân chủ và chế độ tự trị phổ thông, và còn cả một học thuyết quốc tế về nhân quyền. Sự kiện tôi ca tụng vai trò Kitô Giáo trong việc khuôn đúc những thay đổi lớn lao trong xã hội thì xuất phát từ hệ luận tất yếu chín chắn: nếu Tây Phương từ bỏ Kitô Giáo, nó sẽ còn nguy hại đến các giá trị của chủ nghĩa bình đẳng mà Kitô Giáo đã đem vào thế giới. Sự chấm dứt Kitô Giáo cũng có nghĩa sự xói mòn hệ thống giá trị tỉ như phẩm giá bình đẳng và quyền bình đẳng mà người tín hữu cũng như thế tục đều trân qúy.
Khi Thomas Jefferson viết trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập rằng "mọi người được dựng nên bình đẳng", ông cho rằng đây là một sự thật hiển nhiên. Nhưng nó không hiển nhiên chút nào. Thật vậy, hầu hết các văn hóa trên thế giới, và ngay cả ngày nay, bác bỏ lời tuyên bố này. Xét theo bề ngoài, đó là điều vô lý khi cho rằng con người bình đẳng trong khi tất cả những gì chung quanh chúng ta đều rõ ràng là bất bình đẳng. Con người thì bất quân bình về chiều cao, trọng lượng, sức khỏe, khả năng chịu đựng, sự thông minh, sự kiên trì, sự chân thật, và trong hầu hết đặc tính khác. Sự bất bình đẳng dường như là thực tế hiển nhiên của bản chất con người.
Ông Jefferson biết điều này. Ông khẳng định một loại bình đẳng đặc biệt của con người. Ông cho rằng con người thì bình đẳng về luân lý. Con người không đối xử tốt đẹp như nhau, nhưng mỗi một đời sống có giá trị luân lý không hơn không kém. Theo học thuyết kỳ lạ này, giá trị của người phu quét đường ở Philadelphia cũng vĩ đại như của chính ông Jefferson . Mỗi một đời sống đều có giá trị, và không người nào có giá trị hơn người nào.
Tính chất qúy báu và giá trị bình đẳng của đời sống con người là một ý tưởng của Kitô Giáo. Người tín hữu Kitô luôn tin rằng Thiên Chúa đã đặt một giá trị vô cùng trong cuộc sống từng cá nhân mà Người đã dựng nên và Người yêu qúy mỗi người như nhau. Trong Kitô Giáo, bạn không được cứu độ qua gia đình hay bộ lạc hay thành phố. Sự cứu độ là một vấn đề cá biệt. Hơn thế nữa, Thiên Chúa có một "thiên hướng" hay ơn gọi cho mỗi một người chúng ta, một hoạch định của Chúa cho mỗi một cuộc đời. Trong thời Cải Cách, Martin Luther nhất mạnh đến tính cách cá biệt của hành trình Kitô Giáo. Chúng ta không chỉ bị phán xét vào cuối cuộc đời, nhưng trong toàn thể cuộc đời, chúng ta còn liên hệ với Thiên Chúa một cách cá biệt. Ngay cả chân lý tôn giáo cũng không chỉ trao truyền cho chúng ta nhưng được lĩnh hội qua sự cầu nguyện và học hỏi. Những ý tưởng này có các hậu quả nghiêm trọng.
Chúng ta thường được bảo rằng các ý niệm hiện đại về dân chủ và quyền bình đẳng được tìm thấy trong thời Hy La cổ xưa, nhưng các người sáng lập Hoa Kỳ không chắc về điều này. Alexander Hamilton viết rằng sẽ là điều "nực cười khi tìm kiếm các mô thức này trong các thời đại giản dị của Hy La cũng như truy lùng các mô thức ấy trong những người Hottento và Laplander." Trong cuốn The Federalist chúng ta thấy ý tưởng cổ điển về tự do ban bố "cho các công dân cái cây vào ngày này và các tượng vào ngày khác… Nếu mọi công dân Athen là Socrates, mọi cuộc họp của người Athen vẫn chỉ là một đám đông ô hợp." Trong khi người Hy La cổ xưa có nền dân chủ chỉ huy, được hỗ trợ bởi hệ thống nô lệ lan tràn, chúng ta có điều gì đó thật khác biệt: nền dân chủ đại nghị, với quyền công dân đầy đủ và quyền bầu cử được nới rộng cho mọi người, trên nguyên tắc. Hãy tìm hiểu xem sự thay đổi lớn lao này xảy ra như thế nào.
Trong thời Hy La cổ xưa, sự sống con người ít có giá trị. Người Spartan để con chết đói trên đồi. Tục giết trẻ sơ sinh thì phổ thông, mà vẫn còn thấy ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Các người cha muốn có con trai thì họ không áy náy trấn nước con gái sơ sinh. Người ta thường bị đánh đập cho đến chết hay bị xâu xé bởi súc vật trong các đấu trường của La Mã. Các nhà tư tưởng lớn thời xưa, từ Seneca cho đến Cicero, đều không thấy gì sai lầm trong thông lệ này. Kitô Giáo cấm đoán các việc ấy, và Kitô Giáo khiến chúng ta cảm thấy rùng rợn khi nghe nói về các điều đó.
Phụ nữ có địa vị rất thấp kém trong xã hội Hy La cổ xưa, cũng như ngày nay trong nhiều nền văn hóa, nhất là trong thế giới Hồi Giáo. Aristotle nói lên quan điểm của nhiều người khi ông viết rằng lý trí trong người đàn ông được bày tỏ trọn vẹn. Trong trẻ em, theo Aristotle, lý trí hiện diện nhưng chưa phát triển. Trong phụ nữ, ông viết, lý trí hiện diện nhưng vô dụng. Những quan điểm như thế thì rất phổ thông trong các văn hóa phụ hệ. Và, dĩ nhiên, chúng phổ biến trong xã hội Do Thái khi Đức Giêsu còn sống. Nhưng Người đã phá vỡ điều cấm kỵ này. Từ quan điểm xã hội và ngay cả từ quan điểm của các môn đệ, Đức Giêsu đã gây xôn xao dư luận khi cho phép phụ nữ (ngay cả người thấp kém trong xã hội) được du hành với Người và thuộc về vòng bạn hữu của Người.
Kitô Giáo không chống đối phụ hệ, nhưng nâng thân phận của người phụ nữ lên. Kitô Giáo cấm ngoại tình--một tội được coi là trầm trọng như nhau cho nam cũng như nữ--và đặt sự ràng buộc luân lý đối với sự kỳ thị phổ thông mà nó cho rằng phụ nữ phải nết na trong khi nam giới có thể tùy ý. Không như Do Thái Giáo và Hồi Giáo, mà họ đối xử khác nhau về vấn đề ly dị giữa nam và nữ, các quy tắc của Kitô Giáo thì giống nhau về vấn đề này. Vì thế phẩm cách cao qúy là vị thế của phụ nữ trong hôn nhân Kitô Giáo mà người nữ chiếm ưu thế trong giáo hội Kitô Giáo thời tiên khởi, cũng như trong một số sự tôn trọng ngày nay. Một trong những hậu quả là người La Mã khinh miệt Kitô Giáo, cho đó là tôn giáo của phụ nữ.
Trong thời Trung Cổ chúng ta gặp một sự phát triển mới—ý niệm về tình yêu phong nhã. Vì lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ, là đối tượng tình yêu của một hiệp sĩ, được nâng lên một địa vị cao. Thật vậy, địa vị của họ còn cao hơn cả người theo đuổi họ. Càng ngày, phụ nữ càng được coi là bạn mà sự trò chuyện được qúy trọng và được tìm cách làm quen. Cuốn "Vợ ông Bath" của Chaucer là một điều không thể tưởng tượng được trong bất cứ nền văn hóa nào thuộc thế kỷ thứ mười bốn. Tác phong lịch sự, lối xử thế đầy tôn trọng đối với phụ nữ, được Kitô Giáo phát minh. Sinh hoạt xã hội giữa nam và nữ được khởi sự vào cuối thời Trung Cổ. Hơn thế nữa, khi đời sống gia đình ngày càng được coi là tâm điểm của hạnh phúc con người, vai trò của người mẹ trong việc gìn giữ gia đình và đảm bảo sự giáo dục con cái ngày càng có giá trị.
Chống với những tiến bộ này, người vô thần đưa ra một vấn đề khác: sự nô lệ. Sam Harris viết trong cuốn Letter to a Christian Nation, "Hãy đọc Kinh Thánh và bạn sẽ khám phá thấy rằng đấng tạo nên vũ trụ rõ ràng mong đợi chúng ta duy trì chế độ nô lệ."4 Steven Weinberg nhận xét rằng "Kitô Giáo… sống thoải mái với chế độ nô lệ trong nhiều thế kỷ." Các văn sĩ vô thần này chắc chắn không phải là những người đầu tiên đổ lỗi cho Kitô Giáo về điều họ cáo buộc là tán thành chế độ nô lệ. Nhưng từ trước thời Kitô Giáo đã có chế độ nô lệ trong nhiều thế kỷ ngay cả thiên niên kỷ. Nó được phổ thông thi hành trong thế giới xưa, từ Trung Hoa và Ấn Độ cho đến Hy Lạp và La Mã, và hầu hết các văn hóa coi đó như một thể chế không thể thiếu, giống như gia đình. Trong nhiều thế kỷ, chế độ nô lệ không cần được bảo vệ vì không ai chỉ trích. Ngay cả Kinh Thánh cũng không lên án rõ ràng. Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (6:5) và các đoạn khác cũng thúc giục người nô lệ phải tuân phục chủ nhân, và khuyên chủ nhân hãy tử tế với người nô lệ.
Dầu vậy, ngay từ đầu Kitô Giáo đã ngăn cản hoạt động nô lệ của tín hữu Kitô. Trong các thư của T. Phaolô chúng ta thấy chính thánh nhân can thiệp với một ông chủ tên là Philemon cho một người nô lệ đã bỏ trốn. T. Phaolô nói, "Có lẽ đây là lý do hắn bị tách rời khỏi ông trong một thời gian ngắn, để ông có thể có được hắn mãi mãi, không phải như một nô lệ, nhưng như một người em." Làm thế nào một nô lệ có thể trở nên người anh em? Kitô Hữu bắt đầu thấy hoàn cảnh này không thể đứng vững được. Chế độ nô lệ, nền tảng của văn minh Hy La, đã héo úa trong các nước Kitô Giáo thời trung cổ và được thay thế bằng giai cấp nông nô, không giống nô lệ. Trong khi nô lệ là "dụng cụ con người", nông nô là con người có quyền kết hôn, ký khế ước, và sở hữu bất động sản. Chế độ phong kiến thời trung cổ được dựa trên hệ thống thứ bậc của quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương giữa các ông chủ và nông nô.
Ngoài ra, Kitô Hữu còn là nhóm đầu tiên trong lịch sử khởi sự phong trào chống chế độ nô lệ. Phong trào này được khởi sự vào cuối thế kỷ mười tám ở Anh, lan tràn sang các phần khác của Âu Châu, và rồi mạnh nhất là ở Hoa Kỳ, nơi nền kinh tế của miền Nam lệ thuộc phần lớn vào sức lao động của nô lệ. Ở Anh, William Wilberforce phát động một chiến dịch mà lúc khởi đầu hầu như không ai hỗ trợ và được thúc đẩy hoàn toàn bởi niềm tin Kitô Giáo của ông—câu chuyện này được kể lại thật sống động trong cuốn phim Amazing Grace. Sau cùng Wilberforce chiến thắng, và vào năm 1833 chế độ nô lệ bị cấm ở Anh. Bị áp lực của các nhóm tôn giáo ở quê hương, nước Anh dẫn đầu trong việc ngăn chặn nạn buôn bán nô lệ ở nước ngoài.
Cuộc tranh luận về vấn đề nô lệ ở Hoa Kỳ thực sự là cuộc tranh luận tôn giáo. Mọi phía đều cho mình có thẩm quyền của Kinh Thánh và truyền thống Kitô Giáo. Các chủ nô lệ viện dẫn lời của Thánh Phaolô và nói rằng chế độ nô lệ từng hiện hữu trong các quốc gia Kitô Giáo kể từ thời Đức Kitô. Những người da đen tự do thúc giục giải phóng các anh chị em nô lệ da đen thì lại trưng ra câu chuyện giải phóng trong Sách Xuất Hành, trong đó ông Môsê đưa người Do Thái bị nô lệ đến tự do: "Môsê, hãy xuống núi, xuống tận đất Ai Cập và nói với Pharaô là hãy để dân của ta ra đi."
Người ta không ngạc nhiên khi một nhóm chống đối chế độ nô lệ là vì có lợi cho phần tử của mình. Trong lịch sử, người ta từng chống đối chế độ nô lệ cho chính mình nhưng lại vô cùng thỏa thích khi bắt người khác làm nô lệ. Thật vậy có hàng ngàn chủ nô lệ da đen ở Nam Mỹ. Điều đáng kể là cả một nhóm chống đối chế độ nô lệ. Nhóm Quaker là người đầu tiên ở Hoa Kỳ chống đối chế độ nô lệ, và các Kitô Hữu khác theo sau. Các nhóm này đưa tính cách chính trị vào một nhận xét trong kinh thánh nói rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trong mắt Thiên Chúa. Từ chân lý tinh thần này họ đi đến một đề nghị chính trị: vì con người bình đẳng trong mắt Thiên Chúa, không ai có quyền cai trị người khác mà không có sự đồng ý của họ. Đề nghị này là căn bản luân lý cho chủ nghĩa bãi nô và dân chủ.
Các biến động trong lịch sử Hoa Kỳ có thể hiểu như một cố gắng để thể hiện nguyên tắc Kitô Giáo này. Với những ai nghĩ về lịch sử Hoa Kỳ phần lớn theo ý nghĩa thế tục, có lẽ họ ngạc nhiên khi biết các biến cố lớn của lịch sử chúng ta được dẫn trước bằng sự hồi sinh tôn giáo ồ ạt. Sự hồi sinh Kitô Giáo đầu tiên, "The First Great Awakening", quét qua quốc gia này vào giữa thế kỷ mười tám, đã tạo thành nền tảng luân lý cho cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Sự hồi sinh nhấn mạnh rằng người ta không chỉ biết đến Đức Kitô, nhưng còn phải phát triển một sự tương giao cá biệt với Người. Các khuôn mặt dẫn đạo ở đây là George Whitefield, giáo sĩ với kiến thức của Oxford, đã hướng dẫn phong trào Methodist mới thành hình, và Jonathan Edwards, mục sư phái Congregationalist có bằng cấp của Yale làm chủ tịch của Đại Học Princeton. Sử gia Paul Johnson viết rằng cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ thì "không thể hiểu được… nếu không có nền tảng tôn giáo này."
Sự hồi sinh "The First Great Awakening" đưa ra những điều mặc nhiên thừa nhận mà Jefferson và các nhà sáng lập Hoa Kỳ đã dựa vào trong cuộc Cách Mạng. Hãy nhớ rằng Jefferson khẳng định rằng lời tuyên bố của ông về sự bình đẳng con người thì vừa "hiển nhiên" và vừa là một quà tặng của Thiên Chúa: chúng ta được Đấng Tạo Hóa phú ban cho các quyền không thể nhượng bộ. Quả thật không còn nguồn nào khác cho các quyền này. Nhưng làm thế nào Jefferson có thể quá tự tin cho rằng chủ thuyết của ông thì "hiển nhiên"? Là vì ông biết rằng hầu hết người Hoa Kỳ đều tin điều đó. Theo ông nói, ông chỉ diễn tả một điều sẵn có trong bản chất người Hoa Kỳ. Sau này John Adams viết, "Chúng ta muốn nói gì về Cách Mạng Hoa Kỳ? Cuộc chiến? Đó không thuộc về thành phần của Cách Mạng; nó chỉ là một ảnh hưởng và kết quả của cách mạng. Cách Mạng sẵn có trong tâm trí của người dân… một thay đổi trong tình cảm tôn giáo của họ". Các tình cảm tôn giáo này được rèn luyện trong các bài giảng nẩy lửa của "The First Great Awakening".
Sự hồi sinh thứ hai "The Second Great Awakening", được khởi sự vào đầu thế kỷ mười chín và kéo qua New England và New York, rồi sau đó vào nội địa quốc gia, để lại dấu vết trong phong trào tự kiềm chế, phong trào phụ nữ được đi bầu, và quan trọng nhất, phong trào bãi nô. Chính sự hăng say tôn giáo của những người như Charles Finney, một luật sư phái Presbyter là khoa trưởng trường Oberlin đã đưa đến phong trào bãi nô và khởi sự một chuỗi biến động đưa đến cuộc Nội Chiến, sự chấm dứt nô lệ, và "tái sinh sự tự do"của Hoa Kỳ.
Trở về thế kỷ hai mươi, và hãy để ý đến lời tuyên bố lừng danh của Mục Sư Martin Luther King khi nói rằng ông vừa đệ trình giấy nợ lên Hoa Kỳ và đòi hỏi phải được trả tiền mặt. Một người kỳ thị chủng tộc miền Nam có thể hỏi, "Giấy nợ gì? Ông ấy muốn nói gì?" Ông King cầu viện đến bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Thật đặc biệt, người vô địch về sự tự do này đưa vụ kiện của ông dựa vào một tuyên ngôn được công bố hai trăm năm trước đây bởi một chủ nô lệ miền Nam! Tuy vậy, khi thi hành điều này, ông King cầu viện đến một nguyên tắc mà chính ông và Jefferson cùng chia sẻ, nguyên tắc giá trị bình đẳng của mọi con người. Cả hai, một mục sư thế kỷ hai mươi và quản lý đồn điền thế kỷ mười tám, đều phản ảnh phạm vi dài hạn của Kitô Giáo.
Hoặc hãy nhớ lại giấc mơ nổi tiếng của ông King về một ngày khi con người sẽ được xét xử "không bởi mầu da nhưng bởi các nét cá tính." Nhiều văn sĩ—trong đó có tôi—trong quá khứ thường giải thích điều này như một lời kêu gọi cho chủ thuyết công trạng: chúng ta phải được xét xử trên sự hiểu biết và khả năng. Nhưng đây không phải là điều ông King muốn nói. Ông hy vọng một ngày nào đó khi chúng ta sẽ được xét xử bởi nội dung của cá tính chúng ta. Không phải là những thành quả hiểu biết, nhưng thành quả đạo đức, dường như đó là vấn đề đối với ông King. Ở đây, chúng ta cũng thấy sự vang vọng mạnh mẽ của Kitô Giáo, mà nó thẩm định giá trị con người không qua quyền lực và của cải nhưng qua đức tính mà chúng ta sống trong đời.
Như ông Nietzsche nói trong lời ở đầu chương này, học thuyết về con người bình đẳng của Kitô Giáo cũng là căn bản cho mọi học thuyết hiện đại về nhân quyền. Đúng vậy, ngày nay chúng ta có rất nhiều học thuyết về quyền lợi từ các nguồn thế tục, nhưng bạn chỉ cần khơi nhẹ thì cũng thấy được các nền tảng Kitô Giáo. Triết gia John Rawls lý luận rằng chúng ta phải sáng chế ra một hệ thống xã hội bằng cách tưởng tượng mình đằng sau "bức màn ngu dốt" mà trong đó chúng ta không biết mình sẽ thông minh hay ngu dốt, giầu hay nghèo. Một ý niệm thích thú, nhưng tại sao chúng ta phải tự đặt mình sau bức màn giả thuyết này? Tại sao chúng ta không phủ nhận những đặc ân hiện thời?
Các ý tưởng của Rawls sẽ không có ý nghĩa nếu trước đó không tin rằng mỗi một đời sống được coi giống như bất cứ ai khác. Ông mặc nhiên chấp nhận ý niệm rằng chúng ta không tự động được hưởng các đặc ân, tự bản chất chúng ta không tốt hơn người khác, và chúng ta có thể dễ dàng chiếm ngự vị trí của người khác trong cuộc đời, và họ cũng vậy đối với chúng ta.
Ngày nay có hai loại học thuyết về nhân quyền: học thuyết về luân lý và học thuyết về pháp luật. Cả hai đều là sản phẩm của Kitô Giáo. Hãy nghĩ đến một lý thuyết về luân lý tỉ như học thuyết về "cuộc chiến chính đáng". Nó định rõ các điều kiện đạo đức mà cuộc chiến có thể xảy ra. Tính cách cơ bản của quan niệm này có thể thấy trong phần đối thoại "Melian Dialogue" trong cuốn Peloponnesian War của Thucydide. Trong đó người Athen bác bỏ lý luận có tính cách luân lý của người Melian với sự kiên quyết rằng trong chiến tranh "nước mạnh thi hành những gì họ có sức mạnh để thi hành và nước yếu phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận." Khi sau cùng người Melian đầu hàng, người Athen giết tất cả những người đàn ông và bán phụ nữ và trẻ con làm nô lệ. Như đại sứ Athen nói với người Melian, đây là kiểu cách của thế giới. Nếu điều đó làm chúng ta kinh hoàng, đó là vì lương tâm xã hội chúng ta đã được khuôn đúc bởi Kitô Giáo.
Các nguyên tắc "cuộc chiến chính đáng" của Kitô Giáo nói rằng ngay cả trong thời chiến bạn không thể tự do giết hại dân lành. Nó cũng nói rằng cuộc chiến phải được khởi sự với tính cách tự vệ: bạn không được tấn công. Một cuộc chiến chính đáng phải là biện pháp sau cùng, chỉ xảy ra khi các biện pháp khác đã được sử dụng mà không thành công và khi có cơ hội thành công hợp lý. Hơn thế nữa, sự trả thù phải xứng hợp với sự tấn công lúc đầu. Nếu ai đó đột kích bộ lạc của bạn và giết chết mười người, bạn không được đột kích và giết mười ngàn người. Học thuyết "cuộc chiến chính đáng" là một sản phẩm của Kitô Giáo. Nó khởi đầu từ Augustine, được phát triển thêm bởi Aquinas, và rồi được trình bầy ngày nay bởi các nhà tư tưởng như Francisco de Vitoria, Hugo Grotius, và John Locke.
Bây giờ hãy để ý đến một học thuyết hợp pháp tỉ như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Bản tuyên ngôn này, được thông qua vào ngày 10 tháng Mười Hai, 1948, bởi Đại Hội Đồng LHQ mà không có một phiếu chống, nó khẳng định các quyền lợi chung cho mọi người trên mặt đất. Mọi người đều có quyền tự do của lương tâm. Ý muốn của người dân là căn bản cho thẩm quyền của chính phủ. Mỗi một người trưởng thành có quyền kết hôn với một người khác phái qua sự tự do ưng thuận và tạo dựng gia đình. Không ai bị tra tấn hoặc trừng phạt trái nhân đạo. Mọi người đều bình đẳng trước luật pháp. Mọi người đều có quyền để sống, tự do, và sở hữu chủ. Các tuyên ngôn này là bản cáo trạng đối với nhà độc tài và áp bức ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, tính cách hoàn vũ của bản tuyên ngôn này được dựa trên các giảng dạy đặc biệt của Kitô Giáo. Các quyền lợi trong bản tuyên ngôn được dựa trên tiền đề rằng mọi sự sống con người đều có giá trị và mọi người được coi bình đẳng; đây không phải là sự giảng dậy của tất cả nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới. Ngay cả như vậy, một học thuyết Kitô Giáo ngay từ nguyên thủy phải có tính cách hoàn vũ trong sự áp dụng bởi vì Kitô Giáo nói rõ điều này trong ngôn ngữ thông thường. Như Thánh Phaolô viết cho tín hữu Galát (3:28): "Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn người nam hay người nữ, vì tất cả anh chị em là một trong Đức Giêsu Kitô." Ở đây, chủ nghĩa cá nhân Kitô Giáo được phối hợp với thuyết phổ quát, và cả hai cùng chịu trách nhiệm cho một trong những phép lạ chính trị vĩ đại ngày nay, một sự đồng ý toàn cầu về các quyền lợi được coi là bất khả xâm phạm.
Sau cùng, Kitô Giáo còn chịu trách nhiệm cho ý niệm hiện đại của chúng ta về tự do cá nhân. Có nhiều dấu vết của ý niệm này trong thế giới kinh điển và thế giới cổ Do Thái. Trong các nhân vật như Socrates và các ngôn sứ Do Thái, người ta tìm thấy các cá nhân danh tiếng là người có can đảm đối đầu và đặt vấn đề với ngay cả các thẩm quyền cao nhất. Nhưng trong khi các văn hóa này tạo ra được các nhân vật vĩ đại, như các văn hóa khác ngay cả ngày nay, không một ai trong bọn họ nuôi dưỡng được sự qúy mến đặc tính cá nhân. Hiển nhiên là Socrates và các ngôn sứ Do Thái tất cả đều kết thúc thảm bại. Họ là những nhân vật dị thường trong xã hội, và xã hội mau chóng tẩy chay họ.
Trong tiểu luận "The Liberty of the Ancients Compared with That of the Moderns" (Sự tự do của người xưa so với người thời nay), Benjamin Constant đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa cách nhìn của người Hy La và cách nhìn của chúng ta ngày nay về sự tự do. Constant nhận xét rằng với người xưa, tự do là quyền được tham dự trong việc làm luật. Dân chủ Hy Lạp là dân chủ trực tiếp mà trong đó mọi công dân có thể hiện diện trong agora, tranh luận về các vấn đề thuế và chiến tranh, và sau đó họ bỏ phiếu để chọn hành động nào mà polis phải theo. Đây là quyền lực thực sự, quyền lực của người dân để định hướng các quyết định của xã hội. Vì vậy, người Hy Lạp hành xử sự tự do của mình qua sự tích cực tham dự vào chính trị và đời sống dân sự của thành phố. Không có loại tự do nào khác.
Thật vậy, Constant báo cáo rằng trong hầu hết các thành phố xưa "mọi hành động riêng tư đều chịu sự giám sát gắt gao. Sự độc lập cá nhân không được coi là quan trọng, dù có liên hệ đến quan điểm, hay sự lao động, hay trên tất cả, liên hệ tôn giáo. Quyền chọn lựa tôn giáo cho riêng mình, một quyền mà chúng ta coi là quý giá nhất, dường như được người xưa coi là trọng tội và phạm thượng. Hầu như không có gì mà luật lệ không quy định. Do đó, giữa những người xưa, cá nhân, hầu như luôn luôn cao nhất trong việc chung, lại là một nô lệ trong mọi tương giao riêng tư."
Trong các thành phố xưa, chỉ có Athens cho phép công dân được rộng rãi trong quyết định cá nhân. Constant lý luận rằng, Athens có thể thi hành điều này vì dân nô lệ quá đông. Nhưng người Athens không hoàn toàn tách biệt khỏi các phong tục của các thành phố xưa, điều này có thể thấy trong tục lệ khai trừ, mà Constant nhận xét "dựa trên sự mặc định rằng xã hội có thẩm quyền hoàn toàn trên thành viên của nó." Hàng năm, công dân được yêu cầu viết vào lá phiếu tên của những người, mà theo quan điểm của họ, đáng bị loại trừ khỏi thành phố. Bất cứ ai có tên trên số phiếu nhiều hơn quy định sẽ bị trục xuất, đôi khi trong một thời gian mười năm, đôi khi vĩnh viễn. Khi người Athens bỏ phiếu khai trừ một trong những người giỏi nhất của họ, ông Aristide người Công Chính, người công dân chỉ giải thích rằng vì họ hết hứng thú khi nghe ông này được gọi là "người Công Chính."
Constant viết, tất cả những điều này thì hoàn toàn khác với ý niệm tự do ngày nay. Chúng ta không có dân chủ trực tiếp; chúng ta có dân chủ đại nghị. Phải, chúng ta bỏ phiếu vào ngày bầu cử, nhưng ngay cả vậy, lá phiếu của chúng ta là một trong trăm triệu, do đó sự ảnh hưởng của mỗi công dân thì rất nhỏ so với toàn thể. Đây không phải là loại tự do quan trọng nhất đối với chúng ta ngày nay. Đúng ra, ý niệm tự do ngày nay có nghĩa quyền để bày tỏ quan niệm, quyền chọn ngành nghề, quyền mua và bán bất động sản, quyền du lịch bất cứ đâu bạn muốn, quyền đối với khoảng không gian riêng tư, và quyền sống theo ý mình. Đây là sự tự do mà chúng ta đã chiến đấu, và chúng ta trở nên căm phẫn khi nó bị thử thách hay lấy đi.

CHƯƠNG 8

KITÔ GIÁO VÀ LÝ TRÍ:
NGUỒN GỐC THẦN HỌC CỦA KHOA HỌC

"Trước hết chúng ta sẽ thử bày tỏ chân lý mà đức tin tuyên xưng và lý trí nghiên cứu, đưa ra luận chứng và lý lẽ có tiềm năng, như thế chân lý có thể được xác nhận và kẻ chống đối bị thuyết phục."
Tôma Aquinas, Summa Contra Gentiles

T
rong các chương trước đây, chúng ta đã thấy làm thế nào Kitô Giáo khuôn đúc cốt lõi văn minh Tây Phương, gọt dũa các tư tưởng và thể chế mà chúng tồn tại trên hai ngàn năm. Trong vài chương tới, tôi sẽ khảo sát sự tương quan giữa Kitô Giáo và khoa học. Đặt biệt, tôi sẽ để ý đến sự tương phản nội tại giữa hai điều này; các văn gia vô thần thường đưa ra hình ảnh một cuộc chiến liên tục giữa hai bên. Sam Harris viết, sự mâu thuẫn có "tổng số là zêrô." E.O. Wilson tuyên bố nó là một kẻ thù "không hòa giải được", và truyền thông đại chúng hết hơi quảng cáo chủ đề cuộc chiến này, như tờ Time đăng ngay ngoài bìa số 13 tháng Mười Một, 2006, "Thiên Chúa đấu với Khoa Học".
Tuy nhiên khoa học là một công việc có tổ chức và được duy trì chỉ phát sinh một lần trong lịch sử loài người. Và nó phát sinh từ đâu? Ở Âu Châu, trong nền văn minh được gọi là Thế Giới Kitô Giáo. Tại sao khoa học hiện đại lại được phát sinh ở đây chứ không ở nơi khác? Trong bài diễn văn ngày 12 tháng Chín, 2006 tại Regensburg, nước Đức, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lý luận rằng đó chính là nhờ Kitô Giáo nhấn mạnh đến sự quan trọng của lý trí. Đức giáo hoàng lý luận rằng lý trí là nét chính yếu để phân biệt Kitô Giáo. Trong khi bài nói chuyện ở Regensburg đưa đến sự tranh luận bởi vì sự nhận xét của đức giáo hoàng về Hồi Giáo, quan điểm của người về Kitô Giáo và lý trí thì rất đúng. Một cái nhìn không thiên vị về lịch sử của khoa học cho thấy khoa học hiện đại là một phát minh của Kitô Giáo thời trung cổ, và những khám phá vĩ đại trong khoa học phần lớn là công trình của Kitô Hữu.
Trước khi có tôn giáo như chúng ta hiểu, đã có thuyết duy linh, được dựa trên ý tưởng của một vũ trụ huyền hoặc. Từng con sông, từng cái cây, và từng hòn đá đều được cho rằng có thần linh chiếm đóng. Thế giới thật huyền bí, thất thường, không thể tiên đoán, và không thể kiểm soát được. Sau đó là các tôn giáo đa thần, tỉ như tôn giáo của người Babylon, người Ai Cập, và Hy Lạp. Mỗi tôn giáo này thừa nhận các hữu thể linh thiêng—đôi khi bất tử, đôi khi không—là những người can dự vào sự vận chuyển của thiên nhiên hằng ngày, tạo nên bão tố và động đất, biến con người thành con nai, và vân vân. Sau đó xuất hiện các tôn giáo lớn ở Đông Phương, Ấn Giáo và Phật Giáo, theo sau là các tôn giáo độc thần, Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.
Trong những tôn giáo này, chỉ có một tôn giáo—Kitô Giáo—là dựa trên lý trí ngay từ ban đầu. Do Thái Giáo và Hồi Giáo chính yếu là những tôn giáo của lề luật; có một đấng ban ra lề luật và có thế lực trên thiên nhiên và con người. Trong trường hợp Do Thái Giáo, các sắc lệnh này được áp dụng chính yếu cho tuyển dân của Chúa, là người Do Thái. Trong trường hợp Hồi Giáo, lề luật được áp dụng cho mọi người. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, luật lệ được Thiên Chúa mặc khải và con người phải tuân theo. Cả người Hồi lẫn Do Thái có thể tranh luận rộng rãi, nhưng chỉ hạn chế trong cách giải thích và áp dụng lề luật. Ngược lại, Kitô Giáo thì không phải là một tôn giáo của lề luật nhưng một tôn giáo của tín điều. Kitô Giáo thường bận tâm với học thuyết, được coi là những điều tin tưởng thực sự về sự tương giao của con người với Thiên Chúa.
Triết gia Ernest Fortin viết rằng, trong khi kỷ luật cao nhất trong Do Thái Giáo và Hồi Giáo là tuân thủ lề luật, kỷ luật cao nhất trong Kitô Giáo là thần học. Các thần học gia Kitô Giáo có trách nhiệm dùng lý trí để tìm hiểu đường lối của Thiên Chúa. Trong Ấn Giáo và Phật Giáo không có thần học gia bởi vì con người không được mời gọi để tìm hiểu mục đích của Thượng Đế theo phương cách này.
Nhưng một thần học gia thì có ích gì? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách nhìn đến Augustine, một giáo phụ. Augustine đối diện với một vấn đề thần học nghiêm trọng và sâu xa: Trước hôm nay đã có hôm qua, và trước hôm qua đã có hôm kia, và vân vân. Nhưng làm sao có thể được? Có phải một chuỗi hôm qua kéo dài vô tận vào quá khứ không? Nếu vậy, làm thế nào mà Thiên Chúa tạo dựng một vũ trụ luôn luôn hiện hữu? Nếu không, phải có một khởi đầu, nhưng trước đó là gì? Nếu vũ trụ được Thiên Chúa dựng nên thì Thiên Chúa làm gì trước khi tạo dựng vũ trụ?
Với những vấn nạn này, Augustine đã đưa ra một câu trả lời thật kinh ngạc mà dường như trước đó chưa bao giờ có: Thiên Chúa tạo nên thời gian cùng lúc với vũ trụ. Nói cách khác, "trước" khi có vũ trụ thì chưa có thời gian. Vũ trụ thì giống như một chu trình, nó có thể hoặc không thể giãn rộng mãi mãi về phía trước hay phía sau theo thời gian. Nhưng Thiên Chúa đứng bên ngoài chu trình này, và đó là điều chúng ta muốn nói Thiên Chúa thì "vĩnh cửu." Vĩnh cửu không có nghĩa "tiếp tục mãi mãi"; nó có nghĩa "đứng ngoài thời gian". Hãy để ý rằng Augustine không đưa ra một suy đoán thần học lờ mờ. Người đưa ra một luận điệu hoàn toàn phản trực giác về bản chất của vật thể. Ngày nay, nhờ khoa vật lý hiện đại và thiên văn học, chúng ta biết Augustine nói đúng; thời gian là một thuộc tính của vũ trụ, và thời gian xuất hiện cùng lúc với vũ trụ. Sự suy nghĩ của Augustine về bản chất của thời gian, hoàn toàn được phát sinh qua lý luận thần học, là một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của lịch sử tư tưởng.
Để hiểu Kitô Hữu lý luận thế nào về Thiên Chúa, tôi muốn đưa ra hai lý lẽ nổi tiếng về sự hiện hữu của Thiên Chúa và dùng sự sắc bén của các nhà tư tưởng Kitô Hữu thời xưa để chống với những người vô thần hiện nay. Đầu tiên là lý lẽ của Aquinas dựa trên quan hệ nhân qủa. Aquinas lý luận rằng mọi hậu quả đòi hỏi một nguyên nhân, và vì vậy trên thế giới này không có gì là nguyên nhân của chính sự hiện hữu của nó. Bất cứ khi nào bạn gặp điều A, nó phải được gây ra bởi B. Nhưng rồi B phải được giải thích, vì vậy chúng ta có thể nói là nó được gây nên bởi C. Aquinas nói rằng, việc truy lùng nguyên nhân không thể tiếp tục vô tận, bởi vì nếu như vậy thì không có gì được hiện hữu. Do đó ngay từ ban đầu phải có một nguyên nhân gốc chịu trách nhiệm cho một chuỗi hậu qủa. Với nguyên nhân đầu tiên này chúng ta gọi là Thiên Chúa.
Các nhà vô thần nổi tiếng không lấy làm cảm kích. Sam Harris viết, "Nếu Thiên Chúa tạo nên vũ trụ thì cái gì tạo nên Thiên Chúa?" Quan điểm của ông được lập lại bởi một vài văn gia vô thần khác: Richard Dawkins, Christopher Hitchens, Carl Sagan, Steven Weinberg. Họ nêu ra vấn đề nghịch hành vô tận. Đúng, phải có một chuỗi nhân qủa, nhưng tại sao nó phải chấm dứt với Thiên Chúa? Tại sao nó không thể tiếp tục mãi mãi? Dawkins nói thêm rằng chỉ một Thiên Chúa phức tạp mới có thể tạo nên một phức tạp như vũ trụ, và chúng ta không thể giải thích được một hình thức phức tạp không thể giải thích (là vũ trụ) bằng cách hướng về một hình thức phức tạp không thể giải thích lớn lao hơn nữa (là Thiên Chúa). Hậu quả là Dawkins kết luận rằng "câu trả lời của người hữu thần thực sự thất bại" và ông thấy "không có cách nào khác để bác bỏ."
Tuy nhiên, ưu điểm của lý lẽ Aquinas thì không phải rằng mọi chu trình phải có một khởi đầu, nhưng là mọi chu trình, để hiện hữu, phải tùy thuộc vào điều gì đó ở bên ngoài chu trình ấy. Vì mọi sự phải có một nguyên nhân, vậy ai là nguyên nhân của Thiên Chúa, nói như vậy không phải là đã bác bỏ được. Lý lẽ của Aquinas không giả sử rằng mọi sự cần một nguyên nhân, mà chỉ nói rằng mọi sự hiện hữu trong vũ trụ thì cần một nguyên nhân. Sự chuyển động và tính cách ngẫu nhiên của thế giới không thể không có sự giải thích tối hậu. Vì Thiên Chúa ở ngoài vũ trụ. Người không thuộc về chuỗi biến động này. Do đó các quy luật của chu trình, kể cả quy luật nhân quả, sẽ không áp dụng cho Người.
Hãy nghĩ về Thiên Chúa như tác giả của cuốn tiểu thuyết. Các biến cố trong truyện có một vài liên hệ và hợp lý. Điều gì đó xảy ra ở đầu câu chuyện sẽ tạo nên sự khủng hoảng cho một nhân vật ở giữa câu chuyện. Các hành động của Raskolnikov trong cuốn "Crime and Punishment" (Tội Ác và Hình Phạt) của tác giả Dosteovsky đã gây nên cái chết cho một bà lão. Nhưng tác giả là nguyên nhân gây nên câu chuyện và ở mức độ hoàn toàn khác biệt. Quy tắc nhân quả áp dụng trong cuốn tiểu thuyết thì không áp dụng cho tác giả. Thật có lý để thắc mắc tại sao một nhân vật bỗng dưng xuất hiện, "Hắn từ đâu đến? Bạn giải thích thế nào về tên đó?" Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, thật không hợp lý để hỏi, "Ông Dosteovsky từ đâu đến? Bạn giải thích thế nào về ông ấy?" Tác giả đứng ngoài câu chuyện, và hành động sáng tạo của ông không thể được hiểu như một tình tiết trong câu chuyện. Qua sự tranh luận này, hiển nhiên là Harris và Dawkins không thể trả lời được lý lẽ của Aquinas.
Kế đến tôi xoay sang lý lẽ của Anselm về sự hiện hữu của Thiên Chúa.  Anselm bắt đầu một cách bất thường từ Thánh Vịnh 12:1, "Người ngu xuẩn tự nhủ rằng không có Thiên Chúa." Anselm muốn chứng tỏ rằng những ai từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa thì quả thật ngu xuẩn. Họ ngu xuẩn vì một khi hiểu được ý nghĩa của chữ Thiên Chúa, họ buộc phải tán thành với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Anselm không nói đùa về điều này.
Không như lý lẽ có tính cách quy nạp của Aquinas, lý lẽ của Anselm thì thuần túy suy diễn và không dựa trên bất cứ dữ kiện nào nhờ kinh nghiệm. Anselm định nghĩa Thiên Chúa như "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến." Có thể đây là một định nghĩa hợp lý và được rộng rãi chấp nhận. Ngay cả người vô thần cũng không có khó khăn gì với định nghĩa này. Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng khái niệm về Thiên Chúa phải tương xứng với một hữu thể tối cao vượt quá giới hạn của sự tưởng tượng của chúng ta. Anselm nói tiếp khi chúng ta hiểu và chấp nhận định nghĩa này, chúng ta phải có một ý tưởng nào đó về Thiên Chúa trong đầu óc chúng ta. Thánh nhân không muốn nói đến một miêu tả có tính cách hình ảnh. Người chỉ muốn nói rằng tâm trí chúng ta hiểu khái niệm về Thiên Chúa như một tiềm năng hợp lý mà "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến."
Anselm nói, nếu điều này đúng thì Thiên Chúa phải hiện hữu. Chúng ta chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tại sao? Bởi vì nếu "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩa đến" có trong tâm trí thì điều đó cũng phải có trong thực tế. Lý do là vì, theo Anselm, để hiện hữu trong thực tế thì "vĩ đại hơn" chỉ hiện hữu trong tâm trí. Điều khả dĩ và có thật thì hiển nhiên cao hơn điều chỉ có trong sự khả dĩ. Anselm đưa thí dụ của một họa sĩ chân dung mà chân dung của ông, thực sự được vẽ ra, là hiện thực hóa một khả năng trực giác hay khái niệm có trong đầu ông; vì vậy bức tranh thật thì "vĩ đại hơn" khả năng trực giác hay khái niệm có trong đầu. Cũng vậy, để "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến" chu toàn định nghĩa của mình, nó phải hiện hữu. Nếu không nó sẽ là "sẽ có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến." Anselm cho rằng không những Thiên Chúa hiện hữu mà sự hiện hữu của Người còn tất yếu nữa. Nếu Người hiện hữu chỉ trong sự kiện và không bởi sự tất yếu, Người thực sự là một hữu thể vĩ đại, nhưng Người sẽ không là "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến."
Tôi đưa ra bằng cớ của Anselm không vì nó có sức thuyết phục ngay lập tức—chắc chắn chúng ta cảm thấy rằng Anselm đã tài tình đưa ra một lý luận thần học trong sự hùng biện—nhưng vì nó nổi tiếng là khó để bác bỏ. Descartes và Leibniz coi lý lẽ này có giá trị, và từ đó đưa ra những lý lẽ của mình. Tuy vậy, trong cuốn God Is Not Great, Christopher Hitchens tìm cách phơi bầy khuyết điểm của Anselm. Ông đưa thí dụ của một đứa trẻ trong truyện tiểu thuyết, nó được hỏi tại sao nó tin có con rồng. Đứa bé trả lời, "Nếu có chữ rồng, thì trước đây đã từng có con rồng." Hiển nhiên đây là lý luận trẻ con để phỏng đoán vật thể từ ý nghĩ về điều đó. Hitchens hân hoan rêu rao rằng lý lẽ của Anselm "đã bị đánh đổ."
Lý lẽ của Hitchens đầu tiên được đưa ra bởi người cùng thời với Anselm, một tu sĩ tên Gaunilo, và lý lẽ của Gaunilo thì có ảnh hưởng hơn Hitchens nhiều. Gaunilo tố cáo Anselm là đã hoán chuyển bất hợp pháp từ một ý niệm sang sự tồn tại. Quan điểm của Gaunilo cho rằng chỉ vì chúng ta có thể tưởng tượng những điều không thật, tỉ như con kỳ lân, người cá, và chó bay thì điều đó không có nghĩa là các tạo vật này hiện hữu. Anselm trả lời Gaunilo bằng cách vạch ra rằng lý lẽ về bản thể học của ông không nói rằng bất cứ gì chúng ta có thể tưởng tượng trong đầu thì tất yếu hiện hữu. Lý lẽ này chỉ nhấn mạnh rằng "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến" hiện hữu và hiện hữu cách tất yếu. Nói cách khác, Anselm chỉ đưa ra luận điệu trong một trường hợp đặc biệt. Chính nhân vật mà "không có gì vĩ đại hơn có thể nghĩ đến" phải hiện hữu cách tất yếu: không có gì trong định nghĩa về con kỳ lân và con chó bay mà làm cho nó hiện hữu, đừng nói chi đến sự hiện hữu tất yếu.
Còn có những sự phản đối khác với Anselm, và tôi không có ý định thảo luận ở đây. Điều tôi muốn nói là thần học cho thấy kết quả của sự hoạt động của lý lẽ ở mức độ cao, và người ta không thể bỏ qua các lý lẽ này như nhiều người vô thần, dù bạn không đồng ý với các lý lẽ ấy. Hãy nghĩ đến nhiều lý lẽ nổi tiếng trong triết học, tỉ như, lý lẽ của Locke về quyền tư hữu hay lý lẽ của Wittgenstein về sự khả dĩ của một ngôn ngữ riêng. Dù chúng ta có coi các lý lẽ này thành công hay không, thật khó để cho rằng chúng phi lý. Đúng hơn, chúng đại diện cho những luận điệu thật hợp lý về bản chất của thực tại.
Với Aquinas và Anselm cũng vậy. Khi chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, họ không cầu viện đến mặc khải siêu nhiên. Lý lẽ của họ chỉ dựa trên lý trí. Dĩ nhiên, họ sống trong một khung cảnh khác biệt về lịch sử và triết học hơn chúng ta bây giờ, bởi thế các lý lẽ của họ cần được cập nhật hóa để có sức thuyết phục. Và khi chúng được tái phát biểu theo thuật ngữ hiện đại, chúng có sức thuyết phục. Như bạn thấy, tôi có ý định đưa ra lý lẽ tương tự như của Aquinas trong một chương sau đây về nguồn gốc của vũ trụ. Điểm tôi muốn nói là kiểu lý luận về Thiên Chúa mà chúng ta thấy nơi Augustine, Aquinas, và Anselm thì đặc thù Kitô Giáo. Trong bất cứ tôn giáo nào khác, rất ít loại này. Và thật rõ rệt, từ lý lẽ khoa học hiện đại được phát sinh.

CHƯƠNG 9

TỪ LỜI ĐẾN VŨ TRỤ: KITÔ GIÁO VÀ NHỮNG SÁNG TẠO của PHÁT MINH

""Không hồ nghi gì, công trình của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng thì quá bao la!"
Nicolaus Copernicus

D
anh sách của những ý tưởng vĩ đại về khoa học ngày nay thường có một thiếu sót chính. Trên danh sách ấy chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy thuyết về tâm mặt trời của Copernicus, định luật Kepler, định luật Newton, và thuyết tương đối của Einstein, tuy nhiên ý tưởng vĩ đại nhất của khoa học hiện đại thì hầu như không bao giờ được bao gồm. Nó là một ý tưởng vĩ đại đến độ giúp nẩy sinh mọi ý tưởng khác. Và nó vô hình đối với chúng ta bởi vì nó thường được coi là đương nhiên thay vì một lý thuyết cần được phát biểu có hệ thống. Thật kỳ quặc, ý tưởng vĩ đại nhất của khoa học hiện đại thì không dựa trên lý lẽ nhưng trên đức tin.
Đức tin không phải là một chữ thường được hoan nghênh trong giới khoa học. "Tôi không tin rằng khoa học gia có cùng một đức tin chắc chắn mà những người đạo đức chân thành thường có," nhà vật lý Richard Feynman viết như thế trong cuốn The Meaning of It All . Nhà thiên văn học Neil deGrasse Tyson than phiền rằng "những luận điệu của tôn giáo dựa trên đức tin" và khoe khoang rằng "những luận điệu của khoa học dựa trên cảm nghiệm được minh chứng." Feynman và Tyson dường như không ý thức rằng tâm điểm của ngành khoa học được họ yêu chuộng là một định đề dựa trên đức tin mà nó không kém huyền bí hơn bất cứ tín điều tôn giáo nào khác. Đây là một giả thuyết, thực sự không thể minh chứng, đó là vũ trụ thì hữu lý.
Các khoa học gia ngày nay cho rằng vũ trụ vận hành theo các quy luật, và trí tuệ con người có thể hiểu được các quy luật này. Khoa học thì dựa trên điều mà tác giả James Trefil gọi là quy tắc phổ quát: "Nó nói rằng các quy luật tự nhiên mà chúng ta khám phá ra đây đó trong các phòng thí nghiệm thì đúng ở bất cứ đâu trong vũ trụ và từng là động lực trong mọi thời gian." Nhà vật lý Steven Weinberg viết, "Tất cả những kinh nghiệm của tôi, là một vật lý gia, khiến tôi tin rằng có một trật tự trong vũ trụ… Khi chúng ta đến với các năng lượng ngày càng cao hơn và chúng ta nghiên cứu các cấu trúc ngày càng nhỏ hơn,  chúng ta tìm ra các quy luật ấy, các quy tắc vật lý, nó diễn tả điều chúng ta hiểu biết trở nên ngày càng đơn giản hơn… Các quy luật chúng ta khám phá ra ngày càng có liên hệ chặt chẽ và phổ quát… Ở đó có một điều đơn thuần, một sự mỹ miều, mà chúng ta tìm thấy trong các quy luật mà nó điều hành vật thể mà nó phản chiếu điều gì đó được thấy trong cấu trúc hợp lý của vũ trụ ở mức độ rất sâu."
Các quy luật chi phối vũ trụ dường như được viết bằng ngôn ngữ toán học. Các khoa học gia vĩ đại nhất lấy làm kinh ngạc trước sự kỳ lạ này. Trong tiểu luận "The Unreasonable Effectiveness of Mathematics in the Natural Sciences" (Ấn tượng sâu sắc không thể giải thích của toán học trong khoa học thiên nhiên), vật lý gia Eugene Wigner thú nhận rằng căn bản toán học của thiên nhiên "là những gì tiếp giáp với điều huyền bí và không thể giải thích cách hợp lý." Feynman thú nhận, "Tại sao thiên nhiên phù hợp với toán học, đó là một bí ẩn… Sự kiện là tất cả đều có quy luật, đó là một loại phép lạ."
Sự kinh ngạc này phát xuất từ sự nhận biết rằng vũ trụ không cần phải theo phương cách như như thế này. Không có lý do gì đặc biệt để giải thích tại sao các quy luật tự nhiên mà chúng ta tìm thấy ở trái đất cũng chi phối một ngôi sao cách xa hàng tỉ năm ánh sáng. Thật dễ dàng để tưởng tượng ra một vũ trụ mà trong đó các điều kiện sống thay đổi bất ngờ từ lúc này sang lúc khác, hoặc ngay cả một vũ trụ mà trong đó các sự vật đột nhiên xuất hiện hoặc biến mất. Một vũ trụ thì không cần phải tuân theo các quy luật, đừng nói gì đến việc tuân theo các quy luật của toán học.
Thật vậy, vũ trụ dường như có thứ tự. Tôi nói "dường như" vì không cách chi chứng mình được. Có những điều lạ thường xảy ra trong khoa vật lý lượng tử (quantum physic) khiến người ta phải thắc mắc về giả thuyết rằng vũ trụ đi theo các quy luật nhất định. Ngay cả vậy, các khoa học gia bám lấy điều tin tưởng đã có từ lâu về tính cách hữu lý căn bản của vũ trụ. Trước hết phải tin rằng các quy luật này có thật, và lý lẽ con người có nhiệm vụ khám phá các quy luật ấy, các khoa học gia tiếp tục cố gắng tìm kiếm. Những điều khoản đức tin này thật cần thiết để khoa học hoạt động. Nếu không có sự tin tưởng "vô lý" rằng chúng ta sống trong một vũ trụ có thứ tự thì không thể nào có khoa học hiện đại. Khoa học cũng dựa vào điều tin tưởng không được hỗ trợ là tính cách hợp lý của vũ trụ được phản chiếu trong sự hợp lý của tâm trí loài người.
Như vậy, trong một vũ trụ thống nhất, có thứ tự, và có thể gần gũi được, người Tây Phương có được đức tin này ở đâu? Làm thế nào chúng ta đi từ thời kỳ hỗn mang sang đến sự hài hòa? Câu trả lời của tôi, chỉ có một chữ, là Kitô Giáo.
Kitô Giáo không phát minh ra ý tưởng về một vũ trụ hợp lý. Ý tưởng đó được phát minh bởi những người trước thời Socrat, tỉ như Thales, Parmenides, Heraclitus, và Pythagoras. Những người này có một số ý tưởng rất kỳ lạ, nhưng sự đóng góp lớn nhất của họ là thừa nhận một vũ trụ mà nó vận hành qua các quy luật được khám phá ra về nguyên nhân và hậu quả. Trước thời của những người này, có những thế giới thần thoại tỉ như câu chuyện của người Ai Cập về thần mặt trời, Ra, là người thỉnh thoảng du hành bằng xe ngựa ngang qua các bầu trời. Ngay cả người Hy Lạp cũng cho rằng sự thịnh nộ của Poisedon, thần biển hồ, gây nên các trận bão và động đất.
Những người trước thời Socrat thay thế ý tưởng của một "vũ trụ mê hoặc" với một ý tưởng về vũ trụ "tỉnh ngộ" mà lý lẽ tự nhiên của con người có thể hiểu. Có lẽ họ không biết điều gì gây nên nguyệt thực và động đất, nhưng họ đã không tìm đến thần Ra và Poisedon để giải thích lý do. Đây là một biến chuyển quan trọng về ý thức. Không may, ảnh hưởng của họ quá ngắn ngủi. Điều này một phần là vì Socrates, ông lý luận rằng triết học không quan tâm đến những điều bất thường của thiên nhiên nhưng thay vào đó phải chú trọng đến bản chất con người. Những người trước thời Socrates còn bị đánh bại bởi các phiếm thần của người Hy Lạp, được tin rằng họ hành động bất thường để hoàn thành các mục đích bí hiểm của họ.
Kitô Giáo làm sống lại ý tưởng về một vũ trụ có thứ tự qua cái nhìn về vũ trụ như tuân theo các quy luật mà nó biểu hiện sự hợp lý của Thiên Chúa sáng tạo. "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa." Chữ lời được dùng ở đây, là logos, tiếng Hy Lạp có nghĩa "ý nghĩ" hay "sự hợp lý". Thiên Chúa thì linh thiêng và dựng nên vũ trụ, và vũ trụ vận hành đúng theo lý lẽ của Thiên Chúa. Đồng thời, Kitô Giáo chủ trương rằng vũ trụ, tự nó thì không linh thiêng. Kinh Thánh viết, "Thiên Chúa dựng nên hai vầng sáng lớn, vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm." Với Kitô Hữu, mặt trời không phải là một đối tượng tôn thờ; nó chỉ là một cái đèn thật lớn. Vũ trụ của Kitô Giáo thì có thứ tự nhưng không mê hoặc. Hơn thế nữa, Kitô Giáo (ở đây du nhập di sản của Do Thái Giáo) dậy rằng con người được dựng nên theo "hình ảnh" và "giống" như Thiên Chúa. Điều này có nghĩa trong con người có chút tia lý lẽ của Thiên Chúa, khiến con người tách biệt khỏi những điều khác và ban cho nó sức mạnh hiểu biết về tạo vật. Theo Kitô Giáo, lý lẽ con người xuất phát từ sự hiểu biết của Thiên Chúa khi tạo nên vũ trụ.
Đúng vậy, Kitô Giáo tin có phép lạ, mà nó có thể được coi như lệch hướng khỏi thứ tự thiên nhiên. Nhưng phép lạ thì đáng chú ý vì chúng ngoại lệ. Các phép lạ gây nên sự ngạc nhiên bởi vì chúng được tin là sản phẩm của một trật tự thiên nhiên mà nó bị tạm ngưng, trong những trường hợp họa hiếm. Hồi Giáo không chú trọng đến phép lạ bởi vì mọi thứ trong vũ trụ đều được coi là phép lạ. Thần học gia Hồi Giáo thời trung cổ là Abu Hamed al-Ghazali cho rằng Thiên Chúa can thiệp trong mọi giây phút để các biến cố trong vũ trụ xảy ra như vậy. Họ không đặt vấn đề quy luật: mọi thứ đều là sản phẩm của sự xâm phạm không ngừng của Thiên Chúa. Sử gia Joseph Needham giải thích rằng bất kể sự thịnh vượng và tinh tế của Trung Hoa thời xưa và thời trung cổ, khoa học không bao giờ được phát triển ở đây bởi vì "không có sự tin tưởng rằng quy luật tự nhiên có thể khám phá được và hiểu được, bởi vì không có sự đảm bảo rằng một Thiên Chúa lại đưa ra một quy luật để có thể hiểu được." Trong cuốn Science and the Modern World, Alfred North Whitehead kết luận rằng "đức tin trong tiềm năng của khoa học… là một tiềm thức phát sinh từ thần học thời trung cổ."
Thời trung cổ ở Âu Châu đã nhìn thấy sự phát sinh của trường đại học, mà nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học hiện đại. Đầu tiên, các đan sĩ làm việc không biết mệt trong các phòng thí nghiệm để phục hồi lại kiến thức kinh điển đã bị tiêu hủy khi người man rợ càn quét Đế Quốc La Mã và gieo rắc sự hỗn loạn trên khắp lục địa. Trong một vài thế kỷ, các đan viện là những tổ chức duy nhất ở Âu Châu để thu nhận, duy trì, và trao truyền lại kiến thức.
Sau đó các nhà thờ bắt đầu xây trường học, đầu tiên là tiểu học và sau đó là trung học. Dần dà những trường này ngày càng tiến bộ cho đến khi, vào thế kỷ mười hai, các đại học đầu tiên được thành lập ở Bologna và Balê. Trường Oxford và Cambridge được thành lập vào đầu thế kỷ mười ba, theo sau là các đại học ở Rôma, Naples, Salamanca, Seville, Prague, Vienna, Cologne, và Heidelberg. Các trường này có thể là chi nhánh của các nhà thờ, nhưng tự lập và tự trị. Học trình vừa có tính cách trần tục và thần học, nhờ vậy kiến thức khoa học mới của lúc ban đầu thời hiện đại mới có thể phát triển. Như Alvin Schmidt nói rõ, nhiều trường đại học tiên khởi của Hoa Kỳ--Harvard, Đại Học "William and Mary", Yale, Northwestern, Princeton, Dartmouth , Brown--khởi đầu là các trường Kitô Giáo.
Robert Grosseteste, một giám mục dòng Phanxicô là người đầu tiên làm viện trưởng Đại Học Oxford, đề nghị rằng kiến thức có thể gom góp được qua một phương pháp có tính cách cảm nghiệm, quy nạp. Một vài thế kỷ sau, Francis Bacon—một người đạo đức viết luận án về Thánh Vịnh và sự cầu nguyện—dùng phương pháp quy nạp để ghi nhận các kết quả cảm nghiệm. Bacon lý luận rằng qua khả năng khám phá mà Chúa ban cho con người, họ có thể chu toàn sự ủy thác của Thiên Chúa cho loài người là thống trị tạo vật và ngay cả khôi phục lại một loại vườn Địa Đàng. Ngày nay Bacon được coi là cha đẻ của phương pháp khoa học, "người sáng tạo của sự phát minh". Chính nhờ sự bảo trợ của giáo hội mà các tổ chức nghiên cứu y khoa đầu tiên và đài thiên văn đầu tiên được thiết lập và hỗ trợ. Từ thời Trung Cổ cho đến thời Khai Sáng, một giai đoạn vài thế kỷ, giáo hội đã thi hành nhiều điều cho khoa học Tây Phương hơn bất cứ tổ chức nào khác.
Chúng ta thường nghe rằng khoa học được tìm thấy trong thế kỷ mười bẩy để chống với các tín điều tôn giáo. Trên thực tế, khoa học được tìm thấy giữa thế kỷ mười ba và mười bốn qua một cuộc tranh luận về hai loại tín điều tôn giáo. Loại thứ nhất chủ trương rằng cuộc tranh luận của giới kinh viện, tiến hành theo các quy tắc nghiêm nhặt của lý luận suy diễn, là cách tốt nhất để khám phá ra bàn tay của Thiên Chúa trong vũ trụ. Loại kia chủ trường rằng cảm nghiệm suy diễn, kể cả việc sử dụng cảm nghiệm để "dò hỏi thiên nhiên," là phương cách thích hợp. Khoa học được lợi từ cả hai phương pháp này, dùng cảm nghiệm để kiểm tra các giả thuyết và sau đó dùng sự phê bình nghiêm khắc và tranh luận để thiết lập ý nghĩa của nó.
Sử gia Lynn White cho thấy làm thế nào mà phương pháp khoa học mới đã khởi đầu một chuỗi sáng chế và canh tân trong thế kỷ mười ba. Theo Jean Gimpel, thế kỷ mười bốn là "một trong những thời kỳ phát minh vĩ đại nhất của loài người." Cuộc cách mạng kỹ nghệ mà White và Gimpel diễn tả thì không giống như bất cứ gì được biết trong thời cổ điển. Giữa các phương pháp nông nghiệp còn mò mẫm của các đan viện và cuộc nghiên cứu mới có tính cách lý thuyết và cảm nghiệm của đại học, Âu Châu đã hình thành một phương pháp mới để hiểu biết về thiên nhiên và đưa nó vào thực tế giúp ích cho các mục tiêu nhân bản. Một lục địa trước kia hoang tàn không bao lâu đã đầy các trường học, nông trại, và xí nghiệp, tất cả đã đưa sản phẩm của sự hiểu biết và nông nghiệp cũng như mậu dịch lên một mức độ mới. Các phát minh của thời kỳ này bao gồm quạt nước, quạt gió, lò sưởi, mắt kính, và đồng hồ cơ khí. Các phát minh này dường như khiêm tốn, nhưng chúng đã trách nhiệm cho sự khởi đầu một nền văn minh mà không lâu, trong sự học hỏi, ảnh hưởng, và sức mạnh, đã làm cho các văn hóa khác trên thế giới trở nên còi cọt.
Có thể tìm thấy dấu vết của các khoa học gia chuyên nghiệp đầu tiên vào cuối thời Trung Cổ, và vì giai đoạn này, phần lớn không chỉ là Kitô Hữu mà họ còn coi công việc là chu toàn mục đích của Kitô Hữu. Morris Kline viết rằng "Khoa học gia thời Phục Hưng là một thần học gia có đối tượng là thiên nhiên thay vì Thiên Chúa." Điều này không có nghĩa thần học gia thời Phục Hưng trên con đường trần tục. Trái lại, họ tự coi như hoàn thành mục đích của Thiên Chúa trong một phương cách mới và tốt đẹp hơn, bởi đi ra ngoài khuôn khổ thánh thư của Chúa và khảo sát tạo vật của Người.
Trong thế kỷ mười sáu, phong trào Cải Cách đưa ra một ý tưởng mới. Đây là quan điểm cho rằng sự hiểu biết không chỉ trong lĩnh vực của tổ chức giáo hội nhưng là mỗi người phải tự quyết định, nhất là khi đề cập đến vấn đề lương tâm. "Chức tư tế của cá nhân tín hữu" là một quan điểm vô cùng mạnh mẽ bởi vì nó tẩy chay phẩm trật của giáo hoàng, và cũng ngầm hiểu là mọi tổ chức trong phẩm trật. Nói cho cùng đó là một trang sử của tư tưởng độc lập, được tiến hành không bởi các tổ chức nhưng bởi các cá nhân. Những người Tin Lành tiên khởi đã không biết điều đó, nhưng họ đang đưa vào các ý niệm thần học mới nhằm đem lại sinh lực mới cho nền văn hóa khoa học vừa mới xuất hiện ở Âu Châu.
Đây là một phần danh sách các khoa học gia hàng đầu là Kitô Hữu: Copernicus, Kepler, Galileo, Brahe, Descartes, Boyle, Newton, Leibnitz, Gassendi, Pascal, Mersenne, Cuvier, Harvey, Dalton, Faraday, Herschel, Joule, Lyell, Lavoisier, Priestley, Kelvin, Ohm, Ampere, Steno, Pasteur, Maxwell, Planck, Mendel. Một số đông các khoa học gia này là giáo sĩ. Gassendi và Mersenne là linh mục. George Lemaitre cũng thế, ông là nhà thiên văn Bỉ đầu tiên đưa ra thuyết "đại thanh" (big bang) về nguồn gốc vũ trụ. Mendel, người khám phá ra các quy tắc di truyền đem lại sự hỗ trợ mạnh mẽ cho thuyết tiến hóa, đã sống cả cuộc đời như một đan sĩ dòng Augustin. Khoa học hiện đại sẽ ở đâu nếu không có những người này? Một số là Tin Lành và một số là Công Giáo, nhưng tất cả đều nhìn đến thiên hướng khoa học theo các quan hệ hiển nhiên của Kitô Giáo.
Copernicus, là một kinh sĩ của vương cung thánh đường ở Krakow, coi thiên văn như "một khoa học gần với Chúa hơn con người" và coi thuyết nhật tâm của ông như tiết lộ sự phối hợp vĩ đại của Thiên Chúa đối với vũ trụ. Boyle là một người Anh Giáo đạo đức, ông tuyên bố rằng các khoc học gia là những người được Chúa trao cho sứ mệnh phục vụ như "các tư tế của sách thiên nhiên." Công trình của Boyle bao gồm các nghiên cứu khoa học và tiểu luận thần học. Trong chúc thư, ông để lại tài sản nhằm hỗ trợ cho một chuỗi bài diễn thuyết chống với chủ thuyết vô thần. Newton hiển nhiên là một Kitô Hữu thần bí, ông viết nhiều bài nhận định về lời ngôn sứ trong kinh thánh từ sách Daniel và Khải Huyền. Có lẽ là khoa học gia vĩ đại nhất trong mọi thời đại, Newton coi những khám phá của ông như chứng tỏ sự sáng tạo tài tình của công trình Thiên Chúa trong thiên nhiên. Ông viết, "Hệ thống mỹ miều nhất của mặt trời, các hành tinh, và vũ trụ chỉ có thể phát sinh từ ý định và quyền năng của một hữu thể thông minh và quyền lực." Thiên Chúa của Newton không giống như người làm đồng hồ, chỉ làm cho vũ trụ chuyển động rồi sau đó rút lui. Thay vào đó, Thiên Chúa là một tác nhân tích cực duy trì các vật thể trên trời trong vị trí của nó và rất quan tâm đến tạo vật đặc biệt của Người, là loài người.
Thí dụ của Kepler cho thấy, niềm tin Kitô Giáo của các khoa học gia vĩ đại này không phải là tình cờ đối với công việc. Đúng ra, các niềm tin này là những linh hứng dẫn dắt các khoa học gia. Kepler viết, "Tôi đã muốn trở thành một thần học gia. Tuy nhiên, giờ đây tôi mới thấy, bởi nỗ lực của tôi Thiên Chúa được tán dương qua thiên văn học." Là một người nhiệt liệt hỗ trợ thuyết nhật tâm của Copernicus, Kepler chủ trương rằng vũ trụ có tâm điểm mặt trời là một hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, với mặt trời tượng trưng cho Thiên Chúa, các tinh tú và hành tinh tương trưng cho Chúa Kitô, và chuyển dịch của các thiên thể tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi Kepler khám phá ra rằng các hành tinh không di chuyển theo vòng tròn nhưng theo hình trái soan cân xứng, ông bị một số thần học gia chỉ trích là khước từ sự mỹ miều của hoạch định tạo dựng của Thiên Chúa. Các thần học gia này lý luận rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải dùng các vòng tròn tuyệt hảo để bố trí sự vận chuyển của hệ thống hành tinh!
Tuy nhiên, dựa trên đức tin Kitô Giáo sâu đậm, Kepler biết chắc rằng Thiên Chúa đã dùng đến một khuôn mẫu mỹ miều hơn nữa, và ông đã phải vất vả để tìm hiểu. Khi khám phá ra đó là gì—ba định luật của ông về sự chuyển động của các hành tinh—ông đã cảm nghiệm một điều gì đó về hiển linh tinh thần. Kepler tuyên bố rằng định luật của ông cho thấy Thiên Chúa đã dùng một hệ thống đơn giản hơn nhiều và thanh lịch hơn hệ thống trước đây được mô tả trong hệ thống Ptolemaic của vòng tròn và ngoại luân. Trong lời cầu nguyện kết thúc cuốn "The Harmony of the World", Kepler xin Chúa "ban ơn để các minh chứng này có thể đưa đến sự vinh hiển cho Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn."
Các định luật của Kepler thừa nhận những tương giao kỳ lạ. Tỉ như, định luật thứ ba của Kepler nói rằng số bình phương thời gian của một vòng quay của hành tinh thì tỉ lệ với lũy thừa ba khoảng cách trung bình của nó đến mặt trời. Làm thế nào người ta có thể tính toán ra được? Phần lớn Kepler biết được điều này vì ông tin rằng có mối quan hệ toán học mỹ miều được ẩn giấu ở đó và chờ đợi ông. Một phần của thiên hướng Kitô Giáo của ông là đi tìm điều đó và phổ biến để Thiên Chúa được vinh danh hơn. Sự thành công của Kepler dẫn đến sự nhận biết đáng kinh ngạc rằng động lực tôn giáo đôi khi có thể đưa đến những khám phá kinh hoàng làm thay đổi lịch sử khoa học.
Điều này dường như lỗi thời đối với ngày nay, nhưng không phải như vậy. Các khoa học gia thường tìm kiếm các mô hình và trật tự mới trong thiên nhiên, và họ dùng một điều dường như có vẻ khác thường để xác định xem họ có đi đúng đường hay không. Họ thường tự hỏi mối quan hệ ấy có "đơn giản" hay có "mỹ miều" không. Những mô hình nào quá nặng nề hay "xấu xa" thường bị tẩy chay dựa trên các nền tảng ấy.
Tại sao? Bởi vì ngay cả một khoa học gia trần tục nhất cũng cho rằng các thực thể trong thiên nhiên thì không chỉ có thứ tự mà còn mỹ miều. Tôi cho rằng, điều này là phần sót lại của Kitô Giáo về khoa học hiện đại. Nó là tiếng thì thào, nếu chúng ta nghe được, rằng ngay cả ngày nay khoa học của chúng ta dựa trên các nền tảng tôn giáo. Ngay cả các khoa học gia trần tục không thể tránh khỏi các điều thừa nhận của Kitô Giáo, và một số người am tường nhất của họ đã công nhận điều này. Einstein thú nhận rằng "trong bất cứ ai thực sự tìm kiếm thiên nhiên, đều có một loại sùng kính tôn giáo." Nhà sinh vật học Joshua Lederberg mới đây nói trong tạp chí Science rằng, "Điều không thể bàn cãi là sự thôi thúc tôn giáo dẫn dắt chúng ta trong động lực duy trì việc tìm tòi có tính cách khoa học." Sự thôi thúc đó bắt nguồn từ Kitô Giáo.

CHƯƠNG 10

MỘT NGỤ NGÔN VÔ THẦN: TÁI MỞ HỒ SƠ GALILÊ

"Tôi tin rằng vụ án Galilê là một loại bi kịch Hy Lạp, một cuộc tỉ thí giữa đức tin mù quáng và lý trí được khai sáng, một sai lầm ngây thơ."
Arthur Koestler, The Sleepwalkers

S
ất kể vai trò của Kitô Giáo trong nguồn gốc và sự phát triển của khoa học, đề tài về cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo vẫn dai dẳng. Điều gì đã đem lại sức mạnh để kéo dài câu chuyện này? Đó là những trường hợp được phúc trình về việc giáo hội ngược đãi các khoa học gia như Copernicus và Galileo. Các văn sĩ vô thần đề cập đến chủ đề này với sự báo thù. Daniel Dennett chọn riêng Giáo Hội Công Giáo và chê bai "cái di sản đáng tiếc khi ngược đãi chính các khoa học gia của mình." Bruce Jakosky viết, "Quan điểm của Copernicus không được giáo hội đón nhận; quá trình sự ngược đãi ông ta thì thật nổi tiếng."  Carl Sagan miêu tả Galileo "trong một ngục tù của Công Giáo bị đe dọa bằng sự tra tấn" vì "quan điểm lạc giáo của ông cho rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời." Nhận xét rằng Galileo "không được tha cho tội lạc giáo mãi cho đến năm 1992," Sam Harris nhắc lại truyền thống Kitô Giáo về "sự tra tấn các học giả cho đến độ điên dại chỉ vì nghiên cứu về bản chất các tinh tú."
Về câu chuyện khoa học chống với tôn giáo, nó có đặc tính của phim Star Wars. Nó thường được miêu tả như một cuộc chiến giữa thiện và ác: người tốt lành đề ra một phương cách mới về sự hiểu biết dựa trên thử nghiệm và chứng cớ. Các lực lượng tối tăm bị giam hãm trong học thuyết cổ xưa xuất phát từ các sách thiêng liêng, tỉ như niềm tin cũ rích cho rằng trái đất là mặt phẳng. Bất kể sự ngu dốt của mình, các lực lượng tối tăm chiếm đóng các vị thế chính trị. Sợ rằng kiểu cách mê tín cổ lỗ của mình bị đe dọa, các lực lượng tối tăm đàn áp và ngược đãi những người bất đồng quan điểm với sự chính thống. Một cuộc chiến khủng khiếp xảy ra sau đó. Nhiều người tốt lành bị kết án là lạc giáo chỉ vì đề cao các lý thuyết khoa học có giá trị. Giordano Bruno bị thiêu sống vì nói rằng vũ trụ thì vô tận. Copernicus và Galileo bị ngược đãi vì chứng minh rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Thật may mắn, lịch sử buồn thảm này hiện thời đã đi vào quá khứ; các lực lượng ánh sáng đã chế ngự các lực lượng tối tăm. Ngày nay khoa học đang trên đà phát triển và tôn giáo đang thoái hóa. Các khoa học gia bây giờ có thể hoạt động mà không bị cản trở và ngay cả Giáo Hội Công Giáo cũng đã xin lỗi về cách đối xử với Galileo. Luân lý của câu chuyện là chúng ta luôn luôn phải biết ơn về sự phát sinh của khoa học và tỉnh thức coi chừng tính cách cuồng tín của tôn giáo.
Bi kịch rùng rợn này bị mất chất lượng chỉ vì một khuyết điểm duy nhất: nó không đúng sự thật. Sử gia David Lindberg viết, "Không có cuộc chiến giữa khoa học và giáo hội." Thật vậy, hầu hết các sử gia đều cho rằng câu chuyện khoa học chống với tôn giáo là một thêu dệt trong thế kỷ mười chín. Tên tuổi của những người thêu dệt đều được biết. Người đầu tiên là John William Draper, người giới thiệu mô hình "cuộc chiến" trong cuốn sách nổi tiếng của ông, "History of the Conflict between Religion and Science" (Lịch sử cuộc xung đột giữa tôn giáo và khoa học) xuất bản năm 1874. Cuốn sách này thì đầy những điều dối trá và trơ trẽn, và ngày nay được coi là tiêu biểu cho thành kiến chống tôn giáo vào cuối thế kỷ 19. Người thứ hai là Andrew Dickson White, là khoa trưởng đầu tiên của Đại Học Cornell, mà tập khảo cứu của ông năm 1896, "History of the Warfare of Science with Theology in Christendom", (Lịch sử cuộc chiến khoa học với thần học Kitô giáo) chỉ là một giải thích có tính cách ngụy biện về cuộc chiến ấy, không kém phần lừa dối như của Draper.
Các nguồn tài liệu này hiện giờ không còn đáng tin cậy, nhưng âm hưởng của chúng vẫn còn được sử dụng bởi các văn gia vô thần nổi tiếng. Âm hưởng này hiện thời vẫn còn được ngâm nga trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta, ngay cả bởi những người biết rất ít chi tiết của vấn đề. Cho đến ngày nay, nhiều người tin rằng giáo hội trung cổ chủ trương rằng trái đất thì bằng phẳng cho đến khi khoa học hiện đại chứng minh là nó hình tròn. Trên thực tế, người Hy Lạp xưa và Kitô Hữu thời trung cổ đều biết rằng trái đất thì tròn. Họ quan sát thấy thân tầu buồm thì biến dạng trước đỉnh cột buồm. Họ cũng thấy rằng khi nguyệt thực, trái đất tạo nên bóng tròn trên mặt trăng. Vũ trụ học của Dante thời trung cổ được dựa trên ý tưởng khối cầu của trái đất. Bởi thế ý nghĩ cho rằng giáo hội tin là trái đất bằng phẳng, đó là một pha chế của những người tuyên truyền chống tôn giáo vào thế kỷ mười chín.
Các tình tiết nổi tiếng khác trong cuộc chiến vĩ đại này cũng đòi hỏi phải thận trọng duyệt xét lại. Bạn có nhớ cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Samuel Wilberforce, giám mục của Oxford , và đồng minh của Darwin là Thomas Henry Huxley không, trong đó vị giám mục chế nhạo Huxley và Huxley phản pháo với một bác bỏ có tính cách hạ nhục? "Cuộc trao đổi này mau chóng trở nên huyền thoại," Edward Larson nhận xét như thế trong cuốn sách của ông, Evolution. Như Larson và nhiều người khác kể lại câu chuyện này, Wilberforce đã hỏi Huxley rằng ông xuất xừ từ con khỉ là về phía ông tổ hay bà tổ. Huxley đã nghiêm nghị trả lời rằng thà ông ta có bà con với một con khỉ đáng thương hơn là bà con với một giám mục là người đã dùng thẩm quyền của chức vụ để chế nhạo cuộc tranh luận khoa học về một vấn đề nghiêm trọng. Câu chuyện này được lan tràn rộng rãi đến độ các sử gia đã phải kiểm chứng lại trong biên bản của tổ chức British Association và họ ngạc nhiên khám phá thấy rằng điều đó không bao giờ xảy ra. Bạn của Darwin là Joseph Hooker cũng có mặt trong cuộc tranh luận, và ông báo cáo cho Darwin biết là Huxley không trả lời cho lý luận của Wilberforce. Việc Larson sử dụng chữ "huyền thoại" thì thật đúng với nghĩa đen trong khung cảnh này.
Với hầu hết dân chúng, không tình tiết nào miêu tả sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo một cách bi thảm cho bằng vụ án Galileo. Vào cuối thập niên 1930, Bertolt Brecht viết một kịch bản xuất sắc, Life of Galileo, và được dựng thành phim vào năm 1975 bởi đạo diễn Hoa Kỳ Joseph Losey. Bản kịch của Bretcht là câu chuyện về ác tâm của giáo sĩ và ưu điểm của khoa học. Nó là bản phong thánh cho Galileo thành một vị thánh thế tục. Và đây là vị thế mà Galileo chiếm ngự trong văn hóa chúng ta ngày nay, một vị tử đạo vì chính nghĩa khoa học.
Khi các văn gia vô thần nói về "lịch sử" bách hại các khoa học gia của giáo hội, họ thường trưng ra vụ án Galileo. Copernicus không bao giờ bị giáo hội ngược đãi. Giordano Bruno, người độc lập tư tưởng, bị thiêu sống, nhưng như sử gia Thomas Kuhn vạch rõ, "Bruno không bị hành quyết vì học thuyết Copernicus nhưng vì một chuỗi lầm lạc thần học về Thiên Chúa ba ngôi." Sự hành quyết Bruno quả thật là sự bất công khủng khiếp, nhưng nó không liên can gì đến sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo. Trước thế kỷ thứ mười hai và sự thanh trừng của Stalin và Hitler, chỉ có một khoa học gia nổi tiếng bị hành quyết bởi sắc lệnh của chính phủ. Đó là hóa học gia vĩ đại Antoine Lavoisier, một người Công Giáo chân thành bị Jacobins chém đầu trong thời Cách Mạng Pháp.
Chúng ta nên trở lại với Galileo. Trong chương này tôi muốn nhờ vào sự nghiên cứu lịch sử để mở lại vụ án Galileo. Nếu luận điệu của người vô thần về vụ án này không thể đứng vững trước sự khảo xét của tôi, thì toàn thể tính chất quá đáng của xung đột giữa khoa học với tôn giáo sẽ bị tiêu tan như một trò hề. Trước thế kỷ thứ mười sáu, hầu hết người có học thức chấp nhận các lý thuyết của nhà thiên văn Ptolemy người Hy Lạp, ông chủ trương rằng trái đất thì cố định và mặt trời quay chung quanh trái đất. Ý tưởng trái đất là tâm của vũ trụ là một ý niệm cổ xưa, không chỉ của Kitô Giáo. Người tín hữu Kitô chấp nhận ý niệm này, dù không có trong Kinh Thánh. Kinh Thánh không bao giờ nói rằng mặt trời xoay chung quanh trái đất. Kinh Thánh im lặng về vấn đề khoa học. Có một vài đoạn đề cập đến việc mặt trời mọc và lặn, nhưng có thể hiểu là một đoạn văn thiêng liêng dùng đến ngôn ngữ dễ hiểu của con người. (Ngay cả các chuyên gia khí tượng, họ biết rõ là trái đất xoay chung quanh mặt trời, nhưng vẫn dùng thuật ngữ thông thường: "Ngày mai mặt trời sẽ mọc vào lúc 5g sáng"). Lý do người tín hữu Kitô chấp nhận Ptolemy là vì lý thuyết phức tạp của ông được hỗ trợ bởi trực giác và đem lại những tiên đoán chính xác hợp lý về sự vận chuyển của các thiên thể.
Thật thú vị là có một nhà tư tưởng Hy Lạp, Aristarchus ở Samos , đã đề ra thuyết tâm mặt trời mãi từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Sử gia David Lindberg viết, "Aristarchus được tán dương vì ông đoán trước Copernicus." Nhưng có phải Aristarchus và các môn đệ của ông là khoa học gia không? Để tránh sự sai lầm có tính cách phản hồi khi dùng kiến thức hiện đại để đánh giá các xác nhận về khoa học trong quá khứ, chúng ta phải xem xét các dữ kiện vào thời bấy giờ. Như Lindberg có viết, "Vấn đề không phải là chúng ta có những lý do đáng tin cậy về thuyết tâm mặt trời, nhưng là họ có các lý do nào như thế không, và câu trả lời là họ không có."
Dữ kiện có cho đến ngày Galileo bênh vực Ptolemy. Kuhn nhận xét rằng trong suốt thời Trung Cổ có những người đưa ra thuyết tâm mặt trời. "Họ bị nhạo cười và lãng quên", Kuhn viết thêm, "các lý do tẩy chay thật xuất sắc." Hãy xem một vài thí dụ ông viết. Trái đất dường như không di chuyển, và tất cả chúng ta có thể thấy mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi chiều. Nếu trái đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ cao, chim chóc và mây và những vật nào không bám vào đất sẽ rơi lại đằng sau. Một hòn đá ném lên trời sẽ rơi xuống đất cách đó nhiều dặm, vì khi trái đất di chuyển được một khoảng cách đáng kể thì vật ấy vẫn còn ở trên không. Người ta đứng trên mặt đất sẽ bị té ngã. Vì không thấy có điều nào kể trên xảy ra, trái đất được coi là cố định.
Galileo là một nhà thiên văn người Florentine được Giáo Hội Công Giáo rất tôn trọng. Ông từng là một người hỗ trợ thuyết tâm địa cầu của Ptolemy. Galileo ngày càng tin rằng Copernicus thì đúng, trái đất thực sự quay chung quanh mặt trời. Copernicus đưa ra lý thuyết của ông vào năm 1543 trong một cuốn sách được tặng cho đức giáo hoàng. Copernicus thú nhận rằng ông không có chứng cớ vật lý, nhưng ưu điểm của thuyết tâm mặt trời là nó đưa đến nhiều tiên đoán tốt hơn về các qũy đạo của hành tinh. Ý tưởng mới của Copernicus đã gây nên nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng tôn giáo và khoa học, mà lúc bấy giờ không rõ biên giới. Nửa thế kỷ sau, khi Galileo đi vào vấn đề, quan điểm chiếm ưu thế là Copernicus đã đưa ra một giả thuyết rất thú vị nhưng chưa được chứng minh, rất hữu ích để tính toán sự vận chuyển của các thiên thể nhưng không đủ sức thuyết phục để loại bỏ toàn thể thuyết tâm địa cầu.
Sự đóng góp của Galileo cho giả thuyết Copernicus thì quan trọng nhưng không dứt khoát. Đây là điểm quan trọng cần nhớ, bởi vì huyền thoại được thêu dệt chung quanh Galileo hầu như dựa trên các biến cố không bao giờ xảy ra. Kuhn kể câu chuyện mà tất cả chúng ta đều biết khi còn đi học về việc Galileo leo lên đỉnh tháp nghiêng Pisa rồi thả các vật nặng và nhẹ xuống đất. Ông cho rằng, trái với sự hiểu biết bằng trực giác, các vật này chạm mặt đất cùng một lúc. Câu chuyện kể tiếp, một thí nghiệm đơn giản đã đánh đổ một giả thuyết có từ hàng ngàn năm thời trung cổ.
Trên thực tế, Galileo không làm thí nghiệm này ở Pisa hay bất cứ đâu; thí nghiệm này được thi hành bởi một trong các môn sinh của ông. Hơn thế nữa, thực sự vật nặng hơn rơi xuống đất trước. Ngày nay chúng ta hiểu tại sao có trường hợp như vậy. Chỉ khi nào được thí nghiệm trong một môi trường thiếu sức cản không khí thì mọi vật thể đều rơi xuống với cùng một tốc độ. Kuhn viết, "Trong thế giới hàng ngày, vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ… Quy luật của Galileo thì hữu ích hơn cho khoa học… không vì nó xuất sắc tiêu biểu cho sự thí nghiệm, nhưng vì nó vượt trên sự thiển cận thông thường mà giác quan không thấy để đi đến một khía cạnh chủ yếu hơn, nhưng được ẩn giấu, của sự chuyển động. Để minh chứng quy luật mà Galileo nhận xét cần phải có dụng cụ đặc biệt. Chính Galileo có được quy luật này không bởi sự quan sát… nhưng bởi một chuỗi lý luận hợp lý."
Nhờ sáng chế một viễn vọng kính mạnh hơn những người khác vào thời ấy, Galileo có những quan sát quan trọng về các mặt trăng của Jupiter, chu kỳ của Venus, và các đốm đen trên mặt trời mà chúng làm suy yếu thuyết Ptolemy và phù hợp với giả thuyết của Copernicus. Galileo đem những quan sát này trình bầy với các linh mục dòng Tên, họ là những nhà thiên văn nổi tiếng thời bấy giờ, và họ đồng ý với ông là các quan sát của ông đã giúp củng cố thuyết tâm mặt trời. Các cha dòng Tên nói với Galileo rằng giáo hội đang chia rẽ, nhiều giáo sĩ ủng hộ Ptolemy trong khi nhiều người khác cho rằng Copernicus thì đúng. Ngay cả vậy, các cha dòng Tên kết luận rằng vấn đề còn bỏ ngỏ và họ không nghĩ rằng Galileo giải quyết được vấn đề. Tyco Brahe, nhà thiên văn vĩ đại nhất của thời ấy, đồng ý rằng các chứng cớ của Galileo chưa đủ và ông tiếp tục hỗ trợ thuyết tâm địa cầu. Danh tiếng của Brahe thật vĩ đại đến độ nhiều nhà thiên văn không dám quay sang thuyết Copernicus cho đến khi ông từ trần.
Có thể nhiều độc giả ngạc nhiên khi biết rằng đức giáo hoàng là một trong những người ngưỡng mộ Galileo và hỗ trợ các cuộc nghiên cứu khoa học đến độ bảo trợ tổ chức trong các đại học và đài thiên văn. Trưởng Toà Thẩm Tra cũng vậy, vị thần học gia uyên bác là Đức Hồng Y Robert Bellarmine. Khi bài nói chuyện của Galileo để hỗ trợ cho thuyết tâm mặt trời được phúc trình lên Tòa Thẩm Tra, dường như bởi các học giả thù nghịch với Galileo ở Florence, ĐHY Bellarmine đã đến gặp Galileo. Đây không phải là một thủ tục thông thường của Tòa Thẩm Tra, nhưng Galileo là một người nổi tiếng. Năm 1616 ông đến Rôma với sự đón tiếp nồng nhiệt, ở đây ông cư ngụ trong đại biệt thự Medici, được gặp đức giáo hoàng hơn một lần, và tham dự các buổi tiếp tân do một vài giám mục và hồng y tổ chức.
Điều nhận xét của Bellarmine có liên hệ đến Galileo thì thật đáng nhớ và đáng kể lại. Bellarmine viết, "Trong khi cảm nghiệm nói với chúng ta rõ ràng rằng trái đất thì bất động, nếu có một chứng minh đích thật cho rằng mặt trời là tâm điểm của vũ trụ… và mặt trời không quay xung quanh trái đất nhưng trái đất xoay chung quanh mặt trời, thì chúng ta phải xúc tiến với sự thận trọng để giải thích các đoạn kinh thánh mà dường như dậy bảo ngược lại, và tốt hơn nên thú nhận là chúng ta không hiểu các đoạn ấy hơn là công bố một ý niệm sai lầm đã được minh chứng là đúng. Nhưng đây không phải là điều nên thi hành vội vã, và đối với tôi, tôi sẽ không tin có những chứng minh như vậy cho đến khi được trình bầy cho tôi."
Đây là kiểu mẫu của một thủ tục khôn ngoan. Bellarmine cho rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa thiên nhiên và kinh thánh, đó là điều Kitô giáo luôn dậy bảo. Do vậy, ngài lý luận, nếu chúng ta thường đọc kinh thánh theo một chiều và chứng cớ thiên nhiên cho thấy chúng ta sai, thì chúng ta cần xem lại cách dẫn giải kinh thánh và thú nhận sự sai lầm của chúng ta. Nhưng trước hết phải biết chắc có chứng cớ khoa học thực sự trước khi khởi sự thay đổi cách giải thích kinh thánh là điều chúng ta được dậy bảo từ bao lâu nay. Bellarmine đưa ra một giải pháp. Dựa vào chứng cớ không có sức thuyết phục về lý thuyết này và sự tế nhị của vấn đề tôn giáo, Galileo đừng nên giảng dậy hay cổ vũ thuyết tâm mặt trời. Galileo, một người Công Giáo tốt lành muốn trung thành với giáo hội, đã đồng ý. Bellarmine đưa một huấn thị và lập biên bản của thủ tục và đã được lưu trong hồ sơ của giáo hội.
Trong một vài năm, Galileo giữ lời và tiếp tục quan sát và thảo luận mà không công khai cổ vũ thuyết tâm mặt trời. Sau đó ông nhận được tin vui là ĐHY Maffeo Barberini được chọn làm Đức Giáo Hoàng Urban VIII. Barberini là một khoa học gia "cấp tiến," từng tranh đấu để công trình của Copernicus không bị đưa vào thư mục những cuốn sách bị cấm. Cũng đáng kể không kém, Barberini là một người hâm mộ Galileo, và ngay cả làm thơ để tán dương ông. Galileo tin tưởng rằng bây giờ ông có thể công khai giảng dậy về thuyết tâm mặt trời. Nhưng vị thế mới của đức giáo hoàng về vấn đề này thì thật phức tạp. Đức Urban VIII chủ trương rằng trong khi khoa học có thể hữu ích trong việc đo lường và tiên đoán về vũ trụ, nó không thể cho rằng có hiểu biết thực sự về thực thể mà chỉ có Thiên Chúa mới biết. Giả thuyết này, nghe có vẻ lạ lùng, thì thực sự rất gần với điều mà bây giờ một số nhà vật lý tin tưởng, và như chúng ta sẽ thấy, nó hoàn toàn phù hợp với minh chứng triết học của Kant về những giới hạn của lý lẽ.
Do đó khi Galileo cho xuất bản cuốn Dialogue Concerning the Two Chief World Systems (Đối Thoại về Hai Hệ Thống Chính của Vũ Trụ) năm 1632, giáo hội rơi vào tình thế khó xử. Trước hết, Galileo cho rằng đã minh chứng được sự thật về thuyết tâm mặt trời, nhưng thật ra minh chứng của ông thì sai lầm. Một trong những lý lẽ chính của Galileo là cho rằng sự chuyển dịch mau lẹ của trái đất chung quanh mặt trời tạo nên thủy triều. Đây là vấn đề của thời bấy giờ, và giờ đây chúng ta biết rằng mặt trăng là yếu tố chính gây nên thủy triều. Galileo cũng cho rằng, giống như Copernicus, các hành tinh chuyển dịch theo đường tròn, dù rằng vào thời Galileo, Kepler đã từng chứng minh là qũy đạo hình bầu dục. Galileo dám chắc rằng Kepler sai.
Thứ hai, Galileo đã làm đức giáo hoàng bối rối khi dựng cuộc "đối thoại" của ông với hai khuôn mặt, một đại diện cho chính ông và một đại diện cho đức giáo hoàng. Để sự tương phản càng nổi bật, Galileo đặt tên cho đức giáo hoàng là Simplicio, tiếng Ý có nghĩa "Người Khờ". Căn bản, cuộc đối thoại bao gồm những luận điệu ngu xuẩn của Simplicio bị bác bỏ một cách tao nhã bởi nhân vật tượng trưng cho Galileo. Đức giáo hoàng không lấy làm vui.
Sai lầm thứ ba của Galileo là văn bản của ông không chỉ nằm trong các vấn đề khoa học; ông còn đưa ra giả thuyết của chính ông về cách dẫn giải Kinh Thánh. Galileo lý luận rằng Kinh Thánh phần lớn có tính cách ẩn dụ và đòi hỏi phải giải thích lại để đào xới ý nghĩa thực sự của nó. Các cha dòng Tên đã cảnh cáo ông đừng đi vào lãnh vực này. Họ nói với Galileo, Kinh Thánh là lãnh vực của giáo hội. Với những ngạo mạn và thiếu khôn ngoan thường thấy nơi các đại khoa học gia, Galileo đã bỏ qua lời khuyên này. Do đó khi ông bị phúc trình một lần nữa lên Tòa Thẩm Tra, các đối thủ của ông đã có thể chê trách ông không vì lý do khoa học nhưng còn vì lý do là ông ngấm ngầm phá hoại sự giảng dậy tôn giáo của giáo hội.
Sau cùng, đây là thời kỳ Cải Cách. Các nhà tư tưởng Tin Lành đang tấn công giáo hội Công Giáo với lý do không coi trọng Kinh Thánh. Đức Urban VIII hăng hái minh chứng Vatican trung thành với Kinh Thánh, và thuyết tâm địa cầu là một dẫn giải được đồng ý trong lập trường chính thức của người Công Giáo và Tin Lành. Nếu sự Cải Cách xảy ra một thế kỷ trước hay sau, Richard Blackwell viết, "sự kiện Galileo có lẽ đã không xảy ra." Tuy nhiên, dưới những tình huống hiện hành, đức giáo hoàng đồng ý cho tiến hành vụ Galileo.
Năm 1633, Galileo trở lại Rôma, là nơi ông được đối xử một cách tôn trọng. Ông đã có thể thắng được vụ án này, nhưng trong cuộc điều tra, vài người tìm thấy những lá thư ngắn của ĐHY Bellarmine trong hồ sơ. Galileo đã không cho Tòa Thẩm Tra biết--thực sự ông không cho ai biết--về sự đồng ý trước đây là không giảng dậy hay cổ vũ cho thuyết Copernicus. Giờ đây, Galileo được coi như lừa dối giáo hội cũng như không sống đúng với điều ông đồng ý. Ngay cả những người trong giáo hội có thiện cảm với ông cũng thấy khó để bênh vực cho ông vào thời điểm này.
Nhưng họ khuyên ông hãy thú nhận là ông đã cổ vũ cho thuyết Copernicus trái với thỏa ước giữa ông với Bellarmine, và ông hãy chứng tỏ sự ăn năn hối lỗi. Thật ngạc nhiên, Galileo xuất hiện trước Tòa Thẩm Tra và quả quyết rằng cuốn Dialogue của ông không bào chữa cho thuyết tâm mặt trời. "Trong sách ấy tôi không duy trì và cũng không bào chữa quan điểm rằng trái đất di chuyển và mặt trời phải đứng yên nhưng đúng hơn chứng tỏ điều trái ngược với quan điểm của Copernicus và cho thấy rằng các lý luận của Copernicus thì không chắc chắn và không có sức thuyết phục."
Điều thường được lập đi lập lại nhiều lần là Galileo thì thào nói trong hơi thở rằng, "Tuy vậy nó di chuyển." Nhưng nhận xét này thuần túy thêu dệt. Thật vậy, không có phúc trình nào cho thấy Galileo đã nói như thế. Ở đây người ta phải thấy thương hại cho các nguyên cớ của Galileo. Có lẽ ông đưa ra nhận định từ chối thuyết tâm mặt trời vì mệt mỏi và chán nản. Ngay cả vậy, các viên chức Tòa Thẩm Tra cũng có thể được bào chữa khi họ coi quan điểm của Galileo ở lúc này là một người nói dối trắng trợn. Sự bào chữa của Galileo, Arthur Koestler viết, thì quá "thiếu thành thật hiển nhiên đến độ vụ kiện của ông sẽ bị thua trong bất cứ tòa nào." Tòa Thẩm Tra kết luận rằng Galileo chủ trương quan điểm tâm mặt trời, và đòi hỏi ông phải công khai rút ý kiến ấy. Galileo đã thi hành như vậy, vào thời điểm ông bị giam tại gia.
Trái với sự tuyên truyền của một số nhà vô thần, Galileo không bao giờ bị kết tội lạc giáo, và không bao giờ bị giam trong ngục tối hay bị tra tấn bằng bất cứ cách nào. Sau khi công khai rút ý kiến, ông được đặt dưới sự giám hộ của đức tổng giám mục của Siena , là người cho ông cư ngụ trong biệt thự lộng lẫy trong năm tháng. Sau đó ông được phép trở về biệt thự của ông ở Florence . Trên lý thuyết ông bị giam tại gia, nhưng thực tế ông có thể đi thăm con gái ở tu viện San Matteo. Giáo hội cũng cho phép ông tiếp tục nghiên cứu khoa học về các vấn đề không liên can đến thuyết tâm mặt trời, và ông đã cho công bố kết quả nghiên cứu quan trọng trong thời gian này. Galileo chết một cách tự nhiên vào năm 1642. Kuhn cho biết, chính trong các thập niên sau đó, xuất hiện các bằng chứng mới hơn và mạnh mẽ hơn về giả thuyết tâm mặt trời, và quan điểm khoa học này, bị chia đôi trong thời Galileo, trở nên quan điểm của đa số mà chúng ta chia sẻ ngày nay.
Chúng ta có thể kết luận gì về vụ Galileo? "Hình ảnh quen thuộc về Galileo như một vị tử đạo vì sự tự do tư tưởng và một nạn nhân của sự đàn áp khoa học của giáo hội," sử gia Gary Ferngren viết, "được chứng tỏ không hơn gì một sự biếm họa." Vụ kiện này là một "bất thường", sử gia Thomas Lessl viết, "một gián đoạn tạm thời trong sự tương giao hài hòa" hiện có giữa Kitô Giáo và khoa học. Thật vậy, trong lịch sử giáo hội Công Giáo không có một thí dụ nào khác về việc lên án một giả thuyết khoa học.
Galileo là một khoa học gia vĩ đại nhưng thiếu khôn ngoan. Ông rất đúng về thuyết tâm mặt trời, nhưng vài lý lẽ và minh chứng của ông thì sai. Cuộc tranh luận về ý tưởng của ông thì không chỉ giới hạn giữa tôn giáo và khoa học, nhưng còn giữa khoa học mới và khoa học của thế hệ trước. Các khuôn mặt lãnh đạo của giáo hội thì thận trọng hơn khi tiếp cận với các vấn đề khoa học, mà chúng thực sự chưa ổn định vào thời ấy, hơn là đối với Galileo. Giáo hội không nên đưa ông ra tòa, nhưng phiên xử của ông được tiến hành với sự dè dặt đáng kể và cách cư xử thật kiểu mẫu. Chính Galileo hành động tệ hại, mà nó đã góp phần cho số phận của ông. Ngay cả vậy, số phận của ông cũng không quá thậm tệ. Alfred North Whitehead, một sử gia nổi tiếng về khoa học, kết luận rằng "điều tệ hại nhất xảy ra cho khoa học gia là Galileo chịu giam cầm cách vinh dự và sự quở trách nhẹ nhàng, trước khi chết một cách êm ái trên giường."

CHƯƠNG 11

MỘT VŨ TRỤ VỚI SỰ KHỞI ĐẦU:
THIÊN CHÚA VÀ CÁC NHÀ THIÊN VĂN

"Thật vô cùng khó khăn để giải thích tại sao vũ trụ lại được bắt đầu đúng như phương cách này, trừ phi là hành động của Thiên Chúa là Đấng có ý định tạo dựng nên con người giống như chúng ta."
Stephen Hawking, A Brief History of Time

T
rong một vài chương kế tiếp, tôi sẽ tìm hiểu xem các khám phá mới nhất của khoa học hiện đại sẽ hỗ trợ hay làm suy yếu cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Lý luận này sẽ nhìn đến vật lý, thiên văn, và sinh vật học, tuy không cần phải có kiến thức đặc biệt về bất cứ lãnh vực nào. Ở đây tôi sẽ dựa trên các phát minh của vật lý cổ điển để tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ và những ứng dụng của các khám phá ấy. Câu hỏi của vấn đề là sự thiết kế của thiên nhiên có cho thấy đấng sáng tạo hay có thể giải thích sự sắp xếp đó theo thuần túy tự nhiên.
Trước đây, chúng ta đã nghe khẩu hiệu của Carl Sagan rằng "Tất cả vũ trụ chỉ có thế, trước đây cũng vậy, mãi mãi cũng vậy." Nhà vật lý Steven Weinberg lý luận rằng "với tất cả những gì mà chúng ta có thể khám phá ra được về các định luật của thiên nhiên, chúng không có ngôi vị, không ám chỉ gì đến hoạch định của Thiên Chúa hay bất cứ địa vị nào đặc biệt cho loài người." Tôi muốn chứng minh rằng các nhận định này thì sai lầm dựa trên sự thật. Thật vậy, tôi nhận lời thách đố mà nhà sinh vật học E. O. Wilson đã đưa ra, ông nói, "nếu có thể tìm thấy bất cứ chứng cớ nào về một động lực chỉ đạo siêu nhiên… nó sẽ là một khám phá vĩ đại nhất của mọi thời đại." Trong các thập niên gần đây, qua những phát triển ngoạn mục nhất của vật lý và thiên văn, chứng cớ ấy thực sự đã được tìm thấy.
Trong sự thừa nhận sách Sáng Thế một cách ngạc nhiên, các khoa học gia hiện đại khám phá ra rằng vũ trụ được tạo thành qua sự bùng nổ nguyên thủy về năng lực và ánh sáng. Vũ trụ không chỉ bắt đầu trong thời gian và không gian, nhưng nguồn gốc của vũ trụ còn khởi đầu với thời gian và không gian. Trước khi có vũ trụ thì chưa có thời gian và không gian. Nếu bạn chấp nhận rằng mọi sự có một khởi đầu thì đều có một động lực, vậy vũ trụ vật chất phải có một động lực tinh thần hay phi vật chất. Động lực tinh thần này đưa vũ trụ vào sự hiện hữu mà không dùng đến bất cứ nguyên tắc vật lý nào. Sự tạo dựng vũ trụ là một phép lạ, hiểu đúng với nghĩa đen. Đấng tạo nên vũ trụ được biết là một đấng thiêng liêng, một bản thể vô cùng về khả năng và sự sáng tạo vượt quá mọi giới hạn có thể tưởng tượng được. Ngay từ khởi thủy có tinh thần, chứ không phải chất liệu. Với sự giúp đỡ của khoa học và lý luận, tất cả những điều này có thể chứng minh một cách hữu lý.
Câu chuyện bắt đầu khoảng một thế kỷ trước đây, khi các khoa học gia bắt đầu đi tìm bằng chứng rằng vũ trụ có một khởi đầu—không chỉ trái đất hay ngân hà của chúng ta nhưng tất cả mọi vật thể hiện có. Lý do của sự tìm kiếm này là vì một trong những quy tắc vật lý rất phổ thông, quy tắc thứ hai về nhiệt động lực (thermodynamic), báo trước một khởi đầu như vậy. Quy tắc này đơn giản khẳng định rằng, nếu để tự nó, mọi vật thể sẽ tan rã. Chúng ta thấy điều này ngay chung quanh: đường xá và dinh thự mục nát và sụp đổ, con người già và chết, kim loại rỉ sét, tấm vải trở thành sợi chỉ, núi đá và bờ biển bị soi mòn. Nếu bạn chưa học về vật lý, bạn có thể nghĩ rằng quy tắc thứ hai này có thể bị bác bẻ bởi bằng cớ là những người xây đường xá và dinh thự, nhưng đó không phải là trường hợp. Các vật liệu và sức mạnh bị sử dụng cho đến kiệt quệ trong tiến trình xây dựng. Phải có thêm tài nguyên và năng lực để duy trì đường xá và dinh thự. Ngay cả vậy, mọi vật sẽ hao mòn và đổ nát. Các khoa học gia dùng chữ "entropy" như một cách đo lường mức độ hỗn loạn, và quy tắc thứ hai cho thấy rằng toàn thể mức độ entropy trong vũ trụ thì tiếp tục gia tăng.
Quy tắc thứ hai có một ngụ ý thật giật mình. Hãy lấy mặt trời làm thí dụ. Khi thời gian trôi qua, nhiên liệu dự trữ của nó giảm dần, và rồi sau cùng mặt trời sẽ không còn sức nóng và trở nên lạnh lẽo. Nhưng điều này có nghĩa, lửa của mặt trời phải được đốt lên tại một thời điểm nào đó. Mặt trời không cháy mãi. Và điều này cũng đúng với các tinh tú. Chúng cũng sẽ từ từ cạn kiệt, có nghĩa rằng chúng cũng được đốt cháy vào lúc nào đó trước đây. Như nhà thiên văn vĩ đại người Anh là Arthur Eddington có nói, nếu có thể so sánh vũ trụ với chiếc đồng hồ, thì đồng hồ thật sự đang từ từ chậm lại và điều đó dẫn đến kết luận rằng sẽ có lúc đồng hồ hoàn toàn chấm dứt hoạt động. Vũ trụ được khởi đầu với đầy đủ năng lượng và từ lúc đó trở đi nó ngày càng tiêu hao. Các dữ kiện này được biết ngay từ thế kỷ mười tám, nhưng các khoa học gia không biết tại sao lại như vậy.
Vào đầu thế kỷ hai mươi, Albert Einstein công bố các công thức của thuyết tương đối và nhà thiên văn người Hòa Lan, Willem de Sitter, tìm thấy một ứng dụng cho các công thức ấy khi tiên đoán vũ trụ đang nở rộng. Đây cũng là một dự đoán quan trọng bởi vì nếu vũ trụ đang nở rộng và nếu các ngân hà đang di chuyển xa nhau, điều này có nghĩa trong quá khứ chúng từng gần với nhau. Nếu vũ trụ từng "nổ tung" trong quãng thời gian được thành lập, điều này có nghĩa nó thực sự phải có khởi đầu.
Einstein không biết rằng các công thức của ông lại đưa đến giả thuyết là vũ trụ nở rộng nên ông đau khổ khi nghe biết về ứng dụng này. Khi nhà toán học Nga Alexander Friedmann tìm cách thuyết phục ông, Einstein lại tìm cách chứng minh là Friedmann sai. Thực sự Einstein sai. Theo lời của chính ông, nhà vật lý vĩ đại này thật "ngứa ngáy" về ý tưởng vũ trụ nở rộng. Ông đã đi quá xa khi sáng chế ra một lực mới, "phản trọng lực" (antigravity), cũng như đưa ra một con số được gọi là "hằng số vũ trụ" (cosmological constant), cố để bác bỏ ý niệm về một khởi đầu. Sau này, Einstein thú nhận những sai lầm của mình và coi hằng số vũ trụ của ông là một sai lầm lớn nhất trong đời.
Vào cuối thập niên 1920, nhà thiên văn Wilson Hubble, qua viễn vọng kính tối tân của Đài Thiên Văn Mount Wilson ở California, ông thấy các ngân hà đang tách rời nhau vì các tinh vân "bớt đỏ dần". Số lượng tinh tú trong giải ngân hà tản mác này cho thấy vũ trụ bao la một cách kinh hoàng, lớn hơn bất cứ ai đã từng nghĩ đến. Một số ngân hà cách xa nhau hàng triệu năm ánh sáng. Cảm tưởng mà nhiều người từ lâu cho rằng không gian bất động và bất biến chỉ là ảo tưởng. Hubble nhận xét rằng các hành tinh và toàn thể các ngân hà đang tách xa nhau với một vận tốc lạ thường. Hơn thế nữa, không gian dường như ngày càng lớn hơn. Vũ trụ không nở rộng vào đằng sau không gian, bởi vì không gian nằm trong vũ trụ. Thật không thể tin được, chính không gian nở rộng theo vũ trụ. Các khám phá của Hubble, sau này được xác nhận bởi rất nhiều người khác, gây nên sự sôi nổi lớn trong giới khoa học.
Ngay lúc đó các khoa học gia nhận thấy rằng các giải ngân hà không bay tách xa nhau vì một lực huyền bí nào đó đẩy chúng ra xa. Đúng hơn, chúng tách xa nhau bởi vì trước đây chúng bị bắn tung đi bởi một sự bùng nổ ban đầu. Suy ngược theo thời gian, mọi ngân hà dường như có chung một điểm nguyên thủy được ước lượng khoảng mười lăm tỉ năm trước. Các khoa học gia suy đoán một thời điểm mà trong đó mọi khối lượng trong vũ trụ bị ép lại thành một điểm vô cùng dầy đặc. Toàn thể vũ trụ thì nhỏ hơn một phân tử.
Sau đó trong một sự bùng nổ vĩ đại độc nhất--Đại Thanh (Big Bang)—vũ trụ mà chúng ta đang cư ngụ được hình thành. Steven Weinberg viết, "Vũ trụ tràn đầy ánh sáng." Thật vậy, "chính ánh sáng tạo nên phần tử trổi vượt của vũ trụ." Nhiệt độ lúc bấy giờ khoảng một trăm tỉ tỉ (trillion) độ bách phân. Sau đó, trong một tiến trình thật sống động được Weinberg miêu tả trong cuốn The First Three Minutes (Ba Phút Đầu Tiên), các dương tử (proton) và trung hòa tử (neutron) đầu tiên bắt đầu tạo thành nguyên tử. Một khi vật thể được hình thành, các hấp lực bắt đầu tạo thành ngân hà và tinh tú. Sau cùng các nguyên tố nặng hơn, tỉ như ốc-xi và sắt được hình thành và, trên hàng tỉ năm, sinh ra thái dương hệ và các hành tinh. Dù có vẻ điên rồ, sự hiện diện của trái đất chúng ta, chính vật thể mà chúng ta được thực sự tạo thành, là nhờ ở "biến cố tạo dựng" xảy ra cách đây khoảng mười lăm tỉ năm.
Thuyết vũ trụ nở rộng không chỉ phù hợp với quy tắc thứ hai của nhiệt động lực nhưng còn phù hợp với thuyết tương đối của Einstein. Hubble tìm thấy rằng một ngân hà càng xa chúng ta bao nhiêu thì càng lùi ra xa nhanh hơn bấy nhiêu. Bây giờ điều này được gọi là Quy Luật Hubble, và nó giải đáp cho điều phỏng đoán được dựa trên cơ sở thuyết Einstein. Thuyết vũ trụ nở rộng còn giải quyết một vấn đề hắc búa từng làm vỡ mộng các khoa học gia: tại sao các ngân hà lại tiếp tục cách xa nhau. Tại sao trọng lực không kéo chúng lại gần với nhau? Lý do là vì chúng bị bắn tung ra trong một vụ nổ nguyên thủy mà sức ấy vẫn tiếp tục đẩy chúng ngày càng cách xa nhau. Nhà thiên văn John Barrow gọi phát minh của Hubble là "sự khám phá vĩ đại nhất của khoa học trong thế kỷ hai mươi mốt."
Ngay cả vậy, nhiều khoa học gia bực mình với ý niệm Đại Thanh. Robert Jastrow kể ra nhiều thí dụ trong cuốn "God and the Astronomer." Nhà thiên văn Arthur Eddington gọi ý niệm này là "phi lý… không thể tin cậy… mâu thuẫn." Nhà vật lý Philip Morrison của MIT thú nhận, "Tôi thấy khó để chấp nhận thuyết đại thanh. Tôi muốn tẩy chay nó." Allan Sandage của Phòng Thí Nghiệm Carnegie nói ý tưởng này là "một kết luận lạ lùng" mà "nó không thể nào đúng sự thật." Cũng như Einstein, các khoa học gia nổi tiếng bắt đầu đưa ra các giả thuyết nhằm loại trừ nhu cầu của một sự khởi đầu. Họ làm việc chăm chỉ để tìm ra một phương cách đáng tin cậy về khoa học để chứng minh là vũ trụ hiện hữu mãi mãi.
Jastrow lý luận rằng lý do mà một số nhà khoa học nổi tiếng bối rối về ý niệm đại thanh là vì, nếu đúng như vậy, thuyết ấy ngụ ý rằng có "giây phút tạo dựng" mà trong đó mọi sự--vũ trụ và các quy luật của nó--bắt đầu hiện hữu. Thật quan trọng để biết rằng trước khi có biến cố Đại Thanh, không hề có các quy tắc vật lý. Thật vậy, các quy tắc vật lý không thể dùng để giải thích Đại Thanh bởi vì chính Đại Thanh tạo ra các quy tắc vật lý. Các quy tắc khoa học giống như một loại văn phạm để giải thích thứ tự và sự tương giao của các vật thể trong vũ trụ. Cũng như quy tắc văn phạm không thể hiện diện ở bên ngoài các từ và câu mà nó xác định, thì các quy tắc khoa học cũng không thể hiện hiện bên ngoài vũ trụ của các vật thể mà nó mô tả sự tương giao.
Các khoa học gia gọi gây phút khởi sự của vũ trụ là "độc nhất", một điểm nguyên thủy mà không bị ảnh hưởng bởi không gian, thời gian và các quy tắc khoa học. Trước thời điểm đó, khoa học không biết gì cả. Thật vậy, chữ trước không có ý nghĩa vì chính thời gian cũng không hiện diện "trước" điểm độc nhất. Ngày xưa ngày xưa không có thời gian. Jastrow muốn nói rằng các ý niệm như vậy, tiếp giáp với siêu hình, làm cho các khoa học gia cảm thấy nôn nao. Nếu vũ trụ được tạo dựng bên ngoài các quy tắc vật lý, thì nguồn gốc của vũ trụ minh chứng cho định nghĩa căn bản của phép lạ. Chữ này làm cho các khoa học gia bất an.
Hãy thử tưởng tượng các khoa học gia này khuây khỏa chừng nào khi các nhà thiên văn Hermann Bondi, Thomas Gold, và Fred Hoyle đưa ra điều mà sau này nó được gọi là "tình trạng kiên định" của vũ trụ. Thuyết này cho rằng vũ trụ thì vô tận về tuổi. Một cách căn bản, Bondi, Gold, và Hoyle đưa ra giả thuyết rằng khi năng lượng bị dùng hết theo thời gian, năng lượng mới và vật thể mới được tạo thành một cách nào đó trong không gian. Như vậy, bất kể mức độ "entropy" và quy luật thứ hai của nhiệt động lực, mọi thứ vẫn giữ được quân bình và không lay chuyển, và như vậy vũ trụ có thể hiện hữu mãi. Không gian và thời gian cũng vĩnh viễn. Thuyết tình trạng kiên định mau chóng trở nên phổ thông và là sự giải thích được ưa thích nhất về vũ trụ trong giới khoa học gia ở Âu Châu và Mỹ Châu. Cho đến cuối năm 1959, nó được sự hỗ trợ của hai phần ba các nhà thiên văn và vật lý.
Trong một phương cách nào đó, thuyết tình trạng kiên định được xây dựng trên một nền tảng rất xưa cũ. Ý niệm về một vũ trụ vĩnh viễn từng xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp. Các triết gia và nhà khoa học tự nhiên của Hy Lạp có nhiều quan điểm về nguồn gốc của thế giới, nhưng tổng quát tất cả đều đồng ý một nguyên tắc rằng không có gì được tạo thành từ hư vô: ex nihilo, nihil. Cần có vật thể để đem lại hình dạng cho vật thể. Do đó, vì vũ trụ vật chất không thể xuất hiện từ "không khí", nó phải luôn luôn có ở đó. Vật thể thì vĩnh viễn. Một cách tổng quát, các khám phá của Newton trong thế kỷ mười tám hỗ trợ cho ý tưởng của một vũ trụ vĩnh hằng. Với Newton, không gian là một khối ba chiều dãn nở không giới hạn về mọi phía, và thời gian là một chiều kích kéo dài vô tận vào quá khứ và tương lai. Chính ý niệm về vũ trụ vĩnh hằng mà thuyết tình trạng kiên định tìm cách chứng thực như một thay thế cho thuyết Đại Thanh.
Những người hỗ trợ thuyết tình trạng kiên định công khai nhìn nhận rằng thuyết này hàm ý tính cách vô thần. Nếu vũ trụ luôn luôn hiện hữu thì không có ai dựng nên nó. Chính Newton tìm cách né tránh hàm ý này. Trong khi vũ trụ có thể vận hành theo các quy tắc cơ học, có lẽ ngay cả các quy tắc luôn luôn hiện hữu, Newton lý luận rằng có một đấng sáng tạo các quy tắc đó và "chắc chắn không phải là cơ học" nhưng đúng ra ngài "vô hình, sống động, hiểu biết, ở khắp nơi." Nhưng vào đầu thế kỷ hai mươi, hầu hết các khoa học gia coi lý lẽ của Newton như sự bào chữa đặc biệt của một người đạo đức mà chính ông không thể tuân theo quy tắc của mình. Phần lớn khoa học dường như nghiêng về quan điểm của Pierre-Simon Laplace, là người được Napoleon hỏi về vị trí của Thiên Chúa trong các lý thuyết về tinh vân của ông, và ông trả lời, "Tôi không cần đến giả thuyết ấy." Thuyết tình trạng kiên định có tác dụng là nhiều khoa học gia bỏ qua giả thuyết về Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong thập niên 1960, thuyết tình trạng kiên định bị một cú tàn phá khi hai kỹ sư vô tuyến làm việc tại Bell Labs, Arno Penzias và Robert Wilson, khám phá ra một số phóng xạ bí ẩn đến từ không gian. Phóng xạ này không đến từ một hướng nhất định mà từ đủ mọi phía như nhau. Thật vậy, dường như nó xuất phát từ chính vũ trụ. Không lâu sau đó, Penzias và Wilson mới biết là các khoa học gia từng phỏng đoán rằng, nếu vũ trụ khởi đầu từ một vụ nổ nguyên thủy khoảng mười lăm tỉ năm trước, thì một số phóng xạ từ vụ nổ kinh hoàng đó vẫn sẽ còn lởn vởn. Người ta cho rằng phóng xạ này có nhiệt độ từ một vài độ trên không độ. Penzias và Wilson đo được phóng xạ này chỉ ít hơn con số đó chút đỉnh, và họ bàng hoàng khi biết rằng họ đã gặp được tiếng thì thào ma quái từ giây phút tạo dựng nguyên thủy.
Rất nhiều khám phá khác--kể cả các dữ kiện từ vệ tinh "Cosmic Background Explorer" (COBE) của NASA--giờ đây xác nhận sự hiện hữu của phóng xạ nguyên thủy này. Dựa trên thuyết Đại Thanh, các khoa học gia có thể tiên đoán số lượng khí hydrogen, lithium, deuterium, và helium phải có trong vũ trụ. Các tiên đoán này thật kinh ngạc vì phù hợp với số lượng thực sự mà chúng ta tìm thấy ngày nay. Năm 1970 nhà vật lý Stephen Hawking và nhà toán học Roger Penrose viết một bài nổi tiếng chứng minh rằng vũ trụ phải có một khởi đầu, căn cứ vào thuyết tương đối và số lượng vật thể có trong vũ trụ. Như Hawking khẳng định trong cuốn A Brief History of Time, "Phải có một biến cố Đại Thanh độc nhất." Nhà thiên văn Martin Rees nhận xét rằng hàng loạt dữ kiện cùng lúc hiện nay đã làm mất uy tín của thuyết tình trạng kiên định và xác nhận thuyết Đại Thanh.
Trong sách Sáng Thế, Kinh Thánh viết, "Từ nguyên thủy, Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và trái đất." Trong các tài liệu lịch sử xa xưa, Kinh Thánh thì độc đáo khi thừa nhận một khởi đầu tuyệt đối. Trong Phật Giáo, nhờ Dalai Lama chúng ta biết "có nhiều hệ thống vũ trụ... trong tình trạng liên tục xuất hiện và qua đi." Kinh Thánh cũng hiển nhiên khẳng định là thời gian thì giới hạn. Ngược lại, Ấn Giáo và Phật Giáo thừa nhận các chu kỳ vô tận của thời gian kéo dài vào quá khứ vô cùng. Người Hy Lạp và La Mã, cũng như các văn hóa xa xưa, tin ở sự vĩnh cửu của lịch sử. Như Leon Kass nhận xét trong việc khảo cứu Sáng Thế Ký, các tác giả kinh thánh không cần mạo hiểm vào lãnh vực này. Họ có thể khởi sự từ Vườn Địa Đàng và không đụng gì đến câu chuyện tạo dựng. Nhưng sự tường thuật kinh thánh trâng tráo nhấn mạnh rằng vũ trụ hiện hữu tại một thời điểm nhất định của thời gian như một hành vi sáng tạo tự ý bởi một hữu thể siêu nhiên đã có từ trước.
Ở đây cũng quan trọng để làm sáng tỏ một hiểu lầm phổ thông. Nhiều văn sĩ thế tục dường như nghĩ rằng, theo lập trường chính thống Kitô Giáo, vũ trụ và trái đất được dựng nên trong sáu ngày theo nghĩa đen. Nhưng Kinh Thánh dùng tiếng cổ Do Thái (Hebrew) nên đó có thể là một ngày hay một mùa hay một thế hệ. Trong thư II của Phêrô (3:8) chúng ta cũng đọc: "với Chúa một ngày giống như một ngàn năm, và một ngàn năm giống như một ngày."  Từ thời Kitô Giáo tiên khởi, các chức quyền trong giáo hội từ Irenaeus đến Origen, Augustine đã đưa ra sự giải thích có tính cách biểu tượng với "những ngày" trong Sáng Thế Ký. Hầu hết các Kitô Giáo truyền thống không có khó khăn gì với câu chuyện tạo dựng mà nó có thể kéo dài hàng triệu, ngay cả hàng tỉ năm.
Thật đặc biệt, người Do Thái và Kitô Giáo luôn tin rằng Thiên Chúa không chỉ tạo nên vũ trụ, nhưng Người còn tạo ra từ hư không: "từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời." Với câu này Kinh Thánh ngụ ý rằng vũ trụ được thành hình qua mệnh lệnh. Trong gần hai ngàn năm điều này dường như không có ý nghĩa. Chúng ta cảm nghiệm thời gian và không gian theo một phương cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được là có khởi đầu hay có kết thúc. Trong huyền thoại tạo dựng vũ trụ của các tôn giáo khác, thần linh thường tạo thành thế giới từ một số sự vật đã có từ trước. Sự hợp lý dường như nghiêng về phía người Hy Lạp xưa: ex nihilo, nihil. Nhưng giờ đây, khoa học hiện đại cho thấy Kinh Thánh thì đúng. Vũ trụ thật sự được hình thành từ hư không. Và nó được hình thành như thế nào? Chúng ta không biết và có lẽ không bao giờ biết, vì tạo hóa dùng các phương pháp mà trong vũ trụ tự nhiên bây giờ không thấy có.
Lạ lùng hơn nữa là người Do Thái và Kitô Giáo từ lâu tin rằng Thiên Chúa dựng nên không gian và thời gian cùng lúc với vũ trụ. Chúng ta từng thấy giáo phụ Augustine, khi được hỏi tại sao Thiên Chúa ngồi chơi trong một thời gian dài trước khi tạo nên vũ trụ, ngài trả lời rằng câu hỏi ấy vô nghĩa. Augustine viết, trước khi có sự tạo dựng thì chưa có thời gian vì sự tạo dựng vũ trụ bao gồm sự tạo dựng thời gian. Các vật lý gia hiện đại nhìn nhận Augustine và sự hiểu biết xưa của người Do Thái và Kitô Giáo là đúng.
Thuyết Đại Thanh giải quyết một trong những mâu thuẫn hiển nhiên trong sách Sáng Thế. Trên hai thế kỷ, những người chỉ trích Kinh Thánh thường vạch ra rằng từ nguyên thủy—ngày đầu tiên--Thiên Chúa dựng nên sự sáng. Sau đó vào ngày thứ tư Thiên Chúa tách biệt đêm với ngày. Vấn đề này được vạch ra bởi triết gia Leo Strauss: "Ánh sáng được trình bầy như có trước mặt trời." Từ lâu, Kitô Hữu phải vất vả giải thích sự lạ thường này mà không thành công nhiều. Tác giả Sáng Thế Ký dường như rõ ràng có nhầm lẫn.
Nhưng thực sự thì không lầm. Vũ trụ được tạo dựng trong một bùng nổ ánh sáng cách đây mười lăm tỉ năm. Mặt trời và các hành tinh hiện hữu nhiều tỉ năm sau đó. Do đó ánh sáng quả thật đi trước mặt trời. Trong sách Sáng Thế 1:3, ánh sáng đầu tiên được nhắc đến có thể coi như ám chỉ chính biến cố Đại Thanh. Sự tách biệt ngày và đêm được nói trong Sáng Thế Ký 1:4 ám chỉ việc hình thành mặt trời và trái đất. Ngày và đêm—chúng ta cảm nghiệm như kết quả của việc trái đất xoay tròn--thực sự được thành hình chậm hơn vũ trụ nhiều. Bí ẩn Sáng Thế Ký được giải quyết, và câu chuyện tạo dựng được minh chứng nó không chỉ là một ngụ ngôn lờ mờ nhưng là một câu chuyện chính xác lạ lùng về cách tạo dựng vũ trụ.
Nên nhớ rằng Cựu Ước được viết cách đây trên 2,500 năm bởi một người cho rằng họ được Thiên Chúa kể cho biết những gì Người thực hiện. Gerald Schroeder nhận xét, "Những tường thuật này không được sáng tác để trả lời cho những khám phá về vũ trụ như một toan tính nhằm gượng gạo phù hợp thần học với vũ trụ học… Thần học trình bầy một quan điểm cố định về vũ trụ. Khoa học, qua sự hiểu biết được cải tiến đáng kể về thế giới, đã đi đến sự phù hợp với thần học."
Các nhà khoa học nổi tiếng nhiều khi do dự tán thành câu kết luận này. Arthur Eddington, là người sau cùng nhìn nhận tính cách xác thực của thuyết Đại Thanh, thú nhận rằng "sự khởi đầu dường như đưa ra những khó khăn không thể vượt qua trừ khi chúng ta đồng ý nhìn đến nó như thực sự thuộc về siêu nhiên." Arno Penzias, người đoạt giải Nobel nhờ khám phá ra phóng xạ vũ trụ mà nó minh chứng cho thuyết Đại Thanh, nói rằng, "Các dữ kiện tốt nhất chúng ta có thì đúng như những gì tôi tiên đoán, là giả như tôi không có gì khác hơn để khởi sự thì tôi sẽ dùng năm cuốn sách của Môsê, Thánh Vịnh, và toàn bộ Kinh Thánh."
Nhà thiên văn Robert Jastrow trình bầy một cách sống động hơn nữa. "Với khoa học gia từng sống niềm tin của mình trong sức mạnh của lý lẽ, câu chuyện chấm dứt như một ác mộng. Hắn vượt qua được nhiều ngọn núi ngu dốt; hắn sắp sửa chinh phục được đỉnh núi cao nhất. Khi vừa trèo lên được tảng đá sau cùng, hắn được chào đón bởi các thần học gia là những người từng ngồi ở đây hàng thế kỷ."
Tôi không đưa ra Kinh Thánh để minh chứng là Thiên Chúa tạo nên vũ trụ. Tôi đưa ra để cho thấy câu chuyện kinh thánh về cách tạo dựng vũ trụ thì thật sự chính xác. Kinh Thánh không phải là sách dậy về khoa học. Sách này không có ý định, như các khoa học gia, cung cấp các chi tiết về cách tạo thành vũ trụ và trái đất theo như hình dạng ngày nay. Nhưng những gì sách ấy nói về sự tạo dựng--về dữ kiện tạo dựng và thứ tự của sự tạo dựng—thì hóa ra chính xác. Có thể nói trước đây tưởng như là bất khả, bây giờ Kinh Thánh được minh chứng bởi các khám phá của khoa học hiện đại.
Bây giờ là lúc cung cấp "đoạn thiếu sót" và cho thấy vũ trụ phải có người tạo nên. Chứng cớ này thật đơn giản. Mọi sự bắt đầu hiện hữu đều có một động lực. Vũ trụ bắt đầu hiện hữu, bởi thế vũ trụ phải có một động lực. Động lực đó chúng ta gọi là Thiên Chúa. Trong một thời gian khá lâu, sự từ chối đấng tạo hóa được dựa trên việc từ chối định đề thứ hai. Người vô thần đưa ra các khám phá của Newton như một chứng cớ và họ nhất quyết vũ trụ không có một khởi đầu. Nó là một loại bộ máy luôn luôn chuyển động. Nó luôn luôn có ở đó. Giờ đây khoa học đã bỏ đi lý luận ấy.
Bởi thế các người vô thần--kể cả các khoa học gia vô thần--phải đi đến việc từ chối định đề thứ nhất. Mọi sự có một khởi đầu không nhất thiết phải có một động lực. Vũ trụ chỉ có vậy và chúng ta không thể nói gì hơn. Triết gia Bertrand Russell chấp nhận lập trường này trong cuộc tranh luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông nói, "Vũ trụ ở đó, và chỉ có vậy." Vật lý gia Victor Stenger nói vũ trụ có thể "không có động lực" và có thể "xuất phát từ hư không." Ngay cả David Hume, một trong những triết gia đa nghi nhất, coi lập trường này là nực cười. Vì trong tất cả những điều hoài nghi của ông, Hume không bao giờ từ chối quan hệ nhân quả. Trong năm 1754 Hume viết, "Tôi không bao giờ khẳng định một định đề quá lố bịch là có điều gì đó phát sinh mà không có động lực."
Nếu mọi kết quả trong thiên nhiên đều có một động lực, điều gì là động lực của thiên nhiên? Ai hoặc điều gì đã đưa vật thể và năng lực vào vũ trụ? Có hợp lý không, dù rất mơ hồ, khi cho rằng thiên nhiên tự tạo ra chính nó? Nếu chỉ với một khoảng khắc không có gì hiện hữu—không vật thể, không vũ trụ, không Thiên Chúa—thì làm thế nào có thể có được điều gì? Khi các biến cố xảy ra--tỉ như một cái hố khổng lồ trên nền đất, một nữ minh tinh điện ảnh được tìm thấy bị cắt cổ-- ngay lập tức chúng ta hỏi điều gì đã gây ra các biến cố ấy. Thật khó để coi đó là một giải thích hợp lý hay có tính cách khoa học khi nói, "Nó tự động xảy ra. Chẳng có nguyên nhân nào cả." Chúng ta biết điều gì đó đã tạo nên cái hố khổng lồ. Chúng ta biết ai đó đã cứa cổ nữ minh tinh điện ảnh. Có thể chúng ta không biết rõ danh tính của người đã thi hành, nhưng chúng ta biết có ai đó đã làm điều ấy.
Tương tự, có thể chúng ta không biết đấng sáng tạo nào đã làm nên vũ trụ, nhưng chúng ta biết là nó đã được dựng nên, và có ai đó đã thi hành điều ấy. Thế giới của chúng ta thật quá tự nhiên, nhưng với sự chắc chắn về khoa học chúng ta biết nó là kết quả của một sức lực ở bên ngoài tự nhiên. Đây là nghĩa đen của chữ siêu hình—đó là điều đằng sau hay bên ngoài vật lý tự nhiên. Khoa học đã khám phá ra một thực thể mà trước đây được cho rằng thuộc lãnh vực đức tin. Nhưng ngày nay, không cần đức tin để thấy rằng nguồn gốc của vũ trụ thì thuộc về siêu hình. Vũ trụ mà nó hiện hữu trong một vụ bùng nổ nguyên thủy cách đây mười lăm tỉ năm trước thì không tự mình hiện hữu. Nó được tạo nên, điều đó có nghĩa phải có tạo hóa. Với tạo hóa đó chúng ta đặt tên là Thiên Chúa.
Vào lúc này, dường như chúng ta đã chứng minh sự hiện hữu của một tạo hóa, nhưng không biết gì về bản tính của tạo hóa ấy. Tôi cho rằng không phải như vậy. Nhiều đặc tính của tạo hóa vẫn chưa được biết hay được giấu kín, nhưng có một số kết luận mà chúng ta có thể hợp lý rút ra từ những gì được biết. Khi vũ trụ được tạo thành bởi một hành vi sáng tạo, thật hợp lý để suy diễn rằng nó được tạo thành bởi một loại tâm linh nào đó. Tâm linh là nguồn gốc của vật thể, và chính tâm linh tạo ra vật thể, hơn là ngược lại. Khi vũ trụ bao gồm toàn thể thiên nhiên, chứa đựng bất cứ gì là thiên nhiên, đấng sáng tạo ra nó cần phải ở bên ngoài thiên nhiên. Khi đấng tạo hóa không dùng đến các quy luật hay sức lực tự nhiên để tạo nên vũ trụ, hiển nhiên đấng tạo hóa là siêu nhiên. Khi thời gian và không gian nằm trong vũ trụ, đấng tạo hóa cũng phải nằm ngoài không gian và thời gian, được gọi là vĩnh cửu. Khi vũ trụ là vật chất, đấng tạo hóa phải là phi vật chất. Khi vũ trụ được tạo dựng từ hư không thì đấng tạo hóa phải có quyền thế không thể hiểu, hoặc chúng ta có thể nói, khả năng vô hạn.
Có phải vũ trụ chỉ có thế, trước đây cũng vậy, mãi mãi cũng vậy? Dĩ nhiên là không. Ý tưởng ấy hoàn toàn vô nghĩa, và của một người mà lẽ ra phải biết rõ hơn. Các quy luật tự nhiên không ám chỉ gì đến một hoạch định thánh thiêng hay đấng sáng tạo sao? Làm thế nào Steven Weinberg lại đưa ra một khẳng định điên rồ như thế? Với người vô thần độc đoán, nó dường như giống với khoa học giả tưởng, hay một ác mộng định kỳ. Nhưng không thể bỏ qua sự thật khoa học. Sự khám phá của khoa vật lý hiện đại rằng vũ trụ có một khởi đầu theo không gian và thời gian đã trả lời bài toán hóc búa của E. O. Wilson về một trong những khám phá khoa học quan trọng nhất chưa từng có.  Với tất cả những ai dám đương đầu với khó khăn để hiểu biết và chiêm niệm về điều đó, nó đem lại một chứng cớ mạnh mẽ và có sức thuyết phục về sự hiện diện của một bản thể siêu nhiên, vĩnh cửu đã tạo nên thế giới chúng ta và mọi sự ở trong đó.

CHƯƠNG 12

MỘT HÀNH TINH ĐƯỢC HOẠCH ĐỊNH:
VI TRÍ ĐẶC BIỆT CỦA CON NGƯỜI TRONG SỰ TẠO DỰNG

"Chúng ta không bao giờ thực sự hiểu được chúng ta là ai cho đến khi chúng ta biết được tại sao vũ trụ lại được dựng nên trong một phương cách để bao gồm những gì sống động."
Lee Smolin, The Life of the Cosmos

C
opernicus đã chết. Phải, tôi biết nhà thiên văn nổi tiếng này đã chết vào năm 1543. Đó không phải là điều tôi muốn nói. Tôi cũng không muốn nói giả thuyết của Copernicus—trái đất xoay chung quanh mặt trời, chứ không phải ngược lại—là đã chết. Nhưng thuyết tâm mặt trời của Copernicus không chỉ là một biến đổi khoa học. Nó còn trở nên một biến đổi tri thức từ chối vị trí đặc biệt của loài người trong vũ trụ. Tuy nhiên, nhiều khám phá mới đã đảo ngược bài học của Copernicus. Dường như chúng ta sống trong một vũ trụ mà trong đó chúng ta có một vị trí quan trọng đặc biệt. Cuộc nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới được đặc chế cho chúng ta.
Nơi các người vô thần nổi tiếng chúng ta thấy các diễn đạt tương tự về sự khôn ngoan thông thường về vòng xoay của Copernicus. Trong cuốn sách mới nhất của vật lý gia Victor Stenger, God: The Failed Hypothesis, ông viết, "Thật khó để kết luận rằng vũ trụ này được dựng nên với một mục đích rộng lớn và đặc biệt cho loài người."  Vật lý gia Steven Weinberg viết, "Giống người đã lớn mạnh đáng kể trong năm trăm năm qua để đối diện với sự kiện là chúng ta không đáng kể trong kế hoạch vĩ đại của sự vật." Nhà thiên văn Carl Sagan viện dẫn vòng xoay của Copernicus để không thừa nhận "các tư thế, hình ảnh cho mình là quan trọng, một ảo tưởng rằng chúng ta có ít nhiều vị thế ưu tiên trong vũ trụ."
Tuy các phát biểu này không có tính cách khoa học, chúng được viện dẫn với thẩm quyền đầy đủ của khoa học. Điều chúng ta có ở đây là một câu chuyện siêu hình về khoa học mà nó có ảnh hưởng đến cách tiếp cận với thế giới của nhiều khoa học gia và phương cách mà trong đó nền văn hóa của chúng ta hiểu những gì khoa học đã biểu lộ. Vòng xoay Copernicus có thể hiểu là đã lập ra quy tắc tầm thường. Quy tắc này nói rằng loài người chúng ta không có gì đặc biệt. Chúng ta sống trong một hành tinh nhỏ xíu tầm thường trong một ngân hà không rõ rệt trong một khu vực thật xa của một vũ trụ rộng lớn không thể tưởng được.
Quy tắc tầm thường, xuất xứ từ vòng xoay Copernicus, có quan hệ mật thiết với thần học. Vòng xoay tâm mặt trời không có tính cách mạng bởi vì nó đối nghịch với điều Kinh Thánh cho rằng trái đất là tâm của vũ trụ. Kinh Thánh không nói như vậy. Kitô Hữu thời trung cổ cũng không tin rằng trái đất chiếm vị trị quan trọng nhất trong sự tạo dựng. Với Kitô Hữu, không nơi nào quan trọng hơn thiên đàng. Trái đất được coi như chiếm vị trí trung dung, với thiên đàng ở trên và hỏa ngục ở dưới. Đây là chân dung của vũ trụ được tìm thấy trong Divine Comedy của Dante. Tôi nhắc đến quan điểm vũ trụ này không để bảo vệ nó, nhưng đúng ra để chối bỏ giả thuyết sai lầm rằng Copernicus đã làm suy yếu một số học thuyết căn bản của Kitô Giáo về vị trí đặc biệt của trái đất trong vũ trụ.
Tuy nhiên, trong một ý nghĩa sâu xa hơn, quan điểm vũ trụ của tôn giáo bị đe dọa bởi vòng xoay Copernicus. Nói cho cùng, đó là một điều tin tưởng căn bản của các tôn giáo chính trên thế giới--nhất là Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo--là con người chiếm một vị thế đặc biệt trong sự tạo dựng của Thiên Chúa. Theo quan điểm này, vũ trụ được tạo dựng với sự lưu tâm đến chúng ta, ngay cả có lẽ vì chúng ta. Làm thế nào điều tin tưởng truyền thống này có thể hài hòa với sự khám phá rằng chúng ta sống trong một vũ trụ bao la với hàng hà sa số các hành tinh khác, biết bao giải ngân hà, và hàng trăm tỉ tinh tú, mà một số tinh tú quá xa đến độ chúng đã cháy tiêu tan trước khi ánh sáng của chúng đến được trái đất? Khi nhìn qua viễn vọng kính, chúng ta cảm thấy sợ hãi cái trống rỗng của không gian và cảm giác vô cùng xa cách. Thật khó để tránh né thắc mắc: nếu loài người là chủ yếu cho mục đích của Thiên Chúa trong thiên nhiên, sao chúng ta lại sống trên một phần đất nhỏ bé trong một vũ trụ quá mêng mông?
Trong những năm gần đây, các nhà vật lý đã có câu trả lời nổi tiếng cho thắc mắc này mà nó đã lật đổ quy tắc tầm thường và xác nhận vị thế đặc biệt của con người trong vũ trụ. Thì ra là kích thước đồ sộ và tuổi lâu đời của vũ trụ chúng ta không phải là tình cờ. Chúng là những điều kiện không thể thiếu cho sự sống được hiện diện trên mặt đất. Nói cách khác, vũ trụ phải lớn như hiện thời và phải lâu như hiện thời để duy trì cư dân sống động như bạn và tôi. Toàn thể vũ trụ với tất cả các quy tắc của nó dường như là một âm mưu để tạo nên chúng ta. Các nhà vật lý gọi sự khám phá kinh khủng này là quy tắc hướng nhân (anthropic), nó khẳng định rằng vũ trụ phải đúng bản tính như thế để có thể có sinh vật. Câu chuyện Copernicus bị đảo ngược và con người được phục hồi vị trí cao cả xưa như người con được sủng ái, và có lẽ ngay cả là lý do tồn tại, của tạo vật.
Các vật lý gia tình cờ tìm ra quy tắc hướng nhân bởi thắc mắc đơn giản: tại sao vũ trụ lại hoạt động theo các quy tắc như hiện nay? Hãy suy nghĩ về điều đó: vũ trụ dường như tuân theo một bộ quy tắc rất đặc biệt, và tuy vậy nó không phải những quy tắc này. Vậy tại sao lại là những quy tắc này chứ không phải các quy tắc khác? Hãy lấy một thí dụ đơn giản, nhiều lực khác nhau trong vũ trụ, tỉ như trọng lực, hoạt động trong nhiều phương cách có thể đo lường được. Tại sao trọng lực lại chỉ mạnh như thế này mà không mạnh hơn hay yếu hơn? Hoặc hãy nghĩ đến vũ trụ đã có khoảng mười lăm tỉ năm với kích thước tối thiểu mười lăm tỉ năm ánh sáng. Điều gì sẽ xảy ra nếu vụ trụ già hơn và lớn hơn, hay trẻ hơn và nhỏ hơn?
Các vật lý gia đặt các câu hỏi này, họ đi đến một kết luận đặc biệt. Để sự sống được tồn tại--để vũ trụ có các quan sát viên nhận biết nó--trọng lực phải chính xác như hiện thời. Đại Thanh (Big Bang) phải xảy ra đúng như nó đã xảy ra. Nếu các giá trị căn bản và những tương quan của thiên nhiên khác đi một chút thôi, vũ trụ này đã không hiện hữu và chúng ta cũng vậy. Dường như không thể tưởng được, vũ trụ được điều chỉnh một cách thật tỉ mỉ để loài người sinh sống. Chúng ta sống trong một vũ trụ thần tiên mà trong đó các điều kiện "vừa đúng" cho sự sống được phát sinh và nẩy nở. Như vật lý gia Paul Davies viết, "Tôi tin rằng, chúng ta được viết vào các quy luật của thiên nhiên trong một phương cách sâu xa và có ý nghĩa."
Quy tắc hướng nhân hiện giờ được chấp nhận rộng rãi trong các vật lý gia, và có một vài cuốn sách thật hay giải thích quy tắc ấy một cách chi tiết. Cuốn "The Anthropic Cosmological Principle" của John Barrow và Frank Tipler là cuốn mô tả chi tiết và thấu đáo. Trong lời giới thiệu cuốn sách ấy, vật lý gia John Wheeler viết rằng "nhân tố đem-lại-sự-sống nằm ở trung tâm của toàn thể bộ máy và hoạch định thế giới." Nếu bạn muốn sách ngắn hơn và dễ đọc hơn với cùng loại lý lẽ, hãy thử cuốn "Just Six Number" của Martin Rees. Rees lý luận rằng sáu số này làm nền tảng cho đặc tính vật lý chủ yếu của vũ trụ, và mỗi số là một giá trị chính xác cần có để sự sống tồn tại. Nếu bất cứ số nào trong sáu số này (tỉ như hằng số hấp lực, hay lực hạt nhân) khác đi "chỉ ở mức độ nhỏ xíu", Rees nói, "sẽ không có tinh tú, không có các nguyên tố phức tạp, không có sự sống." Tuy ông chối bỏ sự dính líu đến tôn giáo, Rees không ngần ngại gọi các giá trị dính liền với các con số này là "do ý trời."
Nhà thiên văn Lee Smolin tưởng tượng ra Thiên Chúa như một tổ sư kỹ thuật ngồi trước bảng kiểm soát với hàng loạt nút bấm và các vòng quay số trước mặt. Một vòng số xác định khối lượng của proton, một vòng khác là điện tích của âm điện tử, vòng thứ ba là hằng số hấp lực, và cứ như thế. Thỉnh thoảng Chúa lại xoay các vòng ấy. Smolin tự hỏi, xác suất của sự xoay vòng ấy là gì để có thể tạo nên vũ trụ với các tinh tú và hành tinh và sự sống? Ông trả lời, "Xác suất này thì nhỏ không thể tưởng được." Nhỏ như thế nào? Smolin ước lượng là một phần mười lũy thừa 229. Điểm Smolin muốn nói được củng cố bằng một thí dụ của vật lý gia Stephen Hawking: "Nếu ngay sau biến cố Đại Thanh, tỉ lệ bành trướng nhỏ hơn theo tỉ lệ một phần trong một trăm ngàn tỉ tỉ, vũ trụ này sẽ co sụp lại trước khi nó đạt được kích thước như hiện thời." Do đó, cơ may để chúng ta hiện hữu thì vô cùng nhỏ. Và tuy vậy, chúng ta có mặt ở đây. Ai chịu trách nhiệm cho sự kiện này?
Trong Thánh Vịnh 19:1 chúng ta đọc, "các tầng trời công bố vinh quang của Chúa và không trung cho thấy những kỳ công tay Người." Trong thư gửi tín hữu Rôma câu hai mươi, Phaolô viết "từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, bản chất vô hình của Người, có thể nói là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, đã được nhận thấy rõ ràng nơi các tạo vật được dựng nên." Quy tắc hướng nhân dường như khẳng định các đoạn Kinh Thánh nói trên. Quy tắc này không chỉ gợi ý về đấng tạo hóa dư đầy tài nguyên và hiểu biết không ai sánh được, nhưng còn ám chỉ một tạo hóa thường lưu tâm đến chúng ta. Đây là một tạo hóa có ngôi vị, không phải là nhân vật trừu tượng nào đó "gây ra chuyển động đầu tiên" và không lưu tâm gì đến các sinh vật đang cư ngụ trên hành tinh của chúng ta. Nhờ khoa học chúng ta có một bằng chứng hùng hồn rằng định mệnh của loài người dường như là một phần thực chất của hoạch định Thiên Chúa. Chúng ta không còn phải sợ hãi trước không gian mênh mông của vũ trụ. Trong một ý nghĩa, chúng hiện hữu là vì chúng ta. Trái với quy tắc tầm thường, chúng ta sống trong một vũ trụ đầy ý nghĩa và có mục đích. Quy tắc hướng nhân ám chỉ rằng loài người là một phần của kỳ công Thiên Chúa.
Các khoa học gia hàng đầu đã nhận thấy các gợi ý có thể áp dụng rộng rãi của quy tắc hướng nhân. Nhà thiên văn Fred Hoyle viết, "Một sự giải thích các dữ kiện này theo lương tri cho thấy một Người tài-trí-siêu-đẳng đã chạm đến các quy tắc vật lý." Vật lý gia Freeman Dyson nói, "Càng khảo sát vũ trụ và nghiên cứu các chi tiết cấu tạo của nó bao nhiêu, tôi càng tìm thấy chứng cớ rằng, trong một ý nghĩa nào đó, vũ trụ biết là có chúng ta xuất hiện." Nhà thiên văn Owen Gingerich viết rằng quy tắc hướng nhân "có nghĩa chấp nhận các quy luật của thiên nhiên được dựng nên không chỉ hậu thuẫn cho tính cách phức tạp hay chỉ thuận lợi cho sự sống, nhưng còn thuận lợi cho sự hiểu biết. Nói một cách mạnh mẽ, nó ám chỉ rằng sự hiểu biết được viết thành luật thiên nhiên trong một phương cách căn bản." Nhà thiên văn Robert Jastrow nhận xét rằng quy tắc hướng nhân "là một kết quả rất hữu thần xuất phát từ khoa học."
Như bạn ước đoán, quy tắc hướng nhân đã gây nên một cuộc tranh luận lớn và một phản ứng dữ dội. Trong cuộc tranh luận này có ba lập trường, mà để đơn giản hóa tôi gọi là "Chúng Ta May Mắn", "Nhiều Vũ Trụ", và "Vũ Trụ Được Hoạch Định". Hãy khảo sát chúng theo thứ tự. Phản ứng thứ nhất, "Chúng Ta May Mắn", cho rằng vũ trụ tân kỳ này là do sự tình cờ lạ thường. Vật lý gia Victor Stenger viết trong cuốn "Not By Design" , "Vũ trụ là một sự tình cờ."
Một sự tình cờ? Steven Weinberg và Richard Dawkins không thấy cảm kích với điều không chắc chắn này. Theo Steven Weinberg, "Bạn không phải nêu ra một thiết kế gia nhân từ để giải thích tại sao chúng ta lại ở trong một phần của vũ trụ là nơi có sự sống: trong tất cả mọi phần khác của vũ trụ không có người để nêu lên câu hỏi này." Richard Dawkins đồng ý. "Không phải tình cờ khi sự sống của chúng ta được tìm thấy trên một hành tinh mà nhiệt độ, lượng mưa, và đủ mọi thứ khác rất đúng như vậy. Nếu hành tinh này thích hợp cho một loại sự sống khác, chắc chắn nó đã phát sinh ở đây." Trong khoa học điều này được gọi là "hiệu quả lựa chọn". Vì một khi chúng ta ở đây, chúng ta biết rằng—bất kể tỉ lệ sống còn như thế nào—sự vận hành của vũ trụ phải thuận lợi cho chúng ta.
Với lý luận này có một vấn đề mà tôi muốn bi thảm hóa qua việc đưa ra một thí dụ của triết gia John Leslie. Hãy thử tưởng tượng một người bị kết án tử hình và đứng trước tiểu đội hành quyết gồm mười xạ thủ. Họ nổ súng. Bởi cách nào đó tất cả đều bắn trật. Sau đó họ bắn thêm và một lần nữa lại hụt. Họ lại bắn và lại hụt. Sau cùng, viên cai tù đến trước mặt tù nhân và nói, "Tôi không thể tin rằng tất cả đều bắn hụt. Hiển nhiên là có âm mưu gì đây." Nhưng tù nhân cười lớn và nhận xét, "Điều gì trên trần gian này khiến ông nghĩ là có âm mưu? Chẳng có gì quan trọng. Hiển nhiên các xạ thủ bắn hụt vì nếu họ bắn trúng thì tôi đâu còn đứng đây để thảo luận với ông." Một tù nhân như vậy thì ngay lập tức, và rất đúng, để thuyên chuyển sang nhà thương điên.
Thí dụ này cho thấy bạn không thể giải thích một sự không chắc chắn với tầm mức lớn lao này bằng cách đơn giản hướng về sự hiện diện của chúng ta trong hiện trường để suy nghĩ về điều ấy. Vẫn còn một sự không chắc chắn lớn lao cần được giải thích. Nên nhớ rằng quy tắc hướng nhân không nói rằng, với hàng triệu tinh tú trong vũ trụ, thật khác thường khi sự sống xuất hiện trên hành tinh của chúng ta. Thật ra, nó nói rằng toàn thể vũ trụ với mọi tinh vân và ngôi sao trong đó được hình thành theo một phương cách nào đó để vũ trụ có thể có sự sống. Thật khó để bất đồng với kết luận của triết gia Antony Flew. Ông là một người vô thần nổi tiếng từ lâu—là một trong những nhân vật thường được trích dẫn trong văn hóa vô thần—Flew sau cùng kết luận rằng sự hòa hợp tinh vi của vũ trụ tại mọi cấp bậc thì quá tuyệt hảo để cho là kết quả của sự tình cờ. Flew nói, để phù hợp với điều ông quyết tâm là "đi đến bất cứ đâu mà chứng cớ đưa đẩy," giờ đây ông tin vào Thiên Chúa.
Flew xác nhận rằng quy tắc hướng nhân đòi hỏi một sự giải thích tốt hơn là "Chúng Ta May Mắn". Nhà thiên văn Lee Smolin cũng vậy, ông viết "chắc chắn sự may mắn không có ở đây. Chúng ta cần một loại giải thích hữu lý nào đó về việc làm thế nào một điều không chắc chắn lại trở nên chắc chắn." Sự chênh lệch giữa tỉ lệ không hiện hữu và hiện hữu quá kinh khủng đến độ phải có một sự giải thích nào đó. Người ta cho rằng, thật sâu xa, Weinberg và Dawkins biết điều này.
Hậu quả là nhiều người vô thần chạy sang sự giải thích thứ hai của quy tắc hướng nhân: Nhiều Vũ Trụ. Thực sự, một vô tận vũ trụ. Mỗi một vũ trụ vận hành theo các quy tắc của nó. Hậu quả là một vũ trụ có thể có căn bình phương về trọng lực và vũ trụ khác có thể có căn bậc ba về trọng lực. Thật vậy, dưới các điều kiện thực sự vô tận, chúng ta có thể cho rằng bất cứ điều kiện vật lý nào, bất cứ sự sắp xếp nào của vật chất và năng lực thì cũng đều có thể thực hiện. Bất cứ gì có thể xảy ra thì sẽ xảy ra. Trong hoàn cảnh đáng chú ý này—nếu lý luận tiếp—sau cùng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho vũ trụ ưu tiên của chúng ta. Vì có một con số bất tận vũ trụ, rất có thể rằng một vũ trụ được hình thành theo một phương cách nào đó để cho phép có những quan sát viên như chúng ta.
Lý thuyết Nhiều Vũ Trụ có một vài kiểu giải thích. Một kiểu cho rằng chúng ta sống trong một vũ trụ dao động qua một chu kỳ bất tận, trong đó biến cố đại thanh được tiếp theo sau bằng đại vỡ nát. Nếu trạng thái bất biến của thiên nhiên thay đổi sau mỗi chu kỳ, ở một thời điểm nào đó một sự kết hợp đặc biệt sẽ xảy ra cách tình cờ, tỉ như các con số trúng trong máy chơi bài (slot machine). Kiểu giải thích thứ hai cho rằng biến cố Đại Thanh sinh ra nhiều vũ trụ, mỗi vũ trụ có quy luật riêng. Các vũ trụ này giống như trái bong bóng đang bành trướng một cách riêng biệt, không liên hệ với nhau. Mỗi vũ trụ có quy luật riêng. Kiểu giải thích thứ ba, đôi khi được gọi là thuyết thế giới song song, cho rằng tại mỗi một hành động bành trướng lượng tử, thế giới sẽ chia ra thành một chuỗi vũ trụ song song. Thật vậy, các vũ trụ đang sinh sôi nẩy nở khi bạn đọc câu này. Đừng hỏi ở đâu; các vũ trụ này tách biệt nhau và chúng ta chỉ có thể biết đến vũ trụ của mình. Một ý tưởng khác, do Smolin đề nghị, là vũ trụ của chúng ta phát sinh từ một lỗ đen (black hole) trong một vũ trụ có từ trước, và thật vậy ngay cả các lỗ đen trong vũ trụ chúng ta cũng đang phát sinh ra vũ trụ khác. Smolin áp dụng cả thuyết chọn lựa tự nhiên của Darwin cho vũ trụ, trong đó một số vũ trụ nào thích ứng thì tồn tại trong khi những vũ trụ khác thì không. (Không ngạc nhiên khi những người tôn thờ Darwin như Dawkins và Dennett vội vã ca ngợi lý thuyết này). Trong tất cả những kiểu giải thích này cả một chuỗi vô tận của những tình trạng khả dĩ đã được nêu ra để cho rằng vũ trụ chúng ta có thể phát sinh thuần túy bởi sự tình cờ.
Điều gì khiến người ta nói như vậy? Như với mọi tất cả lý thuyết khoa học, chúng ta khởi sự bằng việc đòi dẫn chứng. Vậy đâu là bằng cớ thực nghiệm cho các vũ trụ dao động và song song và sinh sôi nẩy nở? Thực sự, không có bằng cớ nào cả. Như Weinberg thú nhận, "Đây là những ý tưởng hoàn toàn suy đoán… mà không có thực nghiệm nào hỗ trợ." Smolin thì thật thà hơn. Ông gọi ý tưởng của ông "một ý nghĩ kỳ quặc… Rất có thể là tất cả những gì tôi làm ở đây là vá víu một chuỗi tư tưởng lầm lạc mà dường như chúng có liên hệ với nhau chút đỉnh… Các ý tưởng này rất có thể không thành công." Tôi cảm ơn sự thật thà này, và tôi nhớ đến cách cứu chữa của nhà toán học Ptolemy xưa khi gặp dữ kiện mơ hồ: "chỉ cần cho thêm các ngoại luân (epicycle)". Bây giờ chúng ta đang trong lãnh vực "chỉ cần cho thêm các vũ trụ."
Ở đây cũng có giá trị để vạch ra điều mà nhà thiên văn của Harvard là Owen Gingerich nhận xét dường như đầu tiên: ai tin có nhiều vũ trụ thì phải tin có thiên đàng và hỏa ngục. Chỉ nghĩ đến chúng như các vũ trụ khác, hoạt động bên ngoài thời gian và không gian theo các quy luật mà các quy luật ấy không có hiệu quả trong vũ trụ của chúng ta. Ngay cả người vô thần giờ đây phải có thể tưởng tượng ra một lĩnh vực mà trong đó không có sự dữ và đau khổ và cư dân không bao giờ già đi. Các quan niệm truyền thống này, từ lâu bị bác bỏ là phi lý, dựa trên các quy luật của thế giới chúng ta, bây giờ phải thực sự có thể tin được và có lẽ ngay cả bó buộc những ai cho rằng có một số bất tận vũ trụ trong đó mọi khả dĩ đều có thể xảy ra.
Có một quy tắc hợp lý, được khoa học chấp nhận rộng rãi, được gọi là quy tắc dao cạo Occam. Nó có nghĩa rằng khi có nhiều loại giải thích khác nhau, hãy đi theo sự giải thích không cần nhiều giả định. Nói cách khác, nếu bạn muốn đi từ điểm A đến điểm B, hãy tránh con đường ngoằn ngoèo. Áp dụng quy tắc dao cạo Occam, Carl Sagan khuyên rằng "khi đối diện với hai giả thuyết cùng giải thích một dữ kiện, hãy chọn cái đơn giản." Nhà sinh vật học E. O. Wilson viết rằng điều khó khăn của quy tắc này đối với nhiều người là "nó không thỏa đáp giấc mơ của giới New Age… nhưng nó làm thế giới rõ rệt hơn."
Hãy tưởng tượng nếu tôi tìm thấy một đồng kẽm và chơi trò sấp ngửa khi búng lên cao, và lần nào nó cũng đều ngửa mặt hình lên. Tôi thử búng mười ngàn lần và không bao giờ nó ngửa mặt chữ. Có hai điều có thể xảy ra. Thứ nhất và hiển nhiên là đồng kẽm này bị gian lận cách nào đó; ai đó đã "cố định" mặt hình trong mọi lần. Còn có điều khả dĩ thứ hai. Có thể có một số bất tận đồng kẽm lưu hành, và với số búng bất tận với thời gian bất tận, một chuỗi búng lên cao buộc phải đi đến kết quả này. Vậy, một người hợp lý phải chọn sự giải thích nào? Quy tắc dao cạo Occam nói rằng hãy chọn sự giải thích đầu tiên.
Đó là một sự trái ngược trầm trọng với mọi lý thuyết về thuyết vô số vũ trụ mà chúng vi phạm quy tắc dao cạo của Occam. Họ sáng chế ra một loạt hoàn cảnh phức tạp quái dị để giải thích cho một trường hợp độc nhất trong khi đã có một giải thích đơn giản hơn, hiển nhiên hơn. Phải, tôi muốn ám chỉ đến sự giải thích thứ ba đối với quy tắc hướng nhân. Nó nói, thật đơn giản, là vũ trụ chúng ta được thiết kế cho sự sống bởi vì ai đó đã hoạch định như vậy. Phương cách Vũ Trụ Được Hoạch Định có lợi điểm này: bạn không phải bịa ra ý tưởng hàng trăm tỉ vũ trụ mà bạn không biết một chút gì để giải thích cho vũ trụ duy nhất mà bạn có thể cảm nghiệm. Tuy nhiên, cách giải thích thứ ba này dường như là sự ghê tởm đối với một số người, và ở đây chúng ta thấy các người vô thần hiện đại rất tin tưởng vào "ước mơ New Age."
Vật lý gia Stephen Hawking rơi ngay vào cái bẫy của New Age. Như chúng ta thấy trong chương trước đây, Hawking nhận biết rằng chứng cớ của biến cố Đại Thanh và quy tắc hướng nhân chỉ về một tạo hóa. Tuy nhiên, dường như ông thích có một cách giải thích khác. Mới đây ông đưa ra một đề nghị không kém kỳ dị như thuyết vô tận của vũ trụ. Giải pháp của Hawking bắt bầu với ý niệm toán học "thời gian tưởng tượng." Yếu tố đặc biệt của thời gian tưởng tượng là nó không đòi hỏi quá khứ, hiện tại, và tương lai. Thời gian được coi như một chiều kích của không gian. Trong cuốn sách của ông, A Brief History of Time, Hawking dùng thời gian tưởng tượng, cùng với dao động lượng tử mà trong đó có thể nói bất cứ gì cũng có thể xảy ra, để thừa nhận vô số vũ trụ, tất cả không có giới hạn không gian hay thời gian. Ông mường tượng ra các vũ trụ hiện hữu như các vũ trụ thơ ấu sinh ra từ các lỗ sâu trong các vũ trụ khác. Lý do mà không điều nào có thể quan sát được, như bây giờ bạn phỏng đoán, là vì tất cả xảy ra trong thời gian tưởng tượng. Hawking đắc thắng nhận xét rằng vì ông đã bỏ qua được chiều kích thời gian của vũ trụ thì ông cũng bỏ qua được ý niệm một khởi đầu, và vì không có khởi đầu, nên không cần đến tạo hóa.
Một lần nữa, chứng cớ cho lý thuyết này đâu? Hawking thú nhận là không có, và ông không hy vọng sẽ tìm thấy bất cứ chứng cớ nào. Thời gian tưởng tượng được nêu ra để quy định các vũ trụ tưởng tượng. Một cách tự nhiên, với quá nhiều tưởng tượng xảy ra, không cần phải đi xa và tưởng tượng ra đấng tạo hóa. Do đó, thay vì coi các lý thuyết này có tính cách khoa học, dường như thích hợp để gán cho chúng loại học thuyết tôn giáo. Hawking, Weinberg, Dawkins, và những người khác là thành viên của tổ chức " Church of Infinite Worlds " (Giáo Phái của các Thế Giới Vô Tận), trong đó các thế giới mới với các quy luật mới phải được sáng chế ra để tránh một sự thú nhận phiền phức. Với thành viên của giáo phái này, các giáo điều của các vũ trụ vô tận, vũ trụ thơ ấu, và tất cả những gì còn lại dường như phần lớn được thúc đẩy bởi ước muốn trốn tránh đấng tạo hóa siêu nhiên. Như vật lý gia Stephen Barr có nói, "Dường như để bãi bỏ một Thiên Chúa không thể nhận xét được, cần phải có vô số những thay thế không thể quan sát được."
Là một trong những cư dân lâu đời, tôi muốn đưa chúng ta trở về trái đất và kết luận với điểm sau cùng. Dù chúng ta tin ở thời gian tưởng tượng và vô số vũ trụ hay không, những điều đó chỉ là ý niệm. Ngay cả khi chúng định rõ vũ trụ của chúng ta, chúng không thể giải thích tại sao ngay từ đầu đã có một vũ trụ. Như chính Hawking đã từng hỏi, ai đốt lửa vào những công thức? Ai làm ra chúng, như hiện giờ, "đi vào sự sống"? Hơn thế nữa, quan điểm của người vô thần không thể giải thích tình trạng vô cùng đúng luật của thiên nhiên. Paul Davies viết, "Nếu lấy đi các quy luật của Thiên Chúa, sự hiện hữu của chúng trở nên một vô cùng bí ẩn. Chúng từ đâu đến? Ai gửi đi các ý nghĩa ấy? Ai đặt ra các quy tắc?"
Thật vậy câu hỏi này có thể được đưa ra trong một kiểu cách sâu xa hơn. Làm thế nào các vật thể vô sinh như điện tử lại tuân theo các quy luật? Loài người chúng ta cảm nghiệm rằng chỉ các tác nhân hợp lý và có ý thức mới tuân theo các hướng dẫn. Nó vẫn là một bí ẩn sâu xa làm sao các sự vật lại có thể thi hành bất cứ gì, đừng nói đến việc tuân theo các quy tắc toán học. Và biết bao quy tắc! Trong lịch sử khoa học, các khoa học gia tìm thấy những dị thường trong các quy luật đã được biết rõ, và chúng thường được dùng để giải thích cho các quy luật sâu xa hơn và mỹ miều hơn mà dường như làm nền tảng cho sự hoạt động của thiên nhiên.
"Vậy các quy tắc vật lý từ đâu đến?" Victor Stenger hỏi. "Chúng không đến từ đâu cả." Tôi cho rằng đây là một câu trả lời, nhưng là loại trả lời gì? Tuy nhiên, ngay cả các khoa học gia không phải là tín hữu cũng bàng hoàng với điều mà nhà sinh vật học Ursula Goodenough gọi là "vực thẳm thiêng liêng của tự nhiên," và thái độ của họ đối với điều đó gần như huyền bí. Tôi tin là ở đây, nhiều tín hữu cũng như người không tín ngưỡng tìm thấy một điểm chung, trong sự tôn kính chung về sự vĩ đại của công trình tạo dựng. Tuy nhiên khi suy nghĩ về thứ tự phức tạp của thiên nhiên người ta phải tự hỏi làm sao có thứ tự này. Tại sao thực thể lại được cấu tạo theo phương cách này? Trật tự thật đúng luật của thiên nhiên đòi phải có một sự giải thích chứ? Nếu vậy, sự giải thích tốt nhất về lý do tại sao vũ trụ lại quá thứ tự và có thể nhận thức được và thuận lợi cho sự sống, đó là một bản thể thông suốt đã dựng nên nó theo phương cách ấy.

CHƯƠNG 13

PALEY NÓI ĐÚNG: SỰ TIẾN HÓA VÀ LÝ LUẬN
PHÁT SINH TỪ HOẠCH ĐỊNH

"Giao ước cũ là các mảnh vụn. Sau cùng con người biết rằng nó cô độc trong sự bao la tàn nhẫn của vũ trụ, mà từ đó nó xuất hiện bởi tình cờ"
Jacques Monod, Chance and Necessity

T
rong cuốn Natural Theology (Thần Học Tự Nhiên) được phát hành năm 1802, tác giả là thần học gia Anh Giáo, William Paley, đã đưa ra điều được coi là một lý luận không thể bác bẻ trên một thế kỷ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Paley viết, "Khi đi ngang cây thạch nam, giả sử chân tôi va phải một hòn đá, và nếu được hỏi làm thế nào hòn đá lại ở chỗ ấy, tôi có thể trả lời là nó đã ở đó tự bao giờ." Nhưng Paley viết tiếp, giả sử "tôi tìm thấy chiếc đồng hồ trên mặt đất. Thật khó mà nghĩ đến câu trả lời như ở trên." Điểm Paley muốn nói là bạn không cần phải là một thợ đồng hồ để thấy rằng chiếc đồng hồ đã được thiết kế như vậy. Có thể bạn không biết ai đã làm nên nó, nhưng bạn biết ai đó đã làm ra đồng hồ ấy. Paley tiếp tục cho thấy trái đất và sự sống thành hình như thế nào, kể cả con người, với các chi tiết vô cùng phức tạp, chứng tỏ trong sự hình thành của chúng có dấu ấn của sự thiết kế không thể chối cãi. Ông kết luận sự thiết kế như vậy chứng tỏ sự hiện diện của một thiết kế gia mà có thể được coi là "thợ đồng hồ" thần thánh của sự tạo dựng.
Khoảng hai thập niên trước, nhà sinh vật học Richard Dawkins phát hành cuốn sách của ông, The Blind Watchmaker (Thợ Đồng Hồ Mù), trong đó ông khẳng định rằng Paley "sai lầm một cách vẻ vang và dứt khoát." Dawkins lý luận rằng Charles Darwin đã khám phá ra một phương cách để thiên nhiên tạo ra dáng vẻ của sự thiết kế--phải, ngay cả những thiết kế chi li và phức tạp—mà không cần đến sự can thiệp của đấng tạo hóa. Dawkins tuyên bố rằng "tiến trình bất định, vô tình, tự động" của sự lựa chọn tự nhiên "giải thích cho sự hiện diện và hình thức có chủ đích hiển nhiên của mọi sự sống… Đó là thợ đồng hồ mù."
Lý luận của Dawkins—được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà sinh vật học—từng được ca ngợi như một bác bỏ quyết liệt đối với lý luận từ sự thiết kế, một trong những lý luận cổ xưa nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhiều nhà sinh vật học hàng đầu hiện nay hiểu và dậy về sự tiến hóa theo đúng các giới hạn này. Họ coi sự tiến hóa như xói mòn lý luận về Thiên Chúa và làm mất uy tín ý tưởng của Kitô Giáo là con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Các quan điểm này, giờ đây là một phần của văn hóa chúng ta. Trong cuốn Revolution in Science (Cách Mạng trong Khoa Học), một cuốn nói về ảnh hưởng của khoa học trong lịch sử, Bernard Cohen nhận xét rằng "cuộc cách mạng của Darwin nghe như hồi chuông báo tử của bất cứ lý luận nào về sự thiết kế trong vũ trụ hay trong thiên nhiên." Trong một bài báo mới đây đăng trong tờ Harper's, David Quammen cho rằng nhờ Darwin mà có được một "ý tưởng thật đáng sợ trái với… toàn bộ tin tưởng đạo đức về nhân loại được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa." Và Michael Shermer, nhà phát hành báo Skeptic, tiêu biểu cho nhiều người trước đây là Kitô Hữu nhưng mất đức tin khi chấp nhận quan điểm tiến hóa của Darwin .
Công chúng Hoa Kỳ còn lờ mờ về tiến hóa. Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng Hai 2001 cho thấy 45 phần trăm những người được hỏi đồng ý rằng "Thiên Chúa dựng nên con người rất giống như hình dáng hiện nay tại một thời điểm nào đó". Các cuộc thăm dò tương tự trên hai thập niên qua cho thấy không có sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của quần chúng. Các con số này làm nhiều khoa học gia bàng hoàng và đau khổ. Nó sẽ là một vấn đề nếu một vài người thô lỗ, được H. L. Mencken gọi là "người quê mùa ngu dốt từ trạng thái con bò," bướng bỉnh chống với sự tiến hóa. Một số những người này chưa chịu chấp nhận là trái đất hình tròn. Nhưng hầu như đến nửa dân số Hoa Kỳ! Nhiều khoa học gia và các người khác bầy tỏ sự thất bại của họ rằng quá nhiều "người theo thuyết sáng tạo" từ chối không chấp nhận những khám phá của khoa học hiện đại.
Người theo thuyết sáng tạo có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Hầu hết họ hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, họ tin một cách không dè dặt rằng Thiên Chúa dựng nên trái đất và muôn vật trong sáu ngày. Một niềm tin rất rõ rệt của người theo thuyết sáng tạo là trái đất chỉ lâu có sáu ngàn năm—điều này không luôn luôn được đồng ý bởi những người thuộc nhóm thứ nhất. Con số này được tính toán từ phả hệ trong Kinh Thánh. Nhiều người theo thuyết sáng tạo chống đối sự tiến hóa với một cường độ dữ dội, bởi vì họ sợ rằng nếu một phần của Kinh Thánh bị minh chứng là sai thì không còn gì có thể tin được. Tôi tôn trọng sự tận tụy và hăng say về nhân cách của những người theo thuyết sáng tạo, tuy tôi không đồng ý với cách họ đọc Kinh Thánh hay cách nhìn các chứng cớ khoa học. Hơn thế nữa, sự lo ngại rộng lớn về thuyết Darwin trong nền văn hóa thì không chỉ là một sản phẩm của thuyết sáng tạo.
Người ta nói rằng bà vợ của một nhà quý tộc Luân Đôn, khi được cho biết là Darwin nói rằng loài người xuất phát từ tạo vật giống như đười ươi, bà đã thốt lên, "Anh ơi, hãy hy vọng là điều đó không đúng sự thật, nhưng nếu thật như vậy, hãy cầu xin để nhiều người không biết điều đó." Bà này đã đưa ra một thắc mắc thú vị: khi dậy cho con người biết rằng họ không hơn gì một con vật thì điều đó có ý nghĩa gì đối con người? Có thể ông chồng bắt đầu hành động như một con vật! Hãy nghĩ đến một ý tưởng không an tâm sau đây. Nếu người hàng xóm dùng vũ lực lẻn vào nhà bạn, giết hay đánh đập bạn, sau đó kéo con gái bạn về nhà họ để hãm hiếp, thì hầu hết mọi người đều coi đó là sự vi phạm trắng trợn. Nhưng trong thế giới loài vật, loại đối xử đó thì thông thường, tự nhiên và được mong đợi.
Chúng ta biết rằng trên một nửa thế kỷ, những người theo thuyết Darwin dùng các ý tưởng về sự "chọn lựa tự nhiên" và "sự sống còn của những gì thích hợp nhất" để biện minh cho các chính sách kỳ thị và dã man tỉ như ưu sinh (eugenic), luật bài trừ người di dân, và buộc phải vô hiệu hóa khả năng sinh sản. William Jennings Bryan—một nhà tôn giáo bảo thủ và cũng là chính trị gia cấp tiến—đã bênh vực cho lý tưởng thuyết sáng tạo trong vụ án Scopes phần lớn là vì ông ghê tởm chính sách này. Các người bênh vực thuyết tiến hóa ngày nay thường mau mắn lên tiếng là nhóm Darwin bóp méo sống sượng thuyết Darwin . Như một trong các giáo sư đồng môn của tôi đã nói, "Họ dùng khoa học cho mục đích ý thức hệ. Đó không phải là điều xảy ra ngày nay."
Nhưng đúng là vậy. Theo nhà sinh vật học Francisco Ayala, Darwin "đã hoàn thành cuộc Cách Mạng của Copernicus… Darwin khám phá rằng các sinh vật có thể được giải thích như một kết quả của tiến trình tự nhiên—sự chọn lựa tự nhiên—mà không cầu viện đến Tạo Hóa." Nhà sinh vật học E. O. Wilson viết, "Nếu nhân loại tiến hóa theo sự chọn lựa tự nhiên của Darwin , sự may rủi về di truyền và điều tất yếu của môi sinh, thì không phải Thiên Chúa dựng nên muôn loài." Nhà sinh vật học Stephen Jay Gould nêu lên sự tiến hóa để cho thấy rằng "không có thần khí âu yếm can thiệp nhìn đến công việc của thiên nhiên… bất cứ gì chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, sự hiện diện của người không được thể hiện trong các sản phẩm của thiên nhiên."  Douglas Futuyma khẳng định trong cuốn sách của ông Evolutionary Biology, "Khi sự thay đổi gián tiếp, không có mục đích được liên kết với một tiến trình bất định, bất cần của sự lựa chọn tự nhiên, Darwin đã làm cho những giải thích có tính cách thần học hay tinh thần về tiến trình sự sống trở nên vô dụng." Nhà sinh vật học William Provine rêu rao rằng "sự tiến hóa là phương tiện vĩ đại nhất của chủ thuyết vô thần."
Như thế trong thuyết Darwin có động lực bài trừ tôn giáo, và đây là lý do chính mà nhiều người Hoa Kỳ không muốn chấp nhận. Họ coi thuyết Darwin như thuyết vô thần giả dạng khoa học. Họ còn nghi ngờ rằng thuyết Darwin đang được sử dụng để làm suy yếu tôn giáo và luân lý truyền thống. Nhiều phụ huynh lo rằng con cái họ khi lên đại học là những tín hữu Kitô tử tế nhưng khi tốt nghiệp chúng là những người không có đức tin và theo chủ thuyết luân lý tương đối. Như chúng ta thấy trong các đoạn trích ở trên, những lo lắng về thuyết Darwin hiện nay thì không phải không đúng. Trong một phương cách, thuyết tiến hóa được đề cao và giảng dậy ngày nay dường như để cổ vũ một chương trình xã hội mà nó bài trừ tôn giáo và phi luân lý.
Nhưng sự tiến hóa có trái ngược với những điều giảng dậy trong Kinh Thánh không? Chúng ta hãy thận trọng nhìn lại những gì được viết trong Sáng Thế Ký. Trong chương 2 câu 7, "Đức Chúa tạo nên người đàn ông từ bụi đất và thổi hơi sự sống vào mũi hắn." Ngay ở đây chúng ta thấy một điều quan trọng: Kinh Thánh nói rằng vũ trụ được tạo nên từ hư không nhưng không nói con người được tạo nên từ hư không. Đúng hơn, Kinh Thánh nói con người được dựng nên từ chất liệu có sẵn trong thiên nhiên. "Ngươi là đất và sẽ trở về bụi đất." Như thế Kinh Thánh thật phù hợp với ý tưởng rằng con người được tạo thành bởi các nguyên tử và phân tử và chia sẻ cùng chất DNA được tìm thấy trong sâu bọ, cá mập, và khỉ.
Tuy nhiên, sự thật thì câu chuyện tạo dựng trong Sáng Thế Ký không giúp chúng ta khám phá thấy rằng khoảng 98 phần trăm chất DNA của con người thì chung với loài khỉ. Trong cuốn Descent of Man (Nguồn Gốc Con Người), Darwin viết "con người… vẫn mang trong thân xác dấu ấn không thể tẩy xóa của nguồn gốc thấp kém của nó." Sự chống đối của chúng ta không phải về phương diện tôn giáo; nhưng chính vì chúng ta cảm thấy sự cách biệt hiển nhiên giữa chúng ta và loài khỉ. Dĩ nhiên Darwin không nói rằng loài người là miêu duệ của loài khỉ, nhưng chỉ nói rằng loài khỉ và loài người có cùng một tổ tiên. Bất kể lý thuyết này có giá trị gì, không có lý do gì để tẩy chay nó trên căn bản Kinh Thánh. Tín hữu Kitô, kể từ thời trung cổ đã đồng ý với Aristotle rằng con người là con vật—một "con vật có lý trí", nhưng vẫn là một con vật.
Theo Kinh Thánh, điều làm cho con người khác biệt là vì Thiên Chúa thổi linh hồn bất tử vào nó. Như vậy, không có trở ngại thần học khi coi thân xác con người xuất phát từ tạo vật khác. Kinh Thánh nhấn mạnh đến quyết định của Thiên Chúa. "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta." Kitô hữu luôn luôn hiểu Thiên Chúa là thần khí hơn là một thực thể vật chất. Hậu quả là nếu con người được dựng nên "giống như" Thiên Chúa, sự tương tự đó hiển nhiên không về phần thể chất. Trong cuốn The Third Chimpanzee, Jared Diamond đề cập đến con người như "cao hơn con khỉ được tôn vinh," ông đã vô tình nói lên điểm của Kitô Giáo. Có lẽ chúng ta có cùng tổ tiên với loài vật, nhưng chúng ta là loài vật được tôn vinh.
Nhưng có phải sự chống đối thuyết tiến hóa của Darwin chính yếu là từ người có tôn giáo, nhất là Kitô Hữu? Thực sự thì không. Người Ấn Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo không bao giờ có trở ngại với sự tiến hóa vì họ luôn hiểu câu chuyện tạo dựng như các dụ ngôn. Sử gia Gertrude Himmelfarb viết, khi Darwin công bố cuốn Origin of Species (Nguồn Gốc Các Loài), một nhóm tẩy chay thuyết tiến hóa vì cho rằng nó làm suy yếu Kitô Giáo, và một nhóm khác lại nắm lấy cũng chính vì lý do ấy. Người bảo vệ hàng đầu thuyết Darwin, Thomas Henry Huxley là tay gan lì trí thức, thuộc về nhóm thứ hai. Là một người từ lâu ghét bỏ giáo hội Công Giáo, ông thú nhận rằng lý thuyết mới này hấp dẫn vì ông thấy nó sẽ làm hao mòn học thuyết của giáo hội. "Một trong những giá trị lớn lao nhất của nó trong mắt tôi là nó chiếm một vị thế đối lập triệt để và không thể hòa hợp đối với… giáo hội Công Giáo."
Nhưng những "không thể hòa hợp" này, như Himmelfard đã gọi, thì không đáng kể đối với sự chống đối của các nhóm khác: các khoa học gia nêu lên những chối đối ngoài tôn giáo đối với thuyết Darwin và người có tôn giáo không thấy có sự xung khắc giữa sự tiến hóa và Kitô Giáo. Thật ra có những chống đối về trí thức đối với sự lựa chọn tự nhiên được nêu lên bởi nhà tự nhiên học Anh là Richard Owen và nhà động vật học của Harvard là Louis Agassiz. Ernst Mayr, một người bênh vực thuyết tiến hóa từ lâu, viết rằng khi Darwin công bố Origin of Species "thực sự ông không có một mẩu chứng cớ rõ ràng cho sự thật của sự lựa chọn tự nhiên." Một người hâm mộ Darwin khác, Jonathan Weiner, nhìn nhận rằng bất kể tựa đề của sách, cuốn của Darwin "không trưng dẫn tài liệu về nguồn gốc của một loại nào cả."
Sau đó có vấn đề về tuổi của trái đất. Vật lý gia nổi tiếng là Lord Kevin công bố những tính toán về nhiệt động lực cho thấy trái đất thì quá "trẻ" để có thời gian tiến hóa xảy ra phù hợp với quy tắc của Darwin. Hóa ra Kevin sai lầm vì các vật lý gia thời bấy giờ chưa khám phá ra năng lực phóng xạ và quy trình hạch nhân để tạo ra năng lượng và sức nóng, kéo dài tiến trình nguội dần của trái đất. Ngày nay chúng ta biết tuổi của trái đất vào khoảng 4.5 tỉ năm, đủ thời giờ cho sự lựa chọn tự nhiên để tạo ra các biến đổi của nó. Nhưng Darwin và các khoa học gia cùng thời đã không biết điều đó. Các vật lý gia giỏi nhất thời ấy dường như không hợp với thuyết Darwin .
Ngay cả như vậy, nhiều Kitô Hữu đứng về phía Darwin . Tờ Dublin Review, một tờ báo Công Giáo có nhiều ảnh hưởng, ca ngợi cuốn sách của Darwin trong khi đưa ra một vài chống đối nhỏ. Người hỗ trợ Darwin hàng đầu ở Hoa Kỳ là nhà sinh vật học của Harvard là Asa Gray, nhìn thấy sự tiến hóa không phải là từ chối sự tạo dựng của Thiên Chúa nhưng là một tài liệu minh chứng về cách thực hiện của Người. Chính Darwin viết rằng sự giải thích của Gray "làm tôi hài lòng nhất, và tôi không nghĩ có ai nhìn thấy điểm ấy." Nhưng không bao lâu họ đã thấy, và trong nhiều năm, một số người bảo vệ Darwin nổi tiếng nhất, tỉ như Theodosius Dobzhansky và R. A. Fisher, là Kitô Hữu. Trong khi một số nhỏ Kitô Hữu cho rằng sự tiến hóa là một lạc giáo, hầu hết các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tìm cách hòa hợp thuyết Darwin với câu chuyện tạo dựng trong Kinh Thánh. Chính Darwin là một người theo thuyết bất khả tri, nhưng khi từ trần, ông được chôn trong Tu Viện Westminster với sự đồng ý của Giáo Hội Anh Giáo. Một vài năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa giáo hội Công Giáo gần hơn với thuyết tiến hóa khi tuyên bố rằng nó "không chỉ là một giả thuyết." Nhà biện giáo C. S. Lewis không có trở ngại với thuyết này. Và một vài nhà tiến hóa nổi tiếng thời nay, tỉ như nhà sinh vật học Kenneth Miller và nhà di truyền học Francis Collins, là những tín hữu Kitô tốt lành.
Vậy, chúng ta đưa ra kết luận gì về cuộc chiến sôi nổi giữa người theo Darwin và người chống Darwin , trong tòa án cũng như trong truyền thông? Hiện thời có một phái tư tưởng được gọi là "intelligent design" (hoạch định có ý thức [thức định]). Các khuôn mặt dẫn đầu là William Dembski, Jonathan Wells, Michael Behe, và Philip Johnson. Được huấn luyện trong các ngành toán học, sinh hóa, và luật, những người này thì hoàn toàn khác với "người theo thuyết tạo dựng." Và họ nêu ra các câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để giải thích sự phức tạp của con mắt? Tại sao lại có một "bùng nổ" ra những hình thể mới của sự sống, hoàn toàn không thấy trước trong dữ kiện hóa thạch, trong thời kỳ Cambria ? Bất kể một quá trình kinh nghiệm lâu dài, những người cấy giống không thể cấy ghép với loài khác để tạo nên một loài mới, như vậy làm thế nào sự biến đổi tình cờ lại đạt được điều mà sự cẩn thận cấy ghép với loài khác lại thường thất bại? Trong khi hồ sơ hóa thạch cho thấy chứng cớ của sự tiến hóa tiểu ly (microevolution) (một loại chim này biến hóa thành loại chim khác), còn chứng cớ của sự tiến hóa vĩ mô đâu (macroevolution)?
Các nhà phê bình đưa ra một số yếu điểm của thuyết tiến hóa. Dữ kiện hóa thạch thì chưa đủ, như chính Darwin nhìn nhận. Các nhà sinh vật học thay phiên nhau tranh luận về điều gì đã gây nên sự "bùng nổ" Cambrian, và có nhiều lý thuyết trái ngược nhau và vẫn còn nhiều điều cần phải khám phá. Ngược lại, các nhà sinh vật học cho biết là sự phức tạp của con mắt có thể tiến hóa và đã từng tiến hóa từ các hình thể đơn thuần hơn của tế bào nhậy sáng (light sensitive cell)—thực sự chỉ trong vài trường hợp độc lập. Một khi thấy được trong một loài có rất nhiều thay đổi, thật không khó để thấy rằng sự tiến hóa có thể gây nên sự thay đổi từ loài này sang loài khác. Đó có phải là sự phóng đại để tin rằng con sư tử và con cọp được tiến hóa từ một tổ chung, dù không cách chi thấy được tiến trình này xảy ra? Tôi không phải là nhà sinh vật học, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là hầu hết các nhà sinh vật học trên thế giới đều chấp nhận thuyết tiến hóa. Trong khi cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn, dường như điều mà nhóm thức định cổ võ thì không chắc đúng và toàn thể nhà sinh vật học thì sai. Hãy để ý đến hai nhà sinh vật học Kitô Giáo hàng đầu nói về sự tiến hóa. Kenneth Miller viết, "Tiến hóa là một dữ kiện như bất cứ gì chúng ta biết trong khoa học." và Theodosius Dobzhansky tuyên bố thật hay, "Không có gì trong ngành sinh vật học có ý nghĩa ngoại trừ trong ánh sáng tiến hóa."
Sức mạnh lớn lao của sự tiến hóa như một lý thuyết khoa học là nó có ý nghĩa về hai dữ kiện to lớn về đời sống. Một đằng, mọi sinh vật từ cây cối cho đến thú vật, con người, tất cả đều được hình thành từ cùng một nguồn vật chất. Ngoài điều này, hiển nhiên là có nhiều nhóm sinh vật cho thấy cùng các đặc tính. Như vậy có sự hợp nhất đối với sự sống. Đồng thời, các tạo vật cho thấy sự đa dạng không thể tin được. Thật vậy có hàng triệu loài với các đặc tính vô cùng thay đổi. Sự tiến hóa là lý do cho sự tương đồng và cả sự khác biệt. Nó giải thích cho các đặc tính chung bằng cách thừa nhận rằng các tạo vật có cùng một tổ tiên. Nó giải thích sự khác biệt bằng cách cho rằng các tạo vật tiến hóa sang một hướng mới sau một thời gian lâu dài dưới áp lực của sự sinh tồn.
Một trong những chứng cớ mạnh mẽ nhất của sự tiến hóa là dữ kiện địa chất, vì tất cả cho thấy một hướng bất biến. Những tảng đá xưa nhất chỉ có các tạo vật đơn bào (single-celled). Địa tầng sau này cho thấy sự hiện diện của các loài không xương sống. Sau đó, đầu tiên chúng ta thấy cá, rồi loài lưỡng cư (trên cạn và dưới nước), rồi loài bò sát, và sau cùng các động vật có vú. Loài người xuất hiện sau cùng. Nếu lý thuyết Darwin chính xác, người ta sẽ tìm thấy các dữ kiện hóa thạch đúng ở những chỗ và đúng vào thời điểm mà người ta mong đợi. Không một dữ kiện hóa thạch nào được tìm thấy ở một nơi mà nó được mong đợi ở đó. Nếu chúng ta tìm thấy dữ kiện hóa thạch của một loài bò sát trong một cục đá thật xưa đến độ cá chưa xuất hiện, hoặc nếu chúng ta tìm thấy xương người ở vào thời điểm mà khủng long đang sống, thì thuyết Darwin sẽ bị chứng tỏ là sai và các nhà sinh vật học phải nghĩ ra một lý thuyết mới.
Cho đến khi điều này xảy ra—và tôi không nghĩ là sẽ xảy ra—sự tiến hóa vẫn là nguyên do hay nhất và có sức thuyết phục nhất về nguồn gốc chúng ta. Không thể chối bỏ sức mạnh giải thích của lý thuyết. Sự tiến hóa qua sự lựa chọn tự nhiên giúp chúng ta giải thích tại sao thuốc trừ sâu bọ và thuốc kháng sinh thường dẫn đến việc sâu bọ và vi khuẩn phát triển thành giống mới chống lại nỗ lực của con người muốn tiêu diệt chúng. Nói cách khác, chúng tiến hóa. Nếu không có sự tiến hóa, thật không dễ để hiểu các đặc tính của sinh vật mà dường như được thiết kế nghèo nàn hoặc không có mục đích gì rõ rệt. Chúng ta thấy con rắn với đôi chân nhỏ xíu được giấu dưới lớp da, và những con bọ có cánh mà không biết bay. Loài người chúng ta có ruột thừa không cần thiết. Làm thế nào để giải thích các cơ phận còn sót này? Sự tiến hóa nói rằng chính là vì rắn, con bọ không bay, và loài người, tất cả được bắt nguồn từ các tạo vật mà chúng cần các cơ phận này để sinh tồn.
Tuy vậy, sự tiến hóa vẫn là một lý thuyết với những giới hạn hiển nhiên. Khi Dawkins đặt tiêu đề cho cuốn sách của ông, "How the Evidence of Evolution Reveals a Universe Without Design" (Làm thế nào chứng cớ của sự tiến hóa cho thấy một vũ trụ không có sự hoạch định), ông không để ý đến những giới hạn này. Khi Dennett nêu lên sự tiến hóa như một giải thích đa năng trong ngành vũ trụ, tâm lý, văn hóa, đạo đức, chính trị, và tôn giáo, ông cũng đi quá xa ra ngoài chứng cớ. Ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa các khía cạnh có tính cách kinh nghiệm và lý thuyết của sự tiến hóa. Dawkins và Dennett là các người theo Darwin có tính cách lý thuyết. Nhà sinh vật học Stephen Jay Gould có lần đặt tên cho họ là "Darwinian fundamentalists" (người theo giáo điều Darwin ). Ông đã chê trách họ, tôi cũng vậy, vì dùng một lý thuyết rất mạnh mẽ nhưng rất hạn chế để giải thích cho hiện tượng hoàn toàn nằm bên ngoài lãnh vực sinh vật học. Hãy để ý đến ba đặc tính lớn lao của sự sống mà sự tiến hóa không thể giải thích được.
Sự tiến hóa không thể giải thích được khởi đầu của sự sống. Darwin đã không dám thử giải thích. Ông thừa nhận lúc đầu đã có sự sống, và sau đó ông tìm cách chứng minh làm thế nào một sinh vật có thể biến đổi sang sinh vật khác. Năm 1953 có một sự phấn khởi đáng kể khi Stanley Miller đã tạo ra axít amin bằng cách cho luồng điện chạy qua một hợp chất gồm nước, hydrô, mêtan, và ammônia. Sự phấn khởi này tắt ngúm khi sau đó người ta thấy rằng khí quyển của trái đất lúc nguyên thủy hầu hết được tạo thành bởi khí carbon và ammônia. Như thế, kinh nghiệm của Miller không thích hợp để giải thích việc sự sống phát sinh từ sự vô sinh qua một chuỗi tác động tình cờ của hóa chất. Hơn thế nữa, sự sống bao gồm nhiều điều hơn là chỉ có sự phát sinh axít amin. Trở ngại chính là làm thế nào để các hóa chất đơn thuần như axít amin tạo ra được các chất đạm và các yếu tố căn bản khác của sự sống. Nguồn gốc sự sống, như nhà sinh vật học Franklin Harold thú nhận, là một trong "những bí ẩn chưa được giải quyết trong khoa học."
Tế bào đơn giản nhất là một trong những cơ cấu phức tạp nhất trên trái đất, trong đó nó chứa đựng nhiều dữ kiện hơn cả những bộ bách khoa tự điển. Richard Dawkins viết, "mã di truyền (genetic code) thì thực sự có số bộ, rất giống như mã số máy điện toán." Như Dawkins cho thấy, mỗi một phân tử DNA là một tính toán trong mã sinh hóa (biochemical code) với khả năng bên trong để chuyển biến và tái tạo. Harold nhận xét rằng ngay cả một tế bào vi khuẩn "cho thấy các mức độ của sự cân đối và phức tạp thật đầy dẫy ở mức độ lớn lao" so với bất cứ gì tìm thấy trong thế giới vô sinh. Ngoài ra, "Một tế bào chứa đựng một nhất thể trọn vẹn, một đơn vị của sự sống, trong một ý nghĩa sâu đậm hơn: giống như các chân và lá của các sinh vật cao hơn, các phân tử của nó góp phần cho các chức năng… Phân tử là những phần của một hệ tổng hợp, và trong khả năng đó, có thể nói là phục vụ các hoạt động của tế bào như một tổng thể."
Nói cách khác, tế bào cho thấy dấu vết rõ ràng của sự hoạch định. Thật vô cùng quan trọng để nhận biết rằng mẫu căn bản của sự sống này, với mọi cơ cấu phức tạp của RNA và DNA, được thiết lập đầy đủ đã đến với sự xuất hiện đầu tiên của sự sống. Sự tiến hóa thừa nhận rằng các tế bào có khả năng này. Và các khoa học gia tìm thấy rằng vết tích đầu tiên của sự sống đã có từ 3.5 đến 4 tỉ năm, chỉ một thời gian ngắn sau khi trái đất được thành hình. Có hợp lý để cho rằng sự tổng hợp tình cờ của các hóa chất đã có thể tạo nên một điều vô cùng phức tạp và đầy đủ chức năng như một tế bào sống động hay không? Điều đó giống như cho rằng sự tổng hợp tình cờ của các nguyên tử có thể tự ráp lại với nhau thành chiếc phi cơ. Dawkins viết, "Dù nguồn gốc sự sống không chắc chắn đi nữa," nó đã phải xảy ra theo kiểu cách này "vì chúng ta sống ở đây." Cần phải có nhiều đức tin để tin vào những điều như vậy.
Sự tiến hóa cũng không thể giải thích được ý thức, mà nhờ ý thức chúng ta biết được toàn thể thế giới. Là con người, chúng ta biết rằng chúng ta có ý thức. Các tạo vật khác, tỉ như con chó, cũng dường như có ý thức, tuy có lẽ không cùng một phương cách như chúng ta. Dường như không thể tin được là các nguyên tử hydrô, carbon, oxy, và vân vân có thể tạo ra cho chúng ta khả năng lĩnh hội và cảm nghiệm được thế giới chung quanh chúng ta. Như vậy, sự tiến hóa giải thích gì cho ý thức? Nó ban cho những ích lợi gì? Làm thế nào một sự sống vô thức lại biến đổi thành sự sống có ý thức? Nhà khoa học về nhận thức Steven Pinker thú nhận là không thể giải thích được. Trong cuốn How the Mind Works (Cách Tâm trí Hoạt Động), ông viết "Hiển nhiên người ta không biết gì về chức năng li ti của bộ óc… Sự hiện diện của chủ thể mà người đầu tiên cảm nhận thì không thể giải thích bằng khoa học." Do đó, vấn đề mà Daniel Dennett "giải quyết" bằng cách tuyên bố rằng ý thức là một ảo tưởng nhận thức, nó thực sự là một trở ngại.
Sau cùng, sự tiến hóa không thể giải thích lẽ phải hay luân lý của con người. Điểm này đầu tiên được đưa ra bởi Alfred Russel Wallace, người cùng đề nghị với Darwin thuyết tiến hóa qua sự lựa chọn tự nhiên. Tôi không muốn bị hiểu lầm ở đây. Sự tiến hóa có thể giải thích tại sao kích thước bộ óc lớn hơn và khả năng sinh tồn cho những tạo vật có bộ óc lớn hơn. Nhưng lẽ phải (sự hợp lý) là điều gì đó cao hơn điều này. Sự hợp lý là khả năng nhận biết điều gì đó là sự thật. Chúng ta có thể bao gồm trong sự hợp lý khả năng độc đáo của con người về ngôn ngữ, nó là khả năng để phát biểu có hệ thống và lưu loát những ý tưởng hiểu biết về thế giới chung quanh chúng ta. Con người trong các nền văn hóa sơ khai phát triển ngôn ngữ như một phương tiện của sự hợp lý, trong khi con mèo không thể thốt ra một câu. Sự tiến hóa có thể giải thích làm thế nào các tạo vật hình thành các đặc điểm giúp cho sự sống còn. Như Steven Pinker đã viết, "Đầu óc chúng ta được khuôn đúc cho sự thích hợp, chứ không phải chân lý." Như vậy, loài người chúng ta có được khả năng này ở đâu để suy đoán không chỉ những gì giúp loài người tiếp nối trong các thế hệ sắp tới, nhưng còn hiểu được những gì xảy ra trong thế giới? Nói cách khác, giá trị sinh tồn của chân lý là gì? Triết gia Michael Ruse, một người theo thuyết Darwin , thú nhận rằng "không ai, chắc chắn không phải là thuyết Darwin , có thể trả lời được câu hỏi này."
Con người không chỉ có khả năng hợp lý nhưng còn luân lý. Trong cuốn Descent of Man, Darwin thú nhận rằng "trong những khác biệt giữa con người và các loài vật thấp hơn, ý thức luân lý hay lương tâm là điều quan trọng nhất." Luân lý nói với chúng ta trong một tiếng khác biệt: không phải những gì chúng ta thi hành nhưng những gì chúng ta phải thi hành. Bình thường, luân lý ép buộc chúng ta phải hành động trái với tư lợi hiển nhiên. Nó thúc giục chúng ta đừng nói dối dù khi có lợi cho chúng ta và giúp đỡ tha nhân dù họ là người lạ. Trong một chương sau này, tôi sẽ đề cập đến làm thế nào các nhà tiến hóa tìm cách giải thích tính cách luân lý theo ngôn từ của Darwin . Ở đây tôi sẽ nói vài điều mà hầu hết họ đồng ý: có nhiều sự suy đoán được phát minh nhưng không có một giải thích nào có tính cách tiến hóa có thể giải thích được các khả năng căn bản của con người.
Bạn có thấy tại sao sự ngạo mạn của những người phò Darwin như Dennett và Dawkins thì hoàn toàn sai chỗ không? Những người này dường như nghĩ rằng họ được trang bị với loại lý thuyết tinh thông nào đó để có thể giải thích đầy đủ về vũ trụ, và vị trí của chúng ta ở trong đó. Tuy nhiên, thuyết tiến hóa của họ không thể giải thích được nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của ý thức, hay nguồn gốc của sự hợp lý và luân lý của con người. Bất cứ lý thuyết nào không thể giải thích được các giai đoạn quan trọng này thì không thể cho rằng đã giải quyết được vấn nạn các nguồn gốc, dù là sự sống hay vũ trụ. Nó chỉ có thể có công làm sáng tỏ một số biến chuyển. Sự tiến hóa dường như chỉ đúng trong một giới hạn, nhưng nó không thể đi xa hơn.
Rất đúng là một ngày nào đó, khoa học sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời hay hơn. Tôi không đưa ra loại lý luận hàm hồ cho rằng vì khoa học không thể giải thích được thì đích thật là Thiên Chúa đã làm điều ấy. Nhưng tôi cũng không muốn chìm trong loại "vô thần của khoảng cách" cho rằng ngay cả khi không có sự giải thích, chúng ta phải tin rằng sẽ có một sự giải thích tự nhiên. Phải, khoa học đã có những bước tiến thật vĩ đại trong việc giải thích một số điều nhưng trong các lãnh vực khác khoa học chưa đạt được sự tiến bộ kể từ thời Babylon . Ước đoán tốt nhất của chúng ta là chấp nhận những gì chúng ta biết cho đến nay, và dựa theo đó đưa ra kết luận. Cho đến bây giờ, sự tiến hóa là một lý thuyết hữu ích nhưng không thể giải thích cho loại sự sống mà chúng ta đang có trong thế giới.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với những điều rêu rao của Dawkins và những người khác rằng thuyết tiến hóa của Darwin đã tiêu diệt được lý luận của Paley về sự hoạch định. Thực sự, lý luận của Paley chưa bao giờ bị bác bẻ. Tôi không nói về chi tiết đặc biệt mà Paley đưa ra, nhưng về trường hợp tổng quát của ông về sự hoạch định. Thực sự trường hợp đó ngày nay còn mạnh mẽ hơn khi Paley đưa ra cách đây hai thế kỷ.
Dawkins thì quá mù quáng vì thành kiến chống tôn giáo để thấy được điều đó, nhưng lý luận của ông trong cuốn The Blind Watchmaker thực sự hỗ trợ cho lý lẽ về sự hoạch định. Để thấy lý do, hãy nghĩ đến thí dụ về máy điện toán. Một máy điện toán thì giống như chiếc đồng hồ của Paley: nó hiển nhiên cho thấy sự hoạch định. Không ai có thể dám chắc rằng máy điện toán "được tiến hóa" cách nào đó qua những động lực của sự lựa chọn tự nhiên. Ai đó đã làm ra nó và ai đó đã lập trình (program) nó. Bây giờ hãy giả sử rằng đây không phải là trường hợp về một loại "software" nào đó. Hãy giả sử rằng "software" này hoạt động trong một kiểu "open source" (tự do). Nó chấp nhận những thay đổi bất ngờ và bằng cách nào đó các lập trình thích ứng và hữu dụng đã tồn tại. Hãy thừa nhận rằng tiến trình ở đây là có tính cách tiến hóa; nó không được ai dẫn dắt cả. Câu hỏi của tôi là: có thể nào sự tiến hóa trong trường hợp của "software" này làm suy yếu tính cách hoạch định của máy điện toán không? Hiển nhiên là không. "Software" có thể biến đổi nhưng ai đó đã làm ra máy điện toán và thiết kế trong đó một lập trình ngay tự đầu.
Bây giờ hãy áp dụng sự tương tự này vào vũ trụ. Trong các chương trước tôi đã đưa ra chứng cớ mạnh mẽ rằng vũ trụ là sản phẩm của sự hoạch định. Vũ trụ không thể tiến hóa qua sự lựa chọn tự nhiên, khi vũ trụ làm thành toàn thể thiên nhiên. Ai đó đã làm ra vũ trụ và quy định các luật lệ để ảnh hưởng đến sự hoạt động của vũ trụ. Bây giờ trong vũ trụ có biết bao hình thể sự sống mà chúng tương đương với các "software" trong sự loại suy của chúng ta. Những hình thể sự sống này là sản phẩm của sự tiến hóa và Darwin cùng những người kế tiếp đã giải thích được các kiểu biến hóa. Nhưng sự tiến hóa không thể giải thích được nguồn gốc của vũ trụ và các quy luật của nó. Vậy làm thế nào sự tiến hóa có thể bỏ qua sự lý luận về hoạch định vì nó áp dụng cho chính vũ trụ và các quy luật điều hành nó? Hiển nhiên là không thể. Trong trường hợp này, như với máy điện toán, sự tiến hóa chỉ là một phần nên không thể bác bỏ sự hoạch định của toàn thể. Chứng cớ không thể chối cãi là ai đó đã hoạch định toàn thể sự kiện.
Nếu các quy luật của vật lý không được điều chỉnh một cách tinh vi để phù hợp với nguyên tắc hướng nhân, các hành tinh như mặt trời sẽ không cháy một cách từ từ và nhất định như hiện thời, để sự sống tổng quát—nhất là sự sống con người--có thời giờ tiến hóa. Chính sự tiến hóa buộc phải có một thiết kế nhân vũ trụ tinh vi. John Barrow và Frank Tipler lý luận rằng vật lý học đã cung cấp một "lý luận về hoạch định mới rất đáng kể tương tự như điều được Paley đưa ra." Các nhà sinh vật học nào nhấn mạnh rằng sự tiến hóa hoạt động theo các quy tắc của thời gian và tình cờ, họ thường quên rằng nó cũng lệ thuộc các quy luật của một vũ trụ mà không phải là sản phẩm của thời gian và tình cờ. Ngay cả nếu Thiên Chúa không gạt bỏ các luật tự nhiên để giúp cho loài người phát sinh, ai là người lập trình các tế bào với mã số? Ai ban cho nó khả năng để tự sinh sản? Ai làm nên vũ trụ với các quy luật để có thể tạo ra giống người? Đâu là câu trả lời sau cùng cho lý do tại sao thực tại lại được cấu tạo theo kiểu cách này?
Vật lý gia Stephen Barr viết:
Khi cẩn thận khảo sát, những miêu tả khoa học về các tiến trình thiên nhiên thì không bao giờ thấy sự thứ tự phát sinh từ sự hỗn độn, hay hình thể phát sinh từ vô hình thể. Ngược lại, chúng luôn luôn cho thấy một thứ tự đã tàng ẩn trong bản chất các sự vật, tuy thường trong một phương cách bí ẩn và giấu kín. Khi chúng ta thấy những hoàn cảnh có vẻ bừa bãi, hay những vật có vẻ vô định hình, tự động hay tự nhiên "sắp xếp" thành các khuôn khổ có thứ tự, điều chúng ta thấy trong từng trường hợp là những gì dường như bừa bãi thì thực sự đã có một thứ tự lớn lao ở trong đó… Điều Dawkins dường như không cảm kích là thợ đồng hồ mù của ông thì đáng kể hơn đồng hồ của Paley. Paley tìm thấy một "đồng hồ" và tự hỏi làm thế nào nó xuất hiện ở đó một cách tình cờ. Dawkins tìm thấy một nhà máy tự động bao la mà đã mù quáng tạo nên đồng hồ, và ông cảm thấy rằng ông đã thực sự trả lời điểm của Paley. Nhưng đó là điều lố bịch. Làm thế nào một nhà máy tạo nên đồng hồ lại không cần giải thích hơn là chính các đồng hồ?
Để một loại sự sống tiến hóa sang một loại khác thì có thể gán cho các động lực mù quáng trong thiên nhiên, nhưng nguyên tắc hướng nhân ám chỉ rằng các động lực này được thành hình một cách có tính toán, có mục đích, với ý hướng tạo nên các vật thể sống động mà các nhà sinh vật học đã thiển cận giả sử rằng chúng ở đây bởi sự tình cờ. Nói rằng mỏ con chim sẻ và mầu sắc của con bướm và mắt của con người tất cả đều được tiến hóa bởi sự tình cờ, đó là một chuyện. Nhưng vũ trụ đã tạo ra chim sẻ, con bướm, và con người thì hiển nhiên là kết quả của một sự hoạch định có ý định và sáng tạo. Như thế việc Dawkins "bài bác" Paley đã thất bại một cách vẻ vang và hoàn toàn. Paley thì đúng từ đầu đến cuối.
Từ tất cả những điều này, hiển nhiên, vấn đề không phải là sự tiến hóa. Vấn đề là ở thuyết Darwin . Sự tiến hóa là một lý thuyết khoa học. Thuyết Darwin là một lập trường siêu hình và một ý thức hệ chính trị. Thật vậy, thuyết Darwin là sự thêu dệt vô thần dựa trên thuyết tiến hóa. Là một lý thuyết, sự tiến hóa thì không chống đối tôn giáo. Thay vì bác bỏ sự hoạch định, sự tiến hóa thực sự tiết lộ kiểu cách mà sự hoạch định được xảy ra. Nhưng người vô thần liên tục dùng thuyết Darwin và ảo tưởng của thợ đồng hồ mù để làm suy yếu đức tin nơi Thiên Chúa. Nhiều khoa học gia đã bị điều khiển bởi thủ đoạn vô thần này. Họ đã vô tình để mình rơi từ sự tiến hóa vào thuyết Darwin . Vì vậy họ trở nên con cờ thí của chương trình vô thần.
Tín hữu Kitô không nên sợ cuộc tranh luận về tiến hóa, bởi vì không có gì trong đó đe dọa đức tin của chúng ta. Lập trường của Kitô Hữu là Thiên Chúa đấng tạo nên vũ trụ và mọi sự trong đó, và sự tranh luận về tiến hóa là làm thế nào những thay đổi này xảy ra. Với Kitô Hữu, cuộc tranh luận về sự tiến hóa sẽ đi đến sự ganh đua lý thuyết về phương cách mà Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ. Quan điểm của tôi là Kitô Hữu và các tín đồ khác phải nắm lấy thuyết tiến hóa trong khi phản đối thuyết Darwin . Người hữu thần phải là quán quân khoa học trong khi cùng lúc vạch trần phương cách mà trong đó ý tưởng của Darwin bị thao túng về ý thức hệ, giống như cách đây một thế kỷ bởi tổ chức Darwin . Chính sự quảng bá ý thức hệ này được giả dạng khoa học là điều phải tranh đấu ở trong lớp. Sự tiến hóa phải được giảng dậy, nhưng không dính dáng đến sự siêu hình của thuyết Darwin . Thay vì kiện cáo để dậy các lý thuyết về sự tạo dựng và sự thức định (intelligent design) ở trong lớp, Kitô Hữu phải kiện tụng để tẩy chay kiểu giải thích vô thần của Darwin . Qua sự tiến hóa, được hiểu cách đúng đắn, Kitô Hữu có thể xác nhận rằng sách thiên nhiên và sách thánh không mâu thuẫn. Thật vậy, cả hai xác nhận một vũ trụ và các tạo vật là sản phẩm của một sự hoạch định siêu nhiên và sự tạo dựng thần thánh.

CHƯƠNG 14

VẤN ĐỀ SÁNG THẾ: CHỦ THUYẾT VÔ THẦN
CÓ PHƯƠNG PHÁP CỦA KHOA HỌC

"Không có chuyện khoa học phi triết học. Chỉ có khoa học mà triết lý được đưa vào cách bừa bãi." Daniel Dannett, Darwin's Dangerous Idea
Đ
ã đến lúc phải đặt vấn đề nghiêm trọng với sự hiểu biết của chúng ta về khoa học hiện đại. Vấn đề không phải với chính khoa học hiện đại, nhưng đúng hơn với một quan điểm sai lầm về khoa học: ý tưởng cho rằng khoa học là một khuôn khổ đầy đủ để hiểu biết về con người và vũ trụ, bởi thế những gì không phải là khoa học đều tự động bị tẩy chay. Tuy phương cách tiếp cận với kiến thức này được đưa ra như một bản tóm lược hợp lý, tôi muốn cho thấy nó hoàn toàn vô lý. Nó giống như cố gắng tìm hiểu một vụ giết người chỉ dùng đến quy tắc vật lý và hóa học. Tuy những quy tắc đó không thể bỏ qua để tìm hiểu xem khẩu súng nào đã được dùng đến, và nạn nhân đã chết được bao lâu khi tìm thấy xác, chúng ta phải nhìn đến khía cạnh khác để khám phá ra các yếu tố quan trọng tỉ như tại sao tên sát nhân lại làm điều đó. Trong chương này chúng ta sẽ thấy tại sao việc cố gắng giải thích mọi sự một cách khoa học thì chưa đủ và ngay cả vô lý. Những người vô thần theo đuổi phương pháp tiếp cận này thì thực sự là một trở ngại cho khoa học.
Các khoa học gia thường nghĩ về mình là những người theo lẽ phải. Họ cho rằng họ sẵn sàng đi theo con đường của chứng cớ bất kể nó dẫn đưa đến đâu. Thật vậy không có lãnh vực nào khác mà người ta tự khen ngợi mình nhiều về sự hợp lý biết chừng nào của họ, về các kết luận phù hợp nghiêm nhặt biết chừng nào với thử nghiệm và kinh nghiệm, và về những thành kiến được chước giảm biết chừng nào qua tiến trình dẫn chứng theo kinh nghiệm và sự phê bình của người đương thời. Lời rêu rao của Carl Sagan thì rất phổ thông: "Tại tâm điểm của khoa học là… một rộng mở đối với ý tưởng mới, bất kể nó kỳ lạ và khác thường như thế nào." Đó là thanh thế của khoa học trong văn hóa chúng ta mà những điều rêu rao này được chấp nhận rộng rãi.
Tuy nhiên thái độ thực sự của một số khoa học gia có thể là vô lý hiển nhiên. Các khoa học gia hàng đầu đôi khi ôm chầm lấy một kết luận mà chứng cớ của nó thật yếu ớt. Những người thức giả này trở nên căm phẫn khi kết luận của họ bị đặt vấn đề, và ngay cả lên án những người phê bình họ là kẻ thù của khoa học. Trong những trường hợp khác, các khoa học gia cho thấy họ không muốn chấp nhận các kết luận ngay cả khi có biết bao chứng cớ minh chứng điều đó. Thật vậy, họ khước từ vị thế hợp lý và muốn tự xếp mình đứng về phía lập trường vô lý mà hiển nhiên ít đáng tin cậy.
Một vài năm trước đây, văn gia khoa học nổi tiếng là John Maddox đã viết một bài trong Nature với tựa đề: "Down with the Big Bang" (Đả đảo Đại Thanh). Đây là một ngôn ngữ kỳ lạ của một khoa học gia. Hiển nhiên biến cố Đại Thanh đã xảy ra, nhưng Maddox cho thấy là ông ao ước nó đừng xảy ra. Không chỉ có một mình ông. Trong chương mười một, tôi trích lời diễn tả của Arthur Eddington về Đại Thanh như "ghê tởm." Eddington thú nhận ông ao ước tìm thấy "một lỗ tròn thực sự" để "cho phép sự tiến hóa của thời gian vô tận được khởi sự." Như vậy một trong những lý do chống đối biến cố Đại Thanh là để có chỗ cho thuyết tiến hóa.
Còn có những người khác. Vật lý gia Stephen Hawking giải thích tại sao phần lớn khoa học gia bị thu hút đến thuyết tình trạng cố định của nguồn gốc vũ trụ: "Do đó có một số toan tính để tránh đi đến kết luận rằng có một sự đại thanh… Nhiều người không thích với ý tưởng rằng thời gian có một khởi đầu, có lẽ vì nó thoáng cho thấy sự can thiệp của thần thánh." Steven Weinberg cũng có cùng quan điểm. Một số nhà vũ trụ học tán thành các lý thuyết bởi vì chúng "nhẹ nhàng tránh né vấn đề Sáng Thế."
Chính xác vấn đề này là gì? Nhà thiên văn học và vật lý học Lee Smolin viết rằng nếu vũ trụ khởi sự từ một điểm thời gian, điều này "mở cánh cửa cho tôn giáo trở lại." Viễn tượng này làm các khoa học gia thất kinh. "Có phải mọi sự hiểu biết khoa học của chúng ta về thế giới thực sự chỉ còn là một câu chuyện huyền thoại trong đó không có gì hiện hữu… cứu vãn được một số thần trí thiêng liêng, là đấng, muốn khởi sự một thế giới, chọn những điều kiện tiên khởi và sau đó đưa các vật thể vào sự hiện hữu chỉ bằng ý muốn?" Smolin viết thêm, "Đối với tôi, dường như chỉ có một danh từ duy nhất cho một quan sát viên như thế là Thiên Chúa, và theo các lập trường này, đó là lý thuyết bị chỉ trích là không có thực."
Ở đây chúng ta có các khoa học gia không muốn đóng đúng vai trò khoa học gia. Tại sao lại cần phải phản đối những gì được tìm thấy trong khoa vật lý hiện đại chỉ để sự tiến hóa có thời gian khởi sự? Tại sao lại quan trọng để tránh né "vấn đề Sáng Thế" hoặc tránh xa bất cứ lý thuyết nào đề nghị có bàn tay thần thánh trong vũ trụ? Nếu chứng cớ chỉ về hướng của một đấng tạo hóa, tại sao không đi theo hướng đó?
Douglas Erwin, một nhà cổ sinh vật học của viện Smithsonian Institution, trả lời phần nào, "Một trong những quy tắc của khoa học là không được có phép lạ," ông nói với tờ New York Times. "Đó là cơ sở căn bản của điều chúng tôi thi hành." Nhà sinh vật học Barry Palevitz có điểm tương tự. Ông viết, "Siêu nhiên thì tự động ngoài giới hạn của sự giải thích về thế giới tự nhiên."
Erwin và Palevitz thì rất đúng khi nói rằng có sự cấm cản phép lạ và siêu nhiên trong sự khám phá vũ trụ của khoa học hiện đại. Tuy nhiên, lời tuyên bố của họ đưa ra câu hỏi thâm sâu hơn: tại sao phép lạ và siêu nhiên bị cho là ngoài ranh giới? Nếu một phi thuyền không gian chụp được những hình ảnh chưa bao giờ có của các vật thể trong không gian mà nó cho thấy GIAVÊ ĐÃ TẠO RA ĐIỀU NÀY, thì cộng đồng khoa học vẫn từ chối công nhận sự hiện hữu của một đấng tạo hóa siêu nhiên hay sao?
Phải, nó sẽ từ chối. Và lý do thì vừa đơn giản và vừa ngạc nhiên: khoa học hiện đại được đề ra để loại trừ một đấng hoạch định. Khoa học hiện đại trong tiến trình hoạt động ngày nay, điều thật độc đoán là mọi chứng cớ về Thiên Chúa thì trước nhất bị tẩy chay bởi khoa học. Ngay cả chứng cớ do kinh nghiệm thường được chấp nhận trong khoa học thì bị từ chối không cho lên tiếng. Bất kể chứng cớ có mạnh mẽ hay bền bỉ thế nào; các khoa học gia, hành động trong tư cách chuyên môn của họ, thì buộc phải lờ đi phép lạ. Lập trường của khoa học hiện đại thì không phải là không có phép lạ nhưng đúng ra là không cho có phép lạ.
Tất cả những điều này dường như thật ngạc nhiên, trong cái nhìn bằng cách nào khoa học đã phát triển từ các lãnh vực thần học và tổ chức Kitô Giáo, Copernicus, Kepler, Boyle, và nhiều người khác đã thấy sự tương hợp sâu đậm giữa khoa học và tôn giáo. Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ qua, dường như khoa học đã gạt bỏ điều được công nhận từ trước là vũ trụ phản ánh sự hợp lý của Thiên Chúa. Bây giờ các khoa học gia thường thú nhận tính cách trật tự của vũ trụ nhưng từ chối không muốn nghĩ đến nguồn gốc của sự trật tự đó. Một lý do của sự thay đổi này là phong trào tục hóa giới trí thức gia tăng kể từ giữa thế kỷ mười chín, một tiến trình được diễn tả bởi Christian Smith trong cuốn, The Secular Revolution (Cuộc Cách Mạng Thế Tục).
Lý do khác là sự khám phá những bí ẩn không thể giải thích của vũ trụ, từng được gán cho Thiên Chúa, giờ đây có thể được giải thích theo khoa học. Ernst Mayr viết, "Cuộc cách mạng của Darwin không chỉ thay thế lý thuyết này với lý thuyết khác, nhưng đúng ra quan điểm thế giới mà trong đó siêu nhiên được chấp nhận như một sự giải thích bình thường và thích đáng được thay thế bằng một quan điểm thế giới mà trong đó không còn chỗ cho các động lực siêu nhiên." Hậu quả là khoa học trở nên một tập thể hoàn toàn trần tục, và điều này—thật kỳ lạ--tạo nên những khó khăn cho khoa học. Vì giới hạn sự chú ý đến một vài loại giải thích nào đó, khoa học hiện đại tự tách biệt khỏi các chân lý không tuân theo loại giải thích đó.
Chúng ta đã thấy một số vật lý gia hàng đầu không muốn nhìn nhận chứng cớ mạnh mẽ về nguồn gốc vũ trụ để tránh không muốn nghĩ đến đấng sáng tạo. Bây giờ chúng ta hãy để ý đến làm thế nào một số nhà sinh vật học nổi tiếng sẵn sàng nắm lấy chứng cớ yếu ớt của sự tiến hóa và giảm bớt sự can thiệp cần thiết của một thực thể linh thiêng vào tiến trình này. Nhà sinh vật học Franklin Harold biết rằng ngay cả các tế bào đơn giản nhất, sự hoạt động của nó thật phức tạp là dường nào, bởi vì ông viết sách về điều đó. Ông cũng biết sự tiến hóa giả sử rằng có sự hiện hữu của các tế bào đã hoàn toàn được thành lập với khả năng tự sinh sản. Như vậy, nguồn gốc của tế bào là gì? "Sự sống phát sinh ở trái đất này từ các vật thể vô sinh, bởi một loại phương thức tiến hóa nào đó." Làm thế nào Harold biết điều này? Ông thú nhận, "Đây không phải là một phát biểu có thể minh chứng bằng dữ kiện, nhưng là một thừa nhận". Một giả sử được hỗ trợ bởi điều gì? Harold không sợ để trả lời, "Nó không được hỗ trợ bởi bất cứ chứng cớ trực tiếp nào, hoặc cũng không có cái nào tương tự, nhưng nó phù hợp với chứng cớ mà chúng ta có."
Thực ra, tôi tìm thấy có người không đồng ý với sự giả định của Harold: Francis Crick, người đồng khám phá ra cấu trúc của DNA. Crick, cũng như Harold, nhìn nhận rằng nguồn gốc sự sống có vẻ là một phép lạ, vì cách cấu tạo phức tạp của tế bào và vì sự sống thật mau chóng xuất hiện trên trái đất sau khi được hình thành. Crick không thể đồng ý với Harold, Dawkins, và những người khác là những người nhìn nhận một cách vô tư rằng một loại hóa chất tổng hợp nào đó phải được minh chứng là đúng. Do đó Crick đưa ra một lý thuyết khác: những người lạ trong không gian đã đem sự sống đến trái đất từ một hành tinh khác! Thuyết này được nghiêm trọng đưa ra trong cuốn sách của Crick, Life Itself.
John Maddox thú nhận rằng khoa học không biết gì nhiều về sự tương quan giữa các mạch não bộ và ý thức của con người. Tuy vậy, ông khẳng định, "Một sự giải thích về trí tuệ, cũng giống như của não bộ, cuối cùng phải là một giải thích theo phương cách mà tế bào thần kinh hoạt động. Nói cho cùng, không có gì khác để giải thích." Nicholas Humphrey còn đi xa hơn nữa, "Là các khoa học gia, sự thừa nhận ngạc nhiên phải có của chúng ta là một số mức độ ý thức phải là một ảo tưởng." Hầu hết người ta thấy đây là một kết luận đáng kể, nhưng không phải Humphrey; nó là một "thừa nhận ngạc nhiên."
Viết trong cuốn The Blind Watchmaker, Richard Dawkins thú nhận rằng có những "khoảng cách biệt" quan trọng trong dữ kiện hóa thạch. Và rồi lý luận của ông có một đổi hướng lạ lùng. Nếu chúng ta coi trọng thuyết tiến hóa của Darwin , "Những khoảng cách biệt này, thay vì là những bất toàn khó chịu hay những bối rối khó xử, trở nên đúng như những gì chúng ta phải tích cực trông đợi". Nói cách khác, sự thiếu chứng cớ thì tự nó là minh chứng rằng lý thuyết ấy đúng. Điều này quá lạ thường đến độ người ta phải tự hỏi sự hiện diện của chứng cớ có thể làm gì với lý thuyết này. Liệu rằng một dữ kiện hóa thạch mà không có khoảng cách biệt sẽ là một minh chứng trái với sự tiến hóa của Darwin, như chúng ta nghe Dawkins và một số nhà sinh vật học mong đợi "một cách chính xác" và "tích cực" rằng loại chứng cớ như vậy phải không thể có?
Sau cùng Dawkins không cần giấu diếm khi nói, "Thuyết tiến hóa, bởi sự lựa chọn tự nhiên thì chỉ là một lý thuyết, chúng ta biết lý thuyết đó có thể giải thích về sự hiện diện của các cấu tạo phức tạp. Ngay cả khi không có chứng cớ, nó vẫn là lý thuyết tốt nhất hiện có." Đây là một thú nhận được tiết lộ. Steven Pinker có cùng quan điểm: "Vì không có cách nào khác, hầu như chúng ta phải chấp nhận sự lựa chọn tự nhiên là sự giải thích về sự sống trên hành tinh này dù không có chứng cớ về điều đó." Điểm của tôi thì không phải là từ chối chứng cớ về sự tiến hóa. Nó có, nhưng không đủ mạnh khiến quý vị tin tưởng bởi những tay quán quân về thuyết Darwin . Đó là vì những quán quân thuyết Darwin đã hoàn toàn mù quáng với những khuyết điểm trong thuyết này. Họ không thể ngay cả tưởng tượng rằng nó không đúng.
Đây là một mức độ giáo điều làm bối rối bất cứ người hữu thần nào. Ngay cả người tín hữu mạnh mẽ nhất cũng có thể tưởng tượng điều khả dĩ là không có Thiên Chúa. Vậy làm thế nào những tay quán quân về lý lẽ này lại chấp nhận một phương cách tiếp cận quá khép kín? Đó là sản phẩm của một thái độ triết lý mà nhiều người có nhưng không biết rằng mình có. Dawkins và nhiều người khác dường như ngây thơ nghĩ rằng họ là các ông tổ lý lẽ chỉ biết tuân theo các chứng cớ. Lý do họ bị lừa dối về thái độ triết lý đó là nó được ẩn giấu bên trong chính phương pháp tiếp cận khoa học.
Khoa học hiện đại dường như được dựa trên sự tin tưởng không lay chuyển về chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa tự nhiên là một học thuyết cho rằng tất cả thiên nhiên chỉ có vậy. Theo chủ nghĩa này, không có phép lạ cũng không có sức mạnh siêu nhiên. Bởi thế các phúc trình về siêu nhiên chỉ có thể được giải thích căn cứ vào tự nhiên. Chủ nghĩa duy vật là sự tin tưởng rằng thực thể vật chất là thực thể duy nhất. Không có sự tách biệt thực thể tâm trí hay tinh thần. Dĩ nhiên, người ta có ý thức và tư tưởng và có lẽ ngay cả cảm nghiệm tinh thần, nhưng điều này chỉ có thể hiểu là hoạt động của tế bào não trong bộ óc vật chất. Tâm trí và tinh thần được cho rằng chỉ là hiện tượng phụ của vật chất.
Hiện thời các triết thuyết này—chủ nghĩa tự nhiên và duy vật—chưa bao giờ được chứng minh. Thật vậy, chúng không thể minh chứng vì không thể nào chứng minh rằng thực thể vô hình không hiện diện. Chủ nghĩa tự nhiên và duy vật không phải là các kết luận khoa học; đúng hơn, chúng là các giả thuyết khoa học. Chúng không được khám phá trong thiên nhiên nhưng áp đặt lên thiên nhiên. Nói tóm, chúng là những điều phải tin.
Nhà sinh vật học Richard Lewontin viết:
Chúng ta đứng về phía khoa học bất kể kiểu cách vô lý của một số cơ cấu, bất kể sự thất bại để chu toàn nhiều hứa hẹn huê dạng về y tế và đời sống, bất kể sự dung thứ của cộng đồng khoa học vì những câu chuyện hão huyền, bởi vì chúng ta có một sự tin tưởng trước đó—một tin tưởng vào chủ nghĩa duy vật. Không phải là các phương pháp và tổ chức khoa học bằng cách nào đó đã thu hút chúng ta chấp nhận một sự giải thích vật chất về hiện tượng thế giới, nhưng, ngược lại, chúng ta bị ép buộc bởi một sự tin tưởng từ trước đối với vật chất tạo thành một dụng cụ điều tra và một bộ ý niệm mà nó tạo ra những giải thích vật chất, bất kể có phản trực giác, bất kể điều không quen ấy khó hiểu. Hơn thế nữa, chủ nghĩa duy vật thì tuyệt đối, vì chúng ta không cho phép một Bàn Chân Thần Thánh ở cánh cửa.
Và bạn nghĩ rằng tôi bịa đặt ra điều ấy!
Vậy có phải khoa học có tính cách vô thần tự bên trong? Ở đây chúng ta phải phân biệt hai loại chủ nghĩa vô thần. Loại thứ nhất là chủ nghĩa vô thần theo thủ tục hoặc theo phương pháp. Điều này có nghĩa các khoa học gia làm việc với giả sử rằng chúng ta sống trong một thế giới tự nhiên, vật chất. Trong lãnh vực này, phép lạ bị cấm đoán, không bởi vì chúng không thể xảy ra, nhưng vì khoa học là sự tìm kiếm những giải thích tự nhiên. Bởi thế, cũng vậy, tâm trí và linh hồn phải được nghiên cứu về phương diện vật chất, không vì chúng thuần túy là hiện tượng vật chất, nhưng vì công việc của khoa học là chỉ để khảo sát các ảnh hưởng vật chất của những điều phi vật chất.
Trong thủ tục này hay nghĩa hẹp này, quả thật khoa học thì vô thần. Và điều này không trở ngại, vì chúng ta không muốn các khoa học gia khi gặp những điều khó khăn đã bỏ cuộc và nói, "Tôi không điều tra thêm nữa. Tôi chỉ coi đó là một phép lạ." Lịch sử cho thấy việc tìm cách giải thích thiên nhiên có thể đem lại các kết quả tuyệt vời. Nhà vật lý học Paul Davies rất đúng khi viết, "dù một sự kiện xảy ra có kinh ngạc và không thể giải thích đi nữa, chúng ta không bao giờ tuyệt đối chắc chắn là ở một thời điểm tương lai xa xôi nào đó, người ta sẽ khám phá ra một hiện tượng tự nhiên để giải thích điều đó." Dĩ nhiên không có lý do để tin rằng bất cứ gì được dựa trên sự mong đợi của những khám phá khoa học tương lai mà nó chưa xảy ra. Ngay cả vậy, có nhiều ích lợi để các khoa học gia thi hành công việc của họ và khảo sát thế giới trong chiều kích tự nhiên và vật chất.
Có nhiều khoa học gia có đức tin là những người không thấy khó khăn để làm việc trong lãnh vực vô thần theo thủ tục và đồng thời vẫn giữ đức tin của mình. Nhà sinh vật học Francis Collins nói rằng là một nhà sinh vật học, ông nghiên cứu những giải thích tự nhiên về nguồn gốc sự sống trong khi là một Kitô Hữu, ông tin rằng còn có các sức mạnh siêu nhiên đang hoạt động. Ông viết, "Khoa học không chỉ là một phương cách hiểu biết duy nhất." Nhà thiên văn học Owen Gingerich viết, "Khoa học hoạt động trong một khuôn khổ gò ép để tạo nên hình ảnh sáng chói về thiên nhiên… Điều này không có nghĩa vũ trụ thì thực sự vô thần, nhưng mà là khoa học trong chính khuôn khổ của nó thì không có cách nào khác để hoạt động." Tuy vậy, cùng lúc Gingerich tin rằng "thực thể đi sâu hơn" là những gì khoa học miêu tả nó.  Gingerich lý luận rằng quan điểm hữu thần của "một vũ trụ mà Thiên Chúa có thể đóng một vai trò tương tác" là một quan điểm có giá trị mà "khoa học không nhận thấy" nhưng đồng thời "không bị loại trừ bởi khoa học".
Một số người coi khoa học và tôn giáo là mâu thuẫn tự bản chất bởi vì họ vô tình chấp nhận loại vô thần thứ hai, mà chúng ta có thể gọi là vô thần theo triết học. Đây là giáo điều cho rằng thực thể vật chất và tự nhiên là tất cả những gì hiện hữu. Mọi thứ khác phải là hão huyền. Nhà sinh vật học Francis Crick nhìn nhận rằng sự tin tưởng chủ nghĩa duy vật và thái độ thù nghịch tôn giáo đã thúc đẩy ông đi vào lãnh vực này. "Tôi đi vào khoa học vì những lý do tôn giáo này, không hồ nghi gì cả. Tôi tự hỏi đâu là những điều dường như không thể giải thích và được dùng để hỗ trợ niềm tin tôn giáo." Sau đó Crick tìm cách cho thấy những điều đó thuần túy có nền tảng vật chất. Cùng một tâm trạng như vậy, vật lý gia Steven Weinberg thú nhận rằng niềm hy vọng khoa học sẽ giải thoát người ta khỏi tôn giáo "là một trong những điều thực sự đã dẫn dắt tôi trong cuộc đời."
Những người chống đối tôn giáo như Crick, Weinberg, Dawkins, và Dennett, thường trộn lẫn chủ nghĩa vô thần theo thủ tục và chủ nghĩa vô thần theo triết học. Họ lấy cớ rằng vì Thiên Chúa không thể được khám phá bởi khoa học thì Thiên Chúa cũng không thể được khám phá bởi bất cứ gì. Đây là một khẳng định cổ điển từ nhà sinh vật học Will Provine: "Khoa học hiện đại trực tiếp ám chỉ rằng thế giới được sắp xếp đúng với các quy tắc hay cơ hội có tính cách định đoạt. Không một nguyên tắc nào có chủ đích trong thiên nhiên. Không có thần thánh và không có quyền lực hoạch định nào có thể nhận thấy một cách hợp lý." Provine làm như đây là một trong những khám phá vĩ đại của khoa học hiện đại, trong khi nó là giả thuyết để khoa học hiện đại hoạt động. Provine thừa nhận mà không minh chứng rằng kiến thức khoa học là một loại kiến thức duy nhất, và vì vậy nó đem cho chúng ta sự tiếp cận đích thực và đầy đủ với thực tế.
Những thừa nhận này có giá trị hay không? Tôi sẽ khảo sát giả thuyết thứ hai ở chương sau. Nhưng hãy để ý đến giả thuyết thứ nhất, khoa học là một loại kiến thức duy nhất. Vật lý gia John Polkinghorne đưa ra thí dụ sau. Nếu bạn hỏi một khoa học gia, "Tại sao nước lại sôi?" họ sẽ trả lời về phương diện phân tử và nhiệt độ. Nhưng còn có một giải thích thứ hai: nước sôi là vì tôi muốn có một tách trà. Sự giải thích thứ hai là một diễn tả thực tế có giá trị chắc chắn, tuy nhiên nó bị bỏ qua và tránh né bởi khoa học. Lý do của điều này, nhà toán học Roger Penrose viết, vì khoa học không thể trả lời câu hỏi về bản chất hay mục đích của thực thể. Khoa học chỉ có thể trả lời câu hỏi, "Nó hoạt động như thế nào?" Do đó khoa học không thể cho rằng là một diễn tả đầy đủ về thực tế, chỉ một khía cạnh của thực tế.
Chủ nghĩa vô thần theo triết lý thì có tính cách độc đoán một cách hẹp hòi bởi vì nó loại bỏ các kiến thức nào không phù hợp với chủ nghĩa tự nhiên và duy vật. Chỉ có dữ kiện nào thích hợp với lý thuyết thì được phép đưa vào. Ngược lại, người hữu thần thì cởi mở hơn và hợp lý hơn nhiều. Người hữu thần không từ chối giá trị của lý lẽ khoa học. Ngược lại, người hữu thần liên tục lý luận theo kiểu cách này trong công việc và đời sống. Người hữu thần sẵn sàng nhìn nhận các nguyên do có tính cách vật chất và tự nhiên của các biến cố, nhưng họ cũng nhìn nhận sự khả dĩ của loại kiến thức khác. Chỉ vì khoa học không thể nhìn nhận rằng chứng cớ Đại Thanh chỉ về sự hiện hữu của một đấng tạo hóa, điều đó không có nghĩa nó không phải là một sự suy luận có giá trị. Chỉ vì khoa học không thể cho thấy con người có chiều kích thiêng liêng mà không thấy trong các loài khác, điều đó không có nghĩa một kết luận như thế, dựa trên cảm nghiệm, thì không hợp lý hay không thể chấp nhận.
Chân lý khoa học không phải là chân lý trọn vẹn. Nó không thể chứng tỏ là đúng cho chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật bởi vì nó hoạt động trong vòng tự nhiên và vật chất. Khi chúng ta nhận biết điều này, chủ nghĩa vô thần theo triết lý trở nên ít đáng tin cậy. Và rồi chúng ta có thể để khoa học thi hành công việc đáng thán phục của nó mà không phải lo rằng chủ nghĩa vô thần theo thủ tục sẽ hỗ trợ cho chủ nghĩa vô thần một cách tổng quát.

CHƯƠNG 15

THẾ GIỚI BÊN NGOÀI CÁC GIÁC QUAN:
KANT VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA LÝ LẼ

"Chúng ta phải phục vụ lý lẽ nếu chúng ta thành công trong việc khám phá ra một con đường mà trên đó chúng ta có thể di chuyển một cách an toàn."
Immanuel Kant, Critique of Pure Reason

T
ừ trước đến nay chúng ta đã từng để ý đến khoa học và sự hiểu biết có tính cách khoa học. Bây giờ tôi sẽ nới rộng điều tra để xét đến lời khoe khoang kiêu hãnh nhất của tay quán quân hiện đại về chủ nghĩa thế tục: nói rằng họ là ông tổ của lý lẽ.  Điều phân biệt người "độc lập tư tưởng," Susan Jacoby viết trong cuốn sách cùng tựa đề đó, là một "phương cách tiếp cận có tính cách duy lý đối với những câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của trái đất." Coi lý lẽ như sao chỉ đường và địa bàn, người vô thần hợm hĩnh cho mình cao hơn những người dựa vào đức tin, sự dị đoan, và các hình thức phi lý khác. Sam Harris viết, "Nói với một Kitô Hữu đạo đức rằng vợ hắn đang lừa dối hắn, hoặc hũ da-ua (yogurt) đông lạnh đó có thể làm cho người ta trở nên vô hình, và có lẽ như bất cứ ai khác, hắn cũng đòi phải có chứng cớ và được thuyết phục theo mức độ chứng cớ mà bạn cung cấp. Nói với hắn rằng cuốn sách gối đầu giường được viết bởi một thần thánh vô hình là người sẽ phạt hắn với lửa đời đời nếu hắn không chấp nhận mọi điều không thể tin được về vũ trụ, và dường như hắn không đòi hỏi bất cứ chứng cớ gì cả."
Nhưng có một đề tài mà người vô thần không đòi hỏi chứng cớ: vấn đề có phải lý lẽ con người là phương cách tốt nhất—thật sự duy nhất—để hiểu được thực tại. Trong cuốn Free Inquiry, Vern Bullough tuyên bố rằng "tối thiểu, người theo chủ thuyết nhân văn có thực tại đứng về phía họ." Paul Bloom khẳng định trong tờ Atlantic Monthly, "Phải, các tổ chức và giả thuyết của chúng ta thì bất toàn và không xác thực, nhưng sự mỹ miều của khoa học là những ý tưởng này được trắc nghiệm đối với thực tại." Steven Weinberg viết rằng là một khoa học gia ông có "sự tôn trọng thực tại như điều gì đó bên ngoài chúng ta, mà chúng ta khám phá nhưng không tạo ra được." Khi theo đuổi sự hiểu biết, ông viết, "sự lôi kéo của thực tại là điều khiến chúng ta đi theo con đường hiện thời." E.O. Wilson viết "bên ngoài cái đầu của chúng ta là một thực tại độc lập" trong khi "bên trong cái đầu chúng ta là một sự khôi phục lại thực tại được dựa trên dữ kiện giác quan và tự tổng hợp các ý niệm." Khi nối kết hai điều này, Wilson hy vọng đạt được điều mà ông gọi "giấc mơ Khai Sáng" của "chân lý khách quan dựa trên sự hiểu biết khoa học."
Weinberg, Wilson , và những người vô thần khác có lẽ không nhận ra, nhưng cả một sự thừa nhận lớn lao ở đây. Những người này cho rằng phương cách tiếp cận hợp lý, khoa học của họ đem cho họ sự hiểu biết đầy đủ về thực tại ở bên ngoài. Chính sự thừa nhận này đem cho chủ thuyết vô thần đặc tính kiêu ngạo. Daniel Dennett và Richard Dawkins tự gọi họ là "những người sáng chói" bởi vì họ nghĩ mình thông minh hơn cộng đồng tín hữu. Trong chương này tôi sẽ cho thấy sự kiêu ngạo này thật sai lầm.
Phương cách tiếp cận với thực tại của người vô thần hay "sáng chói" phải được đọ sức với cách tiếp cận đối nghịch. Qua nhiều thế kỷ, các tôn giáo lớn của thế giới chủ trương rằng có hai mức độ thực tại. Đó là quan điểm nhân bản về thực tại, là quan điểm dựa trên kinh nghiệm—thực tại được cảm nghiệm bởi chúng ta. Sau đó có một quan điểm siêu việt về thực tại, có thể gọi là cái nhìn của Thiên Chúa về thực tại, là chính thực tại. Là một loại tạo vật, con người nhìn các sự vật trong một phương cách giới hạn và sái lệch, "qua tấm gương mờ đục", như Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô 13:12. Thật vậy, một khi còn sống, chúng ta không bao giờ có được cái nhìn của Thiên Chúa và thấy được các sự vật đúng như bản chất của nó. Thay vào đó, chúng ta sống trong một thế giới hời hợt và nông cạn của bề ngoài, mà chúng ta chỉ có thể phân biệt chúng một cách tốt nhất theo bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng rằng sẽ có một đời sống sau cái chết mà trong đó chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự--kể cả Thiên Chúa—đúng như sự thật.
Trong hai quan điểm này—quan điểm vô thần và quan điểm tôn giáo—cái nào đúng? Dùng lý luận trên nền tảng được người vô thần sử dụng, nền tảng kinh nghiệm và chỉ có lý lẽ, tôi sẽ cho thấy rằng quan điểm tôn giáo là đúng. Có nhiều cách để thi hành điều này, nhưng tôi chọn cách được giải thích bởi Immanuel Kant. Kant dường như là một chọn lựa thích hợp vì ông là một triết gia hiện đại sáng chói. Kant là một nhân vật dẫn đầu của thời Khai Sáng, một người của khoa học và triết học, và ông cho thấy điều có thể được gọi là ảo tưởng Khai Sáng. Đây chính là ảo tưởng đã lừa bịp nhiều người vô thần và "sáng chói."
Trong cuốn The World as Will and Idea, triết gia Arthur Schopenhauer viết, "Sự giảng dậy của Kant tạo ra sự thay đổi cốt yếu trong mọi đầu óc mà đã thấu hiểu nó. Sự thay đổi quá lớn lao đến độ có thể được coi như một tái sinh trí thức… Trong hậu quả của điều này, tâm trí trải qua một sự tỉnh ngộ cơ bản, và sau đó nhìn đến sự vật dưới một ánh sáng khác." Sự vĩ đại của Kant là ông lấy những điều thừa nhận căn bản nhất của chúng ta và biến chúng thành câu hỏi. Chúng ta nghĩ mình ở trên sàn nhận thức, nhưng Kant cho thấy một mức độ thật khác biệt ở bên dưới mà chúng ta có thể khảo sát.
Trước thời Kant, hầu hết người ta chỉ cho rằng lý trí và giác quan giúp chúng ta đến với thực tại bên ngoài—thế giới bên ngoài—và chỉ có một giới hạn mà loài người có thể biết. Giới hạn đó là chính thực tại. Theo quan điểm này, vẫn còn được tán thành rộng rãi bởi nhiều người trong xã hội, con người có thể dùng lý lẽ và khoa học để tiếp tục tìm kiếm thêm nữa cho đến khi không còn gì khác để khám phá. Ảo tưởng Khai Sáng cho rằng, trên nguyên tắc, lý lẽ con người và khoa học có thể dần dà hiểu được toàn thể thực tại.
Trong cuốn Critique of Pure Reason, Kant cho thấy rằng những thừa nhận này thì sai lầm. Thật vậy, ông lý luận, còn có một giới hạn rộng lớn hơn nữa mà con người có thể biết. Nói cách khác, lý lẽ con người đưa ra câu hỏi mà nó không có khả năng trả lời—bản chất của lý lẽ là như thế. Và chính vì điều quan trọng nhất mà chúng ta quay về với lý lẽ và khám phá những giới hạn ấy là gì. Thật điên rồ khi khẳng định những điều rêu rao dựa trên lý lẽ mà không điều tra xem loại rêu rao gì mà lý lẽ có thể phân xử. Lý lẽ, để trở nên hợp lý, phải điều tra chính giới hạn của nó.
Kant khởi sự với một thừa nhận đơn giản: mọi hiểu biết con người được dựa trên kinh nghiệm. Chúng ta hiểu được thực tại qua năm giác quan. Dữ kiện thuộc giác quan này sau đó được tiến hành qua bộ óc và hệ thần kinh trung ương. Hãy suy nghĩ về điều đó: mọi ý nghĩ, ngay cả sản phẩm điên rồ của óc tưởng tượng, thì chỉ được dựa trên những gì chúng ta thấy, nghe, sờ, ngửi, hoặc nếm. Nếu chúng ta tưởng tượng và vẽ ra các tạo vật ở ngoài không gian, chúng ta có thể cho họ bốn con mắt và mười cái chân, nhưng thực sự không có cách chi chúng ta nhận thức và trình bầy họ theo kinh nghiệm con người. Đó là một dữ kiện do kinh nghiệm mà ngũ quan của chúng ta là các lăng kính duy nhất để tiếp nhận thực tại.
Bây giờ Kant hỏi một câu kinh ngạc: làm thế nào chúng biết rằng sự nhận biết thực tại của con người thì phù hợp với chính thực tại? Hầu hết các triết gia trước thời Kant chỉ chấp nhận nó như thế và sự tin tưởng này vẫn còn liên lỉ đến ngày nay. "Trực giác" này quá mạnh mẽ đến nỗi nhiều người trở nên thiếu kiên nhẫn, ngay cả phẫn nộ, khi câu hỏi của Kant được nêu lên cho họ. Họ hành động như thể câu hỏi này là một loại thủ đoạn đáng nghi, giống như hỏi người ta chứng minh rằng họ thực sự hiện hữu. Nhưng Kant thì không hồ nghi: ông coi chính mình như một sự chối bỏ chủ thuyết hoài nghi. Tuy nhiên, ông biết, để trả lời chủ thuyết hoài nghi người ta không được coi thường lý luận về sự hồ nghi. Phương cách để vượt qua chủ thuyết hoài nghi là phải công bằng với chân lý nằm trong đó. Mục đích của Kant là để dựng nên một dinh thự đáng tin cậy cho sự hiểu biết về nền tảng của chủ thuyết cực kỳ hoài nghi.
Câu hỏi của Kant về tính cách đáng tin cậy của nhận thức con người trở nên sự ám ảnh chính của triết học Tây Phương kể từ thời Descartes. Làm thế nào chúng ta biết được điều cho rằng đã biết? Locke đã nổi tiếng vạch ra rằng vật thể dường như có hai đặc tính, mà ông gọi là đặc tính chính và đặc tính phụ. Đặc tính chính là chính sự vật, trong khi đặc tính phụ thì ở trong chúng ta. Thí dụ, khi chúng ta nhận biết một trái táo, hình dạng và khối lượng của nó là phần của chính trái táo. Nhưng Locke thật xuất sắc vạch ra rằng mầu đỏ của trái táo và hương vị của nó thì không ở trong trái táo. Chúng ở trong người mà họ nhìn, ngửi và cắn trái táo. Điều này có nghĩa sự hiểu biết thực tại bên ngoài đến với chúng ta từ hai nguồn: sự vật bên ngoài và sự nhận biết bên trong chúng ta. Thực tại không trực tiếp đến với chúng ta nhưng được "tinh lọc" qua một lăng kính của chính chúng ta.
Triết gia George Berkeley cơ bản hóa kiểu thẩm tra này: "Khi chúng ta cố gắng hết sức để lĩnh hội sự hiện hữu của các vật bề ngoài, thực sự chúng ta chỉ trầm tư về chính ý nghĩ của mình." Lý luận của Berkeley là chúng ta không có kinh nghiệm về vật thể nằm bên ngoài sự nhận biết của tâm trí và giác quan của chúng ta. Cả hai đặc tính chính và phụ của các vật thể được nhận biết theo phương cách này. Chúng ta không cảm nghiệm được đại dương, chúng ta chỉ cảm nghiệm hình ảnh và âm thanh và cảm giác về đại dương. Berkeley lừng danh kết luận rằng chúng ta không có bảo đảm gì khi tin vào một vật thể hiện hữu độc lập với tâm trí chúng ta!
Vĩ nhân Samuel Johnson lừng danh "bác bẻ" Berkeley bằng cách đá ra một hòn đá. Đó! Hòn đá hiện hữu! Than ôi, điều này không bác bẻ được. Câu trả lời của Berkeley cho Johnson sẽ là toàn thể cảm nghiệm của ông, từ sự nhận biết hòn đá cho đến cái đau đớn khi giơ chân đá vào nó, xảy ra hoàn toàn bên trong tâm trí ông. Và Hume chu toàn lý luận có tính cách hồ nghi của Berkeley bằng cách áp dụng nó cho chính con người. Chúng ta không có kinh nghiệm gì về chính chúng ta hơn là các cảm giác và cảm xúc và tư tưởng. Trong khi chúng ta biết rằng các cảm giác, cảm xúc và tư tưởng thì hiện hữu, chúng ta không có nền tảng nào để mặc nhiên công nhận một loại "cái tôi" nào đó phía đằng sau để cho rằng đã có những phản ứng này.
Kant viết, chính Hume là người đã thức tỉnh ông thoát khỏi "giấc ngủ giáo điều". Kant thừa nhận điểm của Berkeley và Hume rằng điều đó thật vô lý khi thừa nhận rằng cảm nghiệm về thực thể của chúng ta tương xứng với chính thực thể ấy. Có những điều trong chính nó—mà Kant gọi là noumenon—và chúng ta không biết gì về chúng. Điều chúng ta có thể biết là cảm nghiệm của chúng ta về những sự vật ấy, điều Kant gọi là phenomenon (hiện tượng). Nếu bạn có con chó ở nhà, bạn biết nó như thế nào khi nhìn, nghe, ngửi, và đùa giỡn với nó. Đây là cảm nghiệm có tính cách hiện tượng của bạn về con chó. Nhưng là một con chó thì như thế nào? Loài người chúng ta không bao giờ biết được. Con chó, chính nó là một sự vật được giấu kín khỏi chúng ta. Như vậy, nhờ Kant chúng ta có được một nhận biết kinh ngạc rằng sự hiểu biết con người bị giới hạn không chỉ bởi thực tại nhiều ít ở bên ngoài, nhưng còn bởi sự nhận biết thuộc giác quan giới hạn của chúng ta đối với thực tại đó.
Hãy nghĩ đến máy thu băng (tape recorder). Chính nó là một loại dụng cụ chỉ có thể ghi nhận được một loại hay một khía cạnh của thực tại: âm thanh. Trong ý nghĩa này, máy thu băng có thể "nghe" nhưng không thể thấy hay sờ hay ngửi. Như vậy mọi khía cạnh của thực tại mà không thể ghi nhận bằng âm thanh thì ngoài lãnh vực của một máy thu băng. Kent nói, con người cũng giống vậy. Chúng ta chỉ có thể lĩnh hội thực tại qua năm giác quan. Nếu máy thu băng có thể lĩnh hội thực tại trong một kiểu, con người có thể nhận biết thực tại qua năm kiểu khác nhau: nhìn, nghe, ngửi, nếm, và sờ. Không còn cách nào khác để chúng ta cảm nghiệm thực tại. Tỉ như, chúng ta không thể lĩnh hội thực tại qua siêu âm như con dơi. Giác quan của chúng ta đặt những giới hạn tuyệt đối trên thực tại mà chúng ta có thể biết.
Hơn thế nữa, thực tại mà chúng ta lĩnh hội thì chính nó không phải là thực tại. Nó chỉ là cảm nghiệm của chúng ta hoặc chúng ta "có" trên thực tại. Điểm của Kant thường bị hiểu lầm. Nhiều người nghĩ rằng Kant đưa ra một điều chán ngắt là giác quan của chúng ta đem cho chúng ta một bản sao bất toàn hoặc một phỏng đoán thô sơ về thực tại. Tiểu thuyết kiêm triết gia Ayn Rand có lần đã tấn công Kant khi nói rằng tên đó có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe—nói tóm, các giác quan của tên đó bị lừa dối một cách căn bản. Nhưng điểm của Kant thì không phải là các giác quan của chúng ta không đáng tin cậy. Thật vậy, giác quan có thể đánh lừa chúng ta, khi chúng ta nhìn một cành cây thẳng ra cong vì một phần nó chìm trong nước. Con người đã tìm ra những cách để chấn chỉnh các sái lệch về giác quan. Kant thực sự ý thức điều này, và đó không phải là điều ông theo đuổi.
Lý luận của Kant là chúng ta không có căn bản gì để cho rằng sự nhận biết thực tại của chúng ta thì giống với chính thực tại. Cảm nghiệm của chúng ta về sự vật không thể nào thấu suốt sự vật như chúng thực sự như vậy. Thực tại đó vẫn luôn giấu kín khỏi chúng ta. Để thấy sức mạnh điểm của Kant, hãy tự hỏi mình: làm thế nào biết rằng cảm nghiệm thực tại thì "giống" như chính thực tại trong bất cứ cách nào? Thông thường chúng ta trả lời câu hỏi này bằng cách nghĩ về hai điều khác nhau. Tôi có thể nói chân dung của bà giáo của con tôi có giống bà ấy không bằng cách đặt tấm hình bên cạnh chính bà và so sánh. Tôi thiết lập mức độ sự thật giữa bản sao với nguyên bản. Tuy nhiên, Kant nói rõ là chúng ta không thể so sánh cảm nghiệm thực tại với chính thực tại. Tất cả những gì chúng ta có chỉ là cảm nghiệm, và đó là tất cả những gì chúng ta có thể có. Chúng ta chỉ có bản sao, nhưng không bao giờ có nguyên bản. Hơn thế nữa, bản sao đến với chúng ta qua các giác quan, trong khi nguyên bản hiện hữu độc lập với sự lĩnh hội của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không có căn bản gì để kết luận rằng cả hai có thể so sánh được, và khi chúng ta cho rằng cảm nghiệm của chúng ta phù hợp với thực tế, đó là một bước nhẩy vọt vô lý. Tuyệt đối không cách chi chúng ta biết được điều này.
Ở điểm này, thật quan trọng để biết rằng Kant không giảm bớt tầm quan trọng của cảm nghiệm hoặc của thế giới hiện tượng. Thế giới đó rất quan trọng, chỉ vì đó là tất cả những gì chúng ta có thể tiếp cận. Nó tạo nên toàn thể cảm nghiệm của con người và do đó là ý nghĩa quan trọng cho chúng ta. Thật hoàn toàn hữu lý để chúng ta tin ở thế giới hiện tượng, và dùng khoa học và lý lẽ để khám phá các nguyên tắc hoạt động của nó. Là một khoa học gia và toán học gia nổi tiếng, Kant không làm giảm giá trị của khoa học. Nhưng ông tin rằng khoa học phải được áp dụng đối với thế giới hiện tượng hơn là đối với thế giới noumenon (khác).
Nhiều phê bình gia còn cho rằng Kant từ chối sự hiện hữu của thực thể bên ngoài. Dứt khoát, điều này không phải là trường hợp. Kant không phải là người theo chủ thuyết hoài nghi trong nghĩa đó. Các triết gia khác, như Johann Fichte, đi theo con đường đó, nhưng không phải Kant. Với Kant, hiển nhiên noumenon hiện hữu bởi vì nó đã phát sinh ra hiện tượng mà chúng ta cảm nghiệm. Nói cách khác, cảm nghiệm của chúng ta là một cảm nghiệm điều gì đó. Hơn thế nữa, Kant đồng ý rằng có nhiều dữ kiện chắc chắn về thế giới này—tỉ như luân lý và tự do ý muốn—mà không thể hiểu được nếu không công nhận lãnh vực noumenon. Có lẽ cách tốt nhất để hiểu điều này là phải nhìn Kant đưa ra hai loại thực tại: thực tại mà chúng ta cảm nghiệm và chính thực tại. Điều quan trọng không phải là xác định cái nào thực hơn, nhưng là để nhận biết rằng lý lẽ con người chỉ hoạt động trong lãnh vực hiện tượng của cảm nghiệm. Chúng ta có thể biết rằng lãnh vực noumenon có hiện hữu, nhưng bên ngoài đó chúng ta không biết gì cả. Lý lẽ con người không thể thấu hiểu được chính thực tại.
Lý luận của Kant quá vững vàng đến độ những phê bình gia chỉ có thể trả lời ông điều mà chúng ta có thể gọi là sự chế diễu lẽ thường tình. Trong một bài của tờ Wall Street Journal, khi tôi thách thức Daniel Dennett hãy vạch trần lý luận của Kant, ông đã giận dữ phản ứng trong trang web của ông rằng một vài người trước đây đã bác bẻ lý lẽ của Kant. Nhưng ông không cho biết về sự bác bẻ ấy, và ông cũng không cho biết bất cứ tên tuổi nào. Căn bản, Dennett dựa trên argumentum ad ignorantium, lý luận dựa trên sự ngu dốt của độc giả. Ông hy vọng rằng những người tán dương ông sẽ tin rằng sự bác bẻ đó có ở đâu đó trong văn chương. Sự thật, không có sự bác bẻ nào.
Ý tưởng của Kant quá khác thường đến độ chúng tạo nên một sự chống đối không dựa trên lý trí. Nhận xét rằng thực tại có thể hoàn toàn khác biệt với cách nhận biết của chúng ta, điều đó dường như ngớ ngẩn, không thực tế, và không thể cho là quan trọng. Chúng ta chống đối Kant về phương diện cảm xúc, bất kể lý luận của ông có hấp dẫn đến thế nào. Thông thường, người có lý lẽ như ông Dennett sẽ phản ứng thiếu kiên nhẫn với Kant. Họ không thể trả lời lý lẽ của Kant, nhưng họ giả vờ rằng không cần thiết để trả lời. Thái độ này có thể gọi là "chủ nghĩa giáo điều" của lý lẽ. Chính lý lẽ quá chắc chắn đến nỗi nó từ chối để ý đến sự chỉ trích có tích cách hợp lý. Lý lẽ trở nên không hợp lý và bây giờ hoàn toàn dựa trên trực giác đơn giản hoặc "lẽ thường".
Tuy nhiên, lẽ thường không luôn luôn là một hướng dẫn bền bỉ đến chân lý. Lẽ thường nói với chúng ta rằng trái đất thì cố định và mặt trời xoay chung quanh nó. Lẽ thường nói với chúng ta rằng một vật thể thì tự nhiên sẽ ngừng lại và một vật chuyển động phải tự động ngừng lại. Lẽ thường nói với chúng ta rằng không gian và thời gian thì tuyệt đối. Tất cả những trực giác đơn giản này thì sai lầm. Thật vậy, những khám phá vĩ đại của khoa học hiện đai—từ Copernicus đến Galileo đến Newton đến Einstein đến Bohr đến Heisenberg—tất cả là những vi phạm lớn lao của trực giác. Đó là lý do trong một vài trường hợp những thiên tài đầu tiên đưa ra các ý tưởng đó đều bị coi là lập dị. Giờ đây, chúng ta biết những người lập dị đó thì đúng. Do đó, sự thật, chứ không phải quan điểm, là thực tại đôi khi rất lạ và trực giác không đem cho chúng ta một hình ảnh chính xác về thế giới. Nói lên điều đó không khác gì tự cho mình là ngu dốt. Triết gia Bertrand Russell đã có lần gọi trực giác là "siêu hình của sự không văn minh".
Kant biết rằng ông đang tạo ra một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết của con người. Cũng như Copernicus đã "đảo ngược" thế giới và mãi mãi thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về trái đất trong tương quan với mặt trời, thì Kant cũng coi triết lý của ông như tạo ra một loại cách mạng trong tư tưởng kiểu Copernicus. Dĩ nhiên người ta vẫn tiếp tục nhận biết thế giới theo thực tế--cũng như chúng ta tiếp tục đời sống hàng ngày mà không lo lắng gì về sự thật rằng trái đất của chúng ta đang di chuyển trong không gian với tốc độ hàng ngàn dặm một giờ--nhưng ngay cả như vậy, lãnh vực này được trình bầy như một ảo tưởng.
Ảo tưởng của thuyết hiện thực là nó lầm lẫn giữa cảm nghiệm của chúng ta về thực tại với chính thực tại. Các nhà hiện thực như Dennett nghĩ về chính họ như người theo chủ nghĩa hiện thực rất nghiêm nhặt, nhưng họ không thực tế đủ để nhận biết rằng tất cả những gì họ biết chỉ là cảm nghiệm và ngoài ra không còn gì khác. Chính Kant, người duy tâm siêu việt, khởi sự với cảm nghiệm và sau đó tiếp tục từng bước mà lý lẽ có thể chứng minh là đúng. Ngược lại, người theo chủ nghĩa thực nghiệm bắt đầu với một giả thuyết không thể kiểm chứng, và toàn thể triết thuyết của họ được xây dựng trên giả thuyết đầy hồ nghi. Người theo chủ nghĩa thực nghiệm cho rằng cảm nghiệm của họ bằng cách nào đó đã giúp họ tiếp cận với thực tại mà không có chứng cớ hay chứng minh. Cảm nghiệm đó quá trọn vẹn đến độ họ không thể tách rời được hai sự khác biệt ấy. Khi cho rằng cảm nghiệm và thực tại giống nhau, họ đã có một bước nhảy vọt và không đảm bảo, nhưng sự thất bại này của lý trí thì không dễ cho họ cũng như chúng ta nhận biết, bởi vì tâm trí con người có chiều hướng nghiêng về ảo tưởng: ảo tưởng rằng thực tại phải đúng như cách chúng ta cảm nghiệm nó. Điều cay đắng là nhiều người đi theo phương cách vô lý này lại tự nghĩ mình đang theo một con đường khó khăn của lý lẽ. Quan điểm của họ chỉ có thể thoát khỏi sự phân định tỉ mỉ một khi không tìm hiểu đến nền tảng của nó.
Về công trạng của họ, có một vài người "sáng chói" để ý đến Kant và thử trả lời lý lẽ của ông. Họ nói, Kant không thể đúng khi nói chúng ta không tiếp cận được thực tại, bởi vì bạn và tôi và mọi người khác cảm nghiệm cùng một thực tại. Khi chúng ta trong cùng một căn phòng, chúng ta thấy cùng cái đèn, cái bàn và sách trên kệ. Hiển nhiên những cái đó phải hiện hữu và chúng ta phải có thể tiếp cận với chúng; nếu không chúng ta sẽ không có cùng nhận thức về chúng. Nhưng câu trả lời của Kant là bởi vì chúng ta đều là con người, chúng ta có cùng giác quan, và nó hoạt động giống nhau trong mỗi người chúng ta. Bởi đó chúng ta có cùng một cảm nghiệm, nhưng cảm nghiệm là tất cả những gì chúng ta có. Chỉ vì chúng ta có cùng cảm nghiệm hay cảm nghiệm giống nhau, điều đó không có nghĩa bất cứ ai trong chúng ta có thể tiếp cận với một thực tại mà nó ở bên ngoài cảm nghiệm.
Nhà sinh vật học E.O. Wilson thử một chiến thuận khác. Ông nói, khoa học đem cho chúng ta các cảm nhận mới mà chúng có thể giúp chúng ta vượt ra ngoài những giới hạn của nhận thức trước đây. "Với sự giúp đỡ của các dụng cụ thích hợp, chúng ta có thể nhìn thế giới với đôi mắt của con bướm." Với kỹ thuật nhiếp ảnh ban đêm chúng ta có thể cảm nghiệm thế giới giống như kiểu cách của một con dơi. Wilson nói với chúng ta, "Cá liên lạc với nhau qua những chuỗi mã số điện. Các nhà động vật học, nhờ sử dụng máy móc, có thể cùng trò chuyện với chúng."
Nếu vào thời điểm này, bạn nắm vững lý lẽ của Kant, bạn sẽ thấy ngay là Wilson chẳng làm suy yếu gì lý lẽ ấy. Phải, chúng ta có thể dùng kỹ thuật nhiếp ảnh ban đêm, nhưng chúng ta vẫn nhìn hình ảnh với con mắt của loài người. Phải, chúng ta có thể dùng máy móc, nhưng chúng ta vẫn dùng đến ngũ quan để đọc, nghe, và giải thích những gì các máy móc thấy. Nói cách khác, dụng cụ nhận biết của con người là điều kiện cho toàn thể lãnh vực cảm nghiệm của chúng ta, và điều này luôn luôn là như vậy và tiếp tục như vậy một khi chúng ta là con người. Các khám phá khoa học tương lai không thể thay đổi các giới hạn này vì các khám phá đó sẽ được cảm nghiệm qua dụng cụ nhận biết hạn hẹp của con người. Kết luận của Kant là vấn đề của lý lẽ, trong chiều kích đầy đủ nhất của nó, thì không có giải pháp. Có những hạn chế thường xuyên và không thể tránh được đối với lý lẽ con người, và thật điên rồ khi cho rằng không có.
Trong khi kết luận rằng lý lẽ của chúng ta bị giam hãm trong ranh giới cảm nghiệm, và thực tại tự nó luôn được che giấu đối với chúng ta vì các giới hạn của giác quan, có lẽ đối với một số người, dường như đó là một ý tưởng thật kỳ lạ, nhưng sự thật nó ở ngay tâm điểm của triết lý Tây Phương. Trong tư duy Tây Phương, có lẽ trong sự ẩn dụ nổi tiếng nhất, Plato coi con người giống như sống trong một cái hang, tách biệt khỏi ánh sáng mặt trời, chỉ nhìn thấy bóng mà lầm tưởng là thực tại. Plato coi những nhận biết của chúng ta chỉ là hình ảnh của một thực tại sâu hơn và cao hơn, được gọi là hình thể Plato, mà ông định vị trí đâu đó bên ngoài lãnh vực cảm nghiệm của con người. Và thầy của Plato là Socrates, coi mình là người khôn ngoan nhất ở Athens bởi vì chỉ có mình ông biết rằng ông biết rất ít. Với tất cả những sáng tạo độc đáo, Kant thật đúng với dòng tư duy của Tây Phương.
Người am hiểu các học thuyết chính về các tôn giáo lớn trên thế giới thì không có khó khăn để hiểu Kant, vì quan điểm triết học của ông thì phù hợp với các dậy bảo của Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Các tôn giáo này chia sẻ cùng một quan điểm rằng thế giới thực nghiệm của chúng ta thì không chỉ là thế giới duy nhất. Thế giới chúng ta là thế giới chỉ có bên ngoài, một thế giới tạm thời tùy thuộc vào một thực thể cao hơn, không chịu ảnh hưởng của thời gian. Thực thể đó thuộc về một thứ tự hoàn toàn khác với những gì chúng ta biết, nó tạo nên một thực tại vĩnh viễn duy nhất, và nó duy trì thế giới và trình bầy thế giới cho các giác quan của chúng ta. Kitô Giáo dậy rằng trong khi lý lẽ có thể cho thấy sự hiện hữu của lãnh vực cao hơn này, đây là chỗ lý lẽ phải đứng lại: nó không thể điều tra hay hiểu về lãnh vực đó. Nhưng một ngày kia, như được hứa, khi hành trình trên trái đất của chúng ta qua đi, chúng ta sẽ biết lãnh vực cao hơn và thấy các sự vật đúng với bản chất của nó.
Nhà xã hội học Peter Berger viết, "Động lực tôn giáo, việc đi tìm ý nghĩa mà nó vượt trên không gian hạn hẹp của cảm nghiệm trong thế giới này, từng là một đặc điểm vĩnh viễn của con người." Bây giờ Kant đem lại cho niềm tin tôn giáo này một nền tảng hợp lý và hoàn toàn hiện đại. Thật vô cùng quan trọng để nhận biết rằng các ý tưởng của Kant thì hoàn toàn trần tục, trong khi chúng xác nhận các yếu tố cốt yếu của tư tưởng tôn giáo. Kant có được các ý tưởng ấy hoàn toàn dựa trên lý lẽ. Ông không dùng đến ngôn từ tôn giáo, cũng không dựa trên bất cứ đức tin nào. Nhưng khi cho thấy những giới hạn của lý lẽ, Kant nói, ông không "dọn chỗ cho đức tin."
Kant đã đưa chúng ta tới mức giới hạn của lý lẽ. Từ đó chúng ta cần một hướng dẫn khác nữa, nhưng Kant đã giúp khai thông con đường phải theo. Kant đã hoàn thành việc vạch trần thái độ tự phụ trí thức của thời đại Khai Sáng: cho rằng lý lẽ và khoa học là con đường duy nhất đến với thực tại và chân lý. Ngày nay, chúng ta vẫn có ảo tưởng này, vì tất cả những đòi hỏi tri thức của nó trên chúng ta, khiến cho tư tưởng của Kant trở nên vô cùng thích hợp. Do đó, những người "sáng chói" có thể vênh váo, nhưng Kant cho thấy họ trần truồng về trí thức. Và vì vậy, nhờ Kant, tình thế đã đảo lộn. Giờ đây người vô thần được cho thấy là độc đoán và kiêu căng, và tín đồ tôn giáo xuất hiện cách khiêm tốn và hợp lý. Trong khi người vô thần bướng bỉnh một cách ngạo mạn trong ảo tưởng là lý lẽ của họ thì hoàn toàn có khả năng suy đoán về tất cả mọi sự, người tín hữu trong kiến thức khiêm tốn của giới hạn con người, biết rằng còn có một thực tại vĩ đại hơn, và bên ngoài những gì giác quan và tâm trí chúng ta có thể thấu hiểu.

CHƯƠNG 16

TRONG BỤNG CÁ MẬP:
TẠI SAO PHÉP LẠ CÓ THỂ XẢY RA

"Để vội cười vào mọi điều kỳ diệu, chúng ta phải thấy thế giới này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng chúng ta chỉ có thể thi hành điều này khi nhìn vào thế giới với một cái nhìn cực kỳ nông cạn và thú nhận một cách chắc chắn rằng chúng ta lao mình vào một đại dương bí ẩn và khó hiểu và không có kiến thức thấu đáo và trực tiếp và không hiểu biết về sự vật hay chính chúng ta."
Arthur Schopenhauer

S
au khi đã thiết lập giới hạn của lý lẽ như bị gò bó trong thế giới cảm nghiệm, bây giờ chúng ta phải đương đầu với câu hỏi nhiều tranh luận. Trong thế giới khoa học và luật tự nhiên, phép lạ có xảy ra hay không? Trong thế kỷ hai mươi mốt, có thể nào tin được sự sinh hạ mà đồng trinh, và nước biến thành rượu và sống lại từ cõi chết không? Ở đây tôi sẽ cho thấy những ý tưởng đó hoàn toàn phù hợp với khoa học hiện đại, và lý luận nổi tiếng nhất chống đối các phép lạ--do triết gia David Hume đưa ra—có thể được chứng minh là vô căn cứ, dựa trên chính triết lý của Hume.
Vấn đề phép lạ thì cực kỳ quan trọng đối với Kitô Hữu, bởi vì Kitô Giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới tin vào phép lạ. Các tôn giáo khác, tỉ như Do Thái Giáo, có thể phúc trình hay công nhận phép lạ, nhưng chỉ có Kitô Giáo là tin tưởng vào phép lạ. Tôi đặc biệt nghĩ đến phép lạ tâm điểm của Kitô Giáo. Trong thư gửi tín hữu Côrintô 15:14, Phaolô viết rằng nếu Đức Kitô không sống lại, "lời rao giảng của chúng tôi thì vô dụng và đức tin của anh chị em cũng vậy." Nhưng sự phục sinh thì không phải là phép lạ duy nhất trong Tân Ước. Trong khi vị sáng lập Hồi Giáo, ngôn sứ Môhamét, chưa bao giờ cho rằng đã làm một phép lạ, Đức Kitô lúc nào cũng làm phép lạ. Người đi trên mặt nước, dẹp êm bão tố, nuôi ăn biết bao người, chữa người mù, và ngay cả cho Lagiarô sống lại sau khi đã chết. Nếu phép lạ không thể xảy ra thì Kitô Giáo không thể đáng tin.
Richard Dawkins sắc sảo nhận xét rằng các phép lạ tiêu biểu cho nền tảng mà trên đó tôn giáo và khoa học dường như có những xác nhận đối nghịch. Nhà sinh vật học Stephen Jay Gould lý luận trong cuốn Rocks of Ages rằng khoa học và tôn giáo có thể thoải mái chung sống khi hoạt động trong các lãnh vực riêng biệt: "Khoa học tìm cách ghi nhận đặc tính thực sự của thế giới tự nhiên… Đàng khác tôn giáo hoạt động trong lãnh vực cũng quan trọng không kém, nhưng vô cùng khác biệt, về mục đích, ý nghĩa và giá trị con người." Dawkins nhận xét rất đúng rằng sự phân biệt này không luôn luôn như vậy. Lý do là vì tôn giáo cũng có những thừa nhận về thiên nhiên. Cựu Ước cho biết Môsê đã tách nước Biển Đỏ, và Giôna sống trong bụng cá mập. Tân Ước nói về một trinh nữ tên là Maria nhưng đã thụ thai, và một người tên là Giêsu đã thi hành biết bao điều ngoài sự giải thích của con người.
Dawkins nói, "Khoa học được dựa trên các chứng cớ có thể minh xác". Theo Dawkins, các câu chuyện phép lạ của Kitô Giáo là "những xâm phạm hiển nhiên vào lãnh vực khoa học. Mỗi một phép lạ này chẳng khác gì một thừa nhận khoa học, một vi phạm đến sự hoạt động bình thường của thế giới tự nhiên." Hậu quả là, "bất cứ sự tin tưởng nào ở phép lạ đều hoàn toàn trái với không chỉ dữ kiện khoa học nhưng còn trái với tinh thần khoa học." Thật vậy, trong sự thẩm định của Dawkins, phép lạ thì không gì khác hơn "khoa học tồi tệ." Cũng như các quy luật khoa học không thể vi phạm, các phép lạ cũng không thể xảy ra. Bởi đó, người có lý trí "phải tẩy chay phép lạ."
Nhiều Kitô Hữu phái tự do quá sợ hãi quyền lực khoa học đến độ họ thi hành bất cứ gì để xua đuổi phép lạ. Khi làm như vậy, họ dựa trên một truyền thống nghiên cứu kinh thánh dựa trên cuốn Life of Jesus của David Strauss, được phát hành đầu tiên năm 1835. Strauss coi phép lạ là những điều hoang đường. Làm thế nào Đức Giêsu có thể nuôi hàng ngàn người ăn với một vài miếng bánh và cá? Có lẽ Người có kho thực phẩm bí mật, hoặc dân chúng đem đến thức ăn của họ. Làm thế nào Đức Giêsu đi trên mặt nước? Có lẽ một tấm ván nổi ngay bên dưới. Làm thế nào Đức Giêsu cho Lagiarô sống lại sau khi chết? Có lẽ Lagiarô bị thôi miên. Làm thế nào Đức Giêsu bước ra khỏi mộ? Có lẽ Người không sống lại nhưng điều quan trọng là các môn đệ tin như thế và niềm tin đó đã khiến họ đầy niềm vui và hy vọng. Những giải thích này thực sự được các nhà thần học đưa ra. Họ tẩy chay phép lạ bằng cách tẩy chay Kitô Giáo.
Tôi có ý định chứng minh rằng phép lạ có thể xảy ra bằng cách bác bỏ lý lẽ mạnh mẽ nhất chống với phép lạ. Tôi không có ý định bào chữa tính cách xác thực của một phép lạ nào đó. Tôi chỉ nói rằng không nên vội bác bỏ phép lạ như phản khoa học hay không thể tin được. Cũng như mọi Kitô Hữu, tôi thú nhận rằng phép lạ thì không chắc—đó là lý do chúng ta dùng chữ phép lạ--nhưng những biến cố không chắc thì có thể và đã xảy ra, và điều này cũng đúng với phép lạ.
Lý lẽ mạnh mẽ nhất chống đối phép lạ được đưa ra bởi triết gia hoài nghi David Hume trong cuốn Enquiry Concerning Human Understanding. Lý lẽ của ông được người vô thần nêu lên rất nhiều; Dawkins và Christopher Hitchens, cả hai đều viện dẫn sách ấy để bào chữa cho việc tẩy chay phép lạ. Hume lý luận rằng:
  1. Phép lạ là một vi phạm với những quy luật tự nhiên đã được biết.
  2. Chúng ta biết các quy luật này qua kinh nghiệm được tái diễn và liên tục.
  3. Lời chứng của những người báo cáo về phép lạ thì trái nghịch với sự hoạt động của quy tắc khoa học đã được biết.
  4. Hậu quả là, dựa trên lý trí, không ai có thể tin ở phép lạ.
Việc Hume chống đối phép lạ có ảnh hưởng rất lớn, nhưng nó cũng có thể được trả lời một cách hữu hiệu. Để trả lời việc ấy, chúng ta phải quay về với công việc của chính Hume. Bài viết của ông cho thấy tại sao kiến thức loài người thì quá hạn hẹp và không đáng tin đến độ không thể hoàn toàn gạt bỏ tính cách khả dĩ của phép lạ. Tội nghiệp, khi trình bầy lý lẽ chống đối phép lạ, Hume dường như quên đọc lại chính cuốn sách của ông. Sự bác bẻ của tôi sẽ cho thấy:
  1. Phép lạ là một vi phạm đến những quy luật tự nhiên đã được biết.
  2. Dựa trên giải thích của Hume, các quy tắc khoa học không thể xác minh về cảm nghiệm.
  3. Bởi đó, các vi phạm của luật tự nhiên đã được biết thì rất có thể.
  4. Do đó, phép lạ có thể xảy ra.
Để thấy ảnh hưởng của Hume, chúng ta phải quay về với các môn đệ thời nay của ông, những người tự nhận là thuộc về chủ nghĩa thực chứng hữu lý (logical positivist). Người vô thần và "sáng chói" không dùng chữ này, nhưng nếu bạn nghiên cứu các điều giả định của họ bạn sẽ thấy họ dựa trên chủ nghĩa thực chứng hữu lý. Một người thực chứng hữu lý nghĩ rằng khoa học hoạt động trong lãnh vực có thể kiểm chứng được về quy luật và sự kiện, trong khi luân lý hoạt động trong lãnh vực chủ quan và không thể kiểm chứng được những lựa chọn và giá trị. Người thực chứng hữu lý tin rằng kiến thức khoa học là loại kiến thức tốt nhất, và bất cứ gì trái với các thừa nhận của khoa học thì phải bị loại bỏ, coi là vô lý. Những người này đầy dẫy chung quanh chúng ta. Nhiều người rất có giáo dục và họ lên tiếng với một thái độ đoan quyết, do đó, ngay cả những người không đồng ý với điều họ nói cũng gặp khó khăn để trả lời họ.
Với người thực chứng hữu lý, có hai loại phát biểu: những phát biểu có tính cách phân tích và phát biểu tổng hợp. Một phát biểu phân tích là sự phát biểu mà tính cách chân thật hay giả dối có thể được xác định bằng việc xem xét chính lời phát biểu. Nếu tôi nói, "Ông hàng xóm của tôi là người độc thân có một cô vợ trẻ đẹp", bạn biết ngay là tôi không nói thật. Chữ độc thân có nghĩa "chưa kết hôn", bởi thế một người độc thân không thể có vợ. Với Hume, toán học đem lại một thí dụ cổ điển của các chân lý có thể phân tích. Các định lý toán học thì đúng bởi định nghĩa; người ta có thể nói chúng là chân lý cố hữu.
Một phát biểu tổng hợp có thể được minh xác bằng cách kiểm điểm sự kiện. Nếu tôi nói, "Người hàng xóm của tôi nặng ba trăm cân và thích đọc sách của Richard Dawkins," bạn không thể biết điều đó có thật hay không qua sự phát biểu ấy. Bạn phải đến thăm người hàng xóm của tôi và hỏi ông ta. Hume lý luận rằng sự phát biểu phân tích thì đúng theo tiên nghiệm (a priori), tỉ như, bởi định nghĩa. Phát biểu tổng hợp, ngược lại, thì đúng theo hậu nghiệm (a posteriori), tỉ như, bằng cách nhìn vào chứng cớ. Với Hume, khoa vật lý cung cấp chuẩn mực của chân lý tổng hợp. Qua phương pháp khoa học—giả thuyết, thực nghiệm, minh chứng, và phê bình—chúng ta có thể khám phá ra các chân lý tổng hợp về thế giới.
Trên căn bản này, Hume đưa ra sự bác bỏ nổi tiếng về siêu hình, mà ông không coi có bất cứ chân lý nào. Hãy nghĩ đến điều thừa nhận của tôn giáo rằng "có đời sau" hoặc "Thiên Chúa dựng nên vũ trụ." Điểm của Hume là những phát biểu này không đúng bởi định nghĩa, cũng không thể được minh chứng bằng cách xem xét sự kiện. Hậu quả là, ông lý luận, ngay cả nhưng phát biểu này thì không đúng—chúng vô nghĩa. Hume viết, "Nếu chúng ta xem xét bất cứ sách nào—tỉ như, về thần tính hay trường phái siêu hình—chúng ta hãy hỏi, nó có chứa đựng bất cứ lý luận trừu tượng nào về phẩm chất hay số lượng không? Không. Nó có chứa đựng bất cứ cảm nghiệm nào về sự kiện thực tế hay kinh nghiệm không? Không. Vậy hãy đốt nó đi, vì nó không chứa đựng gì cả mà chỉ là ngụy biện và ảo tưởng."
Đôi khi điều này được coi là nguyên tắc của Hume về kinh nghiệm có thể kiểm chứng. Nó chỉ cho phép hai loại sự thật: những điều đúng bởi định nghĩa và những điều đúng bởi kinh nghiệm xác nhận. Tuy nhiên, ngay ở đó chúng ta thấy có vấn đề. Chúng ta hãy áp dụng chính tiêu chuẩn của Hume với học thuyết của chính ông: Nguyên tắc có thể minh xác có đúng bởi định nghĩa không? Không. Vậy, có cách nào để xác nhận nó về cảm nghiệm không? Một lần nữa, không. Hậu quả là, theo lời khuyên của Hume, chúng ta phải đốt cháy nguyên tắc của ông bởi vì nó chỉ là điều sai lạc, nó còn không mạch lạc.
Có một vấn đề khác trong lý luận của Hume, không hiển nhiên nhưng thật trầm trọng. Cần phải có thiên tài Immanuel Kant vạch ra điều mà Hume đã hoàn toàn không chú ý. Trái với sự khẳng định của Hume, các định lý toán học không có tính cách phân tích. Hãy nghĩ đến định lý nổi tiếng trong hình học của Euclid , "khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng." Điều này dường như hiển nhiên đúng, và tuy vậy nó không thể được xác nhận bằng việc xem xét lời phát biểu. Trong định nghĩa ấy không có gì làm cho nó đúng. Vậy làm thế nào để biết nó đúng? Chúng ta phải kiểm điểm. Chính khi chúng ta chấm hai điểm trên tờ giấy và vẽ một đường ngang qua chúng thì mới có thể nhận xét rằng khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng. Kant cho thấy rằng nhiều định lý toán học khác thì thuộc loại này.
Tôi nhắc đến việc Kant sửa sai Hume không có nghĩa rằng các định lý toán học này thì sai. Điều tôi muốn nói là tính cách xác thực của nó chỉ có thể thiết lập bởi sự tổng hợp. Chúng ta chỉ có thể tiến hành bằng cách nhìn đến dữ kiện. Do đó, một cách tổng quát các quy tắc toán học giống như quy tắc khoa học. Chúng ta chỉ có thể xác định chúng bằng cách nghiên cứu thế giới chung quanh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thế giới chung quanh, chúng ta làm đảo lộn sự khám phá đầu tiên của Hume.
Các quy tắc khoa học không thể được kiểm chứng. Chúng không thể được minh xác bằng cảm nghiệm. Khoa học được dựa trên luật nhân quả, và luật ấy cũng không thể được minh xác bằng cảm nghiệm. Lý luận của Hume là một trái bom. Kết quả cho đến ngày nay là những ứng dụng mà rất ít người lĩnh hội, và cho đến hôm nay bóng ma Hume vẫn tiếp tục ám ảnh các hành lang của khoa học hiện đại. Thật lý thú khi thấy người có học, kể cả những người tự cho là "sáng chói", tiếp tục rêu rao về khoa học rằng nó được bùng nổ hai thế kỷ trước đây bởi Hume.
Tại sao quy tắc khoa học không thể kiểm chứng? Câu trả lời của Hume là không có sự quan sát nào, dù vĩ đại bao nhiêu, có thể được dùng để rút ra một kết luận tổng quát vô giới hạn mà nó có thể bào chữa một cách hợp lý. Nếu tôi nói mọi con thiên nga đều mầu trắng và coi đó là giả thuyết khoa học, làm thế nào tôi có thể minh chứng điều đó? Bằng cách kiểm điểm các con thiên nga. Một triệu con. Hoặc mười triệu con. Dựa trên điều này tôi có thể nói một cách tin tưởng rằng mọi thiên nga đều mầu trắng. Điểm của Hume là tôi không thực sự biết điều này. Ngày mai, rất có thể tôi trông thấy con thiên nga mầu đen, và quy tắc khoa học của tôi cũng vậy.
Đây không phải là một thí dụ nhỏ nhặt. Hàng ngàn năm trước khi khám phá ra Úc Châu, người ở Tây Phương chỉ thấy thiên nga mầu trắng. Hậu quả là toàn thể thế giới Tây Phương coi thiên nga đương nhiên có mầu trắng, và thành ngữ "trắng như thiên nga" rải rác trong văn chương Tây Phương. Chỉ khi người Âu Châu đặt chân đến Úc Châu, lần đầu tiên họ thấy con thiên nga đen. Điều mà trước đây được coi là chân lý không thể vi phạm, nay đã phải rút lui.
Ở điểm này, người ta có thể đoán rằng các tay quán quân khoa học ngày nay hân hoan vỗ lưng nhau và nói, "Phải, và đây là điểm tuyệt vời về khoa học. Nó luôn luôn rộng mở để được sửa sai và bổ túc. Thất bại là mẹ thành công." Chắc là như vậy. Carl Sagan ca tụng các khoa học gia như chính ông vì họ có "truyền thống kiểm điểm sự tranh luận của nhau." Quan điểm của Sagan được lập lại nơi Daniel Dennett, ông viết, "Các phương pháp khoa học thì không phải không sai lầm, nhưng chúng có thể hoàn thiện vô hạn định… Có một truyền thống phê bình mà nó thúc ép sự tiến bộ bất cứ khi nào và bất cứ đâu khám phá ra sự thiếu sót."
Nói như vậy là quên đi điểm của Hume, đó là ngay tự đầu khoa học không thể được chứng minh là đúng khi đưa ra các quy tắc này. Tất cả quy tắc khoa học đều không thể kiểm chứng về kinh nghiệm. Làm thế nào chúng ta biết ánh sáng di chuyển với tốc độ 186,000 dặm một giây? Chúng ta đo nó. Nhưng chỉ vì chúng ta đo thấy vận tốc đó một lần, hay mười lần, hay một tỉ lần, điều đó không có nghĩa ánh sáng luôn luôn và ở bất cứ đâu di chuyển với vận tốc đó. Chúng ta chỉ thừa nhận điều này, nhưng chúng ta không biết nó có như vậy không. Ngày mai, có thể chúng ta tìm thấy một hoàn cảnh mà trong đó ánh sáng di chuyển với một vận tốc khác, và rồi chúng ta sẽ nhớ đến thiên nga đen.
Nhưng quy tắc khoa học không thể nào xuất phát từ sự liên hệ hợp lý giữa nguyên nhân và hậu quả sao? Không. Hume lý luận, bởi vì không có sự liên hệ hợp lý giữa nguyên nhân và hậu quả. Có thể chúng ta thấy biến cố A và sau đó là biến cố B, và chúng ta cho rằng biến cố A tạo ra biến cố B, nhưng chúng ta không biết chắc. Tất cả những gì chúng ta quan sát là một tương quan, và dù biết bao tương quan đi nữa cũng không thể gộp thành một liên hệ tất yếu.
Hãy để ý một minh họa đơn giản. Một đứa bé lần đầu tiên làm rơi trái banh xuống mặt đất. Nó ngạc nhiên khi thấy trái banh nẩy lên. Sau đó chú của đứa bé, người tốt nghiệp Massachusetts Institute of Technology, giải thích cho nó rằng thả một vật tròn như trái banh sẽ làm cho nó nẩy lên. Ông ta có thể giải thích điều này bằng những chữ như đặc tínhkết quả. Nếu những chữ này có nghĩa, chúng phải ám chỉ điều gì đó bằng cảm nghiệm. Nhưng bây giờ hãy nghĩ đến câu hỏi thâm sâu mà Hume nêu lên: cảm nghiệm nào mà ông chú này có mà đứa bé đó không có? Hume nhận xét, sự khác biệt là ông chú này đã nhìn thấy nhiều trái banh nẩy lên. Mỗi lần ông thả trái banh xuống đất là nó nẩy lên. Và mỗi lần ông thấy ai đó làm điều ấy, kết quả giống vậy. Đây là điều căn bản—và là căn bản độc nhất—về sự hiểu biết cao hơn của ông chú.
Bây giờ Hume rút ra một kết luận hấp dẫn: trên căn bản, ông chú này không có cảm nghiệm gì khác hơn đứa trẻ. Ông chỉ lập lại cảm nghiệm này nhiều lần. Do đó, chính thói quen khiến ông nghĩ, "Vì mình đã thấy điều này xảy ra nhiều lần trước đó, bởi vậy nó phải xảy ra nữa." Nhưng ông này không chứng minh một sự liên hệ tất yếu, chỉ là một mong đợi xuất phát từ kinh nghiệm quá khứ. Làm thế nào ông biết rằng kinh nghiệm quá khứ sẽ lập lại mỗi lần như vậy trong tương lai? Sự thật, ông không biết. Theo phương cách này Hume kết luận rằng quy tắc nhân quả không thể được kiểm chứng. Hume không từ chối là thiên nhiên có quy tắc, nhưng ông không cho rằng chúng ta biết được các quy tắc đó. Khi chúng ta đề ra quy tắc, Hume đề nghị rằng đây chỉ là một cách long trọng tuyên bố rằng, "Đây là sự phỏng đoán tốt nhất của chúng ta dựa trên những thử nghiệm từ trước."
Nhân tiện, cũng không bác bẻ Hume khi nói, "Phải nhìn nhận rằng khoa học không 100 phần trăm đúng, nhưng tối thiểu chúng 99.9 phần trăm đúng. Chúng có thể không chắc, nhưng chúng rất có thể là sự thật." Làm thế nào bạn xác định lời tuyên bố đó? Làm thế nào bạn minh chứng, tỉ như, quy tắc bình phương nghịch đảo của Newton ? Nó nói rằng mọi vật thể trong vũ trụ sẽ thu hút vật thể khác với một sức tỷ lệ thuận với khối lượng và tỉ lệ nghịch với số bình phương khoảng cách giữa chúng. Quy tắc này không thể kiểm tra ngoại trừ phải thật sự đo được sự tương quan giữa mọi vật thể trong vũ trụ. Và vì đó là điều bất khả, không có số lần thử nghiệm nào có thể đi đến kết luận về tính cách khả dĩ của lời phát biểu của Newton . Mười triệu lần thử không thể xác định 99.9 có thể xảy ra—hoặc ngay cả 50 phần trăm có thể xảy ra—bởi vì có thể hai mươi triệu lần chưa được thử mà trong đó có thể người ta tìm thấy quy tắc Newton chưa hoàn hảo.
Tại điểm này chúng ta phải để ý đến sự bực tức của nhà thiên văn Neil deGrasse Tyson. Tyson tin rằng đó là điều nực cười khi nói rằng các quy tắc khoa học không đáng tin: "Sự thành công của khoa học dựa trên sự kiện mà nó có hiệu quả." Nếu khoa học không chính xác định rõ tính chất của thế giới thì máy bay sẽ không bay được và người ta không được chữa lành khi được chữa trị. Phi cơ có bay và người ốm được chữa lành trong các bệnh viện, và trên căn bản đó khoa học phải được coi là đúng. Tyson khinh bỉ nói rằng, thà bay trong chiếc phi cơ được cấu tạo theo các quy tắc vật lý hơn là ngồi trên một chiếc "được cấu tạo bằng các quy tắc của nhà tử vi."
Tôi đồng ý là khoa học hữu hiệu—và bạn sẽ không thấy lý luận nào khác của tôi về các giới hạn của nhà tử vi—nhưng không phải mọi quy tắc khoa học đều đương nhiên đúng trong mọi trường hợp. Hãy nghĩ đến sự nhận biết bàng hoàng này. Các quy tắc Newton được coi là tuyệt đối đúng trong gần hai thế kỷ. Chúng hoạt động một cách thật tốt đẹp. Thật vậy, trong các phát biểu chung không ai phải chịu quá nhiều kiểm chứng có tính cách cảm nghiệm. Mọi bộ máy dùng đến các nguyên tắc của nó, và toàn thể cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ được dựa trên vật lý học và động lực học của Newton . Newton được minh chứng là đúng hàng triệu lần trong một ngày, và các lý thuyết của ông dẫn đến các thành quả vật chất bất ngờ. Tuy vậy, các lý thuyết của Einstein về sự tương đối đã đối nghịch với Newton, và bất kể số lần kiểm chứng không thể đếm được, các quy tắc Newton được chứng minh là sai trong một số trường hợp hoặc tối thiểu không đầy đủ. Điều này không có nghĩa các quy tắc của Einstein thì tuyệt đối đúng; trong tương lai có thể chúng được cho thấy là sai lầm trong những khía cạnh nào đó.
Từ những thí dụ như vậy, triết gia Karl Popper kết luận rằng không một quy tắc khoa học nào có thể cho rằng minh chứng được điều gì cả, trong một ý nghĩa tích cực. Khoa học không thể minh chứng lý thuyết, nó chỉ có thể chứng minh là sai.10  Khi chúng ta rộng rãi thử nghiệm một lý thuyết, và nó không được chứng minh là sai, chúng ta có thể tạm thời tin nó là đúng. Tuy nhiên, điều này không phải vì lý thuyết được chứng minh, hay ngay cả vì dường như nó đúng. Đúng hơn, chúng ta theo phương cách này vì, thực tế mà nói, chúng ta không có cách nào tốt hơn để theo. Chúng ta tin lý thuyết ấy dù còn nghi ngờ cho đến khi tìm thấy điều gì khác hơn. Không có gì sai trái trong tất cả những điều này một khi chúng ta nhận biết rằng các quy tắc khoa học thì không phải "quy tắc thiên nhiên". Chúng là quy tắc của con người, và chúng tiêu biểu một hình thức phỏng đoán tốt nhất về thế giới. Điều chúng ta gọi là quy luật thì không gì khác hơn những khuôn khổ và hàng loạt những quan sát được. Chúng ta nghĩ thế giới hoạt động theo phương cách này cho đến khi cảm nghiệm tương lai minh chứng ngược lại.
Tôi đang trình bầy trường hợp hồ nghi ở đây không phải vì muốn tán thành triết lý của Hume (hay của Popper) một cách không dè dặt. Đúng hơn, mục đích của tôi là lật đổ lý luận phản đối phép lạ của Hume bằng cách dùng chính triết lý về cảm nghiệm và hoài nghi của ông. Hume cả quyết rằng các phép lạ vi phạm quy luật của thiên nhiên, nhưng tôi nói rằng triết lý hoài nghi của chính Hume cho thấy rằng chẳng có luật thiên nhiên nào được biết. Các phép lạ chỉ có thể bị bác bỏ nếu quy tắc khoa học thì tất nhiên đúng—nếu chúng thú nhận là không có ngoại lệ. Nhưng Hume từng giải thích rằng vì không có định đề gì về cảm nghiệm để chúng ta biết đây là trường hợp. Các phép lạ chỉ có thể được coi là phản khoa học nếu sự hiểu biết của chúng ta về tương quan nhân quả quá rộng rãi đến độ chúng ta có thể tin tưởng bác bỏ quan hệ nhân quả thần thánh, và bởi đó chúng ta không thể bỏ qua tính cách khả dĩ của quan hệ nhân quả thần thánh trong những trường hợp ngoại lệ.
Khi nói về phép lạ, chúng ta có thể muốn nói đến, hoặc một biến cố cực kỳ hiếm có, tuy có thể xảy ra về phương diện khoa học, hoặc một biến cố mà cách nào đó mâu thuẫn với các quy tắc thiết định của tự nhiên. Hãy nghĩ đến câu hỏi liệu một người chết có thể sống lại hay không. Chúng ta có thể coi điều này không thể có trong trường hợp đặc biệt vì không ai thấy điều đó xảy ra. Mọi cố gắng về y khoa để làm người chết sống lại đều thất bại. Nhưng điều đó không có nghĩa việc người chết sống lại là một vi phạm đến luật tự nhiên. Có ai dám chắc rằng trong tương lai, những tiến bộ y khoa sẽ không thể đạt đến điểm có thể phục hồi người chết? Dĩ nhiên không. Do đó sự tuyên bố khoa học rằng người chết không thể sống lại là một sự thật có tích cách thực tế--hữu ích cho đời sống hàng ngày—nhưng nó không phải là một chân lý tất yếu.
Nhưng nếu chúng ta trông thấy người chết sống lại trong tương lai, thì có thể rằng người chết đã từng sống lại trong quá khứ, trong một hoặc nhiều trường hợp. Ở đây tôi không cho rằng điều này đã xảy ra, tôi chỉ nói rằng nếu nó có thể xảy ra một ngày nào đó, thì có thể trước đây nó đã xảy ra. Tính cách khả dĩ không thể bị hạn chế với các biến cố tương lai. Nếu nó đã xảy ra trong quá khứ, nó sẽ là một phép lạ. Nếu nó xảy ra trong tương lai, chúng ta gọi đó là một tiến bộ khoa học. Bất cứ cách nào, nó có thể xảy ra, không vì luật tự nhiên tất nhiên bị lật đổ, nhưng vì chúng ta không biết đầy đủ về các quy luật ấy.
Phép lạ cũng có thể được coi như những tạm ngưng thực sự của luật tự nhiên, và ở đây cũng vậy, không có gì trong khoa học hay sự hữu lý để nói rằng những điều này không thể xảy ra. Ai nói rằng những quy tắc này thì không thể thay đổi? Không có bằng chứng nào cho một kết luận vội vàng như thế. Hiển nhiên, nếu Thiên Chúa hiện hữu, phép lạ có thể xảy ra. Với Thiên Chúa, hiển nhiên không có những giới hạn bên ngoài lãnh vực tự nhiên. Ngay cả các vật lý gia hiện đại nhìn nhận rằng luật tự nhiên không được áp dụng ở ngoài thế giới tự nhiên. Không có gì "lạ lùng" về thiên đàng hay hỏa ngục vì lý do đơn giản rằng không có luật tự nhiên hoạt động bên ngoài vũ trụ.
Nhưng ngay cả trong thiên nhiên, Thiên Chúa không thể bị giới hạn. Như tác giả cuốn tiểu thuyết, Thiên Chúa hoàn toàn trách nhiệm cốt truyện. Làm thế nào Người lại bị ràng buộc bởi các quy tắc và tình tiết mà Người đặt ra? Nếu Thiên Chúa bỗng dưng gián đoạn "tính cách hợp lý" của câu chuyện, kết quả chắc chắn sẽ tan vỡ và hoang mang. Nhưng đây là điểm của phép lạ, để phá vỡ tiến trình bình thường của sự vật và lôi kéo sự chú ý đến điều gì đó xảy ra bên ngoài câu chuyện. Nếu Thiên Chúa dựng nên vũ trụ Người cũng tạo nên các quy luật tự nhiên, và Người có thể thay đổi chúng vào lúc nào đó nếu muốn.

CHƯƠNG 17

CANH BẠC HOÀI NGHI:
PASCAL VÀ TÍNH CÁCH HỢP LÝ CỦA ĐỨC TIN

"Có Thiên Chúa hay không có Thiên Chúa. Cả một sự xáo trộn bất tận tách biệt chúng ta. Tại tận cùng của khoảng cách vô tận này, một cuộc chơi đang tiếp diễn và đồng tiền sẽ xấp hay ngửa. Bạn đánh cuộc như thế nào?"
Blaise Pascal, Pensées

T
ính cách khả dĩ của phép lạ đã được cho thấy (xem chương trước), bây giờ chúng ta có thể tiếp tục khảo sát xem đức tin có hợp lý hay không. Mới thoạt nhìn, điều này dường như là một việc mâu thuẫn. Làm thế nào có thể dùng sự hợp lý để bào chữa cho sự vô lý? Ở đây tôi có ý định cho thấy rằng đức tin thì không cách nào trái ngược với lý lẽ. Đúng hơn, đức tin là phương cách duy nhất để khám phá các chân lý ở bên ngoài lãnh vực của lý lẽ và cảm nghiệm. Dựa trên triết gia và toán học gia Blaise Pascal, tôi có ý lý luận rằng canh bạc của người vô thần đối với sự hiện hữu của Thiên Chúa thì hiển nhiên vô lý. Với những gì chúng ta biết và không biết sẽ xảy ra sau khi chết, không còn cách nào khác là phải cân nhắc lợi thế. Khi thi hành điều này, chúng ta khám phá thấy rằng từ quan điểm của chính lý lẽ, người thông minh thì đánh cá có đức tin. Có đức tin là một điều có ý nghĩa.
Với nhiều người, các kết luận này dường như ngạc nhiên, vì đối với họ đức tin vẫn là một ý niệm rắc rối và nhiều khi xúc phạm. Stephen Jay Gould khảo sát một trường hợp nổi tiếng trong Phúc Âm Gioan khi ông Tôma từ chối không tin Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Ông nói, "Nếu tôi không nhìn thấy tay có dấu đinh của Người, và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi sẽ không tin." Bởi thế Đức Giêsu hiện ra với ông Tôma và cho phép ông được nhìn và chạm đến, và ông Tôma nói, "Lậy Chúa là Thiên Chúa của tôi." Đức Giêsu trả lời, "Tôma, vì con thấy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin." Gould nhận xét, "Tôi không thể nghĩ đến một phát biểu xa lạ với các quy tắc khoa học nào khác hơn … lời trừng phạt của Đức Giêsu đối với Tôma".
Với Daniel Dennett, đức tin gợi ra hình ảnh ông già Nôen và chú thỏ Easter Bunny, là những niềm tin thích hợp cho con nít nhưng chắc chắn không phải cho người lớn. Carl Sagan viết rằng trong khi khoa học "không đòi hỏi chúng ta bất cứ gì về đức tin", tôn giáo "thường yêu cầu chúng ta tin mà không thắc mắc." Từ quan điểm của Richard Dawkin, đức tin là "một tình trạng tâm trí mà nó dẫn đưa người ta đến sự tin tưởng điều gì đó—bất kể là gì—trong khi hoàn toàn thiếu chứng cớ hỗ trợ… Đối với tôi, đức tin dường như đúng là một loại bệnh tâm thần."
Thoạt nhìn, thái độ thù nghịch của người vô thần đối với đức tin có vẻ khó hiểu. Chúng ta thường quyết định dựa trên đức tin. Chúng ta thường tín thác vào giới có thẩm quyền và hành động dựa trên những xác nhận của họ mà chúng ta không muốn hay không thể kiểm chứng. Tôi không có mặt tại trận chiến Waterloo , nhưng tôi thực sự tin rằng cuộc chiến ấy đã xảy ra. Tôi chưa bao giờ ở Papua New Guinea , nhưng tôi biết chắc là có quốc gia đó. Tôi tin tưởng vào lời của những người mà họ sống ở đó, và tôi tin tưởng vào bản đồ. Tương tự như vậy, tôi tin tưởng vào sự kiểm soát không vận và phi công mỗi khi tôi bước lên máy bay.
Nếu chúng ta quá tỉ mỉ dựa vào sự tin tưởng thì đời sống hiện đại sẽ trở nên bất khả cũng giống như chúng ta cứ nhất quyết dựa trên chứng cớ và sự minh xác trước khi tiến hành. Làm thế nào để biết hạt ngũ cốc thì an toàn trước khi ăn? Làm thế nào để biết chắc là chiếc xe của tôi không bị nổ tung dọc đường? Tại sao tôi phải coi người đối thoại với tôi qua điện thoại thì đương nhiên đang ở đó? Làm thế nào để biết lá phiếu của tôi bầu cho ứng cử viên tổng thống ấy sẽ được đếm và không bị gian lận?
Một câu trả lời là tôi biết điều đó vì "phương cách ấy" đang hoạt động. Tôi ăn món ngũ cốc và tôi thấy khỏe khoắn. Tôi lái xe và nó đưa tôi đến sở làm. Và vân vân. Tôi có thể tin tưởng vào kỹ thuật, ngân hàng, bản đồ, và hệ thống dân chủ bởi vì chúng đem lại sự tốt lành. Nhưng đây không phải là lý luận chống đối đức tin tôn giáo, bởi vì, đối với tín hữu, đức tin cũng đem lại sự tốt lành. William James vạch ra điểm này trong cuốn The Varieties of Religious Experience. Đức tin nơi Thiên Chúa, đối với hàng triệu tín đồ, thường được minh chứng là đúng trong đời sống hàng ngày. Người ta tin tưởng vào Thiên Chúa vì sự trung tín và tình yêu của Người trong cùng một phương cách họ tin tưởng người phối ngẫu—qua cảm nghiệm lâu dài và bền bỉ. Thật vậy, tín đồ tin tưởng vào Thiên Chúa còn hơn tin tưởng vào hãng máy bay, bản đồ, và máy điện toán, và điều này cũng được dựa trên chứng cớ có tính cách cảm nghiệm. Máy điện toán sẽ hỏng, bản đồ sẽ lỗi thời, và hãng máy bay sẽ lộn xộn. Nhưng Thiên Chúa thì không.
Tuy nhiên, sự bảo vệ đức tin này thì chưa đủ, bởi vì đức tin tôn giáo thì không chỉ bao gồm những gì làm thỏa mãn nhu cầu và ý muốn của con người, nhưng còn bao gồm chân lý. Đức tin thừa nhận những loại đặc biệt. Linh hồn thì bất tử và có sự sống sau cái chết. Trên thiên đàng có Thiên Chúa, Đấng tìm cách kết hợp vĩnh viễn với chúng ta. Thiên đàng là nơi của những ai tín thác vào Thiên Chúa, trong khi những người từ chối Thiên Chúa thì ở một nơi khác. Và vân vân. Những thừa nhận này thì không thể kiểm chứng, và vì vậy chúng rất khác biệt với các thừa nhận về Papua New Guinea hoặc Waterloo . Tôi có thể minh xác niềm tin của tôi bằng cách đến Papua New Guinea hoặc bằng cách lục lọi trong hồ sơ lịch sử về cuộc chiến Waterloo . Nhưng tôi không cách chi biết rằng linh hồn tôi sẽ sống ngoài thân xác, hoặc có vị thẩm phán chí công ở thiên đàng. Những điều này ở ngoài lãnh vực cảm nghiệm, và vì vậy chúng ở ngoài khả năng con người kể kiểm chứng. Như Kant đã cho thấy, chúng ở bên ngoài lý lẽ.
Nhưng từ điểm này, Kant không kết luận rằng đức tin tôn giáo thì vô lý. Trái lại, ông lý luận rằng ngoài lãnh vực lý trí, không cách chi có những quyết định vô lý dựa trên đức tin. Điểm quan trọng ở đây là trong thế giới cảm nghiệm hay hiện tượng, chúng ta ở một vị trí để đưa ra một công thức dựa trên kinh nghiệm và trắc nghiệm và kiểm chứng và lý luận. Trong thế giới ấy, đó là điều dị đoan để cho đó là đức tin khi điều ấy không được hỗ trợ bởi chứng cớ và lý lẽ. Tuy nhiên, ngoài thế giới hiện tượng, các tiêu chuẩn này không được áp dụng, cũng như các quy tắc vật lý chỉ áp dụng cho vũ trụ chúng ta chứ không phải vũ trụ khác.
Do đó khi Christopher Hitchens thường bài bác các thừa nhận tôn giáo dựa trên căn bản rằng "điều có thể khẳng định mà không có chứng cớ thì cũng có thể bị bác bỏ mà không có chứng cớ," ông đang đưa ra điều mà các triết gia thường gọi là một sai lầm về phạm trù. Ông dùng tiêu chuẩn cảm nghiệm để phán đoán những điều nằm bên ngoài lãnh vực cảm nghiệm. Ông muốn có chứng cớ từ một lãnh vực mà các quy tắc bình thường về minh chứng không áp dụng. Bên ngoài khả năng của lý trí và cảm nghiệm, sự thiếu chứng cớ không thể được dùng như bằng chứng của sự thiếu sót.
Điều đáng chú ý, nhiều người ngày nay muốn sống với giả sử rằng không có Thiên Chúa, không có đời sau, và không có thực thể bên ngoài thế giới cảm nghiệm. Những người này không những tự nhận là vô thần nhưng họ còn là người bất khả tri giáo (agnostic), mà sự ngu dốt tự nhận của họ biến thành chủ thuyết vô thần trên thực tế. Thường với nụ cười tự mãn, họ nói, "Tôi không thể tin vì tôi không biết." Thái độ này khác thường vì hai lý do. Thứ nhất, họ hoàn toàn không thắc mắc gì về những câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời: Tại sao chúng ta ở đây? Có phải cuộc đời chỉ có vậy? Điều gì xảy ra khi chúng ta chết? Những bí ẩn vĩ đại này thúc giục mọi người phải suy nghĩ về hoàn cảnh của mình, và tuy vậy vẫn có người từ chối suy nghĩ về các bí ẩn đó. Họ tiếp tục đòi hỏi chứng cớ về một loại mà nó không có ở đây. Thái độ của họ thì cũng kỳ dị vì nó cho thấy họ không ý thức gì về sự giới hạn của lý trí. Không thể có chứng cớ có tính cách cảm nghiệm vì các giác quan không thể thấu hiểu một lãnh vực ở bên ngoài cảm nghiệm.
Khi lý trí đạt đến giới hạn, có hai điều khả dĩ. Chúng ta có thể dừng lại, hoặc chúng ta có thể tiếp tục. Một số nhà tư tưởng, tỉ như triết gia Ludwig Wittgenstein, lý luận rằng bên ngoài những gì chúng ta có thể khẳng định bằng lý lẽ, chúng ta không khẳng định gì cả. Wittgenstein viết, "Chúng ta không đến được đáy của sự vật, nhưng đến một điểm mà không thể đi xa hơn nữa, là nơi chúng ta không thể thắc mắc gì thêm." Với câu hỏi, "Đằng sau sự chết có gì?" Wittgenstein từ chối trả lời bằng cách này hay cách khác. Chắc chắn là ông không trả lời "Chẳng có gì cả", như sự tin tưởng sai lầm của Richard Dawkins hay Sam Harris. Ông không thể nói như vậy là vì ông không biết.
Câu trả lời này—"Tôi không biết"—là một phát biểu của loại bất khả tri giáo. Nó bao gồm sự gián đoạn phán đoán khi đối diện với sự ngu dốt mà hiển nhiên cao hơn chủ thuyết vô thần. Tuy vậy, thật lạ lùng, hình thức bất khả tri giáo này lại được chia sẻ bởi tín đồ tôn giáo. Người tín hữu cũng không biết. Trong Do Thái 11:1, Kinh Thánh viết đức tin đó là "bản chất của những gì hy vọng, là chứng cớ của điều không trông thấy." Nếu người tín hữu đã biết, sẽ không còn vấn đề đức tin. Hãy nghĩ điều này: tôi không tin rằng con tôi ở lớp bẩy. Tôi biết con tôi ở lớp bẩy. Tôi chưa ở thiên đàng, và vì vậy tôi không thể nói là tôi biết chỗ đó. Nhưng tôi tin có thiên đàng. Đức tin là một bày tỏ sự tin tưởng mà chúng ta không biết rõ. Đức tin nói rằng dù tôi không biết rõ điều gì, tôi tin điều đó có thật.
Từ điểm này chúng ta rút ra một kết luận mà sẽ làm ngạc nhiên nhiều người vô thần, ngay cả một vài Kitô Hữu: sự hồ nghi là thói quen thích hợp của tâm trí người có đức tin. Có một câu chuyện trong Phúc Âm Máccô 9:17-24 về một ông đến với Đức Kitô để xin chữa lành cho con ông bị quỷ ám. Đức Giêsu nói với ông, "Nếu ông có thể tin, thì mọi sự đều có thể." Và người này thưa, "Thưa Chúa, tôi tin. Xin giúp cho sự hồ nghi của tôi." Đây là lời cầu xin của mọi tín hữu đích thật. Kitô hữu có đức tin ngay cả khi họ không rõ, trong khi người không có đức tin thì từ chối không muốn tin bởi vì họ không rõ. Thói quen hồ nghi của tâm trí thì thật tự nhiên đối với Kitô Hữu cũng như đối với người không có đức tin.
Đức tin tôn giáo thì không trái ngược với lý lẽ. Mục đích của đức tin là để khám phá các chân lý vô cùng quan trọng đối với chúng ta tuy chúng không thể biết được qua các phương tiện tự nhiên. Wittgenstein tuyên bố nổi tiếng trong cuốn Tractatus rằng "nếu mọi vấn đề khoa học có thể được trả lời, các vấn nạn về đời sống vẫn chưa được đụng đến chút gì" Vấn đề là khoa học hoạt động trong một lãnh vực, và những câu hỏi quan trọng nhất của đời sống—Tại sao tôi ở đây? Tôi phải yêu thương như thế nào? Tôi phải sống cho cái gì?—nằm bên ngoài lãnh vực ấy. Đức tin là một toan tính để chạm đến lãnh vực bên ngoài cảm nghiệm và soi sáng cho các câu hỏi ấy. Cả hai ông Kant và Wittgenstein đều nói đây là điều bất khả, nhưng họ muốn nói sự bất khả theo hoạt động của lý lẽ. Có thể có một cách khác.
Đối diện với những câu hỏi tối quan trọng về sự hiện hữu của con người, triết gia Brian Magee viết, "Chúng ta, như những người lính bị giam hãm trong một thành trì, đang không ngừng và tuyệt vọng tìm kiếm một lối thoát xuyên qua các bức tường thành, và chúng ta chỉ có hy vọng, dù thể hiện được hay không, có một đường hầm, nhờ các kiểu đột nhập khác nhau, sẽ đưa vào bên trong thành trì ấy mà không phải xuyên thủng các bức tường." Câu này là một diễn tả tuyệt vời về việc đức tin tìm ra một con đường mà lý lẽ bế tắc. Mục đích thì giống nhau, đi tìm chân lý, nhưng hành trình đức tin tiếp tục khi lý lẽ bỏ cuộc săn đuổi. Nếu người bất khả tri giáo muốn giã từ vũ khí và bỏ cuộc, họ không thể bực dọc với các tín hữu là người sẵn sàng thử một con đường mới để tìm ra đỉnh cao nhất.
Người tín hữu dùng đức tin để đi vào một lãnh vực mới, đó là sự mặc khải. Ở đây không còn sự lựa chọn nào khác bởi vì lý lẽ thực sự đã cạn kiệt. Người tín hữu tin rằng sự mặc khải sẽ tiết lộ các chân lý được giấu kín khỏi lý lẽ. Người tín hữu không tin "một cách mù quáng" nhưng đúng ra với "đôi mắt rộng mở." Kitô Hữu dựa vào đức tin không để ngăn chặn sức mạnh tự nhiên của con người nhưng để dẫn dắt họ thấy được rõ ràng hơn. Họ mong đợi sự mặc khải sẽ tái phục hoạt và hướng dẫn lý trí của họ. Châm ngôn của Thánh Augustine được áp dụng ở đây: "Hãy tin và bạn sẽ hiểu." Đó là lý do tại sao người tín hữu thật bối rối khi người vô thần kết án họ là vất bỏ khả năng tri thức. Nhà phê bình xã hội Michael Novak nói rằng "việc sử dụng lý lẽ thì hơi giống như dùng đến mắt trần, trong khi 'dựa trên đức tin' thì giống như mang cặp kính được điều chỉnh tuyệt hảo… để hiểu được các chiều kích vô hình của thực tại."
Trong khi chúng ta có kiến thức về một ý nghĩ hay một đề nghị, chúng ta có đức tin ở một con người. Daniel Dennett phải cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng người này không phải là Ông Già Nôen hay chú thỏ Easter Bunny. Đức tin tôn giáo là một khẳng định của niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và vào quyền năng cũng như sự đáng tin cậy của Người. Nếu có một thượng đế, Đấng đã dựng nên vũ trụ với sự lưu tâm đặc biệt cho con người, thì thật hữu lý để cho rằng, vì chúng ta không có khả năng tìm ra Người, Người sẽ tìm đến với chúng ta theo phương cách của Người. Người tín hữu cho rằng khi con người không thể đến với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ đến với loài người. Đức tin là một loại quà tặng. Nó là phương cách để Thiên Chúa tiết lộ chính Người cho chúng ta qua sự mặc khải. Nếu Thiên Chúa không làm như vậy, không cách chi loài người chúng ta tìm ra Người và Người sẽ vẫn tách biệt với các thụ tạo của Người.
Pascal bắt đầu với định đề của Kant rằng "bước sau cùng của lý lẽ là phải nhận biết có vô tận những điều trổi vượt hơn lý lẽ." Trong một vài bài viết, Pascal đồng ý rằng thật may mắn cho loài người vì những chân lý cao vời có thể được biết qua đức tin thay vì lý lẽ. Nói cách khác, đức tin thì có cho mọi người. Nếu phương cách duy nhất để tìm kiếm Thiên Chúa là qua lý lẽ thì những người tài giỏi sẽ tìm ra con đường ấy và những người kém thông minh sẽ bị loại trừ. Vào được thiên đàng sẽ giống như vào đại học Harvard. Hiển nhiên Thiên Chúa muốn có nhiều người vào thiên đàng hơn là nhiều tiến sĩ; dường như Người sẵn sàng dành chỗ cho các ngư phủ và những người khiêm tốn. Lý lẽ là dòng dõi quý tộc, nhưng đức tin thuộc chế độ dân chủ.
Tuy nhiên, tại sao chúng ta chọn đức tin khi đứng trước sự hồ nghi? Câu hỏi hắc búa chính yếu của con người là đề tài nổi tiếng của canh bạc Pascal. (Pascal không phát minh ra canh bạc này; nó được đưa ra bởi thần học gia Hồi Giáo Abu Hamed al-Ghazali trong cuốn The Alchemy of Happiness [thuật tôi luyện hạnh phúc]. Pascal rất quen thuộc với al-Ghazali và có lẽ lấy lý luận này từ ông ta). Pascal trình bầy canh bạc theo lối cổ điển, và khi làm như vậy ông đã đề ra một sự lựa chọn không thể tránh né cho tất cả những người "sáng chói," người bất khả tri giáo, và người vô thần.
Pascal lý luận rằng cuộc đời chúng ta là một canh bạc. Giả sử bạn được đề nghị một công việc mới mà vì đó sẽ giúp bạn thăng tiến sự nghiệp. Nó rất hứa hẹn, nhưng dĩ nhiên cũng có những rủi ro. Không có cách chi biết trước là sự việc sẽ ra sao. Bạn phải quyết định có nên nhận hay không. Hoặc bạn đang yêu một người nào đó. Bạn đã hẹn hò trong một thời gian, nhưng bạn không thể biết chắc là hôn nhân với người ấy có kéo dài vài chục năm hay không. Bạn hành động dựa trên căn bản những gì đã biết, nhưng điều đã biết, theo bản chất tự nhiên của vấn đề, thì chưa đủ. Tuy nhiên, bạn phải quyết định. Bạn không thể tiếp tục nói rằng, "Tôi vẫn là một người theo chủ thuyết bất khả tri cho đến khi tôi biết chắc." Nếu bạn chờ đợi quá lâu, người yêu bạn sẽ kết hôn với ai đó, hoặc cả hai sẽ chết.
Tương tự như vậy, Pascal lý luận rằng khi quyết định về Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ biết trước được mọi sự. Biết bao nhiêu cuộc điều tra cũng không thể đưa đến một câu trả lời chắc chắn, cũng như điều gì xảy ra sau khi chết thì vẫn là điều bí ẩn. Bởi đó chúng ta phải nghiên cứu những lựa chọn và phải đánh cuộc. Nhưng những lựa chọn khác là gì, và làm thế nào để chúng ta cân nhắc hơn thiệt? Pascal lý luận rằng chúng ta có hai sự lựa chọn căn bản, và dù lựa chọn nào đi nữa, chúng ta phải nghĩ đến nguy cơ khi chọn sai.
Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa và hóa ra Thiên Chúa không có thật, chúng ta đối diện với nguy cơ thiệt thòi: sự sai lầm siêu hình. Nhưng nếu khi còn sống, chúng ta từ chối Thiên Chúa, và hóa ra là Thiên Chúa có thật, sự nguy cơ còn lớn lao hơn nữa: sự tách biệt đời đời với Thiên Chúa. Dựa trên hai kết quả khả dĩ này, Pascal tuyên bố rằng có đức tin nơi Thiên Chúa thì ít thiệt thòi hơn. Khi đối diện với một kết quả không biết rõ, người có lý trí thì sẵn sàng từ bỏ những gì là hữu hạn để đổi lấy phần thưởng vô hạn mà họ có thể giành được. Pascal viết, "Chúng ta hãy cân nhắc sự thiệt thòi và lợi lộc khi đánh cá về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu bạn thắng, bạn thắng mọi sự. Nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả. Vậy đừng do dự: hãy đánh cá là Thiên Chúa hiện hữu."
Sự khéo léo của lý luận Pascal là nó nhấn mạnh đến sự cần thiết thực tế phải lựa chọn. Sự cần thiết này bị bắt buộc vì cái chết. Sẽ đến một ngày không có ngày mai, và rồi tất cả chúng ta phải bỏ phiếu chống hay thuận. Quyết định không thể tránh né đó cho thấy sự ngu xuẩn vô cùng của "thái độ thờ ơ," làm ra vẻ không có gì quan trọng trong khi đó thực sự là vấn đề sinh tử. Người thờ ơ và bất khả tri giáo từ chối lựa chọn trong khi không thể tránh né. Bởi thế, sự từ chối lựa chọn trở nên một sự lựa chọn—lựa chọn chống đối Thiên Chúa.
Pascal còn phơi bầy lập trường của người vô thần là những người tự cho mình là can đảm và cô độc đối diện với địa ngục. Chúng ta thán phục một người kiên trì khi đối diện với những nghịch cảnh không thể tránh né. Nếu chúng ta biết trong vũ trụ chỉ có chúng ta và chết là hết, thì không còn gì khác hơn là chúng ta phải đứng vững trong thân xác hay chết và nguyền rủa bóng tối. Nhưng chúng ta sẽ nghĩ gì về một người sẵn sàng đương đầu với định mệnh khốc liệt mà họ có cơ hội ngăn ngừa? Nếu bạn bị lọt bẫy sư tử và ở đó có cánh cửa để thoát, nhưng bạn từ chối không nhẩy qua cánh cửa ấy, liệu bạn có bình thường không? Theo kiểu cách đó, lập trường của người vô thần trở nên một loại không khoan nhượng, một quyết định của người liều lĩnh muốn chơi trò may rủi với linh hồn mình.
Đôi khi người vô thần bày tỏ sự trở ngại là tại sao Thiên Chúa không làm cho sự hiện diện của Người rõ ràng hơn. Carl Sagan rất hữu ích khi đề nghị rằng để xua tan những hồ nghi về sự hiện diện của Người, "Thiên Chúa có thể ghi khắc Mười Điều Răn trên mặt trăng." Pascal đưa ra lý do hợp lý cho điều ông gọi là sự ẩn giấu của Thiên Chúa. Ông viết, có lẽ Thiên Chúa muốn ẩn giấu khỏi những ai không muốn gặp gỡ Người trong khi tiết lộ Người cho những tâm hồn sẵn sàng đón tiếp Người. Nếu Thiên Chúa tự biểu thị đến độ chúng ta không thể từ chối Người, thì Người đã ép buộc chúng ta. Pascal nhận xét rằng có lẽ Thiên Chúa không muốn được nhận biết bởi mọi người, nhưng chỉ bởi những tạo vật nào tìm kiếm Người.
Người vô thần biết rõ về sức mạnh của canh bạc Pascal. Christopher Hitchens không còn cách nào khác hơn là phát động một cuộc tấn công ad hominem vào Pascal (tấn công cá tính hơn là lý luận), cho rằng Pascal là một người "đạo đức giả" và "lọc lừa".  Richard Dawkins tuyên bố lý luận của Pascal thì "thật kỳ quặc". Và tại sao? Bởi vì "sự tin tưởng không phải là điều bạn có thể quyết định giống như một vấn đề chính sách. Tối thiểu, nó không phải là điều mà tôi có thể quyết định hành động như một hành vi của ý muốn." Dĩ nhiên, Dawkins thì đúng về điều này, nhưng thực sự vấn đề nằm ở điểm ông có muốn tin và có muốn mở lòng đón nhận lời mời đức tin hay không. Như chúng ta sẽ thấy ở một chương sau, có nhiều động lực tâm lý để cưỡng lại lời mời gọi này.
Pascal viết có hai loại người hợp lý trong thế gian: "những người phục vụ Thiên Chúa với tất cả tâm hồn vì họ biết Người, và những người tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả tâm hồn vì họ không biết Người." Pascal nhìn nhận rằng đức tin là một quà tặng. Chúng ta không thể đòi hỏi đức tin nhưng chỉ có thể xin Thiên Chúa ban cho chúng ta. Trong khi chờ đợi, cách tốt nhất là sống một cuộc đời tốt lành và có luân lý, và sống như thể Thiên Chúa thực sự hiện diện. Và đọc lời cầu nguyện của người hoài nghi, mà tôi lấy từ triết gia Peter Kreeft:
Lậy Chúa, con không biết là Ngài có hiện diện hay không. Con là người hoài nghi. Con hồ nghi, con nghĩ có lẽ Ngài là một huyền thoại. Nhưng con không chắc (tối thiểu khi con thực sự thành thật với chính mình). Vậy, nếu Ngài hiện diện, và nếu Ngài hứa sẽ thưởng ban cho những ai tìm kiếm Ngài, ngay bây giờ Ngài phải đang nghe con. Do đó, con tự tuyên bố con là một người tìm kiếm, một người tìm kiếm chân lý, bất cứ gì và ở bất cứ đâu, con muốn biết chân lý và sống chân lý ấy. Nếu Ngài là chân lý, xin hãy giúp con.
Kinh Thánh hứa rằng những ai tìm kiếm Thiên Chúa trong phương cách này với sự thành tâm thì sẽ tìm thấy Người.

CHƯƠNG 18

NGHĨ LẠI TÒA THẨM TRA:
TỘI ÁC TÔN GIÁO ĐƯỢC THỔI PHỒNG

""Người tốt làm điều tốt và người xấu làm điều xấu, nhưng để người tốt làm điều xấu—điều đó cần đến tôn giáo."
Steven Weinberg, Facing Up

C
hương trước đây đã tìm cách trả lời các lý luận của giới trí thức nhằm chống Kitô Giáo được trình bầy cách lưu loát bởi các người vô thần nổi tiếng hiện nay. Trong một vài chương kế tiếp, chúng ta sẽ xoay sang các lý luận về luân lý của họ và để ý đến điều họ kết án rằng Kitô Giáo còn tệ hơn sự vô lý—nó xấu xa. Trong nhiều thế kỷ, chính Thiên Chúa phán xét loài người và các giáo sĩ Kitô Giáo là người đưa ra các cáo buộc về tội lạc giáo và vô luân. Giờ đây, con người chễm chệ trên ghế quan tòa và chỉ tay kết tội Thiên Chúa, và Kitô Giáo phải trả lời cho sự cáo buộc về tội nuôi dưỡng sự dữ và đe dọa hòa bình. Trong chương này tôi sẽ điều tra xem tôn giáo có phải là nguồn tranh chấp và gây ra sự chết trên thế giới, và nếu vậy, liệu thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôn giáo.
Các nhà vô thần nổi tiếng rất thành công trong việc thuyết phục hàng triệu người—kể cả người đạo đức—rằng tôn giáo từng là tai ương của lịch sử. Trong cuốn The End of Faith, Sam Harris gọi tôn giáo là "nguồn uy lực lớn lao của sự tranh chấp nhân loại, quá khứ và hiện tại." Steven Pinker viết rằng "các tôn giáo đem cho chúng ta việc ném đá, thiêu sống phù thủy, thập tự chinh, tòa thẩm tra, thánh chiến, ôm bom tự sát, và bắn người trong chỗ phá thai." Trong một cuốn sách khác, Pinker thêm vào những vi phạm khác mà ông gán cho tôn giáo; ông nói con người tin rằng Thiên Chúa ra lệnh cho họ "thảm sát người Midianite, ném đá gái điếm, hành quyết người đồng tính luyến ái, giết người bội giáo và bất trung, ném người Tin Lành khỏi cửa sổ, không cấp thuốc cho trẻ em hấp hối, và đâm máy bay vào các tòa nhà chọc trời."
Kitô Giáo thường là mục tiêu cho sự chỉ trích về luân lý của người vô thần. Trong cuốn Why I Am Not a Christian, triết gia Bertrand Russell lý luận "toàn thể luận điệu rằng Kitô Giáo có ảnh hưởng nâng cao luân lý chỉ có thể được duy trì bởi sự ngu dốt của toàn thể hoặc sự xuyên tạc chứng cớ lịch sử." Bình luận gia Robert Kuttner kể cả trường hợp chống đối Kitô Giáo: "Thập Tự Chinh nhân danh Đức Giêsu giết hại hàng triệu người. Tòa Thẩm Tra đem đến sự tra tấn và giết hại hàng triệu người hay hơn. Sau Martin Luther, Kitô Hữu giao tranh đẫm máu với Kitô Hữu trong ba thế kỷ."
Cả những sự nguy hiểm mà tôn giáo đề ra cũng không phai nhạt với thời gian. Richard Dawkins thăm dò Trung Đông, vùng Balkan, Bắc Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ, và Sri Lanka và đồng ý rằng "hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những vụ bạo động vì thù hận trên thế giới ngày nay" là vì "các động lực chia rẽ của tôn giáo." Bởi thế ảnh hưởng hiện nay của tôn giáo thì rất nguy hiểm, nhất là Hồi Giáo cực đoan và Kitô Hữu giáo điều, mà Daniel Dennett sợ rằng "sự điên cuồng độc hại của tôn giáo sẽ chấm dứt văn minh nhân loại một cách bất ngờ."
Vấn đề là sự phê bình này đã thổi phồng quá đáng những vi phạm của người tôn giáo cuồng tín trong khi bỏ quên hay bào chữa cho nhiều tội ác lớn lao khác của người đời hay người vô thần cuồng tín. Đây là chủ đề cho hai chương sắp tới, trong đó chúng ta sẽ khảo sát tường tận hơn dữ kiện lịch sử mà sự chỉ trích viện dẫn. Tôi có ý định chứng minh rằng quan điểm cho tôn giáo là nguồn chính yếu của những sự sát hại và tranh chấp trong lịch sử thì hoàn toàn sai lầm—thật vậy điều đó chỉ được nêu lên bởi những người nhất định không muốn biết hoặc xuyên tạc dữ kiện.
Hãy bắt đầu với Thập Tự Chinh, được diễn tả một cách sống động bởi James Carroll như "một bộ tội ác trong lịch sử thế giới" mà "dấu vết của bạo lực còn hằn in trên mặt đất và trí nhớ con người mãi cho đến ngày nay." Là một người Công Giáo, Carroll là một thí dụ điển hình của nhiều tín hữu Kitô tự do đã hấp thụ luận điệu của trần tục rằng Thập Tự Chinh minh chứng cho sự tàn bạo của tôn giáo. Trong một kiểu cách khá huê dạng, Carroll dùng ngôn ngữ mạnh bạo của mình khi nói vai trò của Kitô Hữu trong các cuộc Thập Tự Chinh. Nhưng về sự khủng khiếp gây ra bởi phía Hồi Giáo, ông lại dè dặt thấy rõ. Ở đây chúng ta có một học thuyết quen thuộc: tôn giáo thì xấu nhưng Kitô Giáo thì tệ hơn nữa.
Nhưng điều đó có đúng không? Hãy nhớ rằng trước khi có sự nổi lên của Hồi Giáo, vùng chúng ta gọi là Trung Đông phần lớn là Kitô Hữu. Cũng có người Zoroastri ở Persia và Do Thái ở Palestine , nhưng hầu hết dân chúng trong vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Iraq , Syria , Giođan, và Ai Cập là Kitô Hữu. Những nơi linh thiêng của Kitô Giáo—nơi Đức Kitô giáng trần, sinh sống, và từ trần—là trong vùng đó. Được khuyến khích bởi lời kêu gọi thánh chiến của Hồi Giáo, các đạo quân của Môhamét xâm lăng Giêrusalem và toàn thể Trung Đông. Sau đó họ tiến về phía nam vào Phi Châu, phía đông vào Á Châu, và phía bắc vào Âu Châu. Họ xâm chiếm nhiều phần nước Ý và hầu hết Tây Ban Nha, tràn lấp vùng Balkan, và chuẩn bị cho sự xâm nhập mà sẽ đem toàn thể Âu Châu, lúc bấy giờ được gọi là các quốc gia Kitô Giáo, dưới quyền cai trị của Hồi Giáo. Sự đe dọa của Hồi Giáo quá nặng nề đến nỗi Edward Gibbon tiên đoán rằng nếu Tây Phương không chiến đấu chống lại "có lẽ kinh Koran sẽ được dậy trong các trường ở Oxford, và các tăng lữ của nó sẽ dậy cho dân tộc cắt bì biết về tính cách bất khả xâm phạm và chân lý của Mặc Khải Môhamét."
Trên hai trăm năm sau khi các đạo quân Hồi Giáo xâm chiếm Trung Đông và tiến vào Âu Châu, sau cùng Kitô Hữu đã phản công. Được tập hợp bởi đức giáo hoàng và các triều đại đang cai trị Âu Châu, trong thế kỷ mười một, người tín hữu Kitô đã cố gắng giành lại phần đất trung tâm Kitô Giáo và bảo vệ chống với dân quân Hồi Giáo. Những nỗ lực này bây giờ được gọi là Thập Tự Chinh. (Chữ này là một sáng chế về sau; nó không được dùng bởi người Kitô Giáo và Hồi Giáo tham dự các cuộc chiến đó).
Ai là các Thập Tự Quân? Sử gia Jonathan Riley-Smith bác bỏ ý tưởng rằng họ là những người xâm lăng tham lam hay các tên sát nhân. Đúng hơn, ông nói họ là người di dân. Họ đáp lời kêu gọi của Chúa Kitô là "hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mà theo Ta." Nhiều người liều mất tài sản và sinh mạng. Cấp lãnh đạo không cung cấp gì cả--các thập tự quân được trông đợi mang theo ngựa, súc vật, và dụng cụ. Chứng cớ cho thấy họ tham dự không vì mục đích có thêm của cải là khi trở về họ nghèo hơn lúc ra đi. Phải, có cướp bóc, đánh phá trên đường đi, nhưng Riley-Smith nói điều này xảy ra vì Thập Tự Quân phải chuẩn bị lương thực để sinh tồn.
Thập Tự Quân I là một thành công. Kitô Hữu lấy lại Giêrusalem năm 1099 và giữ được trong vài thập niên. Sau đó Hồi Giáo tái nhóm và đánh Thập Tự Quân tan tác. Saladin tái chiếm Giêrusalem năm 1187. Các cuộc Thập Tự Chinh sau đó đều thất bại, và Giêrusalem vẫn dưới sự cai trị của Hồi Giáo. Bởi vậy Thập Tự Quân có thể coi như một nỗ lực chậm chạp, vụng về và không thành công để đánh bại đế quốc Hồi Giáo. Tuy nhiên, Thập Tự Chinh thì quan trọng vì đại diện cho một cuộc chiến đấu vì sự sinh tồn của Âu Châu. Nếu không có Thập Tự Chinh, văn hóa Tây Phương có thể hoàn toàn bị tàn phá bởi các lực lượng Hồi Giáo. Thập Tự Chinh cũng còn được coi như tiền thân của các chuyến thám hiểm của Âu Châu mà nó đã mở đầu cho kỷ nguyên hiện đại. Chắc chắn người ta có thể tranh luận về giá trị của các mục tiêu này, và cũng có những đoàn viễn chinh hãm hiếp và giết người trong các Thập Tự Chinh mà không ai có thể bào chữa. Ngay cả vậy, những sự hoành hành này không định rõ tính chất của toàn thể Thập Tự Chinh. Trong khung cảnh lịch sử chiến trận, không có lý do xác đáng để nghĩ rằng Thập Tự Chinh là một tội ác lịch sử thế giới dù bất cứ loại nào. Kitô Hữu chiến đấu để bảo vệ khỏi sự ngoại xâm, trong khi người Hồi Giáo chiến đấu để tiếp tục xâm lăng các phần đất của Kitô Hữu.
Và Tòa Thẩm Tra thì sao? Các sử gia hiện đại giờ đây xác định rằng các hình ảnh ghê sợ của Tòa Thẩm Tra thì phần lớn là chuyện tưởng tượng được pha chế bởi các đối thủ chính trị của Tây Ban Nha—chính yếu văn sĩ Anh là người khuôn đúc sự hiểu biết của người Hoa Kỳ về biến cố ấy—và sau này bởi các kẻ thù chính trị của tôn giáo. Cuốn The Spanish Inquisition của Henry Kamen được làm phụ đề cho "A Historical Revision," và đó là một cuốn sách dầy, bởi vì Kamen nhiều lần sửa chữa. Một trong những chương được gọi là "Inventing the Inquisition." Ông muốn nói rằng phần lớn bản rập khuôn hiện nay về Tòa Thẩm Tra thì thực chất là bịa đặt.
Kamen nói rõ, Tòa Thẩm Tra "chỉ có thẩm quyền trên Kitô Hữu." Ý tưởng cho rằng Tòa Thẩm Tra nhắm đến người Do Thái là sự tưởng tượng. Những người Do Thái chịu ảnh hưởng của Tòa Thẩm Tra là người Do Thái đã trở lại Kitô Giáo.  Có một số kha khá những người này khi Vua Ferdinand và Hoàng Hậu Isabella ra một sắc lệnh vào năm 1492 trục xuất người Do Thái khỏi Tây Ban Nha. Cách duy nhất để được ở lại là phải cải đạo. Dĩ nhiên, nhiều Kitô Hữu nghi ngờ rằng một số những "tân tòng" này không phải là Kitô Hữu thực sự. Họ là Do Thái giả dạng Kitô Hữu. Điều thú vị là sự cáo buộc những người "tân tòng" này lại xuất phát từ người Do Thái khi họ giận dữ thấy người đồng hương của họ từ bỏ Do Thái Giáo. Những người Do Thái này không sợ phải làm chứng trước Tòa Thẩm Tra bởi vì họ là người Do Thái nên được miễn trừ khỏi sự tài phán. Kamen nói rõ, chính đại pháp quan tòa thẩm tra, Tomás de Torquemada, có tổ tiên là người Do Thái.
Các phiên xử của Tòa Thẩm Tra, theo Kamen, thường công bằng và khoan dung hơn các tòa đời, không chỉ ở Tây Ban Nha nhưng còn trên toàn Âu Châu. Thường hình phạt ban ra là một số hình thức sám hối, tỉ như ăn chay hoặc điều mà chúng ta ngày nay gọi là "dịch vụ công cộng." Bao nhiêu người bị hành quyết vì tội lạc giáo bởi Tòa Thẩm Tra? Kamen ước lượng khoảng 2,000. Các sử gia đương thời ước lượng từ 1,500 đến 4,000. Những cái chết này đều bi thảm, nhưng chúng ta phải nhớ rằng nó kéo dài trong khoảng thời gian 350 năm.
Thí dụ hay nhất về việc tôn giáo gây ra bạo động ở Mỹ Châu là các phiên xử phù thủy ở Salem . Bao nhiêu người bị giết trong các phiên tòa đó? Hàng ngàn? Hàng trăm? Thực sự, ít hơn hai mươi lăm. Mười chín người bị tử hình, và một vài người chết vì tù đầy. Tuy vậy, các phiên xử phù thủy được ghi lại trong sách, phim ảnh, và kịch bản như The Crucible của Arthur Miller. Miller muốn dùng các phiên xử Salem như báo trước sự thiệt hại nặng nề của phong trào McCarthy, nhưng ông không biết rằng thí dụ của ông thực sự đã minh chứng ngược lại. Tuy các phiên xử này sai lầm, chúng chỉ gây thiệt hại cho một ít người. Người chết thì ít, tiếng ồn ào thì nhiều.
Thật thích thú khi thấy các văn gia vô thần tìm cách phóng đại sự khủng khiếp của các phiên tòa phù thủy. Trong cuốn The Demon-Haunted World, Carl Sagan viết về các phiên tòa phù thủy ở Âu Châu, "Không ai biết rõ tất cả bao nhiêu người chết—có lẽ hàng trăm ngàn, có lẽ hàng triệu." Đó là một "có lẽ" lớn lao. Sagan không dẫn chứng các tài liệu, và sự kết luận thích hợp nhất là ông không biết gì cả. Người vô thần thân thiết của ông là Sam Harris, người thực sự có đọc về vấn đề này, dẫn chứng các nguồn lịch sử hiện đại cho biết số phù thủy bị thiêu thì ít hơn; khoảng 100,000. Đó là một con số đáng kể, nhưng nó khác xa với sự ước lượng quỷ ám của Sagan, và Harris nhận xét, 200 phần trăm ít hơn một vài ước lượng lố bịch trước đây.
Tuy vậy, Harris lý luận, "Con số được tiết lộ như vậy không làm giảm bớt sự khủng khiếp và bất công của thời kỳ này." Tại sao không? Hãy áp dụng cách suy diễn của ông vào các biến cố lịch sử khác để thấy sự vô lý hiển nhiên. Hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki gây nên khoảng 100,000 người chết, và người ta vẫn còn tiếp tục tranh luận về quyết định của Tổng Thống Truman khi chấm dứt chiến tranh theo kiểu này. Nhưng hãy giảm bớt con số tử vong theo hệ số 200, theo kiểu cách của Harris, và chúng ta chỉ còn 500 người chết cho hai quả bom. Theo lời của Harris, nó "không làm giảm bớt sự khủng khiếp và bất công" của các trái bom này hay sao? Trái lại là đàng khác, nó sẽ đánh tan nhiều sự kinh khiếp và hiển nhiên giảm bớt bất cứ cuộc tranh luận nào về tính cách chính đáng về hành động của Truman.
Khi bạn không thích nói đến con số, đây là lúc hãy thử một số lý luận có tính cách giả thuyết. Với cái nón triết gia to tướng, Carl Sagan hỏi làm thế nào người văn minh Âu Châu lại có thể bỏ qua vụ thiêu sống phù thủy. Ông trả lời, "Nếu chúng ta tuyệt đối chắc chắn rằng đức tin của chúng ta thì đúng, và của người khác thì sai… thì vụ thiêu phù thủy sẽ tái diễn trong những thay đổi không cùng." Nói cách khác, nó có thể tái diễn, và ngay tại Hoa Kỳ. Nhưng điều này có đáng tin cậy không? Carl Sagan tin ở sự tiến hóa, Đại Thanh (Big Bang), và nhiều thứ khác. Tôi dám chắc là ông ta tin mình tuyệt đối đúng, và kẻ thù của ông là những người theo thuyết sáng tạo và duy văn tự thì tuyệt đối sai. Ngay cả vậy, Sagan cũng chưa đốt một ai. Tôi tin có một số điều tuyệt đối đúng, và ngay cả vậy hồ sơ cá nhân của tôi về vụ thiêu phù thủy là một thí dụ. Nếu bạn đến Salem ngày nay, bạn sẽ thấy các phù thủy đang phát triển mạnh. Họ không thèm thuê nhân viên an ninh khi họ phù phép—thật vậy, họ trở nên những gì thu hút các du khách. Hiển nhiên Sagan đang bị bệnh hoang tưởng.
Còn Cuộc Chiến Ba Mươi Năm thì thế nào? Sự tranh chấp này bao gồm Thánh Đế Rôma và các tiểu bang Tin Lành ở Đức kéo dài từ 1618 đến 1648. Trong khi hiển nhiên có động lực tôn giáo, các sử gia ngày nay nhấn mạnh rằng các cuộc chiến này phần lớn được châm thêm dầu bởi các cuộc tranh dành quyền lực chính trị. Việc phát sinh các quốc gia Âu Châu đưa đến sự đụng độ về lãnh thổ và ảnh hưởng. Chúng ta có thể thấy làm thế nào các động lực chính trị đã trùm lấp động lực tôn giáo trong vai trò của Công Giáo Pháp trong các giai đoạn sau cùng của cuộc chiến: vì lo ngại sức mạnh của thế lực Công Giáo lớn nhất thế giới, Thánh Đế Rôma, Đức Hồng Y Richelieu, một chính khách của Pháp, đã thành lập một lực lượng gồm những người Thụy Sĩ và Pháp để giúp phía Tin Lành.
Cũng như trong cuộc Chiến Ba Mươi Năm, nhiều sự xung đột hiện nay được coi là "chiến tranh tôn giáo" thì không thực sự đánh nhau vì tôn giáo. Đây là điểm dường như không bao giờ được chấp nhận bởi các người vô thần như Dawkins và Harris. Dawkins than phiền rằng truyền thông cứ nhấn mạnh đến những tranh chấp trong vùng Bắc Ái Nhĩ Lan, Balkan, và Iraq là "có tính cách sắc tộc" thay vì tôn giáo. Nhưng truyền thông thì đúng và Dawkins thì sai. Đây là những kình địch sắc tộc. Dawkins gọi cuộc đụng độ giữa người Shiite và Sunni ở Iraq là "tận tuyệt tôn giáo." Thật vô nghĩa. Ngoài những người cực đoan của nhóm al Qaeda, cuộc chiến ở Iraq là giữa một nhóm, có liên hiệp với bạo chúa Saddam Hussein, cai trị Iraq trong một phần tư thế kỷ, và một nhóm khác—phần đông là người Shiite—mà hiện thời đang nắm quyền. Tôn giáo không dính dáng nhiều đến cuộc chiến cốt nhục tương tàn này.
Dawkins đưa ra một vài thí dụ, và tất cả đều phản lại ông. Cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestin, tại cốt lõi của nó, thì không phải xung đột tôn giáo. Đúng hơn, nó phát sinh từ những tranh chấp về chủ quyền và đất đai. Hamas và các phần tử chính thống cực đoan ở Israel có thể đề ra chủ trương có tính cách thần học—"Thiên Chúa ban phần đất này cho chúng tôi"—nhưng dù không có những động lực tôn giáo này, sự xung đột vẫn giữ nguyên bản chất. Nhưng không phải là người Do Thái chiến đấu cho phần đất này là vì đó là đất thánh sao? Không, họ chiến đấu vì đây là phần đất tổ tiên và, sau vụ Holocaust, nhiều người Do Thái tin rằng họ chỉ cảm thấy an toàn trong quê hương của mình. Những người sáng lập quốc gia Do Thái là người đời, không phải bởi tôn giáo, là Do Thái Giáo. Tổ chức Giải Phóng Palestin xuất phát từ một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc thế tục.
Sự canh tranh sắc tộc, không phải tôn giáo, là nguồn căng thẳng trong vùng Balkan. Christopher Hitchens vô cớ đề nghị rằng "sự tận tuyệt sắc tộc" của vùng Balkan phải gọi là "tận tuyệt tôn giáo" dù ông thú nhận rằng "chủ nghĩa dân tộc bài ngoại" và mở rộng lãnh thổ thay vì tôn giáo là các động lực chính cho sự bạo động. Sang đến Bắc Ái Nhĩ Lan, Hitchens kể một chuyện khôi hài mà ông không thấy rằng nó làm suy yếu lý luận của ông. Một ông đang đi trên đường ở Belfast thì có một tên cầm súng nhẩy ra, chĩa vào ông và hỏi, "Tin Lành hay Công Giáo?" Ông trả lời, "Không bên nào cả. Tôi vô thần." Nghe vậy, tên kia hỏi, "Vô thần Công Giáo hay vô thần Tin Lành?" Điểm chính của câu chuyện là Tin Lành hay Công Giáo thì không thành vấn đề vì tôn giáo không thực sự là vấn đề. Trong cùng kiểu cách như vậy, người Tin Lành và Công Giáo trong vùng Bắc Ái Nhĩ Lan không đánh nhau vì học thuyết tôn giáo. Họ đánh nhau vì vấn đề chủ quyền và nhóm nào sẽ cai trị quốc gia.
Ngay cả khi tôn giáo hiển nhiên không phải là vấn đề,  các văn gia vô thần hiện đại cứ bẻ cong chứng cớ để kết tội tôn giáo. Hãy để ý đến sự phân tích của Sam Harris về sự xung đột ở Sri Lanka . Harris tìm cách buộc tội tín đồ về việc ôm bom tự sát. Tuy nhiên ông có một khó khăn. Những người sáng chế ra hình thức ôm bom tự sát là nhóm Tamil Tigers. Vì thế Harris phải tìm cách. "Trong khi các động lực của nhóm Tamil Tigers thì không hiển nhiên có tính cách tôn giáo, họ là người Ấn Giáo, là những người tin tưởng vô căn cứ vào bản chất của sự sống và sự chết. Việc tôn thờ sự tử đạo mà họ ấp ủ trong nhiều thập niên có nhiều nét tôn giáo mà người ta mong đợi ở những người hy sinh mạng sống thật dễ dàng cho chính nghĩa." Nói cách khác, trong khi nhóm Tigers tự coi mình là dân quân trong sự xung đột chính trị thế tục về đất đai và quyền tự quyết, Harris khám phá ra một động lực tôn giáo bởi vì tình cờ những người này là Ấn Giáo và tất nhiên phải có sự điên khùng tôn giáo ở đằng sau để giải thích cho sự cuồng tín của họ.
Tôi không từ chối rằng tôn giáo có thể là một lý do để tự cho mình là công chính, và xu hướng này có thể dẫn đến sự bách hại và vũ lực. Trong quá khứ, nó đã từng xảy ra. Trong thế giới Hồi Giáo, sự bạo lực nhân danh tôn giáo vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng với tín hữu Kitô, sự bạo động nhân danh tôn giáo, thật may mắn, nó đã đi vào quá khứ.
Tôi kết thúc chương này bằng cách đưa ra lý do tại sao nó lại như vậy. Trong tiểu thuyết của Dostoevsky The Brothers Karamazov, một trong những người anh em này kể câu chuyện của vị đại pháp quan tòa thẩm tra, trong đó chính Đức Kitô xuất hiện trước tòa. Người bị nhận diện và bị tống vào ngục. Tối hôm đó, viên đại pháp quan đến thăm Người. Ông yêu cầu Người hãy "ra đi và đừng bao giờ trở lại nữa." Lý do rất hiển nhiên. Những điều Đức Kitô dậy bảo là những điều của một người xây dựng hòa bình. Chúng rất trái với sự bách hại và bạo lực mà đôi khi xuất hiện dưới danh nghĩa Kitô Giáo. Chúa Giêsu nói trong Mátthêu 7:1-5, "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em… Hỡi kẻ đạo đức giả, hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi." Điều này có lẽ không luôn luôn là tinh thần của Kitô Hữu trước đây, và nó không luôn luôn là tinh thần của tất cả Kitô Hữu ngày nay. Nhưng đó là tinh thần của vị sáng lập và là ánh sáng dẫn đường của Kitô Giáo, và nó tiếp tục cung cấp một tiêu chuẩn cao quý cho một thế giới mệt mỏi vì chiến tranh và bạo lực.

CHƯƠNG 19

QUYỀN GIẾT NGƯỜI: THUYẾT VÔ THẦN
VÀ SỰ TÀN SÁT TRONG LỊCH SỬ

"Không có Thiên Chúa và đời sống tương lai? Sau đó thì loài người sẽ như thế nào? Nó có nghĩa là bất cứ gì bây giờ cũng được phép."
Fyodor Dostoevsky, The Brothers Karamazov

T
rong khi họ thường đổi lỗi cho tôn giáo đóng vai trò cổ vũ xung đột và bạo lực, các văn gia thế tục ít khi duyệt xét vai trò của thuyết vô thần trong việc tạo ra chiến tranh và sự sát nhân. Điều thú vị là chúng ta thường nghe về sự đau khổ trong lịch sử do tôn giáo gây nên, nhưng ít khi nghe nói về sự đau khổ do thuyết vô thần gây ra. Năm trăm năm sau vụ Tòa Thẩm Tra, chúng ta vẫn còn nói về điều đó, nhưng sau khi "Cộng Sản vô thần" sụp đổ chưa đến hai thập niên, đã có sự im lặng kỳ lạ về các nấm mộ tập thể của quần đảo Gulag của Xô Viết. Tại sao thiếu vắng sự giải thích và trình bầy trách nhiệm? Có phải thuyết vô thần có nghĩa không bao giờ bạn phải hối tiếc?
Các văn gia vô thần thú nhận rằng người vô thần, cũng như người có tôn giáo, đôi khi làm những điều khủng khiếp. Theo Richard Dawkins, "Vấn đề là… liệu thuyết vô thần có ảnh hưởng đến dân chúng để làm điều xấu một cách có phương pháp hay không. Không có một chút chứng cớ nào như vậy." Nói cách khác, "Cá nhân người vô thần có thể làm điều xấu nhưng họ không làm sự dữ nhân danh thuyết vô thần." Vật lý gia Steven Weinberg thừa nhận rằng thuyết vô thần khoa học "có góp phần cho sự đau khổ của thế giới" nhưng "nơi nào thẩm quyền khoa học được viện dẫn để bào chữa cho sự kinh khiếp, thực sự nó là những xuyên tạc của khoa học."
Trong chương này, tôi muốn chú ý đến các tội ác lớn lao thực sự được gây ra bởi các nhóm và chính phủ vô thần. Trong một trăm năm qua hay hơn, các chế độ vô thần thế lực nhất—Cộng Sản Xô Viết, Cộng Sản Trung Hoa, và Đức Quốc Xã—đã quét sạch dân chúng với con số vô cùng to lớn. Stalin chịu trách nhiệm cho khoảng hai mươi triệu người chết, qua sự tàn sát tập thể, trại lao động cưỡng bách, tòa án công khai và đội hành quyết, tái định cư dân chúng để chết đói, và vân vân. Sự nghiên cứu đáng tin cậy mới đây của Jon Halliday và Jung Chang về Mao: The Unknown Story cho rằng chế độ Mao Trạch Đông đã đưa đến cái chết của bẩy mươi triệu người. Một số học giả Trung Hoa cho rằng con số của Chang và Halliday thì hơi cao, nhưng các tác giả này trưng dẫn bằng chứng rằng chế độ vô thần của Mao tàn sát nhiều người nhất trong lịch sử thế giới. Sự tàn sát của Mao và Stalin—không giống như của Thập Tự Chinh hay Cuộc Chiến Ba Mươi Năm—được thi hành trong thời bình và đối với người dân trong nước. Hitler đứng hạng thứ ba với khoảng mười triệu người chết, sáu triệu là người Do Thái.
Cho đến bây giờ, tôi chưa kể đến các vụ ám sát và lệnh giết người của các nhà độc tài Sô Viết như Lenin, Krushchev, Brezhnev, và vân vân. Tôi cũng không bao gồm một số bạo chúa vô thần "kém hơn" tỉ như: Pol Pot, Enver Hoxha, Nicolae Ceausescu, Fidel Castro, Kim Jong-il. Ngay cả những bạo chúa "cỡ nhỏ" này cũng giết rất nhiều người. Hãy để ý đến Pol Pot, lãnh tụ của nhóm Khờ-me Đỏ, là bè phái Cộng Sản cai trị Cambốt từ 1975 đến 1979. Trong vòng thời gian bốn năm, Pol Pot và ý thức hệ cách mạng của ông đã thi hành việc tái định cư và giết người tập thể được ước lượng là một phần năm dân số Cambốt, khoảng 1.5 đến 2 triệu người. Thật vậy, số phần trăm dân chúng mà Pol Pot giết thì nhiều hơn Stalin và Mao giết chính dân của họ. Ngay cả vậy, chỉ cần chú ý đến bộ ba vĩ đại—Stalin, Hitler và Mao—chúng ta phải biết rằng các chế độ vô thần này đã giết trên một trăm triệu người chỉ trong một thế kỷ.
Việc giết người gây nên bởi tôn giáo không thể nào sánh với việc thảm sát của các chế độ vô thần. Tôi thấy rằng mật độ dân số ngày xưa thấp hơn, và ngày nay thật dễ giết người với các vũ khí tối tân hơn là các thế kỷ trước với gươm giáo và cung tên. Ngay cả chỉ chú ý đến mức độ dân số, bạo lực vô thần vượt quá bạo lực tôn giáo đến độ ngạc nhiên. Đây là một bài toán sơ sài. Dân số thế giới từ khoảng 500 triệu vào năm 1450 tăng đến 2.5 tỉ vào năm 1950, gia tăng gấp năm. Tổng hợp tất cả, Thập Tự Chinh, Tòa Thẩm Tra, và thiêu đốt phù thủy, khoảng 200,000 người. Điều chỉnh theo sự gia tăng dân số, điều đó tương đương với một triệu người chết hôm nay. Ngay cả vậy, số tử vong đó gây nên bởi các chế độ Kitô Giáo trong một giai đoạn hơn năm trăm năm cũng chỉ bằng 1 phần trăm người chết gây nên bởi Stalin, Hitler và Mao trong khoảng thời gian vài thập niên.
Dawkins dường như lừa dối chính mình khi nghĩ rằng những sự ghê tởm này không được tạo nên bởi thuyết vô thần. Nhưng ai có thể cho rằng thuyết cộng sản không phải là một ý thức hệ vô thần? Chủ thuyết cộng sản kêu gọi diệt trừ tầng lớp bóc lột, nó đề cao vũ lực như một kiểu cách tiến bộ xã hội, và nó kêu gọi phải dùng bất cứ phương tiện nào cần thiết để đạt đến xã hội vô thần không tưởng. Không chỉ có Marx là người vô thần, nhưng thuyết vô thần còn là phần chính của học thuyết Mácxít. Thuyết vô thần trở nên yếu tố chính của hệ tư tưởng chủ yếu của Liên Bang Xô Viết, nó vẫn còn là chủ nghĩa chính của Trung Cộng, và Stalin và Mao áp đặt chính sách vô thần bằng cách đóng cửa các nhà thờ và giết hại các linh mục và tín đồ. Tất cả các chế độ cộng sản đều mạnh mẽ bài trừ tôn giáo, điều đó cho thấy thuyết vô thần là thực chất chứ không chỉ là phụ thuộc đối với ý thức hệ của họ.
Tương tự, Đức Quốc Xã là một triết thuyết thế tục, chống tôn giáo mà, thật lạ lùng, có nhiều điểm giống với thuyết cộng sản. Trong khi người cộng sản muốn ban thêm quyền lợi cho giới tư sản, Đức Quốc Xã muốn ban thêm quyền cho một giống dân đứng đầu. Với người cộng sản, kẻ thù là giai cấp tư bản; với Đức Quốc Xã, kẻ thù là người Do Thái và các giống dân khác được cho rằng yếu kém hơn. Người cộng sản và Đức Quốc Xã đối xử với các giáo hội Kitô Giáo như những chướng ngại vật và kẻ thù. Cả hai nhóm đều tuyên bố rằng họ tiến hành cuộc cách mạng để tạo thành một nhân loại mới và một xã hội mới không bị xiềng xích bởi tôn giáo truyền thống và luân lý truyền thống.
Khi so sánh tội ác của tôn giáo và tội ác của thuyết vô thần, thật quan trọng để chúng ta áp dụng một tiêu chuẩn kiên định. Triết gia Daniel Dennett cung cấp một tiêu chuẩn như vậy trong cuốn Breaking the Spell. Ông đề nghị tôn giáo được xét xử bởi các hậu quả của nó, hoặc, như Kinh Thánh diễn tả, "xem quả thì biết cây." Dennett không cần biết là các hậu quả này có phải là ý định của người sáng lập tôn giáo hoặc có tiêu biểu cho các giá trị cao quý của tôn giáo hay không. Ông không muốn tách biệt những giảng dậy đích thật của tôn giáo với những lệch lạc của nó. "Đúng là những người cuồng tín ít được linh hứng, hay được dẫn dắt bởi các giáo lý sâu xa và tốt nhất trong các truyền thống tôn giáo đó. Có gì khác? Sự khủng bố của Al Qaeda và Hamas vẫn là trách nhiệm của Hồi Giáo, và việc gài bom bệnh xá phá thai vẫn là trách nhiệm của Kitô Giáo." Đây là một điểm rất hay. Hãy chấp nhận tiêu chuẩn của Dennett. Nhưng vậy thì bởi chính tiêu chuẩn này, hàng triệu người bị thảm sát bởi Stalin, Hitler, và Mao—chưa kể những nạn nhân của các bạo chúa cấp nhỏ--tất cả đều thuộc trách nhiệm của thuyết vô thần.
Than ôi, Steven Weinberg muốn có cả hai cách. Weinberg hiển nhiên tin rằng các tội ác của tôn giáo phản ánh bộ mặt thật của tôn giáo, trong khi tội ác của các chế độ vô thần tượng trưng cho sự sái trệch của tinh thần vô thần trong việc tìm kiếm có tính cách khoa học và hữu lý. Qua các tiêu chuẩn của Dennett, đây là một sự thoái thác. Nếu Kitô Giáo phải trả lời cho Torquemada, thuyết vô thần phải trả lời cho Stalin. Vì thế cho nên, nếu một Kitô Hữu bình thường, là người chưa bao giờ thiêu đốt ai, nhưng phải chịu trách nhiệm cho những người tự xưng là Kitô Hữu khi hành động nhân danh Kitô Giáo,  thì người vô thần nào nghĩ mình tử tế hơn, nhân từ hơn cũng không được miễn tội vì những đau khổ khủng khiếp mà niềm tin của họ đã gây nên trong lịch sử cận đại. Weinberg mập mờ đánh lận con đen cho rằng Kitô Giáo phải chịu trách nhiệm về những sự dữ được thi hành, trong khi tìm cách bào chữa thuyết thế tục và vô thần về những tội ác lớn lao hơn được chúng gây ra.
Cùng một chiều hướng, Sam Harris tìm cách miễn tội cho thuyết vô thần bằng cách cho rằng chủ nghĩa của Stalin và Mao "khác chút đỉnh với một tôn giáo có tính cách chính trị." Christopher Hitchens đưa ra một loại lý luận tương tự, cho rằng khi những người theo Stalin và Mao tìm cách thay thế tôn giáo, các ý thức hệ đó phải được coi là các tôn giáo thay thế. Chẳng lẽ bây giờ tôn giáo lại phải chịu trách nhiệm cả tội ác của những người vô thần đã vi phạm hay sao?
Đối với Đức Quốc Xã, Harris viết rằng "sự hận thù người Do Thái ở Đức… thì xuất phát trực tiếp từ Kitô Giáo thời trung cổ." Thật vậy, "biến cố Holocaust đánh dấu tột đỉnh của… hai trăm năm người Kitô tức giận người Do Thái." Bởi đó, "có cố ý hay không, Đức Quốc Xã là tay chân của tôn giáo." Các trang web vô thần đều đều cho rằng Hitler là một tín hữu Kitô vì ông là người Công Giáo đạo gốc, chưa bao giờ công khai từ bỏ Công Giáo, và đã viết trong cuốn Mein Kampf, "Khi tôi tự vệ đối với người Do Thái, tôi chiến đấu cho công việc của Chúa."
Những lời cáo buộc này có sức thuyết phục như thế nào? Hitler sinh trong gia đình Công Giáo cũng như Stalin sinh trong Giáo Hội Chính Thống Nga và Mao được lớn lên trong gia đình Phật Giáo. Các sự kiện này chẳng nói lên điều gì cả, vì nhiều người khi lớn lên cũng từ chối tôn giáo gốc của họ cũng như ba ông kia. Từ khi còn nhỏ, sử gia Allen Bullock viết, Hitler "không dành chút thời giờ cho giáo lý Công Giáo, coi đó là một thứ đạo chỉ thích hợp cho người nô lệ, và ghê tởm các nguyên tắc xử thế của đạo." Vậy chúng ta giải thích thế nào về điều Hitler rêu rao rằng khi thực hiện chương trình bài Do Thái, ông là một khí cụ của Thiên Chúa? Trong thời kỳ lên nắm quyền, Hitler cần sự hỗ trợ của dân Đức—cả người Công Giáo Bavari và người Phổ theo Tin Lành Luther—và để đạt được điều này, thỉnh thoảng ông dùng lời hoa mỹ, tỉ như "Tôi đang làm công việc của Chúa." Cho rằng lời hoa mỹ này làm cho Hitler trở nên một Kitô Hữu là lầm lẫn giữa chủ nghĩa cơ hội chính trị với sự tin tưởng cá nhân. Chính Hitler nói trong Mein Kampf rằng những tuyên bố công khai của ông phải được hiểu là sự tuyên truyền không có liên hệ gì đến sự thật nhưng để lung lay đám đông.
Ý tưởng của Đức Quốc Xã cho rằng Đức Kitô là một người thuộc dòng giống Aryan, người đã dùng gươm để quét sạch người Do Thái khỏi mặt đất—điều mà có lần Hitler gọi là "Kitô Giáo Tích Cực"—hiển nhiên là một tách biệt triệt để với sự hiểu biết của truyền thống Kitô Giáo, và bị lên án bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI vào lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, thái độ bài Do Thái của Hitler không phải là tôn giáo, nó có tính cách chủng tộc—thật vậy nhiều người Đức gốc Do Thái hoàn toàn thế tục trong lối sống của họ--nhưng chỉ vì chủng tộc của họ. Đây là một chọn lựa dân tộc không phải là một tôn giáo.
Chúng ta có thể thấy sự khác biệt bằng cách nhìn vào thái độ đối với người Do Thái trong thời trung cổ Âu Châu.  Trong thế kỷ mười lăm ở Tây Ban Nha, một người Do Thái có thể thoát khỏi sự bách hại của Kitô Hữu bằng cách trở lại Kitô Giáo. Ferdinand và Isabella không chống đối dân Do Thái ở Tây Ban Nha; họ chống đối việc thực hành Do Thái Giáo trong một nơi mà họ muốn là hoàn toàn Công Giáo. Ngược lại, sự chống đối người Do Thái của Hitler không có tính cách tôn giáo. Một người Do Thái không thể thoát khỏi trại tử thần Auschwitz bằng cách tuyên bố rằng, "Tôi không còn sống đạo Do Thái," "Tôi là người vô thần," hoặc "Tôi đã trở lại Kitô Giáo." Điều này không đáng kể đối với Hitler vì ông tin rằng người Do Thái là dòng giống tồi tệ. Thái độ bài Do Thái của ông có tính cách thế tục.
Hitler's Table Talk, một tuyển tập được tiết lộ về quan điểm riêng tư của Hitler do một cận vệ gom góp trong thời chiến, cho thấy Hitler chống đối tôn giáo cách cuồng dại. Ông gọi Kitô Giáo là một "tai họa" lớn nhất lịch sử, và nói về người Đức, "Hãy là dân tộc duy nhất không bị lây bệnh dịch này." Ông hứa rằng "qua tầng lớp nông dân chúng ta sẽ có thể tiêu diệt Kitô Giáo." Thật vậy, ông đổ lỗi cho người Do Thái đã phát sinh ra Kitô Giáo. Ông còn kết án Kitô Giáo vì sự chống đối thuyết tiến hóa. Hitler đặc biệt khinh miệt các giá trị Kitô Giáo về sự bình đẳng và lòng thương người, mà ông coi là yếu hèn. Các cố vấn hàng đầu của Hitler—Goebbels, Himmler, Heydrich và Bormann—là những người vô thần rất ghét tôn giáo và tìm cách tẩy sạch ảnh hưởng của nó ở Đức.
Một số văn gia vô thần như Christopher Hitchens tìm cách đẩy Hitler vào khuôn khổ tôn giáo bằng cách nói rằng Đức Quốc Xã là một "hiện tượng hầu như là ngoại giáo." Các văn gia này viết, có thể Hitler là người đa thần, thờ các thần ngoại giáo, nhưng đa thần thì vẫn là hữu thần. Lý luận này quên đi sự khác biệt giữa ngoại giáo cổ xưa và ngoại giáo hiện đại. Thật đúng là Hitler và Đức Quốc Xã lấy nhiều từ nguyên mẫu cổ điển—phần lớn là huyền thoại người Nordic và Teutonic—để đem cho họ cái nhìn phảng phất huyền bí. Nhưng đây là thuyết thần bí thế tục, không phải thần bí tôn giáo. Người Đức cổ thực sự tin vào các thần ngoại giáo của họ. Tuy nhiên, Hitler và Đức Quốc Xã dựa trên thần thoại cổ dưới hình thức hiện đại được gán cho họ bởi Nietzsche và Wagner. Với Nietzsche và Wagner, thần thoại cổ có đúng hay không thì không thành vấn đề. Wagner không còn tin vào thần Norse cũng như Nietzsche không còn tin vào Apollo. Với Hitler và Đức Quốc Xã, các thần thoại cổ thì có giá trị vì chúng đem lại chiều sâu và sự quan trọng cho một quan niệm thế tục cơ bản về thế giới.
Sử gia Richard Evans viết rằng "Đức Quốc Xã coi các giáo hội là cơ quan dự trữ kiên cố nhất về ý thức hệ, trái với các quy tắc mà họ tin tưởng." Một khi Hitler và Đức Quốc Xã lên nắm quyền, họ phát động một chiến dịch tàn nhẫn nhằm đàn áp và làm suy yếu các Giáo Hội Kitô Giáo ở Đức. Evans vạch rõ rằng sau 1937 các chính sách của chính phủ Hitler ngày càng chống đối tôn giáo. Người Đức Quốc Xã không còn mừng lễ Giáng Sinh, và tổ chức Thanh Niên Hitler đọc kinh cảm tạ Hitler thay vì Thiên Chúa. Hàng giáo sĩ được coi là "người phá rối" và bị cấm không được rao giảng, hàng trăm người bị cầm tù, và nhiều người bị giết. Các nhà thờ thường xuyên dưới sự theo dõi của mật vụ Gestapo. Đức Quốc Xã đóng cửa các cơ sở giáo dục của tôn giáo, ép buộc các tổ chức Kitô Giáo phải giải tán, tịch thu tài sản giáo hội, và kiểm duyệt sách báo tôn giáo. Harris không thể giải thích làm thế nào một ý thức hệ mà Hitler và đồng bọn nhận biết như một sự bài trừ Kitô Giáo lại được trình bầy như một "cực điểm" của Kitô Giáo.
Nếu Đức Quốc Xã có tiêu biểu cho cực điểm của bất cứ gì, chính là ý thức hệ vào đầu thế kỷ hai mươi về thuyết Darwin xã hội. Như sử gia Richard Weikart ghi nhận, cả Hitler và Himmler là những người ái mộ Darwin và thường nói về vai trò của họ là ban hành một "luật tự nhiên" mà nó đảm bảo "loại trừ cái không thích hợp." Weikart lý luận rằng chính Hitler "gom góp dồi dào tư duy Darwin để đưa ra triết lý kỳ thị chủng tộc của chính ông" và kết luận rằng trong khi thuyết Darwin thì không phải là một giải thích "đầy đủ" về Đức Quốc Xã, nó là một sự "cần thiết". Nếu không có thuyết Darwin , có lẽ không có chủ nghĩa Đức Quốc Xã.
Đức Quốc Xã cũng lấy từ triết gia Friedrich Nietzsche, đưa triết thuyết vô thần vào các mục đích thô bạo của mình. Cái nhìn của Nietzsche về ubermensch và ông đề cao một đạo đức mới "vượt trên sự thiện và sự dữ" được say sưa ưa chuộng bởi những người tuyên truyền cho Đức Quốc Xã. "Từ ý muốn đến quyền lực" của Nietzsche hầu như trở nên khẩu hiệu để tuyển mộ của Đức Quốc Xã. Tôi không có ý định gì cho rằng Darwin hay Nietzsche sẽ tán thành với ý tưởng của Hitler. Nhưng Hitler và tay sai đã tán thành ý tưởng của Darwin và Nietzsche. Sam Harris đã quên đi chứng cớ về sự đồng tình của Đức Quốc Xã với Darwin , Nietzsche và thuyết vô thần. Vậy dựa trên ý nghĩa nào chúng ta có thể chấp nhận điều Harris thường rêu rao là các lãnh tụ Đức Quốc Xã là các tay sai của tôn giáo dù "biết hay không biết"? Hiển nhiên, điều đó vô nghĩa.
Một số người bày tỏ sự hoang mang rằng các chế độ vô thần đã gây nên các cuộc tắm máu mà không có một lực lượng nào khác trong lịch sử có thể sánh được. Chính Dawkins nên lên câu hỏi làm thế nào một sự thiếu vắng niềm tin có thể tạo nên sự thiệt hại cho xã hội.  Dawkins không biết rằng những niềm tin sâu sa nhất của ông đem lại manh mối cho "giải pháp sau cùng." Những tên sát nhân vô thần coi mục tiêu của họ quá lớn lao và quá ưu tú đến độ không gì có thể được phép chắn lối. Họ tự cho mình là đang hành động nhân danh các động lực không thể lay chuyển và không thể tranh luận như khoa học, lý lẽ và sự tiến bộ.
Khoa học? Phải, Đức Quốc Xã coi họ đang cổ vũ sự sống còn của những gì thích hợp nhất, đúng với đường lối tiến hóa đã xảy ra. Lý lẽ? Cộng sản thấy chương trình của họ như một thể chế hóa thời đại lý lẽ. Marx nằm trong truyền thống Khai Sáng của Jacobin Pháp, là người đã tấn phong nữ thần lý lẽ trong Vương Cung Thánh Đường Đức Bà và sau đó cho công bố Triều Đại Kinh Hoàng, trong đó những người "vô lý"—giới quý tộc, linh mục, và các đại diện khác của thời xưa—đều bị đưa đến máy chém. Và sự tiến bộ? Như người cộng sản và Đức Quốc Xã thường nhấn mạnh, lịch sử đứng về phía họ, và vì thế các đối thủ của họ là tôn giáo hoặc tư sản phản động là những người phải bị loại trừ vì họ làm trì trệ bước tiến của xã hội. Sự thần thánh hóa khoa học, lý lẽ, và tiến bộ của trần thế--một học thuyết đầy dẫy ngày nay—thì đúng là điều đã cho phép con người thi hành những gì đối với người khác trong một phương cách và một mức độ mà trước đây không ai dám nghĩ đến.
Một lý do thứ hai của những kinh hoàng của các chế độ vô thần là vì chúng hành động mà không có bất cứ hạn chế gì về luân lý, là sản phẩm của tôn giáo và, tuy không nhiều, nó đã giữ tay các bạo chúa khát máu trong quá khứ. Nietzsche đã nhìn thấy điều này xảy ra. Trong thế kỷ mười chín, ông đã tiên đoán rằng hai thế kỷ sắp tới sẽ có tai biến vì chiến tranh và bạo lực ngoài sức tưởng tượng. Nietzsch viết, cái chết của Thiên Chúa sẽ gây nên sự hoàn toàn lu mờ của mọi giá trị. Vì giá trị không còn xuất phát từ Thiên Chúa, giờ đây chúng sẽ được tạo thành bởi con người. Và vì con người là hậu duệ từ loài vật—một ý tưởng Nietzsche lấy từ Darwin —con người dường như sẽ ưa thích giá trị của libido dominandi (sức sống làm chủ) mà chúng ta thấy mọi nơi trong thiên nhiên. Những người mạnh sẽ tiêu diệt người yếu với cùng một lý do như con sư tử ăn con nai. "Luân lý ông chủ" đánh bại "luân lý nô lệ." Nó trở nên vô dụng để cầu việc đến sự trắc ẩn và lòng thương người và sự tao nhã không còn nữa. Điều đó giống như nói với các con sư tử rằng chúng phải chấm dứt là sư tử.
Nói cách khác, cuộc tắm máu của vô thần là sản phẩm của một ý thức hệ hiện đại xấc xược mà nó coi con người, chứ không phải Thiên Chúa, là người sáng tạo các giá trị. Khi chối bỏ Thiên Chúa, con người ngày càng khinh bỉ học thuyết về tội lỗi con người và tin vào sự tuyệt hảo của bản tính con người. Giờ đây loài người tìm cách thay thế Thiên Chúa và tạo thành một chủ nghĩa không tưởng trần tục trên mặt đất. Để đạt được điều này, các nhà cai trị vô thần đặt ra sự kiểm soát toàn thể xã hội. Chúng sáng chế ra một hình thức chuyên chế triệt để hơn bất cứ gì mà các nhà cầm quyền trước đây đã toan tính: mọi khía cạnh của đời sống đều bị kiểm soát của chính trị. Dĩ nhiên, nếu một số người—Do Thái, địa chủ, người không thích hợp, người tàn tật, người bất đồng, và vân vân—phải bị tái phân phối, giam cầm, hay thanh toán để đạt được điều không tưởng này, đây là giá mà các bạo chúa vô thần cho thấy họ rất sẵn sàng muốn trả. Các quy luật luân lý cũ không còn áp dụng, và các chức năng vô thần bình thường sẽ làm một pháp quan toà thẩm tra rúng động. Các chế độ vô thần, bởi hành động của chúng, xác nhận châm ngôn của Dostoevsky là sự thật: nếu không có Thiên Chúa, mọi sự đều được phép.
Bất cứ lý do gì để giải thích cho hành động của các chế độ vô thần, sự kiện không thể chối cãi là dù có gom lại tất cả mọi tôn giáo trên thế giới trong ba ngàn năm qua cũng không giết người nhiều đến độ như các chế độ vô thần thi hành trong một vài thập niên qua. Đã đến lúc phải từ bỏ câu thần chú vô nghĩa rằng niềm tin tôn giáo là động lực chính của sự tranh chấp và bạo động của con người. Thuyết vô thần, chứ không phải tôn giáo, phải chịu trách nhiệm cho những sự sát hại tập thể của lịch sử.

CHƯƠNG 20

LUẬT TỰ NHIÊN VÀ LUẬT CỦA THIÊN CHÚA:
CÁC NỀN TẢNG KHÁCH QUAN CỦA LUÂN LÝ

"Dân ngoại là những người không có luật (Mô-sê); nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dạy, họ cho thấy rằng những điều kiện của luật đã được viết trong tâm hồn của họ."
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, 2:14

T
ôn giáo và luân lý dường như là hai điều khác biệt, và tuy vậy, nhiều sự chống đối Kitô Giáo dường như xuất phát từ sự chống đối với luân lý Kitô Giáo. Với nhiều người, luân lý này dường như không bó buộc, độc đoán, và ngay cả ác độc. Richard Dawkins diễn tả nó như thế này: "Không hồ nghi gì Thiên Chúa của Cựu Ước là nhân vật khó chịu nhất trong các câu truyện: ghen tương và hãnh diện về sự ghen tương, một người kiểm soát bất công, không tha thứ; một người diệt chủng cách hận thù, khát máu; một người ghét đàn bà, sợ đồng tính luyến ái, kỳ thị chủng tộc, giết trẻ em, diệt chủng, độc hại, hoang tưởng, có tính ác thống thông dâm, ác ý thất thường." Không còn giọng điệu khoa học nữa, và Dawkins cho thấy rằng ông không chỉ không tin vào Thiên Chúa của Kitô Giáo, ông còn ghê tởm Người. Vậy, có phải luân lý là một bộ luật phổ quát được ban hành bởi một bù nhìn thần thánh có râu dài và ngón tay ve vẩy? Hoặc có phải tốt hơn nên hiểu luân lý theo các danh từ tự nhiên và thế tục, như các quy tắc thích ứng mà chúng ta đưa ra trong đời sống để phục vụ các mục đích của con người, tỉ như hòa bình và cùng hiện diện?
Trong chương này tôi sẽ cho thấy rằng đây là một sự lựa chọn sai lầm. Luân lý thì vừa tự nhiên và vừa có tính cách phổ quát. Nó có thể khám phá mà không cần tôn giáo, tuy nhiên nguồn gốc của nó thì hoàn toàn bởi Thiên Chúa. Thuyết Darwin thử giải thích luân lý theo cách thuần túy thế tục nhưng đó là một thất bại, và mỗi người chúng ta đều biết—dù chúng ta từ chối điều đó một cách gian xảo đến đâu đi nữa—có những tiêu chuẩn tuyệt đối đúng và sai, và đây chính là các tiêu chuẩn mà chúng ta dùng để phán đoán cách đối xử của người khác. Không phải luân lý Kitô Giáo cản trở sự tự do luân lý của chúng ta; chính là lương tâm, sự phán đoán bên trong.
Các người vô thần nổi tiếng đổ lỗi cho tôn giáo—và đặc biệt là Kitô Giáo—vì áp đặt luân lý khắc nghiệt lên con người và vì vậy ngăn cản sự tự do của họ. Tiêu biểu là Christopher Hitchens, ông kết án Kitô Giáo là một "phong trào ghê sợ áp đặt sự chính thống lên một giới tự do và đa nguyên và thế tục." Đồng thời Hitchens và các người vô thần khác nhấn mạnh rằng họ không chống đối luân lý. Họ đảm bảo với chúng ta rằng họ cũng có luân lý như các tín hữu, nếu không muốn nói là nhiều hơn thế, và luân lý đó là điều có thể xảy ra mà không phải nhìn nhận Thiên Chúa hay tôn giáo. Daniel Dennett nhận xét rằng "có nhiều người vô thần và bất khả tri khôn ngoan, tận tụy, có luân lý" và những người không có đức tin ấy dường như không hành động tệ hơn hay tốt hơn Kitô Hữu. Richard Dawkins viết " nếu niềm tin nơi Thiên Chúa bỗng dưng biến mất khỏi thế giới, nó đòi hỏi một tự trọng thật thấp để nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ trở nên nhẫn tâm và khoái lạc cách ích kỷ, không còn tử tế, không còn bác ái, không còn độ lượng, không còn bất cứ gì xứng đáng với danh từ thiện hảo." Sự phản đối của người vô thần không phải đối với luân lý nhưng đối với luân lý tuyệt đối. Thay vì luân lý xuất phát từ các điều răn Thiên Chúa ở bên ngoài, người vô thần nghĩ về luân lý như do con người tạo ra, là điều gì đó được khuôn đúc qua cảm nghiệm cá nhân và tập thể.
Tôi nghĩ có nhiều điều mà người vô thần nói ở đây, nhưng sau cùng tôi sợ họ quên điểm chính. Trước hết, tôi không rõ làm thế nào để thẩm định lý luận của Darwin về tính cách luân lý của thuyết vô thần, bởi vì một xã hội tôn giáo bỗng dưng bị mất đi Thiên Chúa có lẽ sẽ vẫn giữ được nhiều kiểu cách suy tư và hành động của Kitô Hữu. Ngay cả vậy, tôi quen biết nhiều người vô thần, và tôi vui để làm chứng rằng họ có thể là người tốt và đáng khâm phục. Cả Hume và Darwin đều nổi tiếng về thái độ đứng đắn và có luân lý, và tôi tin E. O. Wilson khi ông viết rằng tuy không phải là một Kitô Hữu, ông chia sẻ hầu hết các đức tính Kitô Giáo. Tôi cũng được biết nhiều tín đồ phá vỡ các giới răn không thua gì người vô thần. Tiểu thuyết gia Evelyn Waugh có lần trả lời câu hỏi, "Làm thế nào một người Công Giáo như ông lại quá trụy lạc và thù hận?" với lời đối đáp cổ hủ, "Hãy nghĩ xem tôi còn tệ hơn nữa nếu không phải là một người Công Giáo!"
Có ba vấn đề chính ở đây: Có luân lý phổ quát hoặc khách quan không? Nó có nền tảng tôn giáo không? Làm thế nào để biết? Chúng ta quen nói về các quy tắc khoa học của thiên nhiên. Thật có giá trị để hỏi có các quy tắc luân lý về bản tính con người hay không. Nhiều người trong chúng ta là các thừa kế bất đắc dĩ của một triết lý mà nó từ chối luân lý khách quan. Chúng ta cho rằng khoa học thì khách quan, nhưng các giá trị thì chủ quan. Chúng ta tin là có thể biết được các điều khoa học nhưng luân lý là một vấn đề quan điểm. Trên căn bản này, chúng ta nói những điều như "đừng áp đặt niềm tin của bạn lên tôi" trong khi không bao giờ chúng ta nói "đừng áp đặt cách làm toán của bạn lên tôi." Tuy vậy có bao giờ chúng ta nghĩ rằng có thể có những quy tắc luân lý trong thiên nhiên mà chúng không kém đáng tin cậy và có thể lĩnh hội được như các quy tắc khoa học hay không?
Con người thì độc đáo về nhiều phương diện, nhưng đặc biệt nhất: chúng ta là các sinh vật có luân lý. Hơn cả ngôn ngữ, hơn cả tính cách hợp lý, chính bản tính luân lý của chúng ta đã phân biệt con người khác với ngay cả các thú vật có liên quan với chúng ta nhất. Nhà động vật linh trưởng học (primatologist) Frans de Waal, người nghiên cứu các con tinh tinh (chimpanzee) và đã thi hành nhiều điều để nhấn mạnh đến tính chất gần gũi của chúng với con người, ông thú nhận rằng luân lý là một điều mà các con tinh tinh không có. "Thật khó để tin rằng các thú vật biết cân nhắc giữa tư lợi đối với ích lợi của các con thú khác, hoặc chúng có một quan điểm để có lợi ích hơn cho xã hội, hoặc chúng cảm thấy có tội về điều gì đó mà chúng không nên làm." Chúng ta có thể nói với con Bonzo, "Mày không được làm như thế" và "Mày là con tinh tinh xấu xa!" nhưng đó là cách nói của chính chúng ta. Chúng ta không có cách chi biết rằng các con tinh tinh đó cũng cảm thấy như vậy.
Sự phân biệt giữa con tinh tinh và con người đưa đến một ngăn cách sâu xa hơn khiến con người tách biệt với toàn thể vũ trụ. Tất cả các vật thể khác, sống động hay không, hoạt động theo các quy luật về vật lý hay khoa học. Treo lủng lẳng một khúc xương trước miệng con chó, dù rằng nó mới ăn no, nó sẽ đi theo khúc xương. Phản ứng của nó là một sản phẩm của một bản năng dường như không thể kiểm soát được. Đặt một tảng đá lớn trên một dốc nghiêng, tự động nó sẽ lăn xuống. Trong vật thể không có sự lựa chọn. Nó chỉ tuân theo các quy tắc vật lý.
Nhưng con người không giống như vậy. Con người sống trong hai thế giới, lãnh vực vật lý và lãnh vực luân lý. Nếu ai đó nhục mạ mẹ của bạn, bạn sẽ phản ứng, "Ông không nên làm như vậy." Khi một người cho bạn biết họ mới lừa dối gia đình, bạn sẽ nói với họ là đừng nên nói dối. Những câu nói thông thường này thì hiển nhiên khác biệt với các quy tắc vật lý. Nó không có nghĩa gì cả khi nói rằng trái đất phải xoay chung quanh mặt trời hoặc sẽ là điều không đúng nếu nó không làm như vậy. Một quy luật tự nhiên thì có thể đúng hoặc sai, nhưng nó không thể bị phá vỡ. Như Carl Sagan có viết, "Thiên nhiên… sắp đặt sự vật để sự cấm cản của nó không thể  bị vi phạm."
Có những bộ phận của bản tính con người hoạt động theo các quy luật sống động tự nhiên. Nếu bạn cù chân tôi, tôi sẽ cười. Nếu bất cứ ai trong chúng ta ăn thực phẩm bị hư, nó sẽ làm bao tử cồn cào. Nếu chúng ta rơi từ một tháp cao, chúng ta sẽ đâm xuống đất. Đây là các quy tắc vật lý và hóa học đang hoạt động trên chúng ta, và chúng ta không có sự lựa chọn. Ngược lại, có một phần của bản tính con người không có tính cách sống động nhưng theo phong tục. Chứng minh đơn giản của điều này là các quy tắc luân lý và giới răn, không giống như luật tự nhiên, chúng có thể bị vi phạm.
Hãy thảo kính cha mẹ. Chớ giết người. Chớ lấy của người. Không có điều răn nào vừa kể có ý nghĩa nếu chúng ta không có sự lựa chọn. Nhưng không chỉ có vậy. Khi loài người chúng ta dùng đến ngôn ngữ luân lý—ca ngợi và trách mắng, chấp thuận và không chấp thuận, tán thưởng và khinh thường—chúng ta cầu viện đến tiêu chuẩn phán đoán chung ở bên ngoài chúng ta. Hãy gọi tiêu chuẩn này là luật tự nhiên hay luật luân lý. Nó khác với các quy tắc khoa học tự nhiên vì nó không nói chúng ta làm gì nhưng những gì phải làm. Hậu quả là chúng ta có tự do để phá vỡ các quy luật này theo một phương cách mà chúng ta không được tự do vi phạm các quy tắc về trọng lực.
Bởi chính bản chất của nó, các quy tắc luân lý thì vừa phổ quát và vừa khách quan. Điều này dường như không rõ ràng khi thoạt nhìn qua. Không phải là các thực hành luân lý của các văn hóa khác nhau trên thế giới thay đổi rất nhiều sao? Trong xã hội của chính chúng ta, không có sự đa dạng luân lý sao? Dường như không có luân lý phổ quát, khách quan. Tuy nhiên, một kết luận như thế phát sinh từ sự sai lầm về sự kiện và sai lầm về sự hợp lý. Chắc chắn rằng lối đối xử luân lý của các văn hóa thế giới cho thấy rất nhiều thay đổi. Carl Sagan viết rằng có các văn hóa như người Ik ở Uganda , "là nơi tất cả Mười Điều Răn dường như bị bỏ quên một cách có hệ thống, có tổ chức." Tôi chưa hoàn tất việc nghiên cứu về nhân chủng học của người Ik, nên tôi không thể nói là ông ấy đúng hay sai. Nhưng hãy giả sử là ông ấy đúng. Nó chứng tỏ điều gì? Có phải người Ik rất khác biệt với chúng ta? Nhưng chúng ta cũng sống trong một nền văn hóa mà Mười Điều Răn cũng bị bỏ qua một cách có hệ thống, có tổ chức. Thí dụ của Sagan dường như xác nhận một thói quen không phải đa dạng nhưng đồng nhất.
Nhưng ngay cả các thí dụ tốt hơn cũng không minh chứng điểm của Sagan. Hãy nói rằng cuộc điều tra về nhân chủng học cho thấy người Ik thường xuyên đánh vợ. Nhưng có phải điều này chứng minh rằng đánh vợ là điều đúng để thi hành? Dĩ nhiên không. Sự kiện có bất đồng luân lý không có nghĩa là thiếu sót luân lý phổ quát. Làm thế nào một sự kiện về lối đối xử, dù quái gở và thay đổi, làm mất hiệu lực của những gì đúng?
Sẽ là điều thú vị khi thực hiện một cuộc thăm dò toàn cầu để biết xem mọi nền văn hóa trên thế giới có chấp nhận thuyết tâm mặt trời hay không. Giả sử rằng cuộc thăm dò ấy cho thấy có những người ở Nam Mỹ và Đông Nam Á, dù được biết về lý lẽ của Copernicus, được hỗ trợ bằng các hình ảnh từ các phi thuyền không gian, nhưng họ vẫn dứt khoát từ chối không cho rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời. Những người này vui thích khi thấy có một người tên là Ptolemy chủ trương quan điểm trái ngược, và họ quyết định đi theo Ptolemy. Từ câu chuyện này, liệu có ai kết luận rằng thuyết tâm mặt trời đã bị bác bẻ? Đề nghị này thật vô lý. Tôi thực sự tin rằng có nhiều nền văn hóa trên thế giới, ngay cả hôm nay, sẽ hăng hái tẩy chay thuyết tiến hóa của Darwin và thuyết tương đối của Einsteins. Điều này không có nghĩa là các quy tắc khoa học thì tương đối, nó chỉ cho thấy rằng thì ra những người tẩy chay các thuyết trên thì sai. Như vậy, chứng cớ của hàng trăm bộ lạc và những quan điểm khác biệt rộng rãi về luân lý thì không thể làm suy yếu nhận thức về luân lý phổ quát.
Trong vài thập niên qua, các nhà nhân chủng học đã so sánh giữa các quy tắc và thói quen của vài nền văn hóa trên thế giới. Trong những kết quả tìm thấy, có hai điều quan trọng cho mục đích của chúng ta. Thứ nhất, luân lý có tính cách phổ quát. Các học giả biết rằng không có nền văn hóa nào, quá khứ hay hiện tại, mà không có một hệ thống luân lý. Tuy các tiêu chuẩn luân lý có thể thay đổi từ văn hóa này sang văn hóa kia, hoặc ngay cả trong một nền văn hóa đặc biệt, mọi nền văn hóa đều phân biệt "điều gì đó" khác với "điều phải là." Thật không thể nào một nền văn hóa có thể vượt lên trên luân lý hoặc tránh khỏi luân lý.
Thứ hai, tính cách đa dạng của luân lý mà chúng ta thường nghe thì thật sự được thổi phồng quá đáng. Đặc biệt là các tôn giáo chính trên thế giới, đại diện cho phần lớn nhân loại trên địa cầu, bất đồng nhiều về Thiên Chúa nhưng lại đồng ý nhiều về luân lý. Mọi tôn giáo lớn đều có hình thức nào đó về Quy Luật Vàng: hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Năm 1993, thần học gia Hans Kung thành lập một "quốc hội" gồm đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới, kể cả người Do Thái, Kitô Hữu, Hồi Giáo, Ấn Giáo, và Phật Giáo. Nhóm này cho công bố bản tuyên ngôn về tín điều chung, bao gồm cả một chuỗi các giá trị luân lý nằm trong phạm vi tôn giáo.
Luân lý thống nhất này thì không bị giới hạn trong độc thần giáo hoặc ngay cả các văn hóa tôn giáo. Người Hy Lạp và Rôma có nhiều giảng dậy về luân lý giống như Do Thái Giáo và Kitô Giáo, tuy Athens và Rôma đã từng là các đế quốc đa thần. Trong cuốn Analect, Khổng Tử nói lưu loát về các giáo huấn cùng một loại, tuy giáo huấn của ông là một loại luân lý không có nền tảng thần học. Các nhà nhân chủng học cũng khám phá nhiều quy tắc luân lý tương tự trong các nền văn hóa có tính cách duy linh hoặc không có các tín điều chính thức. Vào đầu thế kỷ hai mươi, các học giả như Margaret Mead đi vào những vùng xa xôi và vội vàng cho biết, "Thật tình, ở đây họ không làm những điều giống như vậy." Nhưng thực chất của sự nghiên cứu này đã được duyệt lại dưới ánh sáng của những cuộc nghiên cứu cẩn thận hơn sau này.
Phải, có sự đa dạng về thói quen luân lý, nhưng rất ít thay đổi về tiêu chuẩn luân lý. Nhóm này có thể cho phép một vợ và nhóm kia ba bốn vợ, nhưng mọi nhóm đều đồng ý về tính cách cần thiết của gia đình và bổn phận luân lý phải cấp dưỡng cho con cái. Trong cuốn The Moral Sense, James Q. Wilson cho rằng có một văn phạm luân lý ăn sâu trong bản năng loài người. Sách nghiên cứu Human Universals của Donald Brown tiết lộ trên ba trăm kiểu cách đối xử không thay đổi, kể cả một loạt những tin tưởng luân lý mà tất cả nền văn hóa lớn đều có chung. Hãy lấy hai thí dụ của ông, nhiều nền văn hóa có thể đặt ra các hoàn cảnh mà trong đó được phép nói dối hay hành động hèn nhát, nhưng không một nền văn hóa nào coi sự thiếu thành thật và hèn nhát là những đức tính.
Vậy, chúng ta nói gì về tính cách tương đối—một học thuyết có ảnh hưởng nói rằng luân lý thì tương đối? Tôi đồng ý rằng thuyết tương đối có một vài giá trị, trong đó ngay cả những người trong cùng một xã hội cũng bất đồng ý về nội dung của luân lý. Có những cuộc tranh luận về tính cách ưu tiên của quy tắc luân lý này đối với quy tắc kia. Các cá nhân và ngay cả các xã hội cũng bất đồng ý về cách áp dụng một nguyên tắc luân lý vào một trường hợp rõ rệt. Nhưng về sự hiện hữu của các quy tắc luân lý thì không có sự bất đồng. Hậu quả là tính cách tương đối của thói quen và niềm tin luân lý thì không cách chi phá vỡ tính cách tuyệt đối của luân lý. Thật vậy tôi lập luận rằng luân lý không chỉ tuyệt đối, nhưng mọi người, kể cả những người tự nhận là theo chủ thuyết tương đối, biết rằng luân lý thì tuyệt đối. Thuyết tương đối trong ý nghĩa thuần túy của nó thì đơn giản không hiện diện.
Nếu bạn bị chất vất bởi một người theo thuyết tương đối, là người cả quyết rằng mọi luân lý thì tương đối, bạn hãy tự nhiên đấm vào mặt họ. Nếu họ không phản ứng, đấm nữa. Vào lúc nào đó họ sẽ phản đối, "Điều đó không đúng. Bạn không được làm như vậy." Và rồi bạn có thể giải thích cho họ là hành động của bạn thì thuần túy có giáo dục. Bạn chỉ chứng minh cho họ rằng ngay cả họ cũng không tin thuyết tương đối. Sự chống đối của họ không phải là "Tôi không thích bị đánh" nhưng là "bạn không được thi hành điều đó." Họ đã cầu viện đến một tiêu chuẩn không thay đổi mà họ mong muốn được bạn chia sẻ, đó là điều mà bạn đang thi hành thì sai lầm.
Một cách khác để bày tỏ quan điểm, khi bạn nghe ai đó long trọng hóa các giá trị tương đối, thì hãy tìm một giá trị mà họ trân quý và chỉ trích giá trị ấy. Đây là một phương cách hữu dụng bởi vì hầu hết khi người ta từ chối tính cách tuyệt đối của luân lý, họ dùng chiến thuật hùng biện để tấn công một luân lý nào đó mà bạn chủ trương. Thí dụ, một số người phóng khoáng thường thảo luận về các đề tài như cần sa ma túy, hình ảnh khiêu dâm, và đĩ điếm bằng cách nói rằng "Làm thế nào bạn lại áp đặt lên tôi những điều bạn tin tưởng? Ai có thể nói điều đó đúng?" Dường như họ từ chối tính cách tuyệt đối của luân lý. Nếu họ không ý thức, có thể họ tin tưởng như vậy.
Do đó phương cách để cho thấy họ chỉ lừa gạt và thuyết tương đối mà họ đưa ra chỉ là chiến thuật là hãy sỉ nhục các giá trị luân lý mà họ ưa chuộng. Thí dụ, bạn có thể nói, "Tôi không biết tại sao chúng ta lại có các luật cấm kỳ thị chủng tộc và tấn công người đồng tính luyến ái. Làm sao người ta dám hợp pháp hóa luân lý?" Hoặc "Tôi ngạc nhiên khi thấy người ta chống đối mạnh mẽ với lá cờ Liên Hiệp. Tôi không nghiêng về phe này hay phe kia, nhưng vì luân lý thì tương đối, có ai đó thực sự dám nói rằng chính nghĩa của miền Nam thì sai lầm không?" Hoặc "Vấn đề môi sinh đâu có gì quan trọng? Tại sao tôi lại phải gìn giữ địa cầu cho thế hệ tương lai? Thế hệ tương lai có làm gì cho tôi đâu?" Hãy nói những điều này như thể bạn rất tin tưởng, dù bạn không tin như thế.
Trước khi bạn chấm dứt, tôi nghĩ bạn sẽ thấy người ấy xăn tay áo lên, cả quyết rằng sự thành kiến và kỳ thị chủng tộc thì vô luân lý và bất công, và rồi chúng ta phải đặt ra lề luật để giới hạn chúng và bảo vệ môi sinh. Khi xác nhận các học thuyết này người ấy không có ý nói rằng quan điểm của họ về sự cố chấp và môi sinh thì đơn giản là vấn đề sở thích cá nhân. Họ ám chỉ rằng mọi người sẽ phải cảm thấy như vậy, và không một người đứng đắn nào lại đối xử theo kiểu cách trái với các quy tắc của họ. Có thể họ bỏ quên luật luân lý theo kiểu cách mà họ phản ứng với bạn, nhưng họ mau mắn nêu lên điều đó như một tiêu chuẩn mà họ mong đợi bạn hành động đối với họ. Nói tóm, hành động của họ xác nhận rằng tuy họ lớn tiếng từ chối, họ cũng coi luân lý là một điều tuyệt đối.
Ý niệm luân lý tuyệt đối rất phù hợp với tôn giáo bởi vì sự sống đời sau trở nên nơi gặp gỡ mà trong đó có phần thưởng và hình phạt. Nếu không có thiên đàng và hỏa ngục, đời sống trên mặt đất sẽ trở nên rất bất công. Nhiều người vi phạm luật luân lý và họ giầu có, và nhiều người tuân giữ luân lý phải đau khổ. Câu chuyện có thực sự chấm dứt như vậy không? Theo Ấn Giáo, bạn bị trừng phạt qua sự đầu thai. Nếu bạn sống tệ hại ở đời này, bạn có thể là con dán ở kiếp sau. Trong Do Thái Giáo, Kitô Giáo, và Hồi Giáo thì không có đầu thai nhưng có sự Phán Xét Sau Cùng, trong đó mọi công việc khi ở trần thế được giải quyết và sự công chính được thể hiện. Trong khung cảnh tôn giáo, những vi phạm luật luân lý chung cũng được coi như các vi phạm luật Chúa, và được đặt cho một tên mới: tội.
Các quy tắc luân lý không chỉ dễ dàng hòa nhập vào khung cảnh tôn giáo, nhưng sự hiện diện của một luân lý phổ quát, tuyệt đối còn là một lý do mạnh mẽ bào chữa cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu có các quy tắc luân lý mà nó hoạt động bên ngoài lãnh vực luật tự nhiên, những quy tắc này xuất phát từ đâu? Có quy tắc luân lý có nghĩa có người ban hành các quy tắc này. Nói cách khác, Thiên Chúa là tiêu chuẩn sau cùng của sự tốt lành. Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho sự phân biệt giữa tốt và xấu mà nói chung chúng ta coi đó như sự bó buộc hành động của con người. Các tiêu chuẩn này thì đặc biệt đối với loài người, điều này ám chỉ rằng có điều gì đó đặc biệt về chúng ta, và Thiên Chúa để ý đến lối sống của chúng ta.
Như thế sự hiện diện của luân lý tuyệt đối đề ra một thách đố lớn cho người vô thần. Các người ủng hộ thuyết Darwin như Daniel Dennett, Steven Pinker, và Richard Dawkins tìm cách đối phó với thách đố này. Họ cố gắng giải thích luân lý như một sản phẩm của sự tiến hóa và sự lựa chọn tự nhiên. Con người làm điều tốt và hành động vị tha, và xét bề ngoài, sự vị tha này dường như trái với quy tắc tiến hóa là mọi tạo vật hành động có lợi cho chính mình để tồn tại và sinh sôi nẩy nở. Dennett và Dawkins dựa trên công trình của các người tiên phong về tiến hóa như R. A. Fisher, W. D. Hamilton, và Robert Trivers để cho thấy rằng điều tưởng là vị tha thì thực sự là một chiến thuật lâu dài để tồn tại và sinh sôi mà đã được lập trình vào gien (gene).
Có hai danh từ quan trọng ở đây: "sự lựa chọn bà con" và "vị tha hỗ tương". Lựa chọn bà con có nghĩa tự giúp mình qua cách tuyển chọn tự nhiên. Nhưng trong mô hình này sự lựa chọn tự nhiên hoạt động không ở mức cá nhân nhưng ở mức gien. Chính các gien được lập trình để tự tồn tại mãi, ngay cả khi chúng ta—các bộ máy sinh tồn của chúng—bị tiêu hủy trong tiến trình. Richard Dawkins trình bầy lý luận này rất đầy đủ trong cuốn The Selfish Gene.
Qua lý lẽ này, một người mẹ lao vào chiếc xe đang bốc cháy để cứu đứa con bị kẹt trong đó thì không phải là một hành động thuần túy vị tha. Con của bà chia sẻ gien của bà, và hành động của bà được giải thích tốt nhất là một nỗ lực để đảm bảo rằng gien của bà sẽ được tiếp nối vào thế hệ kế tiếp. Ngay cả khi bà chết, gien của bà còn tiếp tục qua đứa con. Ưu điểm của "sự lựa chọn bà con" là nó giúp giải thích tại sao chúng ta liều lĩnh và hy sinh cho gia đình: đó là những người gần với chúng ta nhất về phương diện gien. Chúng ta ít liều lĩnh và ít hy sinh hơn cho họ hàng: họ cũng liên hệ với chúng ta về gien, nhưng xa hơn. Nhà sinh vật học J. B. N. Haldane có lần châm biếm rằng ông sẽ sẵn sàng hy sinh cho "hai người em và tám người bà con."
Còn người lạ thì sao? Thuyết của Darwin nói rằng chúng ta phải lạnh nhạt với họ vì họ xa lạ với chúng ta về phương diện gien. Tuy vậy, chúng ta trao đổi với người lạ và cùng sống với họ và đối xử với họ tử tế và công bằng. Người của Darwin giải thích điều này là một hậu quả của "vị tha hỗ tương," mà về luân lý nó tương đương với "tôi tốt với bạn, để bạn sẽ tốt với tôi." Kiểu cách này có thể dưới nhiều hình thức—"trước hết hãy tốt với tôi, và rồi tôi sẽ tốt với bạn" hoặc "tôi tiếp tục tốt với bạn một khi bạn còn tốt với tôi"—nhưng tổng quát họ cho rằng luân lý là một chiến thuật được chúng ta sử dụng vì mục đích lâu dài của chính chúng ta. Người theo Darwin đi xa hơn nữa để đặt ra các chiến thuật này, họ sử dụng đến lý thuyết về trò chơi và những sự loại suy tối nghĩa lấy từ con kiến và con dơi, nhưng tôi không cần nói lại các lý luận ấy; tính cách hợp lý bên dưới thì hiển nhiên và đủ sức thuyết phục.
Vấn đề là toàn thể khuôn khổ phân tích của người theo Darwin thì không giống với sự giải thích về luân lý. Nó tự hạn hẹp trong việc giải thích sự vị tha, nhưng nó chỉ thành công trong việc giải thích điều có thể gọi là "vị tha thấp". Nhưng con người còn có "vị tha cao" mà có thể được định nghĩa như lối đối xử không có lợi về gien hay tính cách hỗ tương. Một ông nhường ghế cho một bà lão trên xe buýt. Bà ta không là gì đối với ông, và chắc chắn ông không nghĩ rằng một ngày kia bà ta hoặc ai đó sẽ nhường ghế cho ông. Ông nhường ghế chỉ vì ông là người tốt. Không có sự hữu lý kiểu Darwin để có thể giải thích cho lối đối xử của ông.
Richard Dawkins thú nhận rằng thuyết Darwin không thể giải thích tại sao người ta lại hiến máu, một sự kiện mà ông viết là "sự vị tha thuần túy không có lợi" mà nó không đem ích lợi cho gien. Mô hình Darwin cũng không thể giải thích câu châm ngôn của Đức Kitô "hãy yêu kẻ thù." Hoặc của Mẹ Têrêsa, cả cuộc đời tận tụy chăm sóc người bệnh và hấp hối ở đường phố Calcutta . Hoặc của câu chuyện người Samari Tốt Lành đã giúp đỡ người lạ bị cướp của.
Trước đây ít lâu, tôi đọc một câu chuyện có thật của một linh mục Công Giáo, Maximilian Kolbe, là tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc Xã vì những hoạt động chống Đức Quốc Xã. Hàng ngày, Đức Quốc Xã chọn một người trong nhóm để hành quyết. Một trong những người được chọn đã van xin được tha vì ông còn vợ con, là những người tùy thuộc vào ông để sống. Khi lính Đức Quốc Xã chuẩn bị kéo ông đi, vị linh mục đứng lên và nói, "Để tôi thế chỗ cho ông ta." Bọn Đức Quốc Xã không thể hiểu được và từ chối, nhưng vị linh mục nài nỉ. Ông được thế chỗ này cũng không thể hiểu, bởi thế vị linh mục nói với ông, "Tôi không có gia đình. Tôi già rồi, và không được nhớ đến như ông." Sau cùng bọn lính đồng ý, và vị linh mục bị chết. Người được thế chỗ đã sống sót sau cuộc chiến và trở về với gia đình.
Darwin phải giải thích thế nào cho sự hy sinh của Linh Mục Kolbe? Đơn giản chẳng có gì cả. Ernst May, một nhà sinh vật học tiến hóa nổi tiếng, thú nhận rằng "sự vị tha đối với người lạ là một thái độ không được hỗ trợ bởi sự lựa chọn tự nhiên." Tôi rất tôn trọng công trình của Fisher, Trivers, và các người khác trong lãnh vực này, và tôi nghĩ rằng có lúc những người theo thuyết tiến hóa sẽ đưa ra nhiều giải thích tốt hơn về văn hóa và luân lý con người. Nhưng tôi tiên đoán là sự giải thích của họ về luân lý sẽ thất bại theo sự hạn hẹp của Darwin . Chương trình của Darwin cần giới hạn trong lãnh vực lợi ích riêng, và bản chất của luân lý thì hoạt động trái với tư lợi. Toàn thể ý nghĩa của luân lý là bạn thi hành những gì phải làm, không phải những gì bạn có khuynh hướng hay những gì bạn thích. Luân lý được diễn tả trong ngôn ngữ của bổn phận, và bổn phận là điều mà chúng ta buộc phải làm dù muốn hay không, dù có lợi cho chúng ta hay không.
C. S. Lewis minh chứng điểm này với một thí dụ thật hay mà tôi thay đổi cho phù hợp với mục đích. Bạn đang rảo bước bên bờ sông, và bạn nghe có tiếng kêu cứu của ai đó bị chìm. Bạn là người bơi không giỏi và người kia không là gì của bạn. Nếu đó là anh em của bạn, có lẽ bạn sẽ nhẩy xuống, vì họ có cùng gien với bạn. Nếu một nhóm họ hàng của bạn trên chiếc tầu đang chìm, có lẽ bạn sẽ nhẩy xuống cứu, bởi vì điều này có thể là một chiến thuật hợp lý để gien của bạn được tiếp tục qua bà con, họ hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bị chìm không có liên hệ gì với bạn. Sự tuyển chọn bà con thì không có dính dáng, và sự vị tha hỗ tương cũng vậy, vì không hợp lý để nghĩ rằng sẽ có dịp người ấy liều mạng sống để cứu bạn. Và tuy vậy, Lewis nói rõ, có tiếng nói nhỏ bé trong đầu bạn nói rằng bạn phải nhẩy xuống nước để cứu người ấy. Các nhà tư tưởng kiểu Darwin biết rằng điều này không thể giải thích là "hành động cho sự tốt lành của xã hội" bởi vì tại sao những người thích tư lợi lại phải lo lắng cho sự tốt lành của xã hội trừ khi nó có lợi cho họ? Vì nếu bạn lo lắng cho sự tốt lành của xã hội thì ngay tự đầu bạn phải là một người vị tha, và đây là điều chúng tôi đang cố gắng giải thích.
Một câu trả lời tốt hơn là con người có một "bản năng kết đàn" hoặc một tình cảm tự nhiên theo bản năng đối với những người cùng dòng giống, và có lẽ điều này có thể giải thích cho các khuynh hướng trái ngược: một đàng nói rằng "hãy giúp đỡ," đàng khác lại nói "kệ nó, đừng giúp." Lewis nhận xét rằng ngay cả khi có sự giằng co như vậy, một tiếng nói thứ ba, khác với hai tiếng nói trước, xuất hiện. Đây là tiếng nói rằng bạn phải giúp đỡ. Nhẹ nhàng lên tiếng nhưng kiên quyết, tiếng nói này thúc giục bạn hãy lắng nghe khuynh hướng tốt nói rằng "hãy giúp đỡ" và quên đi khuynh hướng ích kỷ nói rằng "đừng giúp." Đó là tiếng nói sâu kín của lương tâm.
Nhiều người nghĩ rằng lương tâm chỉ là một tâm tình hay một khuynh hướng. Nhưng lương tâm, tự nó không phải là một khuynh hướng nhưng đúng ra là người phân xử các khuynh hướng, điều mà Adam Smith có lần gọi là "quan sát viên vô tư" để đem lại cảm nhận cao nhất về chính chúng ta. Khi có một khuynh hướng mạnh mẽ như bản năng sinh tồn và một khuynh hướng yếu ớt như bản năng giúp đỡ người xa lạ, lương tâm thường can thiệp về phía bản năng yếu hơn. Ngoại trừ trong những người bệnh hoạn, tiếng nói của lương tâm thì hiển nhiên và không thể chối cãi. Nó không dùng đến sự cưỡng bách khi thúc giục chúng ta tuân theo mệnh lệnh của nó, nhưng nó sử dụng đến vừa quyền lực của sự phê bình và vừa cả một loại phán đoán: bạn buộc phải thi hành điều này, bất kể bạn cảm thấy thế nào.
Không còn tiếng nói nào khác để nói với chúng ta theo kiểu cách này. Lương tâm là người dẫn dắt quanh năm và thầy dậy luân lý. Dường như nó không đòi hỏi gì khác hơn là chính nó, và nó cung cấp sự hướng dẫn cá biệt được thay đổi cho từng hoàn cảnh đặc biệt. Lương tâm thì không lưu tâm đến sự thuận tiện hay danh tiếng, và dường như nó hoạt động mạnh khi không có ai dòm ngó. Dĩ nhiên, chúng ta có thể từ chối lời cầu khẩn của lương tâm, nhưng nếu làm như vậy, chúng ta phải trải qua sự phán xét chính chúng ta bằng những tiêu chuẩn mà lương tâm đem lại. Lương tâm có khả năng áp đặt sự tự trách mình, sự hối hận, và sự xấu hổ, và đồng thời khiến chúng ta cảm thấy rằng các hậu quả đó thì xứng đáng. Quả thật đó là một trong những khía cạnh bí ẩn và mạnh mẽ của bản tính con người.
Với Kant, lương tâm là một loại tiếng nói trực tiếp lên tiếng với chúng ta trong chính chúng ta, đem lại cho chúng ta một sự chắc chắn mà nó không thể có ở bên ngoài hay kinh nghiệm. Đây là một cách diễn tả luân lý theo triết học, nhưng Lewis nói đơn giản hơn: lương tâm thì không gì khác hơn tiếng nói của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta. Nó là cây cầu nối liền giữa tạo vật và Tạo Hóa. Ngay cả người vô thần cũng nghe tiếng mời gọi bên trong này bởi vì ngay cả người vô thần cũng có luân lý trong con người họ, và dù người vô thần có thể chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không chối bỏ họ.

CHƯƠNG 21

BÓNG MA TRONG BỘ MÁY:
TẠI SAO CON NGƯỜI THÌ HƠN VẬT CHẤT

"Ý tưởng của các linh hồn phi vật chất… đã vượt qua được sự đáng tin của nó nhờ sự tiến bộ của khoa học tự nhiên."
Daniel Dennett, Freedom Evolves

C
ó thể nói rằng có sự chống đối mạnh mẽ đối với sự thảo luận của chúng ta về khoa học, luân lý, và các nhận thức truyền thống về đúng và sai. Có thể chúng ta nghĩ là đã cảm nghiệm về tiếng gọi của lương tâm, nhưng làm thế nào để biết đây không phải là một ảo tưởng? Tôn giáo nói với chúng ta rằng sự giải quyết tốt và xấu xảy ra trong "linh hồn," nhưng chỗ của linh hồn này ở đâu? Cả một chiều hướng vô thần mạnh mẽ dậy rằng con người thì không có gì khác hơn là vật chất. Theo quan điểm vật chất này, linh hồn là một điều tưởng tượng, một "bóng ma trong bộ máy" do tôn giáo sáng chế ra cho mục đích riêng. Nói cho cùng, chúng ta chưa bao giờ gặp được bóng ma này trong khuôn khổ vật chất của con người. Điều chúng ta gặp là não bộ, mạch máu, và các cơ quan. Tất cả những thứ này đều tạo bởi các phân tử và nguyên tử giống như cây cối và hòn đá, và được ráp lại qua cách thức tiến hóa và lựa chọn tự nhiên để thành một bộ máy phức tạp mà chúng ta gọi là Homo sapiens. Từ quan điểm này, con người là một loại bộ máy thông minh, một máy điện toán có nền tảng là chất carbon. Hậu quả là con người phải được hiểu theo cùng các ngôn từ mà chúng ta hiểu về các chương trình điện toán.
Nhà vật lý Victor Stenger viết trong cuốn God: The Failed Hypothesis, "Nếu quả thật chúng ta có được một linh hồn phi vật chất, chúng ta phải tìm thấy được một vài chứng cớ." Nhưng khoa học không tìm thấy gì cả, điều đó khiến Stenger kết luận rằng linh hồn là một sự tưởng tượng. Triết gia Daniel Dennett viết, "Bộ óc chúng ta được cấu tạo bởi các giây thần kinh, và chẳng có gì khác. Các tế bào thần kinh là các hệ thống cơ học phức tạp. Lấy tất cả những thứ này, và đưa chúng lại với nhau, và bạn có một linh hồn." Dennett không ám chỉ rằng linh hồn là một đối tượng phi vật chất. Đúng hơn, ông ám chỉ rằng linh hồn là cái tên của khả năng óc não để thi hành loại tiến trình cơ học nào đó.
Vật lý gia Jerome Elbert viết rằng không thể có linh hồn, bởi vì "nếu có linh hồn và nó cần thiết để suy nghĩ và quyết định, tiến trình trí tuệ của chúng ta phải bao gồm sự liên lạc thường xuyên giữa não bộ đến linh hồn và từ linh hồn đến não bộ." Là một khoa học gia, Elbert thú nhận, "Tôi thấy ý tưởng về sự tương tác như vậy thì rất bối rối." Lý do ông bị khó khăn là vì ông không hiểu được làm thế nào một thực thể phi vật chất như linh hồn lại có thể lay động hay ảnh hưởng đến một đối tượng vật chất như não bộ. Ông còn nêu lên một vấn đề sâu xa hơn. "Nếu những tương tác như vậy có thật, bộ óc con người là một giao diện với một cái khác, thế giới phi vật chất. Sự tương tác ấy ám chỉ rằng các quy luật của khoa học áp dụng cho tất cả vũ trụ--ngoại trừ con người… Hình ảnh này đem lại cho con người một vị thế độc đáo trong vũ trụ. Hình ảnh con người là trung tâm dường như không thể chấp nhận theo quan điểm của khoa học về thế giới." Với Elbert, sự hiện diện của linh hồn là một nguy hại đến bản chất của khoa học hiện đại.
Tuy vậy, cũng có những hậu quả thâm trầm không kém sâu xa khi nhấn mạnh rằng con người thì không khác hơn vật chất, hoạt động theo các quy tắc vật lý. Nếu thật như vậy, chúng ta sống trong một vũ trụ có tính cách quyết định và ý muốn tự do là một ảo tưởng. Một số người, như Francis Crick và E. O. Wilson, không do dự quả quyết rằng con người không có ý muốn tự do. Crick nói, "Nó có vẻ tự do đối với bạn, nhưng nó là kết quả của những điều mà bạn không biết." Wilson viết rằng "hoạt động thầm kín của tâm trí đem lại ảo giác của tự do ý muốn."
Nhưng Richard Dawkins lý luận rằng tuy chúng ta là sản phẩm của chính gien (gene) ích kỷ của mình, "chúng ta có sức mạnh để chống lại những gì tạo nên chúng ta. Chúng ta, đơn độc trên mặt đất, có thể nổi loạn chống với sự chuyên chế của những gì tái tạo (replicator) ích kỷ." Do đó, nếu chúng ta "hiểu được gien ích kỷ của chúng ta đi đâu… thì tối thiểu chúng ta có thể đảo lộn hoạch định của chúng." Nếu điều này đúng, thì bởi sự thú nhận của Dawkins, loài người chúng ta chiếm một vị thế độc đáo trong vũ trụ, bởi vì tâm trí chúng ta có thể kiểm soát định mệnh sinh vật học của chúng ta. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nổi lên chống với các gien của chúng ta? Chúng ta khác thế nào với máy điện toán, nó không thể nổi lên chống với các chương trình, hoặc con báo, chắc chắn nó phải tuân theo mệnh lệnh là săn đuổi để sinh tồn, hoặc các thiên thạch, chúng yên lặng di chuyển tuân theo các quy luật về năng lượng và trọng lực? Dawkins không có giải thích nào về điều này và dường như ông không cần giải thích.
Steven Pinker thì phóng túng hơn nữa. Trong nhiều cuốn sách, ông quả quyết rằng bộ óc con người thì không gì khác hơn một máy điện toán tài tình mà các lập trình của nó được thực hiện bởi sự tình cờ và lựa chọn tự nhiên. "Cái tôi… chỉ là một hệ thống khác của các hệ não bộ… Có rất nhiều chứng cớ cho thấy mỗi một khía cạnh của đời sống tâm trí thì hoàn toàn lệ thuộc vào các biến cố vật lý trong các tế bào não bộ." Tuy nhiên Pinker không thấy tại sao quan điểm này về con người lại đe dọa ý muốn tự do về mục đích hoặc về luân lý theo bất cứ cách nào: "Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào bất cứ gì xuất phát từ nơi chế tạo… lại có thể làm bớt đi ý nghĩa đời sống." Trong một cuốn khác, ông nói rằng "hạnh phúc và đức tính không dính dáng gì đến điều mà sự lựa chọn tự nhiên đã giúp chúng ta hoàn thành… Chúng ở đó để chúng ta quyết định." Pinker viết rằng chỉ vì các gien của ông được lập trình để tồn tại và sinh sản, điều đó không có nghĩa ông phải hành động theo kiểu cách như vậy. "Sâu trong những năm phát triển của tôi, cho đến nay, tôi tự ý không có con… quên đi cái mệnh lệnh tối hậu là phải lan tràn gien của tôi… Nếu gien của tôi không thích điều ấy, chúng có thể nhẩy xuống hồ nước."
Dù cho Pinker có hoa mỹ đến đâu đi nữa, khi ông nói rằng chúng ta có thể tuyên bố độc lập với các gien ích kỷ của chúng ta, điều đó vô nghĩa. Pinker, cũng như nhiều người khác, chọn không có con cái. Chữ then chốt ở đây là "lựa chọn," điều đó coi như tự do lựa chọn. Pinker không giải thích sự tự do lựa chọn này đến từ đâu. Hơn nữa, ông không đối diện với sự chống đối của Darwin về nội dung của sự lựa chọn. Nếu gien của chúng ta là để tồn tại và sinh sản, làm thế nào khuynh hướng con người tránh có con lại có thể sống sót sau tiến trình tuyển chọn tự nhiên? Nói rằng, "Gien của tôi nói rằng hãy sinh sản, nhưng tôi nói mặc kệ bay" thì chưa đủ. Kiểu lý luận này sẽ tiêu hủy mọi giải thích của Darwin về lối đối xử của con người. Hơn nữa, làm thế nào hạnh phúc và đức tính có thể là điều gì đó "tùy chúng ta quyết định"? "Chúng ta" này xuất phát từ đâu để tránh khỏi những hoạch định của gien? Làm thế nào chúng ta có được sự khôn khéo và sức mạnh để chiến đấu chống kẻ thù một cách ghê gớm như chính bản tính của chúng ta? Vừa mới bác bỏ bóng ma trong bộ máy, dường như Pinker lại lén lút đưa nó trở lại.
Chúng ta hãy đối diện với thuyết duy vật chính yếu cho rằng con người, giống như toàn thể thiên nhiên, được cấu tạo bởi vật thể và không có gì khác. Bằng chứng tốt nhất cho lý thuyết này là tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy, va chạm, và đo lường thì đều là vật chất. Hơn nữa, vật chất dường như "chịu trách nhiệm" cho tư tưởng, cảm xúc của chúng ta, và có lẽ ngay cả trực giác luân lý. Một cú đập mạnh vào đầu có thể làm bất tỉnh. Rượu và sự mệt mỏi ảnh hưởng đến sự tập trung tư tưởng. Dùng điện kích thích các phần nào đó của não bộ thì có thể tạo ra một phản ứng về cảm xúc. Các bệnh nhân bị thương phần nào đó ở não sẽ mất khả năng thông cảm với người khác hoặc nhận biết các hình dạng. Bệnh mất trí Alzheimer tạo nên sự thoái hóa thể chất mà nó dẫn đến sự suy sụp tâm trí và ý thức luân lý hoàn toàn biến mất.
Vì ý thức, nhận thức, và ý tưởng tất cả đều xảy ra trong não, Francis Crick diễn tả não bộ như một cơ phận về ý thức, nhận biết, và suy nghĩ. Crick viết, "Cả hai bán cầu não có thể nghe được điều đang nói… Điều bạn thấy thì không thực sự ở đó; đó là điều óc bạn tin như vậy… Óc của bạn giải thích tốt nhất mà nó có thể… Óc tổng hợp các dữ kiện… và chấp nhận sự giải thích hợp lý nhất… Điều này cho phép não bộ phỏng đoán được toàn bộ vấn đề."
Theo quan điểm của Crick, bộ óc "nhìn," "nghe," "tin," "phỏng đoán," và ngay cả "giải thích." Nhưng như triết gia Peter Hacker và nhà thần kinh học Max Bennett vạch rõ, đó là một sai lầm về quan niệm khi gán ghép các phẩm chất cho bộ não mà chỉ có nơi con người. Bộ óc của tôi không ý thức; tôi có ý thức. Bộ óc của tôi không nhận biết hay nghe được; tôi làm điều đó. Bộ óc của tôi không suy nghĩ; tôi suy nghĩ. Crick thì sai lầm về một số điều được gọi là nhân cách hóa sự vô tri, đó là sự sai lầm khi gán ghép đặc tính của con người cho các vật vô tri giác. Chắc chắn chúng ta dùng não bộ để nhận biết và lý luận, cũng như chúng ta dùng chân tay để đánh quần vợt. Nhưng nói rằng chân tay tôi chơi quần vợt thì cũng điên khùng như nói rằng cái vợt của tôi chơi quần vợt. Cũng vậy, thật sai lầm để trình bầy não bộ như biết nghe, biết nghĩ, biết cảm giác, hoặc ngay cả biết ý thức về điều gì đó.
Có một vấn đề sâu xa hơn khi nới rộng sự hiểu biết tự nhiên về vật chất cho con người. Trước hết, chúng ta cảm nghiệm thế giới bên ngoài—một thế giới được diễn tả bằng các quy luật về vật lý và hóa học—rất khác với cảm nghiệm về chính chúng ta. Đây là điểm được triết gia Arthur Schopenhauer nhấn mạnh. Tất cả những gì chúng ta cảm nghiệm gián tiếp, tự bên ngoài, là qua các giác quan, nhưng chúng ta cảm nghiệm trực tiếp về chính mình, tự bên trong, mà không cần đến giác quan. Chỉ với chính mình, chúng ta có một loại "dữ kiện bên trong," nó rõ ràng nhất, là kiến thức căn bản nhất mà chúng ta có. Dựa trên sự tiếp cận ưu tiên và độc đáo này, chúng ta biết rằng thực thể bên ngoài, dù chính xác đến đâu khi diễn tả giọt mưa hay con báo, thì không trọn vẹn khi phải diễn tả chính chúng ta.
Thí dụ, chúng ta biết chắc chắn là chúng ta hiện hữu. David Hume nói rằng ngay cả điều này chúng ta cũng thực sự không biết: "Khi tôi rất mật thiết đi vào điều gọi là chính tôi, tôi thường vấp phải một số nhận thức nào đó, về nóng hay lạnh, sáng hay tối, yêu hay ghét, đau đớn hay khoái trá. Không bao giờ tôi có thể bắt gặp chính tôi vào bất cứ lúc nào mà không có một nhận thức và không bao giờ có thể quan sát bất cứ gì ngoài nhận thức." Hậu quả là, với Hume, cái tôi là một sự tưởng tượng vì không thể dùng kinh nghiệm mà xác định được vị trí của nó. Nhưng điều đáng kể là chúng ta ý thức về sự hiện hữu của mình trước khi có bất cứ cảm giác nào hay tư tưởng nào. Ngoài ra, các tâm tình và tư tưởng của chúng ta được cảm nghiệm như "các sở hữu" bằng cách nào đó khác với cái tôi, trong khi cái tôi thì được cảm nghiệm trực tiếp. Schopenhauer viết rằng khi chúng ta là chủ thể của các thắc mắc về chính mình, sự sai lầm duy vật là về "chủ thể mà nó không lưu ý đến chính mình." Hume quan sát các cảm giác trong khi quên rằng chính ông là người đang quan sát. Ông đang cho phép sự hiểu biết gián tiếp về hiện tượng bên ngoài trùm lấp sự hiểu biết trực tiếp về cái "Tôi" mà nó đang có những cảm nghiệm này.
Chúng ta không chỉ hiện hữu, nhưng chúng ta còn ý thức. Ý thức này dường như rất căn bản: chúng ta không thể "trốn ra đằng sau" nó, và đó là toàn thể kiểu cách mà chúng ta tiếp cận thế giới cảm nghiệm. Dường như chúng ta chia sẻ ý thức với một số loài vật khác, nhưng không phải là thực vật hoặc không sống động. Hơn nữa, ý thức của con người dường như thuộc về một trật tự khác với ý thức loài vật. Tỉ như, hãy để ý đến cách chúng ta cảm nghiệm âm nhạc. Từ quan điểm duy vật, âm nhạc thì không gì khác hơn các rung động đập vào màng nhĩ và kích động các phản ứng của não bộ. Nhưng chúng ta cảm nghiệm âm nhạc trong một phương cách hoàn toàn khác biệt. Ngay cả các tư tưởng và cảm tưởng trần tục nhất dường như không thể giải thích khi được diễn tả bằng những danh từ về vật lý và biến chuyển hóa học. Thí dụ, một bác sĩ có thể biết rõ về não bộ của tôi hơn chính tôi, nhưng ông không biết gì về tư tưởng thầm kín của tôi, và ông sẽ không thể nào nhìn thấy hay cân đo hoặc đụng chạm đến chúng, dù các dụng cụ của ông có tốt đến đâu.
Trong một chương trước đây về sự tiến hóa, chúng ta đã thấy rằng khoa học hay thuyết Darwin không thể giải thích về ý thức. Cách tốt nhất mà các khoa học gia về nhận thức như Steven Pinker có thể đem lại là thuyết duy vật đầy hứa hẹn: chúng ta tin rằng ý thức là một hiện tượng phụ của thực tại vật chất, nhưng sau này chúng ta sẽ giải thích làm thế nào các phân tử và nguyên tử có thể tạo ra điều gì đó rất cơ bản và nguyên thủy như ý thức chủ quan. Nhưng một giải thích tương lai không khác gì không giải thích. Cho đến khi có giải thích ấy, thật có ý nghĩa để coi ý thức là một thực tại không thể giản lược như chúng ta cảm nghiệm. Tại sao lại để sự phỏng đoán và những món nợ trí thức khiến chúng ta từ bỏ một điều gì đó thật căn bản như sự tự nhận thức của chúng ta? Sao lại chấp nhận trí tuệ như một phỏng đoán vật lý khi chúng ta có thể cảm nghiệm mọi thực thể vật chất?
Ngoài ý thức, chúng ta còn cảm nghiệm ý định và mục đích. Chúng ta cảm nghiệm các điều đó bên trong chúng ta, và chúng ta có thể giải thích hữu hiệu hành động của người khác bằng cách giả sử rằng họ cũng có cùng các đặc tính. Triết gia Bryan Magee đưa ra một thí dụ. Nếu một thể xác con người đang ngồi đối diện với tôi trong phòng mà đứng dậy, di chuyển đến một cái bàn, nhận ra vị trí của cái hộp, rút ra một điếu thuốc, và đặt vào miệng, tôi biết rằng các biến cố này đang xảy ra vì đối tượng mà tôi gọi là con người, họ muốn hút thuốc. Tôi biết điều mà người khác đang làm dù chưa bao giờ tôi hút thuốc. Magee nhận xét rằng nếu chúng ta tìm cách giải thích biến cố này thuần túy khoa học với các danh từ về sự chuyển động của phân tử và biến đổi của nguyên tử, nó sẽ hoàn toàn không thể hiểu được. Chúng ta không thể hiểu người khác chỉ bởi bao gồm những sự vật. Pinker thú nhận rằng "lối đối xử con người có ý nghĩa nhất khi được giải thích bằng những danh từ về niềm tin và ao ước, chứ không phải về điện thế hoặc trọng lượng."
Sự hiểu biết duy vật hay "khách quan" về cảm nghiệm con người dường như không đủ vì chúng ta cảm nghiệm đời sống của chúng ta như một đơn vị. Tôi có nhiều tâm tình, ý nghĩ và cảm nghiệm khác biệt, nhưng tôi cảm nghiệm tất cả trong một lãnh vực thống nhất đơn độc, điều mà Kant long trọng gọi là "đơn vị siêu việt của tổng giác". Vật chất làm nên thân thể của tôi thì thay đổi không ngừng, nhưng tôi vẫn là con người cũ. Lúc trước tôi trẻ, bây giờ tôi là người trung niên, và một ngày kia tôi sẽ già, nhưng qua những biến đổi này tôi vẫn là "Dinesh". Nếu tôi gặp lại bạn cùng lớp, người mà tôi không gặp trên hai mươi lăm năm, ở phi trường, có thể tôi ngạc nhiên khi thấy tóc họ bạc và mập hơn trước, nhưng tôi không phản ứng với điều này bằng câu hỏi, "Bạn là ai vậy?" Tôi nhận ra rằng họ vẫn là bạn học cũ của tôi, dù thân hình của họ có tàn tạ qua thời gian.
Nhận thức về chính mình thì nằm sâu trong ký ức của quá khứ, mà nếu không, "cái tôi" chưa chắc có được chút gì ý nghĩa. Hãy thử tưởng tượng nếu tôi không nhớ được những cảm nghiệm gì xảy ra hôm qua, hay năm phút trước đây, hoặc nếu tôi không rõ những cảm nghiệm ấy xảy ra với cùng một người. Trong trường hợp ấy tôi không thể nói về quá khứ "của tôi" hay tương lai "của tôi" một cách có ý nghĩa, và nhận thức về căn tính của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ. Qua trí nhớ về quá khứ và những kỳ vọng cho tương lai mà chúng ta duy trì sự liên tục và đặc biệt qua đời sống chúng ta. Cuộc đời chúng ta có một đơn vị ưu tiên mà chúng ta không có lý do để coi thường trong sự hiểu biết về chính mình. Do đó, ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ là một tổng hợp những phản ứng hóa học thì điều đó vừa không thể tin và vừa ngớ ngẩn.
Sự hiểu biết duy vật dường như đưa đến hình thức cứng cỏi của thuyết giản lược. Vật lý gia Paul Davies giải thích điều này bằng một sự loại suy: "Một kỹ sư điện tử có thể giải thích đầy đủ và chính xác về bảng quảng cáo bằng điện qua những danh từ về điện tử, lý thuyết dòng điện, làm thế nào mỗi bóng đèn cháy sáng. Tuy nhiên, nếu nói rằng bảng quảng cáo này thì không gì khác hơn là các mạch điện, điều đó thật ngớ ngẩn." Điểm Davis muốn nói là con người là một tổng hợp của các phân tử cũng giống như các kịch bản của Shakespeare là tổng hợp những chữ, hoặc các bản hòa tấu của Beethoven là tổng hợp của các nốt nhạc. Tuy nhiên, thật khó để đồng ý rằng Othello thì không gì khác hơn một tổng hợp các chữ, hoặc bản Fifth Symphony thì không gì khác hơn một tổng hợp các nốt nhạc. Khi diễn tả theo cách này, dường như trong Othello và Fifth Symphony có một đơn vị bao quát bị quên lãng. Cũng giống vậy khi nói con người được cấu tạo bởi các phân tử và nguyên tử, nhưng điều đó không nói được chút gì về cái đơn vị mà chúng ta cảm nghiệm trong đời sống hàng ngày.
Càng ngẫm nghĩ lâu về thuyết duy vật, càng thấy nhiều khó khăn xuất hiện. Làm thế nào thuyết duy vật giải thích cho sự kiện rằng chúng ta là các nguyên do của thế giới  không bởi các phản ứng hóa học của gien nhưng bởi các niềm tin tưởng thực sự? Nhà sinh vật học Anh J. B. S. Haldane tóm lược trở ngại này: "Nếu các tiến trình của tâm trí được hoàn toàn quyết định bởi các chuyển động của nguyên tử trong óc của tôi, tôi không có lý do gì để cho rằng các điều tôi tin tưởng thì đúng… và vì vậy tôi không có lý do gì để cho rằng đầu óc của tôi được cấu tạo bởi các nguyên tử." Vật lý gia Stephen Hawking nắm lấy thế tiến thoái lưỡng nan này và thấy mình chết sững:
Nếu bạn tin rằng vũ trụ thì không tùy tiện, nhưng được chi phối bởi các định luật, sau cùng bạn phải tổng hợp các lý thuyết cục bộ trong khoa học để trở thành một lý thuyết thống nhất trọn vẹn mà nó sẽ giải thích mọi thứ trong vũ trụ. Nhưng có sự nghịch lý cơ bản trong việc tìm kiếm một lý thuyết thống nhất trọn vẹn như vậy. Các ý tưởng của chúng ta về các lý thuyết khoa học… cho rằng chúng ta là những sinh vật có lý trí, được tự do quan sát vũ trụ như chúng ta muốn và rút ra các suy luận hợp lý từ những gì chúng ta thấy. Trong khung cảnh như vậy, thật hợp lý để giả sử rằng, hơn bao giờ hết, chúng ta có thể tiến bộ gần với các quy luật ảnh hưởng đến vũ trụ. Tuy nhiên, nếu có một lý thuyết thống nhất trọn vẹn, có lẽ nó cũng sẽ quyết định về hành động của chúng ta. Và như vậy, chính lý thuyết này sẽ quyết định kết quả của sự tìm kiếm của chúng ta! Và tại sao phải cho rằng nhờ có chứng cớ mà chúng ta kết luận đúng? Không phải là chúng ta cũng có thể rút ra được những kết luận sai lầm sao?
Đây là giải pháp của Hawking:
Câu trả lời duy nhất về vấn đề này thì được dựa trên quy tắc của Darwin về sự lựa chọn tự nhiên. Quan niệm này là trong bất cứ số đông sinh vật nào tự sinh sản, sẽ có những thay đổi trong chất gien và giáo dục mà mỗi cá nhân có khác nhau. Những sự khác biệt này có nghĩa là một số cá nhân thì có khả năng tốt hơn những người khác để có thể kết luận đúng về thế giới chung quanh và hành động phù hợp với thế giới ấy. Những cá nhân này dường như có thể tồn tại và sinh sản, và thói quen đối xử cũng như ý nghĩ của họ sẽ chiếm ưu thế.
Giải pháp của Hawking được dựa trên một sự vô lý dựa trên tiền đề. Các nhà sinh vật học nêu lên sự tiến hóa để giải thích các thử thách mà người cổ xưa phải đối diện trong khung cảnh tiền sử. Nhưng sự tiến hóa không thể giải thích hơn nữa. Con người không bị áp lực sinh tồn để phát triển khả năng hiểu biết về quỹ đạo của các hành tinh hoặc phân lượng cực nhỏ của vật chất. Hơn nữa, sự tiến hóa chỉ chọn lựa để sinh sản và tồn tại, chứ không để biết sự thật. Dựa trên sự tiến hóa, các ý nghĩ của chúng ta có thể được coi là hữu ích cho chúng ta, nhưng không có nền tảng để giả sử rằng chúng phù hợp với sự thật. Thật vậy, một sự dối trá hữu ích thì được ưa thích hơn một sự thật mà nó không đóng vai trò gì trong sự tự nhận thức của gien. Khi rút gọn mọi thứ thành các quy luật tự nhiên, chúng ta mạo hiểm không chấp nhận rằng có sự hữu lý hay sự thật nào đó ở đằng sau các quy tắc tự nhiên.
Lý lẽ mạnh mẽ nhất chống với thuyết duy vật có lẽ là sự lý luận về ý muốn tự do. Để tôi minh họa. Tôi đang ngồi ở máy điện toán với ly cà phê trên bàn. Tôi có thể vói tay lấy cà phê và nhấm nháp, nếu tôi muốn; tôi có thể làm đổ cà phê trên sàn, nếu tôi muốn; tôi có thể để cà phê nguội ngắt. Bây giờ, tôi tự hỏi: trong các quy tắc vật lý, có điều gì buộc tôi phải thi hành những điều nói trên không? Hiển nhiên là không. Theo câu nói của Milton Friedman, tôi được "tự do lựa chọn." Sự tự do này nói lên nhiều đặc tính về hành động của tôi trong đời, tuy không phải là tất cả. Tôi không có tự do nín thở khi nằm ngủ, tôi cũng không có tự do để kiểm soát cách thực phẩm đi vào dạ dầy. Tuy nhiên, tôi có tự do để hất đổ ly cà phê xuống sàn. Một khi tôi quyết định và thực sự làm như vậy, bây giờ kiểu cách đổ nhào của ly cà phê thì hoàn toàn tùy thuộc các quy tắc vật lý. Tuy nhiên, sự lựa chọn của tôi để đưa ly cà phê vào kiểu cách ấy thì được quyết định không phải bởi quy tắc vật lý nhưng bởi sự tự do quyết định của tôi.
Kant đào sâu hơn đặc tính của lý luận này khi đưa nó vào lãnh vực luân lý. Chúng ta là sinh vật có luân lý. Chúng ta có các ý niệm về luân lý, tỉ như "đúng" và "sai", "tốt" và "xấu". Chúng ta "nên" làm điều này và "đừng nên" làm điều kia. Dù cố gắng thế nào, chúng ta cũng không thể tránh được kiểu cách suy nghĩ và hành động này. Luân lý là một dữ kiện có tính cách kinh nghiệm, không kém thực tế hơn bất cứ kinh nghiệm nào khác trên thế giới. Kant lý luận rằng để các ý niệm này có ý nghĩa hoặc có thể áp dụng bất kể cái gì, nó phải là trường hợp mà chúng ta có sự lựa chọn để thi hành hay không. Nên ám chỉ có thể. Điều này không có nghĩa là vật chất và sự vô thức không thể ảnh hưởng đến quyết định. Nhưng ngay cả vậy, tối thiểu có những khi chúng ta có sự tự do để chấp nhận điều này, và từ chối điều khác. Nếu không bao giờ chúng ta có sự lựa chọn, thì thật sai lầm để nói rằng tôi "phải" làm điều này và "không phải" làm điều kia bởi vì tôi không còn cách quyết định nào khác. Vì bất cứ ai đề nghị hành động này hay cách này thay vì cách kia, điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Nếu thuyết quyết định đúng, không ai trên thế giới có thể kiềm chế đừng thi hành bất cứ gì. Toàn thể tính cách luân lý—không chỉ luân lý này hay luân lý khác nhưng chính luân lý—trở nên một ảo tưởng.
Toàn thể từ vựng của chúng ta về sự ca ngợi và buộc tội, thán phục và khinh miệt, cho phép và cấm cản sẽ bị xóa bỏ. Nếu ai đó giết người hàng xóm, hoặc hủy diệt cả một đám dân cư, chúng ta sẽ không được phép để trừng phạt hoặc ngay cả chỉ trích người ấy, bởi vì, nói cho cùng, hắn chỉ hành động theo kiểu cách của một lập trình điện toán sai lầm hoặc một hòn đá vô tình lăn xuống đồi. Nhưng Kant nói rằng kiểu cách suy nghĩ này không chỉ không thể chấp nhận, nhưng còn là điều bất khả đối với con người. Những ai hoạt động bên ngoài lãnh vực luân lý, chúng ta gọi là người bị bệnh tâm thần, và thay vì giao cho họ công việc dậy triết lý, chúng ta cột chân tay họ lại. Bởi bản tính, chúng ta có luân lý. Và từ đó chúng ta có tự do, tối thiểu đến mức độ nào đó, để lựa chọn giữa các kiểu cách hành động bởi vì đây là phương cách duy nhất mà chúng ta có thể nghĩ và hành động phù hợp luân lý.
Kant theo con đường luân lý này để đi đến một kết luận quan trọng: chúng ta vui hưởng tối thiểu một số phạm vi tự do nhờ tác dụng của ý muốn. Sự tự do này có nghĩa thi hành những gì chúng ta muốn hoặc những gì chúng ta nên thi hành, trái với những gì phải thi hành. Sự tự do ám chỉ tự do ý chí, mà Kant phân biệt từ sự lệ thuộc đến khuynh hướng tự nhiên. Như vậy, tối thiểu một số điều chúng ta suy nghĩ và hành động thì không bị ảnh hưởng bởi sự áp đặt các quy tắc khoa học. Nếu tôi cho một người lạ ít tiền, cử động của thân thể tôi bị chi phối bởi tự nhiên, nhưng tôi muốn cho và người kia muốn nhận là những quyết định tự do của cả hai chúng tôi.
Tiếp theo, có một khía cạnh của con người thuộc về thế giới khoa học, và có một khía cạnh của con người ở bên ngoài lãnh vực của các quy tắc khoa học. Đồng thời, chúng ta sống ở lãnh vực hiện tượng, là lãnh vực vật chất, và cũng ở lãnh vực "noumenal" (phi vật chất), là lãnh vực tự do. Chính lãnh vực "noumenal" này, lãnh vực bên ngoài thời gian và không gian, đã giúp sự tự do lựa chọn là điều khả dĩ, nó được thể hiện trong lãnh vực không gian và thời gian. Chủ nghĩa duy vật tìm cách hiểu chúng ta trong hai chiều, trong khi trên thực tế chúng ta ở ba chiều.
Đối với một số người, dường như nó có vẻ quái dị là mọi thiên nhiên phải tuân theo các quy luật bất biến nhưng một loại sinh vật duy nhất, có lông, ăn tạp, và có hai chân, lại có thể hành động vi phạm đến các quy luật này. Nhưng thật như vậy, và chúng ta là sinh vật đó. Hơn thế nữa, với sự giúp đỡ của Kant chúng ta phám khám phá rằng thế giới vật chất không phải là duy nhất, và còn có một lãnh vực cao hơn để dựa vào đó khi chúng ta tự do lựa chọn. Nói cách khác, chúng ta vừa minh chứng rằng chủ nghĩa duy vật thì sai, và trái với sự khẳng định có tính cách độc đoán, có một bóng ma trong bộ máy, mà vì sự tiện lợi chúng ta có thể gọi tên là linh hồn.

CHƯƠNG 22

"TÔI" HỐNG HÁCH:
KHI CÁI TÔI TRỞ NÊN QUAN TÒA CỦA LUÂN LÝ

"Chính cái tôi của ngươi có thật."
William Shakespeare, Hamlet

T
rong văn hóa chúng ta, trong khi có một số người từ chối không có linh hồn, một số khác thú nhận rằng tối thiểu con người có một "cái tôi cao hơn." Họ cả quyết rằng, cái tôi này thì không giống với linh hồn, nó cũng không tuân theo mệnh lệnh của luân lý truyền thống hoặc bộ luật luân lý ở bên ngoài. Đúng hơn, đây là một cái tôi mà nó khuôn đúc luân lý cho chính nó. Tuy nhiên, cũng như luân lý truyền thống đối với các tín đồ, luân lý này cũng ép buộc phải trung thành. Điều chúng ta có ở đây không phải là từ chối luân lý, như nhiều tín đồ hoài nghi. Chúng ta cũng không có một mẩu của luân lý. Đúng hơn, chúng ta có một luân lý mới có thể được gọi là luân lý tự do hoặc luân lý trần tục.
Luân lý trần tục này đã đầy dẫy ở Âu Châu, Gia Nã Đại, và Úc, và nó đang tiến bộ mạnh ở Hoa Kỳ. Giờ đây nó đang được xuất cảng sang các nền văn hóa khác, là nơi nó đang thu hút nhiều—nhất là trong giới trẻ. Trong khi luân lý truyền thống có ảnh hưởng trong quá khứ, luân lý trần tục được cho rằng là quy tắc xử thế của tương lai. "Các cuộc chiến văn hóa" ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều vấn đề như phá thai, li dị, và hôn nhân đồng tính, phần lớn có thể hiểu là sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và văn hóa trần tục.
Luân lý truyền thống thì dựa trên ý tưởng rằng trong vũ trụ có một trật tự luân lý mà nó ở bên ngoài và bao trùm chúng ta. Trong thời xưa, trật tự luân lý này được tin rằng vốn có trong thiên nhiên. Shakespeare truyền đạt điều này trong Macbeth: vào tối thứ Ba trước khi Duncan bị giết, con ngựa của ông trở nên hung dữ, "bất kham" và hầu như tìm cách "gây chiến với con người." Đêm sát nhân bị khuấy động bởi "tiếng than khóc trong không gian, tiếng gào thét kỳ lạ của tử thần," và bầu trời vẫn tối dù ngày đã bắt đầu. Tương tự như thế trong Julius Caesar, đêm trước khi Caesar chết cũng bị náo động bởi những cảnh tượng ghê sợ của thiên nhiên. Trong vũ trụ của Shakespeare, chính thứ tự vật chất bị đổ vỡ trước khi có tội ác ghê tởm về luân lý.
Ngày nay chúng ta không còn cho rằng có sự liên hệ trực tiếp giữa thế giới tự nhiên và lãnh vực luân lý. Chúng ta không nhìn thấy trật tự trong vũ trụ có liên hệ đến trật tự trong linh hồn. Sự liên hệ ấy chỉ còn trong các truyện thần tiên, là nơi thiện và ác được biểu hiện trong các phù thủy, con quạ, trái táo thuốc độc, bà tiên, và hoàng tử tên là "Bùa mê." Thói quen khoa học của tâm trí đã làm chúng ta không thể coi các ý tưởng ấy như những diễn tả của thế giới thực sự. Nhưng ý tưởng về luân lý vĩnh cửu thì vẫn tồn tại. Nó vẫn là một ý tưởng mạnh mẽ trong văn hóa Tây Phương, và nó là bộ luật luân lý có thế lực cho toàn thể thế giới.
Luân lý truyền thống là luân lý khách quan. Nó được dựa trên ý tưởng rằng phải có điều gì đó đúng hay sai bất kể người ta nói khác đi. Trong nhiều tôn giáo, luân lý truyền thống chứa đựng trong một vài hình thức luật lệ được viết xuống. Thí dụ hay nhất là Mười Điều Răn, một danh sách nổi tiếng về những điều nên làm và không nên làm (hầu hết không nên làm) trong lịch sử. Thiên Chúa thường được coi là tác giả của luân lý truyền thống. Khi sống theo các mệnh lệnh của Người, chúng ta được sự quý mến của Người. Đây là điều quan trọng vì mọi người biết rằng đôi khi người tốt gặp sự buồn sầu trong khi người xấu lại thịnh vượng. Vai trò của Thiên Chúa trong luân lý truyền thống là để đảm bảo rằng, ở đời sau, những sự bất công sẽ được chấn chỉnh và mọi người sẽ nhận được "công lao xứng đáng" của mình.
Luân lý trần tục phát sinh từ sự chống lại luân lý truyền thống. Trong quan điểm truyền thống, luân lý thì "ở ngoài", trong khi với nhiều người ngày nay, luân lý thì "ở ngay đây". Nguồn gốc mới của luân lý thì không còn là bộ luật bên ngoài nhưng trong tâm hồn. Khi đối diện với một tình trạng luân lý khó xử, chúng ta giải quyết không bởi để ý đến điều răn, cũng không theo sự giảng dậy của thầy cô hay cha mẹ. Thay vào đó, chúng ta được hướng dẫn bởi lời khuyên của Polonius cho Laertes: "chính cái tôi của ngươi có thật." Là chủ thể với chiều sâu bên trong, chúng ta thăm dò chính mình và tìm ra nguyên tắc chỉ đạo bên trong chúng ta. Chúng ta ban cho công dân bí ẩn là cái tôi bên trong một thẩm quyền để dẫn dắt chúng ta một cách không sai lầm. Vì vậy, chúng ta tìm cách hài hòa giữa cái tôi bên trong và cuộc sống bên ngoài. Luân lý trần tục là một công việc cho chính cái tôi của chúng ta, được tin rằng nó ở bên trong.
Trong một số khía cạnh, luân lý mới này rất gần với Kitô Giáo. Theo truyền thống, Kitô Hữu cho rằng có hai cách để tuân theo thánh ý Chúa: tuân giữ các giới răn của Người và nghe tiếng của Người ở bên trong chúng ta. Trong Luca 17:21 Chúa Giêsu đề nghị điều thứ hai: "vương quốc Thiên Chúa thì bên trong các ngươi." Vì thế giáo phụ Augustine nói: "Tôi đi vào chiều sâu của linh hồn, và với con mắt của linh hồn tôi thấy Sự Sáng mà không bao giờ thay đổi tia sáng chiếu trên tôi." Trong quan điểm của Augustine, Thiên Chúa là ánh sáng nội tâm thêm sức cho linh hồn chúng ta. Phong trào Cải Cách cũng đưa ra ý tưởng về chức tư tế của từng tín hữu, trong đó mỗi người nhìn về chính mình để khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Lối đối xử bên ngoài thì chưa đủ, vì còn có cái tôi bên trong mà chỉ có Thiên Chúa mới biết.
Luân lý trần tục khác với Kitô Giáo về sự tham khảo bên trong như một nguồn luân lý tự trị. Augustine và Luther giả sử rằng hành trình nội tâm chỉ là kiểu cách đến với Tạo Hóa, và qua sự tương giao này, người ta tìm thấy niềm vui và sự trọn vẹn. Sự đổi mới của trần tục là cắt đứt mọi ảnh hưởng của thẩm quyền bên ngoài, kể cả Thiên Chúa,  đối với việc tìm kiếm của nội tâm. Triết gia Charles Taylor giải thích quan điểm này: "Tôi được tự do khi tự quyết định điều gì liên can đến tôi, hơn là chịu uốn nắn bởi các ảnh hưởng ngoại giới. Sự cứu độ luân lý của chúng ta là từ việc khám phá ra điểm tiếp xúc luân lý đích thật với chính chúng ta. Sự tự do nhờ bởi tự quyết định đòi hỏi tôi phải phá vỡ sự ràng buộc của những đòi hỏi bên ngoài, và quyết định cho một mình tôi." Bởi thế ánh sáng bên trong giờ đây là thẩm phán sau cùng về cách tôi phải sống cho cuộc đời tôi. Cái tôi quyết định những gì là tốt lành và trở nên nguồn độc đáo cho sự hợp nhất và toàn vẹn.
Luân lý trần tục ngày nay bắt nguồn từ triết lý lãng mạn của Jean-Jacques Rousseau. Trong tư tưởng của Rousseau, chúng ta khám phá sự phân ly sâu đậm giữa luân lý tự do và Kitô Giáo. Theo quan điểm của Kitô Giáo, bản tính con người bị hư hỏng vì tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ không chỉ quan hệ tới ADong và Evà; nó còn ám chỉ rằng bản tính của chúng ta thì tội lỗi, ngay tự đầu. Augustine yêu cầu chúng ta nhìn đến một em bé, nó chỉ quan tâm đến chính nó, và nó hay nóng nẩy vung tay chân. Augustine châm biếm nhận xét, nếu nó không gây thiệt hại, không chỉ vì thiếu ý muốn nhưng vì thiếu sức mạnh. Trong sự hiểu biết Kitô Giáo, cái tôi thì thối nát, do đó chúng ta cần ơn Chúa để đi vào tự bên ngoài và biến đổi bản tính yếu đuối của chúng ta. Kitô Giáo là tôn giáo của sự khắc phục chính mình.
Trong sự hiểu biết của Rousseau, ngược lại, con người thì "tính bản thiện" nhưng xã hội làm nó thối nát. Chúng ta không đáng khiển trách về lỗi lầm của chúng ta vì "xã hội đã khiến chúng ta làm như vậy." Hậu quả là, để khám phá ra điều tốt lành và chân lý, chúng ta phải đào sâu vào nội tâm và khôi phục lại tiếng nói tự nhiên trong con người chúng ta. Rousseau chưa bao giờ khuyên trở về với tình trạng nguyên thủy. Ông viết trong cuốn Emile, nó không phải là vấn đề đi ngược trở về giống đười ươi và gấu. Nhưng tình trạng nguyên thủy của con người có thể tìm lại được tới mức nào đó như một tình trạng của tâm trí. Trong chúng ta có một chủ thể nguyên thủy mà đích thực là con người chúng ta, không bị thối nát bởi áp lực của xã hội. Vấn đề là tiếng nói nội tâm này không còn nghe được vì tiếng om xòm của các khát vọng gây nên bởi các thói quen và nhân tạo. Khi tiếp xúc với tiếng nói nội tâm và ban cho nó một vai trò có thẩm quyền trong đời sống, chúng ta có thể tránh được "sự bán rẻ" cho xã hội vụ lợi và khôi phục sự tốt lành căn bản của chúng ta. Trong đạo đức trần tục, James Byrne nhắc nhở chúng ta rằng, không phải là Thiên Chúa nhưng chính chúng ta là "người phân phát ơn cứu độ của chính chúng ta."
Không nên hiểu rằng đạo đức trần tục thì hoàn toàn khước từ luân lý. Nó duy trì sự phân biệt giữa "là" và "phải". Tự nhiên là con đường của chúng ta, và nó cũng cung cấp kiểu mẫu cho phương cách chúng ta phải trở nên. Chúng ta phải đi theo tiếng gọi của nội tâm; nếu không, chúng ta không thật với chính mình và quên đi mục tiêu tự thành đạt. Đây là thuyết chủ quan—bởi vì mỗi một người có một phương cách độc đáo để trở nên chính mình—nhưng không phải là thuyết tương đối, bởi vì không có sự ám chỉ rằng "cái gì cũng được." Trong đạo đức trần tục, nội tâm nói dứt khoát và chúng ta buộc phải theo tiếng nói ấy. Luân lý trần tục khác với Kitô Giáo không bởi từ chối khái niệm của sự thiện nhưng ở sự thừa nhận nguồn nội tâm là điều tốt lành.
Có lẽ điều ngạc nhiên là luân lý trần tục vẫn còn giữ một số nét độc đáo của truyền thống Kitô Giáo. Thí dụ, nhiều Kitô Hữu có thói quen tự thú nhận và xưng tội. Kiểu xưng tội không chỉ giới hạn trong người Công Giáo, là người kể tội của mình cho cha giải tội. Nhiều Kitô Hữu tái sinh chỉ cần gợi nhẹ là họ thố lộ các chi tiết về những gì mà người nghiện rượu, cần sa, và phóng đãng luân lý thường vi phạm cho đến khi họ rơi vào vòng tay Chúa Kitô. Văn hóa trần tục vẫn tiếp tục truyền thống này. Hãy mở truyền hình xem chương trình Oprah hay các chương trình đối thoại khác, và bạn sẽ nghe người ta thảo luận mà không cần giấu diếm các chi tiết thầm kín về đời sống tình dục của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Oprah mục đích của sự khích động này không để từ bỏ những lo âu và quay về với Đức Kitô. Nó để thúc đẩy cách thức tự khám phá chính mình, được hỗ trợ bởi sự tham dự của khán giả.
Sự nổi tiếng của Oprah cho thấy một số yếu tố hấp dẫn của đạo đức trần tục. Nó đề cao tính cách cá nhân, bởi vì giờ đây mỗi người chúng ta có bản luân lý cho chính mình và cách thức riêng để sống. Nó tránh sự giả dối. Theo kiểu đạo đức này, không gì tệ hơn là làm ra vẻ loại người nào đó mà thực sự không phải vậy. Tại sao lại làm bộ và sống giả dối? Tốt hơn nên sống tự nhiên, ngay cả nếu nó khiến người ta nhíu mày, và để khuyến khích người khác chấp nhận con người thật của bạn. Nó đề cao sự độc lập. Khi bạn trở nên chính bạn, bạn không còn lệ thuộc vào ý muốn của người khác, hoặc sự mời mọc giả tạo của "xã hội."
Dưới quy luật trần tục, nghệ thuật đảm nhận vai trò chính như một phương tiện để tự phát triển và tự biểu hiện. Nghệ nhân không còn bắt chước thiên nhiên, theo kiểu cách thích hợp với quy luật bên ngoài, nhưng đúng hơn sử dụng điêu khắc, hội họa và thi văn để tiết lộ chính nội tâm của mình (đôi khi không thể hiểu được). Không lạ gì, nghệ thuật đã thay thế tôn giáo như một thể chế mà người đời thán phục: phục vụ trong ban hành chánh của bảo tàng viện thì hợp thời hơn trong hội đồng giáo xứ.
Sự hấp dẫn sâu xa nhất của luân lý trần tục là vai trò của nó trong việc đào tạo và duy trì "các tương giao tình yêu." Làm thế nào biết rằng chúng ta đang yêu? Không cách nào khác hơn là đi vào sâu trong con người của mình và hỏi ý kiến tiếng nói nội tâm, không phải là tiếng nói của lý trí nhưng tiếng nói của tình cảm. Chúng ta nhượng bộ tiếng nội tâm ấy thật trọn vẹn đến độ chúng ta cảm thấy mất sự kiểm soát. Chúng ta không yêu, nhưng chúng ta "trong cuộc tình," và giờ đây chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những gì thi hành.
Tình yêu là tội lỗi mà chúng ta thấy hầu như không thể nào sám hối. Đó là lý do Paolo và Francesca, hai người ngoại tình sống ở vòng ngoài địa ngục của Dante, vẫn bám víu vào nhau như đôi chim, họ cầu viện đến quy luật của tình yêu, "mà nó không giải gỡ cho ai thoát khỏi tình yêu." Tình yêu đã đưa họ vào một trạng thái siêu thăng bên ngoài thế giới thực tế, và tuy vậy lại thực hơn thế giới này. Tình yêu của loại này, theo nghĩa đen, "bên ngoài sự thiện và sự dữ," và đó là lý do tại sao luân lý mới trở nên một bào chữa mạnh mẽ cho tội ngoại tình. Khi nội tâm ra lệnh yêu thương, nó ra lệnh một cách hách dịch, ngang ngược, và không đếm xỉa đến sự nguy hiểm hay tốn kém hay các thề hứa khác. Như C. S. Lewis có lần quan sát, tình yêu nhục dục của loại này có khuynh hướng "tự cho mình thẩm quyền của thần thánh."
Tỉ lệ ly dị cao ở Tây Phương có thể được giải thích bởi động lực luân lý được gây nên bởi đạo đức trần tục. Ngày nay, người phụ nữ lìa bỏ chồng mình nói rằng, "Tôi cảm thấy được kêu gọi để từ bỏ. Cuộc đời tôi sẽ là một phí phạm nếu tôi ở lại. Hôn nhân của tôi sẽ trở thành một loại nhà tù. Tôi chỉ nghe theo con tim và đi với Ted." Vì vậy, ly dị trở nên một hình thức giải thoát con người, trước đây chưa từng có, mà Barbara Dafoe Whitehead gọi là "ly dị có ý nghĩa."
Ở đây chúng ta chớm thấy dấu vết của một khó khăn trầm trọng với luân lý trần tục. Trong lãnh vực trung tâm của nó, là tình yêu, nó rõ ràng hay thay đổi. Nó khởi sự rất chắc chắn về chính mình, hứa hẹn rằng không chỉ "tôi yêu bạn" nhưng "tôi sẽ luôn luôn yêu bạn." Điều này được nói lên không phải một cách giả dối hay xảo quyệt nhưng thành thật. Mỗi lần nữ tài tử Elizabeth Taylor kết hôn, bà nói trên truyền hình những điều như, "Lần này tôi thấy đúng. Lần này là điều có thật." Tính cố định của tình yêu đem cho nó sức mạnh luân lý, sức mạnh ấy nâng chúng ta lên trên sự hạn hẹp giam hãm chính chúng ta và kết hợp chúng ta với người khác để trở nên một sự hòa hợp cao hơn. Nhưng, như tôi nói, cái tôi bên trong thường chứng tỏ nó là kẻ nói dối. Ngay cả Rousseau, người hăng hái bảo vệ cái tôi bên trong, thú nhận trong cuốn Emile rằng trong tình yêu "mọi sự chỉ là ảo giác." Hoặc như Lewis đã viết, "Thần ái tình bị lôi kéo đến một hứa hẹn mà chính thần ái tình không thể thi hành." Vì vậy Tây Phương đã phải trả một giá lớn lao trong xã hội—sự buồn thảm vô tả của con cái trong sự ly dị--vì nó chấp nhận luân lý trần tục.
Hơn thế nữa, có một khó khăn sâu đậm và chủ yếu hơn với luân lý trần tục. Luân lý này được dựa trên điều giả sử rằng cái tôi bên trong thì tốt. Điều giả sử này có đúng không? Nếu chúng ta tham khảo các tác phẩm văn chương lớn của Tây Phương, câu trả lời dường như sẽ là không. Hãy đọc các kịch bản của Shakespeare hay kịch bản Ring của Wagner. Là các nghệ sĩ đại tài, Shakespear và Wagner đưa chúng ta vào chiều sâu bên trong của bản tính con người, và chúng ta tìm thấy gì ở đó? Chúng ta tìm thấy sự dịu dàng và hòa nhã và ngọt ngào và thương xót, chắc chắn như vậy, nhưng chúng ta cũng tìm thấy sự hung dữ, tàn bạo, dâm ô, căm thù và đố kị. Chúng ta cũng tìm thấy schadenfreude, một danh từ Đức để diễn tả sự khoái lạc chúng ta có được từ sự khốn khổ của người khác. Trong sự sâu thẳm bên trong, loài người là những vạc sự thiện và sự dữ trộn chung với nhau.
Rất có thể sự dữ chiếm ưu thế trong hỗn hợp này, nhưng nó không hiển nhiên đối với chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu về khoa học và tâm lý cho thấy bên dưới những động lực mà chúng ta tự thú nhận, thường có những động lực ít được ngưỡng mộ nhưng vẫn hoạt động. Ngay cả các động lực tốt lành, tỉ như trắc ẩn và thương xót, có thể xuất phát từ cảm tưởng kẻ cả và nhún nhường mà chúng ta do dự nhìn nhận. Tâm lý tiến hóa cho thấy những hành động cao thượng hiển nhiên có thể được thúc đẩy bởi các động lực ích kỷ của sự tự tâng bốc và duy trì chính mình. Tôi không nói rằng bản tính loài người bị mất nhân đức. Xu hướng điều thiện thì chắc chắn có ở đó, nhưng cũng có xu hướng sự dữ và đồi bại. Câu hỏi cho luân lý trần tục là, trong khi tìm kiếm cái tôi bên trong, cái tôi nào mà bạn đang tìm kiếm? Bạn có quy tắc nào để phân biệt giữa các tôi tốt với cái tôi xấu không?
Với những câu hỏi này, luân lý trần tục không có câu trả lời. Nó từ chối nhìn nhận một chân lý cổ xưa của Kitô Giáo: có sự thối nát tại tâm điểm bản tính con người. Bản tính con người, theo danh từ Kitô Giáo, thì "sa ngã." Tôi không đưa ra tranh luận tôn giáo ở đây, tôi cũng không cầu viện đến câu chuyện của ADong và Evà trong Sáng Thế Ký. Tôi chỉ đưa ra nhận xét về động lực con người, lấy từ kinh nghiệm cũng như nghệ thuật. Dù luân lý được định nghĩa thế nào đi nữa, dường như loài người có khuynh hướng chung là không đạt được điều đó. Vì vậy trong con người có một xu hướng tự nhiên về điều xấu, và đó là sự quan trọng của các biến cố xảy ra trong vườn Địa Đàng. Trong ý nghĩa này "tội nguyên tổ" không còn là một gợi ý thần học nhưng là điều mà mọi người hữu lý có thể đồng ý. Một thẩm định thực tế về ác tâm của con người phải thuyết phục được ngay cả người trần tục rằng luân lý trần tục được dựa trên nhân loại học chưa đầy đủ.
Tôi không kêu gọi chối bỏ toàn thể nền luân lý mới, đó là một đề nghị thiếu thực tế trong bất cứ trường hợp nào. Đạo đức trần tục giờ đây bám rễ sâu trong xã hội Tây Phương, và không cách chi dễ để nhổ tận gốc. Nhà xã hội học Alan Wolfe vạch rõ rằng ngay cả một số Kitô Hữu ngày nay cũng dùng ngôn ngữ của sự chân chính và tự nhận thức để diễn tả những gì mà Thiên Chúa đã thi hành trong cuộc đời của họ. Ngay cả vậy, luân lý trần tục trong hình thức phổ biến nhất là sự vô trách nhiệm. Nó không kiểm điểm những ai nêu lên việc "tự khám phá" như một bào chữa cho lối sống mà trước đây được coi là không thích hợp và vô luân. "Tình yêu khiến tôi làm điều đó" là một biểu ngữ lý tưởng cho bất cứ ai tìm cách sống bê tha bất kể hậu quả đối với người khác. Nhưng vấn đề thì không nhất thiết ở sự chân chính hay tự hoàn thành. Đó là những lý tưởng luân lý có giá trị, nhưng tự nó chưa đầy đủ. Tôi phải theo đuổi sự thành đạt của bản thân, nhưng chỉ trong các phương cách tốt lành. Tôi sẽ hạnh phúc hơn khi là một con người chân chính, nhưng chỉ khi nào sự chân chính và vô tư này có cùng tính chất với sự tốt lành. Chúng ta hãy nhớ rằng, Hitler không thiếu sự quyết tâm hoặc chân chính.
Giải pháp của Kitô Giáo với vấn đề này thì, thật kỳ cục, không có tính cách tôn giáo. Nó không phải là đón nhận Đức Kitô và trở nên một tín hữu tái sinh. Thật ra, nó đi theo con đường khảo sát của "quan sát viên không thiên vị", mà nó dùng lương tâm để hướng dẫn. Với người có tôn giáo, lương tâm là người đốc công thánh thiêng bên trong chúng ta—điều mà John Henry Newman có lần viết là "nguyên lý cơ bản nối liền tạo vật và Tạo Hóa"—nhưng người trần tục không buộc phải tin điều này để nhận biết rằng chính họ cũng có một quan sát viên không thiên vị để có thể quay về. Quan sát viên không thiên vị này thường hướng dẫn chúng ta hành động trái ngược với xu hướng và tư lợi của chúng ta. Phải, tôi biết là bạn thích người phụ nữ ấy, nhưng hãy nhớ rằng bạn đã có vợ con. Lương tâm có thể là kẻ thù của tình yêu, và là kẻ phá đám phải tống ra ngoài, nhưng lương tâm là điều giúp con người vươn lên cao khỏi bị giam hãm bởi các xu hướng của chính mình. Lương tâm giúp chúng ta vượt ra ngoài những cảm giác sung sướng và thi hành điều đúng.

CHƯƠNG 23

THUỐC PHIỆN CỦA SỰ BĂNG HOẠI LUÂN LÝ:
TẠI SAO SỰ HOÀI NGHI LẠI QUÁ HẤP DẪN

"Thật tuyệt vời khi không phải co dúm sợ hãi trước một vị thần đầy căm thù, là người đe dọa chúng ta với án phạt đời đời nếu chúng ta không tuân giữ các quy luật của thần ấy."
Karen Armstrong, A History of God

T
rong chương trước đây chúng ta đã thấy làm thế nào nền luân lý trần tục, trong khi diễn hành dưới lá cờ của sự tự trị và tự thành đạt, lại có thể trở nên một tấm màn che đậy cho lối đối xử ích kỷ và vô trách nhiệm. Bây giờ là lúc đặt câu hỏi sâu xa hơn: có phải chính sự hoài nghi cũng được lôi cuốn bởi các động lực tương tự? Khi lắng nghe những người vô thần nổi tiếng, bạn sẽ nghĩ rằng lý do duy nhất mà họ từ chối Thiên Chúa là vì Người không đáp ứng những đòi hỏi của lý lẽ. Triết gia Bertrand Russell có lần được hỏi là ông sẽ nói gì nếu ông khám phá thấy rằng có sự sống sau khi chết. Russell vênh váo nói là ông sẽ bảo với Chúa, "Thưa ngài, ngài đã không cho tôi đủ chứng cớ." Trong suốt cuốn sách này tôi đã nghiêm trọng đưa ra những lý lẽ chống đối Russell và những người khác, nhưng bây giờ rõ ràng là thuyết vô thần không chỉ là một lựa chọn hợp lý. Sự hoài nghi, nhất là dưới giọng điệu gây hấn của Russell, Dawkins, hay Hitchens, thì không chỉ là một nhiệm vụ đi theo các chứng cớ bất cứ đâu nó đưa dẫn. Đúng ra, sự hoài nghi loại này đòi hỏi một sự giải thích đầy đủ hơn về tâm lý.
Hãy nhớ rằng người vô thần thường tìm cách đưa ra lý do tâm lý để giải thích cho sự đạo đức của tín hữu. Trong lời phê bình về tác phẩm của Hegel, Karl Marx đã nổi tiếng nói rằng tôn giáo là "thuốc phiện của dân chúng," có nghĩa rằng tôn giáo là một loại thoát ly thực tế hoặc một kiểu hoàn thành mong ước. Theo cái nhìn của Marx, dân chúng hấp thụ tôn giáo như một loại ma túy để làm họ tê liệt trước sự đau đớn và khổ sở ở chung quanh, và tự đem cho họ một loại ảo tưởng rằng những bất công ở đời này sẽ được chấn chỉnh ở đời sau. Sigmund Freud coi tôn giáo như một nơi ẩn náu hèn nhát để tránh khỏi những thực tại khắc nghiệt của đời sống và của cái chết không thể tránh. Chúng ta cảm thấy khuây khỏa khi nghĩ rằng có một thế giới khác được tách biệt khỏi sự khổ cực, bất công, và hoang mang của thế giới này. Như Michel Onfray, một người vô thần Pháp, mới viết, "Thiên Chúa là một ảo tưởng do con người sáng tạo để không phải đối diện với điều kiện thực tế." Một giải thích khác cho tính cách phổ thông của tôn giáo, vừa được diễn tả bởi James Haught trong cuốn Free Inquiry, là bằng những lời lẽ của sự hoàn thành mong ước của các nhà lãnh đạo muốn phục vụ mình. Theo quan điểm này, dường như rất phổ thông ngày nay, tôn giáo tồn tại là vì "các giáo hội và những người thánh thiện vui hưởng các kết quả và địa vị cao từ những điều siêu nhiên mà họ ban phát cho các tín hữu."
Tôi không tin bất cứ giải thích nào. Tôi đồng ý rằng có những tư tế và thầy tu là những con buôn tự thêu dệt mình, nhưng tại sao người ta lại đi theo các hệ thống ấy? Phải, trong tôn giáo có yếu tố của sự hoàn thành mong ước, nhưng không phải là loại mà người vô thần phỏng đoán. Thần học gia R. C. Sproul đưa ra điểm đáng chú ý: tại sao các môn đệ lại sáng chế ra một Thiên Chúa "mà sự thánh thiện của Người thì đáng kinh sợ hơn các sức lực trong thiên nhiên đến độ khích động họ phải trước hết sáng chế ra một Thiên Chúa?" Thiên Chúa của ba tôn giáo có tổ phụ là Abraham—Do Thái Giáo, Kitô Giáo, và Hồi Giáo—là một người đòi hỏi quá quắt, đòi hỏi chúng ta thanh sạch hơn là nuông chiều, có nhân đức hơn là sự tiện lợi, sống bác ái hơn là tự ban thưởng. Có những hình phạt nghiêm trọng đi liền với sự thất bại trầm trọng: với các tín đồ, sự chết là một điều lo sợ, nhưng án phạt đời đời còn đáng lo sợ hơn. Như vậy sự hoàn thành mong ước dường như sẽ làm nẩy sinh một Thiên Chúa rất khác biệt với Đấng đã được diễn tả trong Kinh Thánh. Sự hoàn thành mong ước có thể giải thích thiên đàng, nhưng nó không thể giải thích hỏa ngục. Ngay cả vậy, mục đích của tôi ở đây thì không phải là bác bỏ sự giải thích của người vô thần về sự lôi cuốn của tôn giáo. Tôi có ý định ngược lại và thay vào đó đặt ra vấn đề hấp dẫn của thuyết vô thần. Ai được lợi từ thuyết này? Tại sao quá nhiều người có thế lực ở Tây Phương lại thấy nó hấp dẫn? Nếu Kitô Giáo thật vĩ đại, sao không có nhiều người đổ xô đến mà đón nhận?
Ngay cả một số người vô thần thú nhận rằng họ muốn có một vũ trụ mà trong đó không có Thiên Chúa, không có linh hồn bất diệt, và không có sự sống đời sau. Nietzsche viết rằng "nếu có ai chứng minh Thiên Chúa của Kitô Hữu cho chúng ta, chúng ta lại còn ít tin vào Người hơn nữa." Về sự khả dĩ của đời sống sau khi chết, H. L. Mencken viết, "Xu hướng của riêng tôi là hy vọng rằng điều đó không có." Trong cuốn God: The Failed Hypothesis, vật lý gia Victor Stenger thú nhận rằng không những ông không tin Thiên Chúa, ông còn không thích Thiên Chúa của Kitô Giáo: "Nếu Người thực sự hiện diện, cá nhân tôi không muốn liên hệ gì với Người." Và triết gia Thomas Nagel vừa mới thú nhận "sợ chính tôn giáo." Như ông viết, "Tôi muốn thuyết vô thần là sự thật… Nó không chỉ là tôi không tin Thiên Chúa… Tôi không muốn có một Thiên Chúa; tôi không muốn một vũ trụ sẽ như vậy."
Ác cảm đối với tôn giáo và bám lấy thuyết vô thần trở nên một trở ngại đặc biệt khi bạn nghĩ rằng thuyết vô thần, xét theo bề ngoài, là một ý thức hệ ảm đạm. Nhiều người vô thần muốn miêu tả họ như các nhân vật quý phái mạo hiểm vào đêm giá lạnh, nổi cơn thịnh nộ với cái chết của ánh sáng, và đương đầu với sự vô nghĩa của nó. Điều này khiến tôi thấy có chút mầu mè, và không đáng tin cũng như chút hài hước ở đó. Như Michael Novak nhận xét, nếu không có Thiên Chúa, thì nổi cơn thịnh nộ ở cái gì? Có can đảm gì khi nhổ vào mặt của núi lửa hay cơn thủy triều? Các sức lực thiên nhiên thì không tốt cũng chẳng xấu; chúng là như vậy. Do đó, thái độ anh hùng đến tự đâu nếu người vô thần chấp nhận thế giới chỉ có vậy?
Các văn gia vô thần khác—và tôi sẽ xếp Sam Harris và Richard Dawkins thuộc loại này—dường như bình thản và hầu như vui thích về đời sống trong một thế giới mà các nét đặc thù của nó dường như đỏ tự nhiên trong nanh vuốt. Đây là một phản ứng kỳ quặc, bởi vì nhiều nhà sinh vật học tiến hóa, như George Williams, thú nhận rằng, thuyết Darwin dường như là một học thuyết ghê tởm. Williams công khai chán ghét những quan hệ mật thiết đúng quy cách của một hệ thống mà nó không có mục đích gì cao hơn là những thương lượng và âm mưu ích kỷ để truyền giống cho các thế hệ tương lai. Theo Williams, phản ứng của một người có luân lý thì chỉ có cách lên án học thuyết này, tuy nhiên Dawkins và các người khác lại âu yếm thuyết Darwin mà không lưỡng lự và thực sự hăng hái. Sao họ lại bị lôi cuốn đến một triết thuyết như vậy và trong hành lang ác nghiệt của nó, có còn chỗ nào để họ hoan hô?
Nhà sinh vật học Stephen Jay Gould cung cấp một mấu chốt. Suy nghĩ về ý nghĩa đời sống, Gould kết luận rằng "có lẽ chúng ta mong mỏi một câu trả lời cao hơn—nhưng không có câu nào." Sau đó ông nói một vài điều có tính cách tiết lộ, "Sự giải thích này, tuy khó khăn bề ngoài nếu không phải là khiếp sợ, thì thực sự giải thoát và hồ hởi." Nói cách khác, tin xấu là tin tốt. Các học thuyết mà bình thường dường như đáng khiếp sợ--chết là hết, không có mục đích to lớn hoặc sự công bằng của thượng đế, sự tự do ý muốn là một ảo tưởng—từ một điểm thuận lợi khác, có thể được coi như sự giải phóng.
Giải phóng khỏi cái gì? Lắng nghe một số người vô thần, họ muốn giải thoát họ khỏi gông cùm của tôn giáo để luyện tập đức tính. Santiago Zabala viết trong cuốn The Future of Religion, "Trong một thế giới mà Thiên Chúa không còn hiện diện," con người giờ đây thì tự do "để tích cực thi hành tình đoàn kết, sự bác ái, và sự mỉa mai." Thật là những động lực đáng khâm phục! Chỉ có vấn đề là bạn không phải loại trừ tôn giáo để sống bác ái nhân danh tình huynh đệ con người. Như Phanxicô Assissi và Mẹ Têrêsa có thể nói với Zabala, bác ái và tình nghĩa con người là hai chủ đề chính của Kitô Giáo.
Đã đến lúc phải thành thật và trầm trọng hơn nhìn đến các động lực thực sự đằng sau thuyết vô thần hiện đại. Chúng thường khác và thú vị hơn là các động lực bên ngoài thường được quy cho hoặc được đưa ra bởi các nhân vật vô thần. Thí dụ, người ta rộng rãi tin rằng Darwin mất đức tin của ông khi khám phá ra sự chọn lựa tự nhiên, chứ không phải Thiên Chúa, chịu trách nhiệm cho sự tiến hóa của các hình thức sự sống. Nhưng chính Darwin thì lại nói rằng ông mất đức tin vì ông không thể chịu nổi ý niệm luận phạt đời đời của Kitô Giáo. Từ các bài viết của ông, chúng ta cũng biết rằng Darwin đau khổ khủng khiếp vì cái chết của cô con gái mười tuổi, Annie. Người ta cảm thấy rằng ông không thể tha thứ cho Thiên Chúa. Trong một số trường hợp, thuyết vô thần là một hình thức báo thù.
Đây là những động lực mạnh mẽ cho sự hoài nghi, nhưng chúng không phải là động lực chính. Chúng ta phải thăm dò sâu hơn, và một cách để thi hành là ngược dòng lịch sử, mãi cho đến các triết gia thời cổ là Epicurus, Democritus, và Lucretius. Tôi biết được điều này là nhờ ở cuốn sách tuyệt vời Moral Darwinism của Ben Wiker. Ngày nay, chính yếu Epicurus được biết đến như một người theo chủ nghĩa khoái lạc, và đúng như vậy. Nhưng cũng như Lucretius và Democritus, ông còn là một người duy vật. Cả ba nhà tư tưởng tiền-Socrat này tin rằng tất cả chỉ có vật chất. Lucretius và Democritus còn chủ trương rằng toàn thể con người được tạo bởi các nguyên tử, một báo hiệu lạ thường của khoa vật lý hiện đại. Tuy nhiên, vào lúc những người tiền-Socrat viết xuống, không có chứng cớ khoa học để hỗ trợ cho những luận điệu máy móc của họ về thế giới tự nhiên. Vậy, làm thế nào họ lại bị thu hút đến những giảng dậy mà hoàn toàn không dựa trên kinh nghiệm?
Epicurus thú nhận rằng mục đích của ông là để chối bỏ các thần. Ông cũng muốn tiêu diệt ý niệm linh hồn bất tử và để "làm mất đi ao ước bất tử." Lucretius cũng viết về ách nặng nề của tôn giáo, áp đặt trên con người như những trách nhiệm và bổn phận. Epicurus nói, vấn đề với các thần là họ tìm cách củng cố luật lệ của họ và bởi đó tạo nên "lo âu" cho con người. Họ đe dọa trừng phạt chúng ta vì những lỗi lầm, cả đời này và đời sau. Theo Epicurus, vấn đề của sự bất tử là có thể có đau khổ ở đời sau. Khi đưa ra một thực tại hoàn toàn vật chất, ông hy vọng sẽ giải thoát con người khỏi những lo âu và cho phép họ nhắm đến những vui thú ở trần gian.
Theo ý nghĩa hiện đại, Epicurus không phải là người theo chủ nghĩa khoái lạc. Ông khuyên người ta kiểm soát các xung lực tình dục và sống bằng bánh lúa mạch và nước. Ông không lưu tâm lắm đến những khoái lạc man rợ cho bằng giảm thiểu sự đau khổ, điều mà ông gọi là "tự do khỏi bị nhiễu loạn." Ông nói, ngay cả cái chết là một loại khuây khỏa, bởi vì các nguyên tử của chúng ta phân tán và không còn linh hồn để cảm nghiệm được sự thiếu sót đời sống hoặc để chịu đựng những hậu quả của cuộc đời sắp tới. Nói tóm lại, Epicurus cổ vũ một triết lý và một vũ trụ thuần túy tự nhiên để giải thoát con người khỏi sự bạo ngược của các thần. Lucretius cũng vậy, qua triết học ông tìm cách "tháo gỡ linh hồn khỏi nút thắt của tôn giáo." Với những người này, khoa vật lý của họ là nền tảng cho đạo đức học. Như Wiker có viết, "một vũ trụ vật chất cần phải sinh ra một luân lý vật chất."
Đây là mấu chốt cho sự hấp dẫn luân lý của thuyết Darwin . Chính Darwin viết rằng "ai hiểu về con khỉ sẽ có thể thi hành nhiều điều cho siêu hình học hơn Locke." Ông ám chỉ rằng một sự hiểu biết rõ hơn về bản tính thú vật có thể cực kỳ thay đổi phương cách chúng ta nhìn về luân lý. Vì vậy, đối với nhiều người sự hấp dẫn của thuyết Darwin là nó giảm thiểu ý niệm một bản tính con người "cao hơn" và đưa con người vào sự tiếp nối với con vật. Dĩ nhiên, nét độc đáo của thú vật là chúng không phát triển ý thức luân lý. Không thể mong đợi một con đười ươi phân biệt được giữa điều đang là và điều phải là. Hậu quả là thuyết Darwin trở nên một phương cách để phá vỡ những giam hãm của luân lý truyền thống. Chúng ta có thể gạt sang một bên những trói buộc xưa và chỉ hành động theo một phương cách mà nó đến tự nhiên.
Ngay từ thời Darwin , nhiều người bị thu hút đến các ý tưởng của ông không vì người ta hỗ trợ mạnh mẽ các ý tưởng ấy nhưng chúng còn được giải thích để làm suy yếu sự hiểu biết truyền thống về Thiên Chúa. Như nhà sinh vật học Julian Huxley, cháu của Thomas Henry Huxley—là bạn và đồng minh của Darwin —có viết, "Khi tẩy chay ý tưởng Thiên Chúa là một thực thể siêu nhiên, từ đó có sự khuây khỏa tinh thần thật lớn lao." Và từ Aldous Huxley, em của Julian—cũng là một người vô thần nổi tiếng—chúng ta được tiết lộ sự thú nhận này: "Tôi có những động cơ để không muốn thế giới này phải có một ý nghĩa; hậu quả là tôi cho rằng nó không có gì cả, và tôi không thấy khó khăn để có thể tìm thấy các lý do đầy thuyết phục cho thừa nhận này… Với chính tôi, không hồ nghi gì với các người đương thời, triết lý của sự vô ý nghĩa này là dụng cụ không thể thiếu cho sự giải thoát. Sự giải thoát mà chúng ta khao khát là … sự giải thoát từ một hệ luân lý nào đó. Chúng ta chống đối nền luân lý này bởi vì nó trở ngại cho sự tự do tình dục của chúng ta."
Như các tuyên bố của hai người họ Huxleys cho thấy, nhiều người vô thần được lôi kéo đến việc chối bỏ Thiên Chúa, và nhất là Thiên Chúa của Kitô Giáo, là để khi ở đời sau, họ không phải trả lời về sự thiếu sót gìn giữ luân lý khi còn ở đời này. Họ biết rằng Kitô Giáo đặt hành động con người dưới sự khảo sát tỉ mỉ của Thiên Chúa và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma 2:6-8, "Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ." Chúng ta đọc trong sách Khải Huyền 21:8: "Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai." Điều ám chỉ của những đoạn này—và còn nhiều đoạn khác tương tự--là cái chết không đem đến sự hủy diệt nhưng sự giải thích trình bầy trách nhiệm.
Tôi phải dừng ở đây để nhận xét một đặc điểm của Kitô Giáo mà nó không thoát được sự chú ý của hầu hết những người vô thần. Kitô Giáo là một tôn giáo của tình yêu và sự tha thứ, nhưng tình yêu và sự tha thứ này thì tạm thời và, trong một ý nghĩa, có điều kiện. Sự tha thứ Kitô Giáo thì dừng lại ở cửa hỏa ngục, và hỏa ngục là một phần thiết yếu của tổ chức Kitô Giáo. Trong khi chữ phúc âm có nghĩa "tin mừng", các sách này còn có những cảnh cáo để chuẩn bị chúng ta cho sự phán xét sau cùng. Đây là một sự đền tội mà sách thánh nói nhiều người hăm hở muốn tránh. Như Gioan 3:20 có viết, "Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng để các việc họ làm khỏi bị phơi bầy". Điểm ở đây thì không phải là người vô thần làm xấu nhiều hơn người khác, nhưng đúng hơn thuyết vô thần cung cấp một nơi ẩn nấp cho những ai không muốn nhìn nhận và sám hối tội lỗi của mình.
Trong một tiểu luận có tác động mạnh, "The Discreet Charm of Nihilism," người đoạt giải Nobel là Czeslaw Milosz lý luận rằng, để thoát khỏi một định mệnh đời đời mà trong đó tội lỗi bị trừng phạt, người ta tìm cách tự giải thoát mình khỏi tôn giáo. "Thuốc phiện đích thật của con người là một niềm tin vào hư không sau khi chết—sự an ủi lớn lao khi nghĩ rằng sự phản bội, tham lam, hèn nhát, giết người của chúng ta thì không bị xét xử." Như vậy, thuyết Mácxít phải được viết lại. Không phải tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng, nhưng thuyết vô thần là thuốc phiện của sự suy đồi luân lý.
Nếu bạn muốn sống một cuộc đời đồi trụy, Thiên Chúa là kẻ thù không đội trời chung của bạn. Thiên Chúa đại diện cho một nguy hiểm chết người cho sự ích kỷ, tham lam, dâm ô và căm thù của bạn. Chính bạn muốn khinh miệt Người và thi hành bất cứ gì có thể để loại trừ sự hiện diện của Người khỏi vũ trụ. Do đó có những quyến rũ mạnh mẽ đối với đời sống trong một thế giới không có Thiên Chúa. Trong một thế giới như thế, chúng ta có thể uốn nắn cuộc đời theo một trong những tên quỷ nhỏ trong Paradise Lost của Milton , là Belial, "với thói xấu thì nó rất cần cù, nhưng với hành động tao nhã hơn thì nó sợ sệt và lười biếng." Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, bẩy tội trọng không phải là những nỗi khiếp sợ phải vượt qua nhưng là các cám dỗ được lấy làm thú vị. Sự chết, trước đây bào chữa cho luân lý, giờ đây trở nên một biện minh cho sự vô luân.
Triết gia hiểu sự "giải thoát" này hơn ai hết là Nietzsche. Trái với các người vô thần hiện đại, họ thường trấn an chúng ta rằng cái chết của Thiên Chúa không nhất thiết phải chấm dứt luân lý, Nietzsche quả quyết thật như vậy. Vì Thiên Chúa là nguồn mạch của luân lý, cái chết của Người có nghĩa chúng ta không còn nền tảng gì cả. Trong một ý nghĩa, chúng ta trở nên không còn nền tảng đạo đức, và không còn nơi ẩn náu để cầu viện đến phẩm giá và sự bình đẳng và trắc ẩn và tất cả những gì còn lại. Điều đối diện với chúng ta, nếu chúng ta thành thật, là địa ngục.
Tuy vậy, không như Matthew Arnold, là người nhìn thấy đức tin của thế hệ đang thoái lui như dòng nước đại dương và ông kinh hoàng, Nietzsche chào đón địa ngục trong một ý nghĩa nào đó. Theo lời của ông, ông là "người vô luân lý". Theo quan điểm của ông, lần đầu tiên địa ngục giúp chúng ta thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Nó chế ngự con rồng của bổn phận. Nó giúp chúng ta sống "bên ngoài sự thiện và sự dữ." Luân lý không còn ban cho chúng ta từ trên trời; giờ đây nó trở nên một điều gì đó mà chúng ta nghĩ ra cho chúng ta. Luân lý đòi hỏi một sự làm lại toàn diện, điều mà Nietzsche gọi là "siêu giá trị" (transvaluation). Quy luật xưa cũ "ngươi không được" giờ đây trở thành "tôi sẽ."
Do đó, trong lược đồ của Nietzsche, thật không chính xác để nói rằng Thiên Chúa đã chết. Đúng hơn, con người đã giết Thiên Chúa để giành cho mình sự tự do để đặt ra luân lý cho mình. Và luân lý mà Nietzsche hân hoan cử hành là luân lý đấu tranh và tự khẳng định, "sự sùng bái đam mê," "thú tính tuyệt vời", hoặc trong câu nói lừng danh của Nietzsche, "ý muốn dành quyền lực". Bất cứ mục tiêu nào cũng đều hợp pháp, ngay cả phải áp đặt sự khổ cực lên giống người, nếu chúng ta theo đuổi nó với năng lực, kiên quyết và tận tụy.
Trong lời hùng biện của Nietzsche có sự liều lĩnh và tàn bạo làm rung động nhiều con tim của các người vô thần hiện đại. Chúng ta thấy điều đó trong các nhà hiện sinh của Pháp như Jean-Paul Sartre, họ đã dùng Nietzsche làm nền tảng cho một triết lý dựa trên sự tự do luân lý. Tôi còn nghe một giọng điệu của Nietzsche trong Christopher Hitchens khi ông phản đối sự giám sát luân lý của Thiên Chúa, là người mà ông trình bầy như một bạo chúa đầy ghen tương. Nhưng hầu hết các người vô thần hiện đại—kể cả Hitchens—không muốn đi xa như Nietzsche trong việc chửi rủa các quy tắc truyền thống của sự thương xót và bác ái Kitô Giáo. Sự nổi loạn của họ thì được hạn chế hơn. Người ta có thể nói, đó là cuộc nổi loạn vùng xương chậu chống với Thiên Chúa.
Chính vì vấn đề tình dục mà hầu hết người vô thần hiện đại đã chọn để tách biệt với Kitô Giáo. Bertrand Russell viết trong cuốn Why I Am Not a Christian, "Đặc điểm tệ hại nhất của Kitô Giáo là thái độ đối với tình dục." Hitchens viết "sự tách biệt giữa đời sống tình dục và sự sợ hãi… giờ đây có thể vượt qua với điều kiện duy nhất là chúng ta trục xuất mọi tôn giáo ra khỏi cuộc đàm luận." Khi một người vô thần tỉ mỉ bào chữa cho lý do tại sao Thiên Chúa không hiện hữu và tại sao luân lý truyền thống lại là một ảo tưởng, họ rất thường nghĩ đến cơ quan sinh dục của họ. Rất có thể rằng nếu không có điều răn duy nhất cấm tội dâm dục, có lẽ người Tây Phương vẫn là một Kitô Hữu!
Malcolm Muggeridge, nhà bình luận nổi tiếng và đã trở lại Công Giáo, nói rõ rằng tính dâm dục là bí ẩn của thuyết duy vật. Thật kỳ quặc, thuyết này lại được đề cao rõ ràng nhất trong tác phẩm của người đề xướng sự lệch lạc tình dục, Hầu Tước de Sade. Cuốn Dialogue Between a Priest and a Dying Man của ông ta có đề cập đến sự thú tội của người đang hấp hối rằng việc chối bỏ không tin vào Thiên Chúa là bước đầu để giải thoát tình dục và vui hưởng cuộc đời. Trong cuốn Philosophy in the Bedroom, de Sade đề cao một nữ tu mười lăm tuổi là người từ bỏ đức tin nơi Thiên Chúa và khám phá ra sự khoái lạc của loạn luân, thú dâm (sodomy), và dùng roi để kích thích tình dục.
Hầu hết người vô thần hiện đại thấy rằng de Sade cũng quá đáng như Nietzsche, và họ tự giới hạn mình ở sự bừa bãi tình dục, ngoại tình, và các hình thức khác của tình dục trái phép. Tôi không chống đối những say mê của họ. Những điều này được hiểu rõ bởi các tín đồ. Hãy nhớ  Augutine khi mới trở lại đạo, cầu xin Thiên Chúa giúp ngài sống khiết tịnh, "nhưng khoan đã." Augustine sẽ không ngạc nhiên khi thấy toàn thể thế hệ trẻ ngày nay chống đối với Kitô Giáo bởi vì những giảng dậy của Giáo Hội về vấn đề tình dục trước khi kết hôn, ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, và ly dị.
Sự cực khoái nhục dục đã trở nên dấu chỉ của trần tục ngày nay. Điều này không vì chúng ta đang sống trong một thời đại vui thú nhục dục nhưng bởi vì, trong một thế giới vật chất tàn lụi, nó cho con người được nếm thử giây phút vĩnh cửu. Trong phạm vi này tôi không thể không đề cập đến một cá nhân. Có lần tôi được gặp một đan sĩ, ông thú nhận với tôi rằng ông ăn chay thường xuyên và đôi khi ông dùng roi quất vào chân để "chết đi thân xác của tôi vì tình yêu Chúa Kitô." Khi nghe vậy tôi thật bàng hoàng, câu trả lời của ông thật thú vị. Chính những ai cười nhạo các đan sĩ khi hành xác cho những mục đích tinh thần thì họ lại không nghĩ gì đến khi phải trải qua những cuộc giải phẫu đau đớn để sửa sắc đẹp. Họ cũng không do dự hành hạ thân xác với việc ăn kiêng để bớt mập và làm cho thân thể gọn gàng chỉ vì tình dục.
Nếu tình dục không còn bị ràng buộc bởi luân lý cổ xưa, sẽ có những việc mang thai ngoài ý muốn. Ở đây chúng ta có dấu chỉ thứ hai của thuyết vô thần, đó là sự phá thai. Điều khủng khiếp thực sự của phá thai thì không phải là người phụ nữ giết một đứa bé chưa sinh, nhưng là người phụ nữ giết chính con của mình. Mặc cảm tội lỗi khi thi hành điều này, với những người có luân lý lành mạnh, thật vô cùng lớn lao. Do đó thuyết vô thần cần phải chuẩn bị cho sự phá thai với một lương tâm trong trắng. Bước đầu tiên là chối bỏ Thiên Chúa, bởi vì sau đó không còn linh hồn của đứa bé bị chết để quấy rối lương tâm, không còn hỏa ngục để trả cho tội vi phạm đến điều răn cấm giết người. Bước thứ hai là xác định bào thai ấy không phải là con người. Như Sam Harris viết trong cuốn The End of Faith, "Nhiều người trong chúng ta coi bào thai trong ba tháng đầu chỉ như con thỏ không hơn không kém" nó không đáng được "thân phận đầy đủ trong cộng đồng luân lý của chúng ta."
Nhà sinh đạo đức học Peter Singer nêu lên thuyết Darwin để đưa ra rằng có sự liên tục, không rõ sự tách biệt, giữa con người và con vật. Bởi thế thú vật phải được ban cho một số quyền lợi mà bây giờ chỉ ban cho con người. Singer cũng lý luận rằng con người phải bị từ chối một số bảo vệ hiện có dựa trên nền tảng rằng họ không khác lắm với thú vật. Nếu con người là sản phẩm của sự tiến hóa thay vì một tạo vật đặc biệt, Singer cho rằng, sau đó toàn thể cơ cấu luân lý của Do Thái Giáo-Kitô Giáo sẽ bị thiếu tin tưởng. Thật vậy, chúng ta không thể tiếp tục nói về sự thiêng liêng của sự sống. Do đó sự phá thai, an tử, và giết trẻ sơ sinh tất cả đều được phép và trong một số trường hợp ngay cả đó là điều mong muốn. Trong tác phẩm của Singer chúng ta thấy có âm hưởng của Darwin và Nietzsche; thật vậy, Darwin trở nên vũ khí để đánh đổ niềm tin Kitô Giáo và dọn chỗ cho thuyết phi đạo đức của Nietzsche.
Trong một bài báo nổi tiếng đăng trong New York Times, Steven Pinker nêu lên tính cách hợp lý của thuyết tiến hóa để giải thích tại sao đó không phải là vấn đề lớn khi người mẹ giết con sơ sinh của mình, ngay cả khi chúng lọt lòng. Bài của Pinker được viết sau khi tin tức xôn xao về vụ một thiếu nữ sinh con ngay tại một trường khiêu vũ và sau đó vất con vào thùng rác. Pinker tìm cách trấn an công chúng Hoa Kỳ, khi nhận xét rằng "quyền giết bào thai được gắn vào thiết kế sinh vật học của những xúc cảm của nguồn gốc chúng ta," vì vậy khích lệ các cha mẹ hãy "cắt đứt những thiệt hại và chọn đứa khỏe nhất trong đám hoặc sau này thử lần nữa", nếu một "trẻ sơ sinh bệnh hoạn hoặc nếu nó có vẻ không sống nổi." Pinker viết thêm là nhiều thói quen văn hóa được "đề ra để tách biệt cảm xúc của con người với một trẻ sơ sinh" chính là để đứa trẻ ấy có thể bị giết mà không quá nhiều day dứt. Trong cuốn The Blank State, Pinker viết, "Sự khó khăn với Homo sapiens thì có lẽ không phải là chúng ta có quá ít luân lý. Vấn đề có lẽ là chúng ta có quá nhiều."
Pinker rất đúng khi nói rằng sự phá thai và giết trẻ sơ sinh thì phổ thông trong lịch sử thế giới. Lý do mà chúng bị cấm đoán trong nhiều thế kỷ ở Tây Phương là vì các giá trị Tây Phương được khuôn đúc bởi Kitô Giáo. Ben Wiker nêu rõ vấn đề rằng "các luật cấm phá thai và giết trẻ sơ sinh ở Tây Phương thì chỉ có thể hiểu được như một kết quả của sự Kitô hóa, và sự hủy bỏ chính các luật này thì chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của việc hủy bỏ Kitô Giáo." Nếu Hoa Kỳ là một xã hội thuần túy trần tục, sẽ không có tranh luận về tính cách luân lý của việc giết trẻ em. Do đó một lý do mà Pinker và rất nhiều người khác cay đắng tấn công Kitô Giáo chính là vì để lấy đi ảnh hưởng luân lý của nó và làm cho xã hội hiếu khách với sự phá thai, giết trẻ sơ sinh, và an tử.
Dường như thật kỳ lạ khi tất cả những nhẫn tâm đối với sự sống con người lại ở trong một xã hội mà giá trị chính yếu của nó là sự trắc ẩn. Nhưng sự mâu thuẫn này được giải đáp khi bạn thấy rằng chính vì chúng ta quá khủng khiếp trong đời sống riêng tư đến độ chúng ta cần phải làm ra vẻ nhân đức trong đời sống công cộng. Những người làm điều ghê tởm về luân lý, như lừa dối vợ/chồng và giết con, không thể thoát khỏi sự giằn vặt của lương tâm. Do đó quan trọng nhất là uốn nắn lương tâm, không chỉ để người khác có cảm tưởng là chúng ta nhân từ và tuyệt vời, nhưng còn để thuyết phục chính chúng ta sống như vậy. Với một người vừa ăn nằm với cộng sự viên, lương tâm bắt buộc họ phải đóng góp nhiều cho tổ chức United Way .
Tôi kết luận rằng trái với sự tin tưởng chung, thuyết vô thần thì chính yếu không phải là một sự nổi loạn trí thức, nó là một nổi loạn luân lý. Người vô thần không tìm kiếm Thiên Chúa vô hình cho bằng họ thấy Người chướng tai gai mắt. Họ không thay đổi những dục vọng theo chân lý, nhưng thay vào đó họ thay đổi chân lý cho phù hợp với dục vọng. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có. Đó là sự cám dỗ ngay cả với tín đồ. Chúng ta muốn được cứu độ miễn là chúng ta không phải tránh tội lỗi. Chúng ta rất muốn được cứu thoát khỏi một xã hội xấu xa, khỏi nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh. Nhưng chúng ta không muốn đụng đến những xấu xa cá nhân, tỉ như ích kỷ và dâm đãng và kiêu ngạo. Chúng ta cần được chữa trị về tinh thần, nhưng chúng ta không muốn. Giống như một cha mẹ giám sát, Thiên Chúa can thiệp vào đường lối của chúng ta. Đây là sự hấp dẫn thường xuyên của thuyết vô thần: nó tống khứ lão già nua nghiêm nghị, râu dài và giải thoát chúng ta để hưởng lạc thú của tội lỗi và trụy lạc. Người vô thần tìm cách hủy bỏ sự phán xét luân lý bằng cách tống khứ vị thẩm phán.

CHƯƠNG 24

VẤN ĐỀ SỰ DỮ: THUYẾT VÔ THẦN Ở ĐÂU
KHI CÓ SỰ DỮ XẢY RA?

""Nếu Đức Giêsu có thể chữa lành một người mù tình cờ gặp trên đường, vậy tại sao không chữa cả bệnh mù?"
Christopher Hitchens, God is Not Great

K
hi nói rằng thuyết vô thần thường bị lôi cuốn bởi các động lực thấp hèn, tôi không muốn ám chỉ rằng không có sự thành thật thiếu tin tưởng. Trong chương này, tôi để ý đến một vấn đề thường trở ngại đối với tín hữu cũng như người không có đức tin, nó là một trở ngại trầm trọng để tin vào Thiên Chúa của Kitô Giáo. Những điều khủng khiếp xảy ra trên thế giới. Hàng triệu người bị giết trong các trại tập trung. Bão và sóng thần trút cơn thịnh nộ chết người trên dân chúng có đức tin. Một người bệnh tâm thần nả đạn vào trường đại học, giết các sinh viên vô tội. Bạn tôi là Bruce Schooley, người mà tôi đề tặng cuốn sách này, đang vật lộn với bệnh ung thư. Không có điều nào có thể giải thích được. Voltaire đã xỉ vả thần linh khi để xảy ra trận động đất 1755 ở Lisbon với tất cả những tàn phá của nó. Darwin bị kinh ngạc bởi tính cách dữ dội thất thường của thiên nhiên, đó là một đề tài mà Richard Dawkins nhấn mạnh trong cuộc bút chiến mới đây. Steven Weinberg viết, "Thiên Chúa của chim chóc và cây cối cũng phải là Thiên Chúa của bệnh ung thư và khuyết tật bẩm sinh." Ông thêm rằng vì chính ông là một người Do Thái, "Việc tưởng nhớ biến cố Holocaust khiến tôi không muốn bào chữa cho các phương cách của Thiên Chúa đối với loài người." Steven Pinker đưa ra tình trạng khó xử này trong hình thức cổ điển. "Nếu thế giới này bộc lộ một kế hoạch khôn ngoan và thương xót, sao nó lại bao gồm quá nhiều đau khổ?" Weinberg và Pinker nêu lên câu hỏi thật hay: nếu Thiên Chúa hiện hữu, sao Người lại cho phép xảy ra bất cứ gì trong những điều ấy?
Vấn đề sự dữ và đau khổ được nhiều người coi là lý luận mạnh mẽ nhất để chống với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ lý luận như thế này: Nếu có Thiên Chúa, Người phải toàn năng. Nếu Người toàn năng, Người có thể chấm dứt sự dữ và đau khổ. Nhưng qua kinh nghiệm chúng ta biết rằng sự dữ và đau khổ vẫn tiếp tục, một cách kinh tởm, một cách tàn nhẫn, ngay cả không cân xứng hay không công bằng chút nào. Như vậy không thể có một chủ thể toàn năng có thể ngăn chặn tất cả những điều này đừng xảy ra, bởi vì nếu có, Người chắc chắn sẽ làm như vậy. Bởi thế Thiên Chúa không hiện hữu.
Tôi đồng ý rằng sự dữ và đau khổ đề ra một thách đố nghiêm trọng về tri thức và luân lý cho Kitô Hữu. (Thật thú vị, trong Ấn Giáo và Phật Giáo lại không có vấn đề như vậy. Người Ấn Giáo tin rằng sự đau khổ ở đời này là hậu quả của hành động ở kiếp trước. Phật Giáo cho rằng sự đau khổ là sản phẩm của khao khát ích kỷ và có thể vượt qua bằng cách diệt dục.) Khi những điều khủng khiếp xảy ra, dường như dễ để giải thích rằng Thiên Chúa không hiện hữu hơn là hiện hữu. Nhưng điều ít người nhận thấy là sự đau khổ và sự dữ cũng là một thách đố ghê gớm cho người vô thần. Lý do là vì sự đau khổ không chỉ là một vấn đề tri thức và luân lý; nó còn là một vấn đề cảm xúc. Sự đau khổ không làm hại tâm trí; nó phá hủy tâm can. Khi tôi bị bệnh, tôi không muốn có một lý thuyết để giải thích nó; tôi muốn điều gì đó làm cho tôi cảm thấy khỏe hơn. Thuyết vô thần có thể có một giải thích hay hơn về sự dữ và đau khổ, nhưng nó không đem lại sự an ủi. Thuyết hữu thần, tuy không có một giải thích hay ho, nhưng nó đưa ra một phương cách tốt hơn để dân chúng đối phó với những hậu quả của sự dữ và sự đau khổ.
Tôi nhận ra điều này vào tháng Tư 2007 khi một sinh viên loạn trí ở trường Virginia Tech nổi điên giết người, gây nên một trong những thảm sát tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau vụ giết người, ngay trong khung cảnh học đường thế tục, người ta không thấy thuyết vô thần đâu. Mỗi khi có nghi thức tưởng niệm hay đám đông quy tụ, người ta nói về Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa, và sự hàn gắn tinh thần. Ngay cả những người không tôn giáo rõ rệt cũng bắt đầu dùng đến ngôn ngữ thấm đầy những dấu hiệu và ý nghĩa Kitô Giáo.
Vấn đề thì không phải với người vô thần, nhưng với thuyết vô thần. Dĩ nhiên, người vô thần cũng có mặt trong số nạn nhân và người than khóc. Tôi không ám chỉ rằng họ đau khổ ít hơn ai khác. Điều tôi muốn nói là thuyết vô thần dường như không đem lại gì trong những lúc như thế. Hãy để ý bản tuyên ngôn của Richard Dawkins trong cuốn River Out of Eden: "Vũ trụ chúng ta quan sát thì có đúng những đặc tính mà chúng ta phải mong đợi nếu ở bản chất không có sự hoạch định, không có mục đích, không có sự dữ và sự thiện, không có gì khác hơn là sự dửng dưng tàn bạo mù lòa." Jacques Monod viết rằng khi gán cho đời sống một ý nghĩa hay mục đích, đó là một loại "duy linh," giống như người tiền sử tìm thấy thần linh trong các hòn đá. Theo Monod, chúng ta ở đây hoàn toàn là kết quả của sự tình cờ: "Con số của chúng ta vọt lên trong ván bài ở Monte Carlo." Tương tự, Steven Weinberg nhận xét rằng "vũ trụ càng có vẻ dễ hiểu bao nhiêu, dường như nó càng vô nghĩa bấy nhiêu."
Ở đây chúng ta thấy sự ghê rợn căn bản của thuyết duy vật: mọi thứ trở nên tối tăm và vô nghĩa. Chúng ta cũng thấy giải pháp duy vật cho vấn đề sự dữ: sự dữ không phải là vấn đề, bởi vì sự dữ không hiện hữu. Đời sống theo quan điểm này thì quả thật là một chuyện tào lao được kể bởi một thằng ngốc, ồn ào và cuồng nhiệt, chẳng có gì quan trọng. Và nếu một bà mẹ khóc lóc hỏi rằng tất cả mục đích của nó là gì, Dawkins và Weinberg không có câu trả lời nào tốt hơn là, "Xin lỗi, chẳng có mục đích nào cả. Đời sống xảy ra, và sau đó nó chấm dứt. Tất cả chỉ có vậy." Tôi có thể thấy tại sao bạn Bruce của tôi không thể chấp nhận thuyết vô thần. Chỉ có Thiên Chúa mới đem cho Bruce lời hứa về một sự sống sẽ đến, của một linh hồn tồn tại lâu hơn sự chết. Thuyết vô thần chỉ đem lại sự hủy diệt.
Khi tôi viết bài báo nhận xét về sự thiếu vắng bài thuyết pháp của người vô thần trong các nghi thức ở Virginia Tech, tôi nhận được một tràng chửi rủa từ email của những người vô thần. Tôi là một tên ngu ngốc. Tôi là một người đần độn. Tôi phải tìm cố vấn tâm thần. Tôi đang lợi dụng tấn thảm kịch trong một phương cách cay đắng thâm độc. Thật thú vị, rất ít người thắc mắc điều tôi muốn nói rằng thuyết vô thần không đem lại sự an ủi và sự hiểu biết khi đối diện với sự dữ hay thảm kịch. Một người vô thần nhìn nhận những hạn hẹp của thuyết vô thần về phương diện này, nhưng sau đó giận dữ hỏi là tôi muốn lời an ủi giả dối và chuyện thần tiên hay những sự thật khó nghe mà chúng ta phải biết cách đối phó.
Không, tôi không muốn. Nhưng điều này cho rằng sự hiện hữu của sự dữ và sự đau khổ đã chứng minh rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Trên thực tế, tất cả những gì cho thấy là sự dữ và sự đau khổ không có sự giải thích nào mà chúng ta có thể tìm thấy. Dù vậy, vẫn có thể là chúng phục vụ một mục đích cao cả hơn nhưng chúng ta không thấy. Hậu quả là chúng ta không thể đối xử với thuyết vô thần như một chân lý được minh chứng. Ngay cả khoa học hiện đại cũng không thể xác nhận một tình trạng vững chắc như thế. Một trong những lập luận hay nhất cho khoa học hiện đại là nó hữu hiệu, điều đó có nghĩa nó đem lại những tốt lành và đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Nhưng đây cũng chính là điều tôi thừa nhận đối với tôn giáo trong lúc đau khổ và có sự dữ. Tôn giáo hữu hiệu, điều đó có nghĩa nó đáp ứng sự khao khát và nhu cầu của con người trong một phương cách mà ngôn ngữ trần tục không thể. Cũng như khoa học dường như không thể thay thế để làm cho đời sống hiện đại tốt đẹp, Thiên Chúa cũng dường như không thể thay thế khi đời sống tệ hại hoặc khi chúng ta đối diện với sự chết.
William James, người thực dụng, đặt vấn đề với nét hiện thực: Người vô thần giống như những người sống trên một hồ đóng băng được bao chung quanh bằng những vách đá mà không cách chi thoát khỏi. Họ biết rằng băng đá đang tan và sẽ đến ngày họ phải nhục nhã lao mình xuống nước. Viễn ảnh này thì vô nghĩa cũng như khiếp sợ. Kitô Hữu cũng phải chịu đựng cái giá rét và cái chết không thể tránh, nhưng đức tin giúp họ chịu đựng tốt hơn. Khi đau khổ xảy đến, James viết, "Tôn giáo làm cho những gì cần thiết trở nên dễ dàng và hạnh phúc trong bất cứ trường hợp nào." Khi cái chết xảy đến, ông viết thêm, tối thiểu Kitô Giáo đem lại viễn ảnh của đời sau và cơ hội được cứu độ. "Trong bản tính con người, không có dữ kiện nào đặc thù hơn là bằng lòng sống với một cơ hội. Sự hiện hữu của cơ hội này là một khác biệt… giữa một đời sống mà nguyên tắc chỉ đạo là sự buông xuôi và một đời sống mà nguyên tắc chỉ đạo là sự hy vọng."
Trong khi lý luận về sự dữ thường được dùng để không nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong một phương cách kỳ lạ chính lý luận này lại có thể được sử dụng như một minh chứng cho sự hiện hữu đó. Hãy suy nghĩ điều này: tại sao chúng ta lại cảm nghiệm sự đau khổ và sự dữ như một điều phi lý? Nếu chúng ta là các thực thể thuần túy vật chất thì chúng ta không chống đối việc thảm sát hàng loạt, cũng như một con sông không phản đối khi bị khô cạn vì hạn hán. Tuy nhiên chúng ta không giống như con sông. Chúng ta biết rằng sự dữ thì có thật, và chúng ta biết rằng nó sai lầm. Nhưng nếu sự dữ có thật thì sự thiện cũng phải có thật. Làm thế nào để chúng ta biết sự khác biệt giữa hai điều này? Khả năng phân biệt giữa sự dữ và sự thiện, và để nhận biết chúng có thật, có nghĩa rằng phải có một tiêu chuẩn luân lý trong vũ trụ mà nó được dùng làm căn bản cho sự phân biệt này. Và đâu là nguồn gốc của tiêu chuẩn luân lý đó nếu không phải là Thiên Chúa?
Ngay cả vậy, sự dữ vẫn là điều không thể giải thích một cách hữu lý cho bất cứ giá trị nào của con người. Các tín hữu có thể viện dẫn sự an ủi của tôn giáo, nhưng họ vẫn lủng củng với câu hỏi hắc búa tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ và sự đau khổ xảy ra. Trong Kinh Thánh, đây là câu hỏi mà ông Gióp đã mạnh dạn, giận dữ, và hùng hồn đặt ra cho Thiên Chúa. Ông Gióp là một người tốt lành, tại sao ông lại phải đau khổ? Tại sao của cải ông bị lấy đi? Tại sao Thiên Chúa lại đối xử với mọi người như vậy, ngay cả các tôi tớ trung thành của Người cũng không có ngoại trừ?
Thay vì trực tiếp trả lời cho ông Gióp, Thiên Chúa hỏi các tạo vật lấy quyền gì mà đặt vấn đề với Đấng tạo ra chúng. Ông Gióp có làm ra vũ trụ không? Ông có thể tự ban cho mình sự sống không? Dường như Thiên Chúa lôi ông Gióp ra khỏi địa vị, và sau cùng ông đồng ý, phó thác cho Thiên Chúa mà không cần được trả lời các thắc mắc. Vì vậy ông Gióp trở thành một người hùng trong Kinh Thánh không bởi sự hiểu biết, nhưng bởi đức tin.
Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục vì câu hỏi của ông Gióp vẫn là một câu hỏi có giá trị: tại sao sự dữ lại xảy ra cho người tốt? Một câu trả lời là sự tự do ý muốn. Thiên Chúa không muốn cai trị một vương quốc người máy. Sự tự do lựa chọn có nghĩa chúng ta được tự do để thi hành điều tốt và chúng ta cũng có tự do để thi hành điều xấu. Người ta chỉ là thánh trong một thế giới mà họ cũng có thể trở nên một tên quỷ. Vì vậy sự hiện diện của sự xấu trong thế giới thì hoàn toàn phù hợp với Thiên Chúa là đấng khinh chê sự dữ nhưng quý trọng sự tự do.
Thiên Chúa không giết những người ở trường Virginia Tech, kẻ sát nhân đã làm điều đó. Tuy nhiên, tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp hay ngăn chặn điều đó? Đây là một câu hỏi sâu xa về vai trò của Thiên Chúa trong thế giới. Tại sao Thiên Chúa không biểu thị chính Người, nhất là khi các thảm kịch này có thể ngăn chặn được? Sau đây có thể là một nguyên do. Hãy thử tưởng tượng nếu Thiên Chúa can thiệp để ngăn cản tên điên khùng đừng làm điều đó. Hãy bỏ qua một bên việc vi phạm sự tự do ý muốn. Chỉ chú ý đến hậu quả. Tên sát nhân sẽ bị tước vũ khí—một cách lạ lùng—việc bắn giết sẽ được ngăn cản và đời sống sẽ tiếp tục.
Nói cách khác, đời sống sẽ tiếp tục như thể Thiên Chúa không can thiệp ngay tự đầu. Như vậy, trong quan điểm này Thiên Chúa trở nên một loại chú bé chạy việc vặt của vũ trụ, là người được cho rằng phải làm công việc bổn phận thay cho chúng ta và dọn dẹp những bừa bộn của chúng ta và sau đó chúng ta chúc Người một ngày vui rồi trở về với đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng có lẽ mục đích của Thiên Chúa là muốn lôi kéo các tạo vật về với Người, và chứng cớ qua kinh nghiệm là các thảm kịch ấy, như ở Virginia Tech, giúp thực hiện điều đó.
Tại điểm này tôi có thể tưởng tượng một căm phẫn bùng nổ, "Ông muốn nói rằng Thiên Chúa gây ra những thảm sát khủng khiếp đó chỉ để người ta trở lại với Người sao?" Tôi lập lại: Thiên Chúa không tạo ra điều này. Hãy đổ lỗi cho súng đạn, hãy đổ lỗi cho hệ thống an ninh nhà trường, nhất là hãy đổ lỗi cho tên sát nhân. Đừng đổ lỗi cho Thiên Chúa. Như C. S. Lewis vạch rõ, hầu hết sự dữ và sự đau khổ trong thế giới thường được gây nên bởi con người với roi vọt, súng ống, dao găm, lò hơi ngạt, và bom đạn. Các tội ác này không do Thượng Đế gây nên nhưng do con người. Ngay cả vậy, không phải là không hợp lý để cho rằng có một mục đích quan phòng đằng sau câu chuyện, và nếu sự khủng khiếp cho thấy chúng ta cần lệ thuộc vào tình yêu và quyền năng phục hồi của Thiên Chúa, đó không phải là một điều tệ hại. Không cách chi Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho sự dữ; Người chỉ chịu trách nhiệm khi nêu ra sự tốt lành từ sự dữ.
Kitô Hữu có thể vạch ra tấm gương của Đức Kitô để cho thấy rằng Thiên Chúa của họ, không phải là dửng dưng với sự dữ và sự đau khổ, nhưng đã trở nên một con người chính là để gánh chịu và vượt qua sự dữ. Trong thần học Kitô Giáo, Thiên Chúa trở nên một con người để gánh lấy tội lỗi của thế giới. Đức Kitô đã chịu đau khổ một cách bất công theo cùng một phương cách như những người phải đau khổ một cách bất công, nhưng ở một mức độ cao hơn. Do đó, đối với Kitô Hữu, chịu đựng sự đau khổ và sự dữ là chia sẻ nỗi thống khổ của Đức Kitô một cách nào đó. Sau cùng Đức Kitô chiến thắng sự dữ và đây là điều mà Kitô Hữu cũng tìm cách thi hành, tối thiểu trong cuộc đời của mình.
Cho đến đây sự giải thích này phần lớn nhắm đến sự dữ về luân lý. Nó không giải thích cho "sự dữ tự nhiên," là sự dữ không do con người gây nên nhưng bởi chính thiên nhiên. Ở đây tôi nghĩ đến những điều tỉ như bão tố và bệnh ung thư. Do đó một lần nữa chúng ta phải hỏi: tại sao những điều xấu xảy ra cho người tốt? Câu trả lời của Kitô Giáo là không có người tốt. Không ai trong chúng ta đáng được một cuộc đời như chúng ta đang có, đó là một món quà cho không từ Thiên Chúa. Anh Bruce đang chết dần, và anh đang từ từ trả về cho Thiên Chúa một đời sống mà Người đã ban cho anh. Trong phương cách này anh không cô đơn. Như triết gia Peter Kreeft có nói trong cuốn sách Making Sense Out of Suffering (Tìm Ý Nghĩa trong Đau Khổ), tất cả chúng ta đang chết dần mòn, từ bỏ từng chút một mỗi ngày, và trong khi các kỹ thuật y khoa có thể giúp chúng ta trì hoãn đôi chút, chúng không thể ngăn cản chúng ta di chuyển một cách đều đều, không chút xót thương đến huyệt mộ của chúng ta.
Hàng ngày tôi cầu xin Thiên Chúa chữa lành cho Bruce, tuy nhiên, tôi nhận biết rằng ngay cả điều này xảy ra cho Bruce, anh cũng sẽ không thoát được cái chết. Anh sẽ sống lâu hơn, nhưng sau cùng cái chết sẽ nắm bắt anh, cũng như nó sẽ nắm bắt tôi và bạn và tất cả chúng ta. Vì lý do này, tất cả chúng ta cần đến một loại chữa lành sâu xa hơn, đó là chữa lành linh hồn. Người không có đức tin sẽ nói rằng chúng ta phải tập đối diện với cái chết, và trong một ý nghĩa tự nhiên, điều đó đúng. Cái chết là một điều chắc chắn của cuộc đời, và Bruce cũng như bạn và tôi tất cả đều phải học cách chấp nhận điều đó. Câu hỏi ở đây là có phải cái chết là chương sau cùng. Người không có đức tin quả quyết rằng sự hứa hẹn đời sống vĩnh cửu là một sự giả dối, nhưng họ không biết được điều đó.
Tất cả những gì tôi cố chứng minh ở đây là chỉ có một cách duy nhất để chúng ta thực sự chiến thắng được đau khổ và sự dữ là sống vĩnh viễn ở một nơi không có những điều đó. Kitô Giáo cho rằng có một chỗ như vậy và sẵn sàng cho bất cứ ai tìm kiếm. Không ai bị từ chối điều đó, và nếu sự nhìn nhận này là sự thật thì sự dữ và sự đau khổ được phơi bầy như những khó nhọc và bất công tạm thời. Chúng ngắn ngủi như cuộc đời ngắn ngủi, tạm bợ của chúng ta. Trong trường hợp đó Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một con đường để chiến thắng sự dữ và sự đau khổ, mà sau cùng chúng bị khuất phục trong sự sống đời sau.

CHƯƠNG 25

ĐỨC GIÊSU TRONG CÁC THẦN KHÁC:
SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA KITÔ GIÁO

"Theo diễn biến của sự công bằng, không ai trong chúng ta được xem thấy ơn cứu độ."
William Shakespeare, The Merchant of Venice

C
ho đến đây, cuốn sách này đã khảo sát Kitô Giáo phần lớn từ quan điểm thế tục. Tôi đã cho thấy làm thế nào Kitô Giáo đã khuôn đúc văn hóa và thế giới chúng ta. Tôi cũng tìm cách giải thích các tiền đề của thuyết hữu thần nói chung, và đặc biệt là Kitô Giáo, được hỗ trợ đầy đủ bởi khoa học hiện đại và tư tưởng hiện đại. Trong phần chót của sách này, tôi sẽ phác họa những gì làm cho Kitô Giáo khác với các tôn giáo khác. Sau cùng tôi sẽ cho thấy cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi như thế nào khi trở nên Kitô Hữu.
Có hai loại dân chúng là những người cho rằng mọi tôn giáo đều giống nhau. Nhóm thứ nhất gồm những người có lòng tin, tuy không phải là loại rất nhiệt thành. Những người này cả quyết rằng mọi tôn giáo đều giống nhau trên con đường đến thiên đàng—một lập trường mà chỉ có một tôn giáo lớn, Ấn Giáo, thực sự tán thành. Nhưng ở Tây Phương có một cảm nghĩ rộng rãi cho rằng tôn giáo thì giống nhau ở điểm: tất cả đều là con đường của loài người đến với thượng đế. Qua tiêu chuẩn này, sự gia nhập tôn giáo không còn là vấn đề quan trọng, và khi tìm cách dẫn dụ người khác chấp nhận tôn giáo của bạn, đó là một dấu hiệu của sự thiếu lịch sự, nếu không muốn nói là cuồng tín.
Nhóm thứ hai coi mọi tôn giáo đều giống nhau là nhóm người vô thần. Nhóm này coi mọi tôn giáo đều lầm lạc như nhau, và một số người không có đức tin còn cho rằng các tôn giáo thì nguy hại. Khi tôi viết về Kitô Giáo, tôi thường nghe những câu trả lời khinh miệt đối với ảnh hưởng này: "Sao ông lại quá đả kích thuyết vô thần? Ông cũng là một người vô thần một khi đề cập đến Ala." Chính Richard Dawkins nói lên điểm này trong cuốn A Devil's Chaplain (Tuyên Úy của Qủy): "Khi nói đến thần Baal và Bò Vàng, thần Thor và Wotan, Poseidon và Apollo, Mithras và Ammon Ra," tất cả những người hữu thần hiện nay "thực sự là vô thần… Một số trong chúng ta chỉ đi xa hơn một thần." Các lập luận chối bỏ tôn giáo mà Dawkins chủ trương thì áp dụng đồng đều cho các tôn giáo khác. Sự mặc khải, theo quan điểm này, là một mớ vô nghĩa, bởi đó nó trở thành vấn đề tỉ mỉ là có phải chúng ta đang đương đầu với Kitô Hữu vô nghĩa, Do Thái vô nghĩa, hay Bái Hỏa Giáo vô nghĩa hay không.
Nhưng trái với điều những người này nói, mọi tôn giáo không giống nhau. Ở mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hầu hết các tôn giáo thừa nhận một cách độc đáo và kiên quyết về Thượng Đế và tình trạng con người. Vì các thừa nhận này thường xung khắc nhau, không cách chi mọi tôn giáo đều là chân lý. Chắc chắn có thể là một số tôn giáo có các yếu tố chân lý. Tuy nhiên, nếu một tôn giáo hoàn toàn đúng, điều tiếp theo là các tôn giáo còn lại thì sai lạc.
Ngay cả vậy, người có thiện chí thường tránh sự xung đột chung khi nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo thì khác biệt ở kiểu cách hiểu biết về cùng một chân lý. Đây là một quan điểm sai lầm, tuy nó chứa đựng một yếu tố chân lý. Như chúng ta từng thấy, có một luân lý chung mà các tôn giáo lớn trên thế giới đều chia sẻ. Cũng thế, các tôn giáo độc thần cố gắng thờ một Thượng Đế và bởi đó cùng chung một Thượng Đế. Tuy nhiên các tôn giáo này khác nhau trong sự hiểu biết lý do tại sao con người cần đến Thượng Đế và làm thế nào con người có thể tìm ra Thượng Đế.
Chúng ta có thể thấy tôn giáo không giống nhau khi nhìn đến phương cách khác nhau để giải thích các ý niệm căn bản. Chữ tử đạo là một danh từ phổ thông đối với Kitô Giáo và Hồi Giáo, nhưng lại xa lạ với Do Thái Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Chữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa "chứng nhân." Trong Kitô Giáo, vị tử đạo tự nguyện hy sinh mạng sống thay vì chối bỏ Thiên Chúa. Kitô Hữu tử đạo là người bị lính La Mã đẩy vào chuồng sư tử để bị xâu xé vì không chịu từ bỏ đức tin. Trong Hồi Giáo, vị tử đạo tranh đấu cho một chính nghĩa và mất mạng sống vì Ala. Đây là ý nghĩa mà trong đó Khomeini và bin Laden kêu gọi người Hồi Giáo hãy trở nên "chứng nhân" Hồi Giáo đích thật. Một chữ, nhưng hai ý nghĩa.
Trong bảng so sánh các tôn giáo lớn, Huston Smith kể ra các khác biệt quan trọng giữa các tôn giáo. Phật Giáo không có ý niệm về đời sau hoặc Thượng Đế. Chỉ có một tôn giáo khác mà Kitô Giáo hoàn toàn chấp nhận như sự mặc khải của Thiên Chúa: Do Thái Giáo. Kitô Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo, Hồi Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Hồi Giáo coi ông Môsê và Đức Giêsu là ngôn sứ, nhưng ngay cả người Hồi Giáo cũng tán thành sự sinh hạ đồng trinh của Đức Kitô, nhưng họ không xem Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, và họ không tin là Người đã chịu đóng đinh và đã sống lại lên trời.
Trong chương này, tôi không cố gắng chứng minh Kitô Giáo là tôn giáo tốt nhất, nhưng tôi cố gắng cho thấy Kitô Giáo khác với các tôn giáo khác về phương diện nào và, theo ý nghĩa này, nó độc đáo. Mọi tôn giáo đều toan tính giải quyết nan đề mà Pascal đã vạch ra trong cuốn Pensées. Pascal nhận xét rằng đã bao lâu con người dùng rất nhiều tri thức và nỗ lực để giải quyết một vài khó khăn căn bản. Chúng ta muốn thế giới có hòa bình. Chúng ta muốn sống hài hòa với người khác. Chúng ta muốn chăm sóc con cái tốt đẹp. Chúng ta muốn đời sống không có vấn đề. Pascal nói rằng chúng ta ở tình trạng này đã lâu, vậy tại sao chúng ta chưa giải quyết được gì cả? Tại sao sự theo đuổi hạnh phúc vẫn còn là một theo đuổi? Với các nhà vô thần nổi tiếng như Dawkins và Harris, câu trả lời đơn giản là vì con người ngu dốt, và khoa học là phương cách để xóa tan sự ngu dốt đó. Người có tôn giáo biết rằng đây mới chỉ là nửa sự thật. Sự ngu dốt chỉ là một nửa vấn đề; nửa kia là vấn đề  sự thiện và sự dữ. Hơn thế nữa, khoa học là phương cách duy nhất để có kiến thức, và đó chỉ là một loại kiến thức. Khoa học không đem lại câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên. Nếu thu gọn mọi kiến thức chỉ còn là kiến thức khoa học, đó là kết án con người ngu dốt về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
Vậy, chúng ta có thể hiểu thế nào về vấn đề thiện và ác mà nó từng cản trở hạnh phúc của chúng ta? Pascal nhận xét rằng con người thì vừa anh hùng và vừa độc ác. Nó có thể suy nghĩa và hành động cao thượng cũng như tuyệt diệu, tuy nhiên nó cũng mưu tính và thi hành các hành động khủng khiếp không xứng đáng với ngay cả con vật thấp hèn nhất. Thật vậy, một phần vĩ đại của con người là nó có thể dùng khả năng lý lẽ của mình để nhận biết sự thấp hèn của nó.
Tình trạng này có thể diễn tả theo cách khác. Con người có tiêu chuẩn rất cao, nhưng nó thường không đạt được. Nó biết điều gì tốt, nhưng nó không làm. Nó bị trói buộc trong sự ích kỷ và đam mê xấu xa, và nó chịu thua các đam mê đó vì ý chí yếu ớt. Tất cả mọi tôn giáo dường như đồng ý với sự chẩn đoán vấn đề theo phương cách này. Và hầu như mọi tôn giáo đều đồng ý rằng giải pháp là ban cho con người các quy luật, điều răn, và hướng dẫn để làm sao nâng mình lên trên các xu hướng để có thể đến với Thượng Đế. Nói chung tôn giáo là cẩm nang chiến thuật của con người về kiểu cách đến với Thượng Đế.
Nhưng Kitô Giáo không phải là tôn giáo trong ý nghĩa này. Kitô Giáo cho rằng con người không thể nào đến với Thiên Chúa, dù cố gắng thế nào đi nữa. Con người không thể lên đến mức độ Thiên Chúa bởi vì mức độ Thiên Chúa thì quá cao. Do đó chỉ có một giải pháp: Thiên Chúa phải hạ xuống mức con người. Tuy có vẻ khiếm nhã, thật vậy, Thiên Chúa phải trở nên con người để gánh lấy tội lỗi của loài người. Kitô Hữu tin rằng đây là sự hy sinh lớn lao của Đức Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận sự hy sinh của Đức Kitô trên căn bản đức tin, chúng ta sẽ thừa hưởng món quà cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có vậy. Đó là cốt yếu của Kitô Giáo. Với một số người, nó có vẻ nực cười. Tuy nhiên, trong sự đơn giản này có một chiều kích đáng kể và phong phú. Chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của tất cả các điều này nếu từ từ và tỉ mỉ khảo sát từng khía cạnh của nó.
Giả thuyết thứ nhất là xu hướng phạm tội thì có trong bản tính con người. Nói cách khác, ích kỷ, tham lam, dâm ô, và hám lợi là một phần của con người chúng ta. Tôi nghĩ Darwin cũng sẽ đồng ý với điều này. Thật vậy chân dung con người theo Darwin là một chứng thực quan trọng cho học thuyết Kitô Giáo về tội nguyên tổ. Quan điểm không bợ đỡ của Darwin về con người thì thực tế và chính xác hơn quan điểm ngây thơ của Russeau cho rằng con người thì tốt tự bản chất và xã hội phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề của con người. Darwin hiểu rằng con người thì gần với con vật hơn với thiên thần. Trong một số phương cách, con người thì tệ hơn thú vật bởi vì chúng chỉ thi hành những gì xảy đến tự nhiên, trong khi con người phạm tội một cách cốt ý và tự do.
Bởi đó con người phải trả giá cho tội lỗi, và giá của tội lỗi là sự chết. Đây là giả thuyết thứ hai của Kitô Giáo. Kinh Thánh coi sự chết trong lãnh vực sinh vật học thì cũng ngang bằng với tội lỗi trong lãnh vực luân lý. Một số người sẽ thấy điều này thì quá khắc nghiệt, nhưng hãy để tôi cho thấy tại sao nó là sự khắc nghiệt chính đáng. Tội lỗi làm nên cá tính chúng ta và xác định tư tưởng cũng như lối đối xử của chúng ta. Tội lỗi có trong thói quen chúng ta đến độ sự phạm tội trở nên thông thường, hầu như không suy nghĩ. Tội lỗi thì không ở ngoài phạm vi con người, là điều thỉnh thoảng chúng ta làm, nhưng nó ở bên trong căn tính của chúng ta. Như vậy tội lỗi đáng được phần thưởng thiên đàng sao? Thiên Chúa, đấng công bằng và thánh thiện đời đời, phải tương nhượng sự công bằng và thánh thiện để ban cho chúng ta ơn cứu độ bất kể chúng ta có ghét bỏ Người và phàm tục hóa lề luật của Người sao? Dường như điều công bằng là chúng ta phải trả một giá cho tội lỗi đối với Thiên Chúa và đối với con người. Điều này có nghĩa người tội lỗi không thể vào vương quốc Thiên Chúa.
Vậy làm thế nào để chúng ta có ơn cứu độ? Với hầu hết tôn giáo, con người phải đóng vai trò tích cực. Ấn Giáo và Phật Giáo đưa ra giải pháp rất giống nhau: Qua sự thiền định chúng ta đối diện với những đam mê ích kỷ và nhận biết rằng "cái tôi" là cốt lõi của vấn đề. Do đó chúng ta cố gắng, trong nhiều phương cách, để loại trừ cái tôi này và đạt được sự hủy diệt của nó. Kết quả là chúng ta tìm cách trở nên hư không. Chúng ta có thể tiến đến mục tiêu này không chỉ qua sự thiền định nhưng còn qua sự từ bỏ mình: từ bỏ của cải, từ bỏ thú vui nhục dục, và vân vân. Đây là chương trình vô cùng khó khăn. Trong những người Phật Tử, chỉ có các nhà sư cho rằng họ đạt đến niết bàn. Tôi tin rằng chính ý thức về sự cách biệt lớn lao giữa sự thánh thiện và sự yếu đuối con người đã tạo nên thuyết định mệnh đặc biệt trong các văn hóa Ấn Giáo và Phật Giáo. Nhiều người Ấn Giáo tin rằng định mệnh sẽ qui định là họ sẽ tái xuất hiện như một hoàng tử, một con chó, hay một con bọ chét trong kiếp tới hay không.
Do Thái Giáo và Hồi Giáo đưa ra một công thức khác biệt, tuy cả hai dẫn các tín đồ đến cùng một con đường. Do Thái Giáo và Hồi Giáo là tôn giáo của lề luật. Cả hai đều tỉ mỉ về những nghi thức và lề luật: Cầu nguyện năm lần trong một ngày. Khăn gói lên đường đến Mecca. Hiến tế một con chiên hay một con dê. Mang râu dài. Giữ chay. Luật gia vĩ đại của Do Thái Giáo là Maimonides còn lập luận rằng việc cắt bì là yếu tố cần thiết để được cứu độ: "Bất cứ ai quên đi giao ước của tổ phụ Abraham và vẫn giữ da quy đầu… sẽ không có phần trong thế giới sẽ đến." Sự khắc nghiệt của các quy luật này khiến nhiều người Do Thái và Hồi Giáo bỏ qua nhiều luật lệ và chỉ tuân theo một số quy định được chọn lựa để họ có thể sống. Đây là những người Do Thái và Hồi giáo "cải cách", dường như họ không cố gắng sống trọn vẹn sự khắc nghiệt của luật lệ. Một cách căn bản, họ sống với hy vọng rằng Thiên Chúa thì không phải là một người quá khắt khe về chi tiết.
Nhưng Thiên Chúa không phải là một chủ nhân khoan dung sẵn sàng chấp nhận 30 phần trăm tiền nộp; sự công bằng của Người đòi phải hoàn trả đầy đủ. Mặc dù vậy, không thể không thông cảm với người chểnh mảng. Họ nói đúng, quả thật rất khó khăn để đền bù tội lỗi đầy đủ cho Thiên Chúa. Tôi cũng thông cảm với Christopher Hitchens, ông than phiền rằng nếu Thiên Chúa muốn con người sống đúng với các tiêu chuẩn cao vời này, "Người phải thận trọng hơn khi sáng chế ra một loài khác." Kitô Giáo đồng ý với Hitchens rằng các tiêu chuẩn này thật khó khăn. Thật vậy, Kitô Giáo nói rằng các tiêu chuẩn này không chỉ có khó khăn; chúng không thể thực hiện được. Không chỉ không thể chấm dứt phạm tội—ngay cả tín hữu Kitô đạo đức nhất cũng không thể ngưng phạm tội—nhưng còn không thể đền bù tội lỗi trong quá khứ của một người. Làm thế nào để bạn đền bù tội lỗi của mình? Có thể nào bạn biết chỗ của từng người mà bạn đã lỗi phạm và xin lỗi họ? Phải, bạn có thể quyết tâm sống một cuộc đời tốt lành sau đó, nhưng điều này thì không đền bù tội lỗi; dẫu sao bạn sẽ phải thi hành điều ấy.
Kitô Giáo nâng cao tiêu chuẩn hơn các tôn giáo khác khi nhấn mạnh rằng để vào vương quốc Thiên Chúa thì chúng ta phải toàn hảo. Không chỉ tốt, nhưng toàn hảo. Tốt lành là chưa tốt đủ. Vì không ai toàn hảo, Kitô Hữu có lời nói rằng, "mặt đất thì ngang bằng ở dưới chân thập giá." Anh tôi có thể là người tốt hơn tôi, và bạn có thể là người tốt hơn anh tôi, nhưng nói cho cùng không có gì đáng kể bởi vì không ai trong chúng ta thực hiện được điều đó với chính sức lực của mình. Giải pháp duy nhất là chúng ta phải "chết đi chính mình" và trở nên một người hoàn toàn khác biệt, tinh tuyền luân lý trong ánh mắt Thiên Chúa: "vì nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ không sinh kết quả." Bởi đó Kitô Giáo đồng ý với Ấn Giáo và Phật Giáo về nhu cầu phải hủy diệt cái tôi cũ kỹ của mình. Nhưng nó khác biệt ở điểm nói trước rằng chương trình này thì không thể thực hiện được.
Bởi thế làm thế nào ơn cứu độ phù hợp được với sự thánh thiện và công bằng của Thiên Chúa? Điều này đặt ra câu hỏi theo phương cách xứng hợp. Câu trả lời của Kitô Hữu là Thiên Chúa quyết định rằng chính Người trả giá này cho tội lỗi của con người. Không chỉ tội này hay tội kia, nhưng tất cả mọi tội. Thiên Chúa thi hành điều này bằng cách trở nên một con người và chết trên thập tự. Tôi muốn chia sẻ đôi chút về sự hy sinh không thể tưởng của Thiên Chúa. Tôi không muốn nói đến cái chết trên thập giá của Đức Kitô. Tôi muốn nói đến quyết định của Thiên Chúa khi trở nên một con người. Không tôn giáo nào có thể hiểu được điều này. Các thần của người Hy Lạp và La Mã thời xưa thường giả dạng như con người, nhưng họ không thực sự trở nên con người.  Tác giả Carlos Fuentes người Mễ viết rằng khi các nhà truyền giáo Kitô lần đầu tiên trình bầy giáo lý cho người Aztec, người Aztec hoàn toàn không thể hiểu được. Fuentes viết, "Trong một thế giới quen với việc hiến tế con người cho thần thánh, không có gì làm người thổ dân bàng hoàng hơn là một thần thánh đã hy sinh chính mình cho con người." Tuy nhiên điều mà các tôn giáo khác cho là ngu xuẩn và khiếm nhã, Kitô Giáo lại cho là sự thật.
Richard Dawkins viết "sự đền tội, học thuyết chính của Kitô Giáo, thì độc ác, có tính cách khoái khổ, và ghê tởm." Sự chỉ trích này chỉ có ý nghĩa nếu bạn cho rằng Kitô Hữu bịa đặt toàn thể câu chuyện, mà nó sẽ là điều xấu xa cho họ thi hành đối với Thiên Chúa. Kitô Hữu coi việc đền tội của Chúa Kitô là một sự hy sinh mỹ miều. Bằng cách nào đó, Thiên Chúa không chỉ trở nên một con người nhưng còn gánh lấy mọi tội lỗi và gánh nặng để giúp loài người có thể đi vào vương quốc thiên đàng. Như một mục sư ở San Diego nói, "Đức Kitô trả món nợ mà Người không nợ chỉ vì chúng ta có món nợ mà không thể trả." Thật vậy, Đức Kitô trên thập giá đã gánh lấy mọi tăm tối, cô đơn, và tội lỗi của thế gian. Vì vậy, qua sự cùng cực trên Gôngôtha, Đức Kitô đã hóa giải sự công bằng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa và ban cho loài người giấy thông hành lên thiên đàng. Cây cầu mà loài người không thể xây để đi lên Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã xây cho loài người.
C. S. Lewis viết, "Đức Kitô cung cấp cho chúng ta điều gì đó một cách nhưng không. Ngay cả Người ban phát cho chúng ta tất cả mọi thứ mà không vì lý do gì cả. Trong một ý nghĩa, toàn thể cuộc đời Kitô Hữu hệ tại ở việc chấp nhận sự ban phát vô cùng đặc biệt đó." Như vậy đâu là sự khó khăn? Sự khó khăn là nhận biết rằng chúng ta có tội và chúng ta không thể làm gì để giải quyết sự khó khăn này. Một trở ngại có liên hệ là chấp nhận quyền bính của Thiên Chúa và chương trình của Người cho cuộc đời chúng ta. Nói các khác, những trở ngại là sự kiêu ngạo của con người. Một trong những con quỷ của Milton ngỗ ngược xác nhận, sự khó khăn để có được tự do thì vẫn tốt hơn "gánh nhẹ nhàng của sự phù hoa nô lệ."  Sự cám dỗ của con rắn trong Vườn Địa Đàng cũng hướng đến sự kiêu ngạo: Sao các ngươi phải phục vụ? Sao không tự chọn tương lai cho mình, mà có lẽ nó tốt hơn tương lai của Thiên Chúa dành cho ngươi? Sao phải vâng lời Thiên Chúa khi các ngươi có thể là thần thánh, đặt luật lệ cho chính ngươi?
Sự kháng cự xấc xược của nhiều người đối với thẩm quyền của Thiên Chúa được diễn đạt một cách hùng hồn bởi Hitchens: "Sẽ là điều kinh tởm nếu đó là sự thật rằng chúng ta được hoạch định và sau đó được tạo dựng và sau đó được kiểm soát liên tục trong suốt cuộc đời khi đi đứng, ăn ngủ và rồi lại tiếp tục kiểm soát sau khi chết—nếu đó là sự thật, sẽ là điều kinh tởm… Nó giống như sống ở thiên đàng Bắc Hàn. Bạn không thể đào tẩu ra khỏi Bắc Hàn cho tới khi chết. Với thuyết độc thần họ không để bạn chết và thoát khỏi họ. Ai muốn điều đó là sự thật?" Hitchens giúp chúng ta hiểu tâm lý của thuyết vô thần, nó thường không dựa trên sự thiếu khả năng tin tưởng nhưng vì họ không sẵn lòng tin tưởng. Đó là lý do người vô thần ôm lấy khoa học như phương cách hiểu biết duy nhất, không phải vì đây là sự cần thiết để điều khiển máy điện thoại cầm tay hay iPod, nhưng vì đây là phương cách để họ có thể từ chối siêu nhiên, trên nền tảng là nó không xuất hiện trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
Căn bản, người vô thần muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, và điều này giúp chúng ta hiểu tại sao thiên đàng không khép kín đối với người vô thần. Hỏa ngục cũng không phải là lò lửa mà trong đó người vô thần bị treo lên vì các hành động sai lầm. Thiên đàng là lĩnh vực của Thiên Chúa, là nơi Người hiện diện mãi mãi. Hỏa ngục là nơi Thiên Chúa vĩnh viễn không có mặt. Thiên Chúa không muốn hắt hủi người vô thần; người vô thần hắt hủi Thiên Chúa. Thiên Chúa không gửi người vô thần xuống hỏa ngục; người vô thần muốn đóng con tim và đôi mắt đối với Thiên Chúa và Người do dự ban cho họ điều họ mong ước. Trong một ý nghĩa, cửa hỏa ngục bị đóng ở bên trong.
Kinh Thánh nói rằng ơn cứu độ là một món quà của Thiên Chúa. Nhiều người—ngay cả Kitô Hữu—hiểu điều này có nghĩa Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cứu độ như một món quà. Nhưng Kinh Thánh không nói ơn cứu độ là một quà tặng từ Thiên Chúa. Đúng hơn, Kinh Thánh nói ơn cứu độ là món quà Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là món quà ấy. Tốt nhất đừng hiểu thiên đàng là một nơi chốn nhưng là một diễn tả sự kiện khi được ở với Thiên Chúa. Được ở với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải muốn ở với Người, chúng ta đón nhận sự hiện diện của Người. Trong một cuốn sách về đức tin, J. Gresham Machen viết rằng trở nên Kitô Hữu không bởi chấp nhận rằng Đức Kitô đã chết để cứu người khác hoặc Người chết để cứu nhân loại nhưng Người đã chết để cứu chính tôi.15 Đây là ý nghĩa của điều Kitô Hữu "tái sinh."
Với một số người, quan niệm của Kitô Giáo về "cánh buồm thứ hai" hoặc "đời sống mới" sẽ tiếp tục có vẻ vô lý và sỉ nhục. Bất cứ phần thưởng hứa hẹn nào của Kitô Giáo, đó là sự sỉ nhục khi phải thú nhận rằng chúng ta là kẻ tội lỗi và bất lực để giải quyết vấn đề của con người bằng chính nỗ lực của chúng ta. Aristotle sẽ thấy đó là điều không thể hiểu là một con người hoàn toàn suy đồi có thể biến đổi cuộc đời. Tuy vậy, Kitô Giáo không chỉ nói là điều này có thể xảy ra, nhưng nó phải xảy ra cho mỗi một người trong chúng ta, nếu chúng ta muốn ở với Thiên Chúa. Nhà truyền giáo D. James Kennedy nói điều quan trọng là Đức Kitô nói rõ điều kiện để được tái sinh cho ông Nicôđêmô, là một người có học và chính trực chứ không phải tên trộm cướp hay đĩ điếm. Điểm Kennedy muốn nói là ngay cả sự chính trực vẫn chưa đủ. Người duy nhất mà chúng ta biết đã được lên thiên đàng là tên trộm sám hối khi treo trên thập giá bên cạnh Đức Kitô. Ông ta nói, "Lậy Chúa xin giúp tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi." Và Đức Kitô trả lời, "Hôm nay bạn sẽ ở với tôi trên thiên đàng."
Điều khích lệ này là cho chúng ta, bởi vì một khi chúng ta đối chiếu với sự kiêu ngạo của mình, chúng ta nhận thức rằng chúng ta không phải làm gì cả để giành được phần thưởng thiên đàng. Thật vậy, không có gì mà chúng ta thực hiện để có thể giành được điều đó. Điều chúng ta bị từ chối qua nỗ lực thì được ban cho chúng ta qua ơn sủng. Bởi thế khi chúng ta thấy sự suy đồi của đời sống ở chung quanh, khi mọi hy vọng cứu độ ở trần gian đã thất bại, khi những người thân yêu của chúng ta không thể giúp đỡ gì được, khi chúng ta thử mọi cách và không còn gì khác để cố gắng, khi chúng ta ném thanh củi cuối cùng vào đống lửa và mọi đám than đang dần tàn, chính vào thời điểm ấy là cánh tay Thiên Chúa vươn ra cho chúng ta, một cách vững chắc. Tất cả những gì chúng ta thi hành là hãy nắm lấy. Đây là yếu tố độc đáo của sứ điệp Kitô Giáo.

CHƯƠNG 26

NẾM THỬ VĨNH CỬU: LÀM THẾ NÀO KITÔ GIÁO
CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐỜI BẠN?

"Sau cùng đó không phải là vấn đề vâng phục. Sau cùng đó là vấn đề tình yêu"
Thomas Morre, A Man for All Seasons

B
ây giờ chúng ta đã biết điều gì làm cho Kitô Giáo trở nên độc đáo, chúng ta cần tự hỏi mình là có nên đón nhận Kitô Giáo hay không. Trong sách này, tôi đã tìm cách trả lời những phê bình và chống đối gay gắt nhất đối với Kitô Giáo, nhưng thường thì không bao giờ đủ. Học giả và nhà thuyết giáo John Stott kể câu chuyện của một ông lúc nào cũng thắc mắc. Mỗi khi Stott trả lời ông ta câu này thì ông lại có một câu khác để hỏi. Một ngày kia Stott hỏi ông, "Nếu tôi trả lời cho ông mọi vấn đề để thỏa mãn ông về phương diện tri thức, liệu ông có sẵn lòng thay đổi lối sống của ông không?" Ông này đỏ mặt và cười giả tảng, và Stott nhận ra rằng ông chống đối Kitô Giáo không về phương diện tri thức. Ông không muốn Kitô Giáo chỉ vì ông sợ rằng nó sẽ xáo trộn các kế hoạch và gián đoạn đời sống của ông. Với nhiều người, sự do dự đón nhận Kitô Giáo thì có tính cách thực tế cũng như tri thức. Họ muốn biết ích lợi của Kitô Giáo là gì, và cuộc đời của họ sẽ thay đổi thế nào một khi trở nên Kitô Hữu. Tôi kết thúc cuốn sách này bằng cách đề cập đến các lưu tâm ấy.
Kitô Giáo không chỉ quý trọng các giảng dậy nhưng còn quý trọng một con người. Do đó, hãy nhìn đến khuôn mặt chính của Kitô Giáo, Đức Giêsu Kitô. Nền văn hóa thế tục của chúng ta dường như không hài lòng với Đức Kitô. Hai ngàn năm sau khi từ trần, Người tiếp tục là một đề tài lớn, cũng như sự chú ý của những mâu thuẫn không bao giờ cùng. Cuốn The Da Vinci Code dường như khuấy động cả một loạt thêu dệt, trong một phương cách nào đó, tất cả đều cho rằng Đức Kitô trong Phúc Âm không phải là một Kitô đích thực. Đạo diễn James Cameron, người đoạt giải Oscar, cho công bố một tài liệu để từ chối sự phục sinh của Đức Kitô dựa trên sự kiện rằng họ đã tìm thấy ngôi mộ chứa các hài cốt của Người. Cuốn phim của Cameron còn gợi ý rằng Đức Kitô kết hôn với bà Mary Magdalene và có một con trai.  Trong chuyến đi Ấn Độ, tôi đọc được tựa đề "Cái Chết Giả Tạo của Đức Giêsu trên Thập Tự". Theo câu chuyện này, Đức Giêsu dàn dựng mọi sự để thoát khỏi tay kẻ thù. Christopher Hitchens còn đi xa hơn nữa, ông gợi ý rằng Đức Kitô có lẽ là một nhân vật hoang đường hơn là lịch sử, ông ám chỉ "sự hiện hữu rất nghi ngờ của Giêsu."
Ngay cả một số học giả kinh thánh—một nhóm rất có thể thù nghịch với Kitô Giáo—tham dự trong một toan tính lớn theo chủ nghĩa xét lại. Trong những kết luận của họ: Đức Kitô đích thật thì không tự cho mình là thần thánh, Người không muốn sáng lập một giáo hội, và sứ điệp tình yêu đơn giản của Người đã bị làm sai lạc bởi các Kitô Hữu để trở thành một thần học phức tạp. Tiêu biểu cho loại thần học hạ cấp này là "Jesus Seminar", là một nhóm mà phần tử của nó biểu quyết xem các biến cố trong Kinh Thánh có thực sự xảy ra không. Cho đến nay, nhóm này quyết định rằng thiên tính của Đức Kitô là một huyền bí, sự sinh hạ đồng trinh là một huyền bí, sự sống lại của Đức Kitô là một huyền bí, và những gì được cho rằng là lời của Đức Kitô thì ít hơn 20 phần trăm. Những "khám phá" này thường được rêu rao trong giới truyền thông.
Đặt ra ngoài tính cách khả tín của các thừa nhận nói trên, hãy đặt một câu hỏi khác: Tại sao những vấn đề này lại quan trọng? Nếu bạn không phải là một Kitô Hữu, tại sao phải lưu tâm? Có ba lý do quan trọng.
Câu trả lời thứ nhất là Đức Kitô vẫn là khuôn mặt có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Danh sách các nhân vật thay đổi thế giới chắc chắn sẽ bao gồm Môsê, Phật, và Môhamét. Tuy nhiên, Môsê, Phật, và Môhamét chỉ chiếm ngự những chỗ khác biệt trong Do Thái Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo chứ không như Đức Kitô trong Kitô Giáo. Môsê, Phật, và Môhamét chưa bao giờ tự nhận là đã làm phép lạ; thật vậy, họ chưa bao giờ tự cho mình khác hơn con người. Họ tự cho mình là sứ giả của Thiên Chúa. Đức Kitô là nhân vật duy nhất trong lịch sử xác định tôn giáo dựa trên chính mình.
Ngay cả những người không phải là Kitô Hữu hoặc người đạo đức cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi Đức Kitô. Người ta phân chia lịch sử thành thời kỳ trước và sau khi Người giáng sinh, BC (Before Christ [trước Đức Kitô]) và AD (Anno Domini [năm của Chúa]). Ngày Chúa Nhật là ngày lễ trên toàn thế giới như nhiều người tin tưởng, không vì đó là ngày Sabát (là ngày thứ Bẩy) nhưng vì truyền thống tin rằng đó là ngày Đức Kitô sống lại. Lịch sử của Tây Phương, nói đúng là của thế giới, thì không thể hiểu được nếu không có Đức Kitô, và thế giới sẽ vô cùng khác biệt nếu Người không giáng trần.
Đức Kitô mà chúng ta gặp trong Tân Ước thì quá đặc biệt đến độ thật khó để cho rằng các tác giả Phúc Âm sáng chế ra một con người như vậy. C. S. Lewis có lần viết rằng, cùng với Socrates và Samuel Johnson, Đức Kitô là một trong vài khuôn mặt lịch sử mà chúng ta sẽ nhận ra ngay nếu Người bước vào căn phòng. Tuy nhiên chúng ta biết Đức Kitô, cũng như biết Socrates, là qua những báo cáo của người khác. Người chưa bao giờ viết một chữ. Kinh Thánh có kể lại lúc Đức Kitô viết trên mặt đất, nhưng chúng ta không biết Người viết gì. Nhưng khi chúng ta nghe tiếng nói của Đức Kitô trong bốn cuốn Phúc Âm, điều đó không thể nhầm lẫn.
Shakespeare là kịch tác gia vĩ đại của chúng ta, nhưng không có một nhân vật nào trong Shakespeare có thể sánh với tài hùng biện của Đức Kitô. "Xem quả thì biết cây." "Kho báu các ngươi ở đâu thì tâm hồn các ngươi cũng ở đó." "Xin tha cho những xúc phạm của chúng tôi khi chúng tôi tha cho những xúc phạm của người khác." "Hãy đưa má bên kia." "Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh." "Phúc cho người hiền lành vì họ sẽ thừa hưởng trái đất." "Ai tìm kiếm sự sống của mình thì sẽ mất, và ai mất sự sống vì Ta thì sẽ tìm thấy sự sống ấy."
Trong khi có nhiều điều chúng ta không biết về cuộc đời trần thế của Người, chúng ta biết rằng Đức Kitô đã hiện diện. Đây là lý do thứ hai tại sao Đức Kitô lại là vấn đề quan trọng. Người là một khuôn mặt lịch sử, và các biến cố vĩ đại trong cuộc đời của Người thì thực sự đã xảy ra. Các sử gia tranh luận về một số khuôn mặt khác trong thời xưa, tỉ như Homer, có thật hay không, nhưng nói chung hầu hết các sử gia đều cho rằng Đức Kitô là một con người thực sự. Bạn có tin Socrates có thật không? Và A Lịch Sơn Đại Đế? Và Julius Caesar? Nếu tính cách lịch sử được xác định bởi các hồ sơ chữ viết trong các bản sao có cùng thời với chính bản, chứng cớ về sự hiện hữu của Đức Kitô thì có nhiều hơn bất cứ nhân vật nào khác. Tính cách lịch sử của Đức Kitô được xác nhận không bởi Kitô Hữu nhưng bởi các nguồn tài liệu của Hy Lạp, La Mã, và Do Thái. Ngoài các Phúc Âm, chúng ta thấy Người được nhắc đến bởi Suertonius, Pliny the Younger, và Josephus. Trong cuốn Annals, Tacitus phàn nàn về "sự dị đoan ghê tởm" của "Christus," người sáng lập một giáo phái mới được gọi là Kitô Giáo. Các nguồn tài liệu này không chỉ cho thấy rằng Đức Kitô đã sống nhưng Người còn rất đông môn đệ, Người xa lánh các nhà cầm quyền Do Thái và La Mã, và Người đã chết trên thập tự.
Trong khi các biến cố của mỗi Phúc Âm cho thấy các góc cạnh và sự nhấn mạnh khác nhau, tất cả Phúc Âm, nếu tổng hợp lại, cho thấy câu chuyện mạch lạc khác thường về cuộc đời Đức Kitô. Các Phúc Âm sớm nhất được viết vào khoảng ba mươi năm sau khi Đức Kitô từ trần, và cuốn sau cùng được viết vào khoảng trước năm 100. Ngoài ra, các sử gia còn có biết bao bản sách thánh viết tay, một khối lượng tài liệu lớn hơn rất nhiều các tài liệu và văn bản cổ xưa mà họ có, và vì thế họ có lý do để xác nhận rằng các văn bản kinh thánh thì có thật. Sau cùng, trong các thập niên gần đây các nhà khảo cổ buộc phải nghĩ lại các nhân vật và biến cố mà từ lâu được cho là huyền thoại. Họ tìm thấy ngôi mộ của Caipha, vị thượng tế đã tra hỏi Đức Giêsu, và họ đào xới được một tấm bảng nhỏ vinh danh Philatô, một thái thú La Mã đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu vào thập tự. Các bộ xương còn lại cho thấy việc đóng đinh vào thập tự của người La Mã thì đúng với những gì được miêu tả trong Kinh Thánh. Tổng hợp các dữ kiện, văn gia Jeff Sheler nhận xét rằng "nói chung hình ảnh thấy được thì phù hợp khít khao với khung cảnh của các Phúc Âm."
Bây giờ chúng ta hãy để ý đến tính cách lịch sử của sự phục sinh của Đức Kitô. Thánh Phaolô viết trong 1 Côrintô 15:17, "Nếu Đức Kitô đã không sống lại, lời giảng dậy của chúng tôi thì vô ích và đức tin của anh chị em cũng vậy." Sự phục sinh là biến cố quan trọng nhất trong Kitô Giáo. Kể từ thế kỷ mười chín, một số học giả kinh thánh từ chối không công nhận câu chuyện phục sinh bởi vì họ cho rằng đó là sản phẩm của một số người hiển nhiên quý mến Đức Kitô. Thật thú vị, các môn đệ của Đức Kitô cũng thú nhận là họ không nghĩ Người sống lại. Sau khi Người chết được ba ngày, một số môn đệ mang dầu đến mộ để ướp xác Người. Chỉ khi đó họ mới thấy hòn đá chắn cửa mộ đã bị lăn sang một bên và ngôi mộ thì trống. Sự kiện ngôi mộ trống được thú nhận bởi các lính canh La Mã và bởi các quan toà Do Thái, là những người nói với nhà cầm quyền La Mã rằng có lẽ các môn đệ Đức Kitô đã lấy xác của Người.
Các tông đồ rất hồ nghi khi cho biết về sự phục sinh, và Kinh Thánh kể cho chúng ta biết rằng Đức Kitô đã hiện ra với họ nhiều lần cho đến khi sự hồ nghi không còn nữa. Thánh Phaolô viết trong 1 Côrintô 15:6 rằng Đức Kitô "đã xuất hiện với trên năm trăm anh em cùng một lúc, hầu hết còn sống, tuy một số đã đi vào giấc ngủ." Ở đây Phaolô đã trực tiếp đưa ra dữ kiện lịch sử, đó là lời chứng của biết bao nhân chứng mà họ thực sự đã thấy Đức Giêsu sống động sau khi bị xử tử. Về nhóm này, Phaolô viết một số đã chết nhưng một số vẫn còn sống; nói cách khác, nhiều người ở vị thế xác nhận hoặc chối bỏ lời của thánh nhân. Trong lịch sử của những ảo giác, có trường hợp cá biệt nào mà năm trăm người cùng thấy một lúc và tất cả đều sai lầm không?
Tuy vậy, chúng ta thử hỏi rằng các Kitô Hữu tiên khởi có coi trọng vấn đề phục sinh của Đức Kitô không, họ có trung thực về những gì họ thấy không, và vấn đề ấy có quan trọng đối với họ không. Những câu hỏi này không khó để trả lời. Các môn đệ quá tin tưởng vào những gì họ thấy đến nỗi tiếng than khóc của họ được thay thế bằng tiếng reo vui. Công bố Đức Kitô đã bị đóng đinh và đã sống lại, họ khởi đầu làn sóng hoán cải tôn giáo lớn nhất lịch sử. Con số Kitô Hữu gia tăng từ khoảng một trăm, vào lúc Đức Kitô chịu chết, lên đến khoảng ba mươi triệu vào đầu thế kỷ thứ tư, khi chính hoàng đế Rôma là Constantine trở lại Kitô Giáo. Những sự hoán cải này xảy ra bất chấp sự chống đối và bách hại dữ dội của đế quốc lớn nhất của thời xưa, đế quốc La Mã. Các Kitô Hữu tiên khởi không do dự tự đồng hóa mình với một người từng bị coi là phản bội và tội nhân. Họ cam chịu cảnh tù ngục, tra tấn, lưu đầy, và sự chết hơn là chối bỏ sự tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh. Ngay cả từ quan điểm trần tục, chứng cớ phục sinh thì vô cùng mạnh mẽ. Thật vậy, từ quá nhiều nhân chứng với quá nhiều thiệt hại, nó có thể thuyết phục cả một quan tòa không thiên vị trong một phiên xử.
Lý do thứ ba Đức Kitô tiếp tục đóng một vai trò tâm điểm trong văn hóa chúng ta là vì Người có những lời nói mà trong cuộc đời chúng ta có thể từ chối nhưng không thể lãng quên. Đức Kitô là khuôn mặt gây chia rẽ chưa từng có. Đây là điều kỳ lạ bởi vì Người chưa bao giờ làm thiệt hại ai, Người sống một cuộc đời không đáng trách, và các giảng dậy của Người về tình yêu và bình an thường được cả thế giới ca ngợi. Tuy nhiên, bất cứ khi nào tôi viết về Đức Kitô, tôi đều nhận được những lá thư ghét bỏ. Một số thư đề cập trực tiếp đến tôi, nhưng hầu hết các thư ấy dường như đều bị khích động bởi sự chống đối. Nếu bạn hồ nghi điều này, hãy thử nói về Đức Kitô trong một cuộc picnic hay dạ hội. Phản ứng mà bạn nhận được sẽ là say mê vồn vã hoặc lạnh lùng thù nghịch. Những giảng dậy của Đức Kitô thì nhiều thách đố đến nỗi nếu chúng ta chấp nhận các lời ấy, chúng sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta từ chối các giảng dậy ấy, chúng sẽ gợi lên trong chúng ta một sự sôi sục thù nghịch hoặc một ao ước mãnh liệt để loại trừ Đức Kitô ra khỏi cuộc đời chúng ta, hoặc tối thiểu thay đổi Người để chúng ta không còn cảm thấy bất an.
Trong lịch sử, người ta tìm cách bóp méo và cắt xén lời của Đức Kitô để phù hợp với khuynh hướng của họ. Chiến thuật phá hoại và tinh ranh xét lại này thật phổ thông ngày nay. Từ nhóm Jesus Seminar và các nguồn khác, chúng ta nghe rằng Đức Kitô không quan tâm đến sự sống đời sau, trong khi trên thực tế Người lưu tâm đến vấn đề này cũng như bất cứ vấn đề nào khác. Chúng ta nghe từ những Kitô Hữu nhu nhược và những người khác nói rằng Đức Kitô chỉ nói về tình yêu Thiên Chúa, trong khi trên thực tế Người cũng thường xuyên nói đến án phạt của Thiên Chúa. (Hỏa ngục được nhắc đến tối thiểu ba lần trong Bài Giảng Trên Núi). Chúng ta nghe từ những người không muốn xung đột rằng Đức Kitô là một người hiền hòa thích hòa bình, nhưng trong Mátthêu 10:34, Người nói, "Ta không đến để đem hòa bình nhưng gươm giáo."
Chiến thuật "cắt nhỏ Đức Kitô" được minh họa rõ ràng bởi một thí dụ là Thomas Jefferson. Ông Jefferson đồng ý với nhiều quan điểm luân lý của Đức Kitô, nhưng ông cảm thấy bực mình vì Đức Kitô tự nhận mình là Thiên Chúa, làm nhiều phép lạ, và đảm bảo loài người con đường lên thiên đàng. Bởi thế, Jefferson tự tổng hợp cho mình một kinh thánh riêng mà trong đó, có thể nói, ông lấy kéo cắt đi những giảng dậy của Đức Kitô mà ông không thích. Về sự sinh hạ trinh tiết? Không còn. Các phép lạ? Cắt luôn. Sự phục sinh? Đi chỗ khác. Hỏa ngục? Chuyện xưa. Cuốn "phúc âm theo Jefferson" không được phát hành sau khi ông chết đã lâu, nhưng nó cho thấy sự dài rộng của những người không muốn đối diện với một Đức Kitô đích thật.
Tiếp tục truyền thống này, Richard Dawkins viết "chứng cớ lịch sử rằng Đức Giêsu tự nhận địa vị thần thánh thì rất ít." Tuy nhiên trong Phúc Âm Gioan 8:58, Đức Kitô nói, "Trước khi có Abraham, Ta tự hữu." Không chỉ tự nhận là đã hiện hữu trước cả Abraham, khi dùng chữ "tự hữu" Đức Kitô còn nêu lên sự miêu tả chính Người như đã tiết lộ cho ông Môsê trong bụi gai bốc lửa. Đức Kitô cũng còn nói, "Ta và Cha là một" và "Ai thấy Ta là thấy Cha." Các môn đệ dường như quên sứ điệp này. Họ lần lượt đề cập đến Người như Đấng Cai Trị, Mêsia, Con Vua Đavít, Vua Dân Do Thái, Vua Israel, và Chúa và Đấng Cứu Tinh. Trong một vài trường hợp, Đức Kitô sửa đổi và cập nhật hóa sách thánh Do Thái, vì vậy Người tự cho mình là tác giả của sự mặc khải của Thiên Chúa. Đức Kitô còn ngụ ý tha tội. Bình thường một sự lỗi phạm chỉ được tha thứ bởi người bị xúc phạm. Cần phải có quyền năng của Thiên Chúa để tha thứ tội xúc phạm đến người khác, và Đức Kitô tự cho mình chính quyền năng này. Người còn nhấn mạnh, "Ta là đường, là sự thật, và là sự sống," và "Ta là sự sống lại và là sự sống." Các nhà lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ hiểu rằng Đức Kitô tự cho mình là Thiên Chúa, và theo truyền thống độc thần của Do Thái Giáo, đó là sự phạm thượng khi một con người tự cho mình là Thiên Chúa. Đó chính là căn bản mà thượng hội đồng Do Thái đã dựa vào đó để kết án tử hình Đức Kitô.
Không thể nào giữ thái độ trung lập về những điều này. Đây là sứ điệp tôi cố chuyển đạt trong cuốn sách này. Điều có thể nói về Đức Kitô thì cũng có thể được nói về Kitô Giáo. Nó quan trọng. Nó là cốt lõi và trung tâm của văn minh Tây Phương. Nhiều điều tốt nhất về thế giới là kết quả của Kitô Giáo, và nhiều điều xấu nhất là kết quả của sự thiếu vắng, hoặc vì xa rời Kitô Giáo. Những điều thừa nhận chính của Kitô Giáo về Thiên Chúa và bản chất thực tại đều được hỗ trợ bởi các khám phá vĩ đại nhất của khoa học hiện đại và nghiên cứu hiện đại. Có những lý do tri thức và luân lý để đón nhận Kitô Giáo. Vì tất cả những hùng biện và mãnh liệt của nó nên những cuộc tấn công của người vô thần đều thất bại. Bất kể tất cả những điều này, vẫn còn sự chống đối rất nhân bản về phần của nhiều người trở nên Kitô Hữu. Họ muốn biết trong đó có gì cho họ. Câu hỏi này có thể rúng động một số Kitô Hữu, nhưng nó không phải là câu hỏi xấu. Trong một ý nghĩa thấp kém, nó có thể có nghĩa: làm thế nào Kitô Giáo đem lại cho tôi sự thành công tài chánh và một cuộc đời không có vấn đề? Kitô Giáo không có công thức nào như vậy. Cuộc đời Kitô Hữu, thay vì êm ấm không trở ngại, thường thấm đẫm tranh đấu và hy sinh. Trong một ý nghĩa cao hơn, người vô tín ngưỡng rất đúng khi tự hỏi làm thế nào Kitô Giáo giúp cho cuộc đời của họ trở nên tốt hơn. Nói cho cùng, họ đang cân nhắc không chỉ vấn đề đức tin nhưng là có nên đặt cuộc đời mình vào đó hay không. Chính tôi muốn đặc biệt nói với những người có đầu óc rộng mở, tôi kết thúc cuốn sách này bằng cách kể ra một số phương cách cụ thể mà trong đó Kitô Giáo có thể thăng tiến cuộc đời chúng ta.
Trước hết, Kitô Giáo đem lại ý nghĩa cho con người trong thế giới. Tất cả chúng ta cần một khuôn khổ để hiểu về thực tại, và một phần quyến rũ của Kitô Giáo là vì nó là một quan điểm về thế giới khiến mọi sự ăn khớp với nhau. Khoa học và lý lẽ hội nhập một cách xuông xẻ trong khung cảnh Kitô Giáo, bởi vì khoa học hiện đại phát sinh từ một khung cảnh Kitô Giáo. Kitô Giáo luôn luôn quý trọng cả lý lẽ lẫn đức tin. Trong khi lý lẽ giúp chúng ta khám phá ra các sự vật về cảm nghiệm, đức tin giúp chúng ta khám phá ra những điều vượt lên trên cảm nghiệm. Với con người hạn hẹp, dễ sa ngã như chúng ta, Kitô Giáo đem lại một giải thích có thể hiểu và có thể tin được về chúng ta là ai và tại sao lại ở đây.
Kitô Giáo còn đưa vào đời sống một cảm nhận về mục đích thật mạnh mẽ và phấn khởi. Trong khi thuyết vô thần trong các hình thức hiện thời đề ra một vũ trụ vô nghĩa, Kitô Giáo làm cho cuộc đời trở nên một tấn kịch luân lý mà trong đó chúng ta đóng một vai trò quan trọng và các biến cố hàng ngày trở nên có ý nghĩa vĩ đại. Đời sống hiện đại thường mang đặc tính của sự ảo tưởng mờ nhạt. Kitô Giáo đem cho chúng ta một thế giới mà nó lại được vui thích. Đây không phải là một cuộc trở về quá khứ hay từ chối thực tại tiến bộ; đúng hơn, nó là một sự tái giải thích thực tại tiến bộ để làm cho nó trở nên sinh động và có ý nghĩa hơn. Giờ đây chúng ta nhìn thấy mầu sắc của những gì mà trước đây chúng ta chỉ thấy trắng đen.
Điều gì tạo nên sự thay đổi định hướng? Người tín hữu Kitô sống sub specie aeternitatis, "trong bóng vĩnh cửu." Cuộc đời có thể bất công khủng khiếp, và với nhiều người đây là nguồn tự nhiên của sự cay đắng và chán chường. Trong cuốn Georgias và các cuộc đối thoại khác của triết Platon, Socrates cố gắng chứng minh rằng "đau khổ cách sai lầm thì tốt hơn là làm điều sai lầm". Sự chứng minh này thất bại bởi vì có những người xấu trên thế giới nhưng lại phát đạt và có những người tốt nhưng lại chịu đau khổ không đáng. Nhưng Kitô Giáo tạo ra một viễn tượng rộng lớn ngăn cản chúng ta đừng chán nản vì sự nhận biết ấy. Kitô Giáo dậy rằng cuộc đời này không chỉ là sự sống duy nhất, và còn có một sự xét xử sau cùng mà trong đó mọi vấn đề ở đời này sẽ được giải quyết. Người tín hữu Kitô biết rằng sub specie aeternitatis, chịu đau khổ cách sai lầm thì tốt hơn làm điều sái quấy.
Ông trùm doanh nghiệp hoặc luật sư lừa gạt dân chúng và phụ bạc vợ mình có thể được coi là một người thành công trên thế giới, nhưng Kitô Hữu coi họ, sub specie aeternitatis, như một khuôn mặt thực sự đáng thương. Ngược lại, người nông dân nghèo hèn phải bò tới bàn thờ trên đầu gối—một thất bại theo tiêu chuẩn của thế giới—lại là người đang chuẩn bị đón nhận phần thưởng thiên đàng. Sub specie aeternitatis, họ thực sự là một người may mắn. Ở đây chúng ta có câu nói, "người sau cùng sẽ trở nên người trước nhất." Nó đơn giản có nghĩa rằng các tiêu chuẩn của thế giới về sự thành công và phần thưởng của Thiên Chúa thì rất khác biệt. Nếu không có viễn ảnh sự vĩnh cửu, giá trị đảo ngược cần thiết này sẽ là sự thiệt thòi đối với chúng ta. Nhìn sự vật trong ánh sáng mới, Kitô Hữu có thể đối diện đời sống và bất cứ gì xảy đến với một cảm nhận bình an và đầy hy vọng mà đó là sự hiếm có trong thế giới ngày nay.
Trái với điều người trần tục chỉ trích, Kitô Hữu không cho rằng cuộc đời ở trần gian này thì không quan trọng. Thật vậy, nó là điều quan trọng nhất. Lý do thì rất hiển nhiên, tuy vậy lại thường không được chú ý: chính cuộc đời này quyết định tình trạng của chúng ta ở đời sau. Số phận vĩnh cửu của chúng ta xoay quanh lối sống bây giờ. Bởi thế kiểu sống sub specie aeternitatis, thay vì là một lối trốn tránh trách nhiệmở đời này, nó thực sự là một phương cách để thấm đẫm cuộc đời với một ý nghĩa mà nó sẽ kéo dài mãi. Đó là đem cho cuộc đời một chiều kích sâu xa và quan trọng hơn bởi vì nó là một phần của bài tường thuật rộng lớn về mục đích và chân lý.
Kitô Giáo còn đem lại một giải pháp cho sự cô đơn mênh mông mà chúng ta cảm nhận. Dù cuộc đời trần thế thành công thế nào đi nữa, sẽ đến lúc người suy tư phải nhận thấy rằng, sau cùng, chúng ta cô đơn. Kitô Giáo lấy đi sự cô đơn hiện tại này, và nối tiếp định mệnh của chúng ta với Thiên Chúa. Sự tương giao sâu đậm nhất của chúng ta là với Người, và đó là một tương giao không bao giờ cùng và luôn luôn trung tín. Người không có đức tin có lẽ tự hỏi không biết sự tương giao này như thế nào. Đó là một cảm nghiệm kéo dài của sự siêu phàm. Có bao giờ bạn được hưởng giây phút với người yêu mà trong đó bạn được đưa vào một lĩnh vực siêu nghiệm và dường như nó vượt trên không gian và thời gian? Bình thường, các cảm nghiệm đó thì hiếm có và không kéo dài. Với Kitô Hữu, sự siêu phàm là một phần của đời sống hàng ngày. Milton gọi đây là niềm vui vượt cả Eden (vườn địa đàng), "một thiên đàng trong Ngài, hạnh phúc thật xa." Một ích lợi khác của Kitô Giáo là nó giúp chúng ta đương đầu với đau khổ và sự chết. Tuần san Time cho biết trường hợp của một phụ nữ phải đau khổ vì một chuỗi thảm kịch. Chồng bà bị thất nghiệp. Bà bị xẩy thai. Một tháng sau, người chị em họ bị bệnh ung thư. Sau đó hai trận cuồng phong tấn công thành phố bà ở. Sau cùng, một trong những người bạn thân của bà bị chết vì bướu ở trong đầu. Đây là phản ứng của người phụ nữ ấy: "Chúng tôi phó thác cuộc đời cho bàn tay Thiên Chúa và tin tưởng Người đem lại điều tốt nhất cho chúng tôi. Tôi bám víu lấy đức tin hơn bao giờ hết. Hậu quả là tôi không mất niềm vui." Niềm vui trong những điều kiện này thì không tự nhiên, và đó là điều người phụ nữ này muốn nói—chỉ có siêu nhiên mới có thể tạo nên niềm vui lâu dài khi đối diện với các thảm kịch của đời sống. Khi chúng ta đau khổ và cảm thấy tuyệt vọng, Kitô Giáo nâng tinh thần chúng ta lên. Chúng ta không biết tại sao mình lại ở trong tình cảnh này, nhưng chúng ta tin là có một lý do, dù chỉ một mình Thiên Chúa biết. Có lẽ Thiên Chúa muốn dậy chúng ta điều gì, hoặc lôi kéo chúng ta đến gần Người hơn qua chính sự chết. Kitô Giáo còn đem cho chúng ta hy vọng là khi ai đó từ trần, chúng ta sẽ gặp lại người ấy.
Và rồi đến vấn đề sự chết của chính chúng ta. Bình thường chúng ta cố gắng hết sức để đừng nghĩ đến sự chết, và nhiều người từ chối tham dự tang lễ. Tang lễ nhắc nhở chúng ta về sự hủy diệt, và ý nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ ngừng hiện hữu là nguồn lo âu và sợ hãi của chúng ta. Nhưng Thánh Phaolô viết, "Ôi tử thần, nọc độc của người đâu? Ôi nấm mộ, sự chiến thắng của ngươi đâu?" Với Kitô Hữu, sự chết là một kết thúc tạm thời chứ chưa phải là sau cùng. Người trần tục nghĩ rằng có hai giai đoạn: sống và chết. Với Kitô Hữu, có ba: sống, chết và sự sống sẽ đến. Đây là lý do sự chết thì không quá sợ hãi đối với Kitô Hữu.
Sau cùng, Kitô Giáo giúp chúng ta trở nên người tốt hơn mà chúng ta muốn. Những điều tử tế và vinh dự mà chúng ta thi hành thì không còn là vấn đề bạc bẽo nhàm chán. Đây không chỉ là vấn đề luân lý chúng ta tự tạo cho mình. Đúng ra, chúng ta đang theo đuổi định mệnh cao cả hơn của loài người. Chúng ta trở nên người mà chúng ta phải trở thành.
Kitô Giáo không chỉ giúp chúng ta khao khát trở nên tốt hơn, nhưng nó còn cho thấy làm thế nào để trở nên tốt hơn. Thí dụ, trong hôn nhân, Kitô Giáo dậy rằng hôn nhân không chỉ là một khế ước. Nếu chúng ta theo kiểu cách đó và sử dụng nó để có lợi riêng cho chúng ta, nó sẽ không hữu hiệu. Với Kitô Hữu, hôn nhân là một giao ước không chỉ giữa hai vợ chồng nhưng còn với Thiên Chúa. Nguyên tắc hoạt động của hôn nhân Kitô Giáo là agape hoặc tình yêu hy sinh. Điều này có nghĩa hôn nhân hoạt động tốt đẹp nhất khi cả hai phần tử đều chú ý đến hạnh phúc của người kia. Người trần tục có thể toan tính thi hành điều này nhưng sự ích kỷ của con người làm cho điều đó rất khó khăn. Hôn nhân Kitô Giáo thì dễ dàng hơn nhiều, bởi vì giờ đây Thiên Chúa là một phần trọng yếu của sự tương giao. Do đó khi có những khó khăn trong hôn nhân, chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa và Người ban ơn cho chúng ta. Agape thì không phải tình yêu nhân bản vì chính tình yêu Thiên Chúa chiếu qua chúng ta. Đây là một nguồn dồi dào sẵn sàng để chúng ta xin, và khi chúng ta dùng agape làm nền tảng cho hôn nhân và các tương quan, chúng ta thấy rằng toàn thể hệ thống sẽ hoạt động và kết quả là chúng ta vui sướng hơn.
Chúng ta muốn là cha mẹ tốt lành hơn, và còn gương mẫu nào tốt hơn để chúng ta cung cấp cho con cái bằng cha mẹ Kitô Hữu sống tình yêu hy sinh của agape? Chúng ta muốn trở nên công dân tốt, có thể nào chúng ta tìm thấy mẫu gương nào thúc dục chúng ta biết trắc ẩn và bác ái hơn Mẹ Têrêsa? Một ông trông thấy mẹ ôm một người cùi, ông ấy nói dù cho ông bao nhiêu tiền đi nữa, ông ấy sẽ không bao giờ làm điều ấy. Mẹ trả lời rằng chính mẹ cũng không làm điều ấy vì tiền của thế gian; mẹ làm điều ấy vì tình yêu Đức Kitô. Đây cũng là động lực dường như thúc đẩy con người có những hành động anh hùng và hy sinh.
Chúng ta muốn nâng cao mức độ đời sống cá nhân, đem khoa học hài hòa vào lối sống của chúng ta. Kitô Giáo cho chúng ta một lý do để theo sự dẫn dắt bên trong này; nó không đơn giản là khát vọng thầm kín của chúng ta nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa qua chúng ta. Chúng ta muốn trở nên tốt vì nhân đức là dấu ấn của Chúa trong tâm hồn chúng ta, và một cách để liên can đến Người là đi theo con đường của Người. Như Thomas More đã nói, trong sự phân tích sau cùng chúng ta tốt không vì chúng ta phải như vậy, nhưng vì chúng ta muốn như vậy. Dường như các tội phạm không thể hoán cải, những người nghiện rượu và cần sa ma túy đã thay đổi đời sống khi trở nên Kitô Hữu. Trong phần đầu cuốn sách này, tôi đã trích lời mỉa mai của Steven Weinberg rằng "để người tốt làm điều xấu—cần có tôn giáo." Thực sự, nói ngược lại mới đúng: để người xấu làm điều tốt—cần có tôn giáo.
Sau cùng, chúng ta được mời gọi không chỉ để sống hạnh phúc và tốt lành nhưng còn để nên thánh. Đức Kitô nói trong Bài Giảng Trên Núi, "Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, họ sẽ được thấy Thiên Chúa." Điều có giá trị đối với Thiên Chúa thì không phải là lối đối xử bên ngoài nhưng còn phần tâm tính bên trong. Thánh thiện không có nghĩa chỉ thi hành các nghi thức bó buộc bên ngoài; nó có nghĩa giữ tinh tuyền ở bên trong. Tuy nhiên, thánh thiện không phải là điều gì đó chúng ta thi hành cho Thiên Chúa. Nó là điều chúng ta thi hành với Thiên Chúa. Chúng ta không thể thi hành điều đó nếu không có Người. Để chúng ta ngày càng trở nên giống Đức Kitô, chúng ta cần có Người ở bên trong tâm hồn. Nói theo lời của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả khi đứng ở sông Giođan, "Người phải lớn lên, tôi phải nhỏ đi." Thánh Phaolô cũng nói như vậy trong thư gửi tín hữu Galát 2:20: "Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi." Đây là một thách đố ngược dòng văn hóa của Đức Kitô cho chúng ta. Trong một xã hội được đặt trên sự tự thi hành và tự đánh giá cao, chỉ để ý đến chính mình và đề cao chính mình, Đức Kitô mời gọi chúng ta đến một công việc anh hùng là tự trút bỏ chính mình. Người phải lớn lên và chúng ta phải nhỏ đi. Chúng ta thi hành điều này bằng cách để cho vương quốc của Người ngày càng lớn mạnh trong tâm hồn chúng ta. Sự thiện hảo và hạnh phúc tuôn đổ từ đây.
Với Kitô Hữu, các niềm vui con người là một báo hiệu nhỏ bé của những niềm vui được lưu trữ. Hạnh phúc trần gian chỉ là một nếm trước của vĩnh cửu. Như sách Khải Huyền 21:4 đã viết: "Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ, và sẽ không còn sự chết, không còn sầu muộn, không còn tiếng khóc, cũng sẽ không còn đau đớn, vì những điều cũ đã qua đi." Chính trong tinh thần này mà Kitô Hữu chờ đời giây phút sau cùng của định mệnh, vui thích món quà sự sống trong khi hàng ngày tuyên xưng rằng, "Ngay cả vậy, lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Chúng tôi đã sẵn sàng."