Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Một thoáng nhìn về những Linh Mục - Khoa Học Gia


“Không có gì xung đột giữa tôn giáo và khoa học cả”. Nhân tiện Năm Linh Mục, chúng ta nhìn qua các linh mục khoa học gia.

Ngày 12 tháng 3 năm 2008, Tổ chức John Templeton Foundation loan báo tên người đoạt giải Templeton hàng năm; giải này vinh danh những thành quả đạt được trong lãnh vực liên quan đến những vấn nạn lớn trong cuộc sống con người và vũ trụ. Giải thưởng năm 2008 trị giá 1 triệu 600 ngàn mỹ kim về tay Michal Heller, một nhà vũ trụ học người Ba lan, là giáo sư tại phân khoa triết học Viện Thần học Giáo hoàng tại Cracow, nước Ba lan. Một điều làm cho Heller thêm phần đặc biệt, vì ông là một linh mục Công giáo.
Vị linh mục 72 tuổi này cho biết có dự tính dùng số tiền đoạt giải này để thiết lập một viện nghiên cứu – tên viện nhằm vinh danh nhà thiên văn học Nicholas Copernicus -- với mục đích tìm cách hoà giải giữa khoa học và thần học. Cha phát biểu:
Nếu chúng ta nêu ra câu hỏi về nguyên nhân của vũ trụ, chúng ta nên đặt câu hỏi về nguyên nhân của các luật toán học. Làm như thế, chúng ta trở lại bản vẽ thiết kế lớn lao trong suy tư của Thiên Chúa về vũ trụ; câu vấn nạn về nguyên nhân tối hậu: Tại sao có còn hơn không có? Khi đặt câu hỏi này, chúng ta không hỏi về một nguyên nhân như mọi nguyên nhân khác. Mà chúng ta hỏi về căn cội của mọi nguyên nhân khả thể. Khoa học chỉ là một nỗ lực tập thể của những trí óc con người nhằm đọc được trí óc của Thiên Chúa từ những dấu hỏi xem chúng ta và vũ trụ quanh ta có thể được tạo dựng từ những gì.
Vừa là nhà khoa học, vừa là một linh mục, trường hợp như cha Heller không phải là duy nhất. Hơn thế nữa, ngài đứng trong một truyền thống cao cả và dài lâu những hàng linh mục uyên bác, vừa là những nhà khoa học vừa là những con người của đức tin. Một số trong các ngài được biết đến tường tận trong lịch sử, như Roger Bacon, một tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô sống ở thế kỷ 13, người đã nhấn mạnh về quan niệm “luật thiên nhiên” và đã đóng góp vào sự phát triển của khoa cơ giới, địa lý, và đặc biệt là về quang học. Một số khác lại không ai biết tới. Tuy vậy, tất cả đều đã để lại một di sản lâu bền từ thời đại các ngài, về học tập, khoa học, toán học, và những tiến bộ thực tiễn khác.
Trên tất cả, các linh mục-khoa học gia này đã cống hiến một bài học mạnh mẽ cho những nhà biện giải Công giáo: Không có lý do gì phải đứng câm lặng khi tên của Galileo được sử dụng như một chiếc dùi cui để tấn công, và Giáo hội bị chỉ trích nghiêm khắc là kẻ thù của tiến bộ nơi loài người. Các nhà biện giải và các thức giả Công giáo có thể chỉ tay vào những linh mục-khoa học gia này mà tuyên bố hùng hồn như Cha Georges Lemaître – người khám phá ra thuyết “Big Bang” – đã kiên cường tuyên xưng năm 1933: “Không có gì xung đột giữa tôn giáo và khoa học cả.”
Dưới đây chúng tôi lược kê một ít trong số nhiều vị linh mục và khoa học gia đã làm cho thế giới chúng ta tốt đẹp hơn qua bao nhiêu thế kỷ. Danh sách này không có tham vọng được coi là đầy đủ, thấu đáo, và những vấn đề sâu sắc hơn nằm bên dưới cuộc xung đột từ lâu giữa khoa học và tôn giáo, thuyết tiến hóa, và vũ trụ học – xuất hiện rất nhiều trong cuộc tranh cãi về văn hóa hiện đại – sẽ được tìm hiểu trong những dịp khác.
Robert Grosseteste (1175-1253)
Robert Grosseteste, người nước Anh, sinh trưởng tại Suffok trong một gia đình nghèo, nhưng đã trở thành một trong một khuôn mặt bác học nhất ở Anh quốc vì lòng ham hiểu biết, một đức tin sâu xa và một nhân cách khiêm hạ. Ngài được huấn luyện về thần học và sau đó bắt đầu giảng dạy tại Oxford . Nơi trường đại học này ngài gia nhập một hiệp hội cùng với các tu sĩ Dòng Phanxicô mới tới và có lẽ ngài đã có thời gian làm chưởng ấn. Được phong chức giám mục giáo phận Lincoln năm 1235, ngài quan tâm sâu xa về công tác cải tổ Giáo hội tại Anh quốc. Ngài tố cáo các tu viện trưởng tham nhũng hoặc thiếu khả năng, giảm thu nhập của giới giáo sĩ, và lập ra một loạt những quy chế để làm phương châm đặc biệt hướng dẫn tư cách của hàng giáo phẩm và cách quản trị các giáo phận.
Tuy nhiên, những thành quả của ngài trong vai trò một người lãnh đạo Giáo hội đã bị lu mờ trước danh tiếng được coi là một trong số người uyên bác nhất thời đó. Ngài là người mẫn tiệp về toán học, quang học, và khoa học, làm báo hiệu trước các phương pháp thực 
nghiệm sau này của học trò mình là Roger Bacon. Các nhà chép sử khoa học cho rằng ngài là người sáng lập ra phong trào khoa học tại trường Đại học Oxford, và do đó làm phát sinh ra đường lối theo đuổi sự hoàn thiện hoàn mỹ vẫn còn tiếp nối cho tới ngày nay. Một ít trong số những thành đạt của ngài: phẩm bình về cuốn Physics của Aristote, phê bình lịch Julian dẫn đến cuộc cải cách lịch dưới triều Giáo hoàng Gregory XIII vào 300 năm sau, và các luận án về quang học, âm nhạc và toán học. Vì quá nổi danh với tài thiên phú và kiến thức về thế giới thiên nhiên, đến độ ngài cũng nổi tiếng trong giới bình dân ít học; họ coi ngài như một người có tài lạ hoặc như một bậc phù thủy. Ignazio Danti (1536-1586)
Một trong những người kế thừa truyền thống học thuật do Grosseteste khuyến khích là một giám mục người Ý tương đối ít người biết tới: Ignazio Danti. Là con của một người thợ thủ công, ngài sanh tại Perugia và có lẽ theo học tại trường đại học ở đó trước khi gia nhập Dòng Thánh Đa minh năm 1555. Ngài tiếp tục nhận được sự bảo trợ từ những khuôn mặt hàng đầu của thời đại này, trong số đó có Cosimo de'Medici ở Florence và Thánh Giáo hoàng Piô V, Giáo hoàng Gregorio XIII. Vị giáo hoàng sau đặt ngài làm giám mục Alatri. Tại đây, ngài chứng tỏ một nhiệt tình lớn lao muốn xúc tiến việc cải tổ Giáo hội.
Rất giống Grosseteste, ngài quan tâm về nhiều lãnh vực khoa học, trong đó có thiên văn, toán, quang học, kiến trúc, kiến thiết cầu đường, thủy lực và đồ bản. Ngài đặc biệt nổi danh về kiến thức và tài trí của một nhà thiên văn. Năm 1574, ngài thực hiện một loạt những quan sát quan trọng và tìm ra phân điểm (xuân phân và thu phân) 11 ngày sớm hơn qui định trong lịch. Do đó ngài giữ một vai trò trong việc cải tạo lịch Julian dưới triều Giáo hoàng Gregory XIII. Nhưng Danti đã để lại dấu ấn thực của mình trong vai trò một nhà đồ bản. Cosimo de'Medici đã đặt ngài vẽ các bản đồ và làm một trái cầu thiên thể lớn trong bộ sưu tập của ông. Ngài cũng nhận lời Giáo hoàng Piô V để vẽ họa đồ vùng Perugia , và lời Giáo hoàng Gregory XIII để vẽ bản đồ các vùng lãnh thổ thuộc giáo hoàng. Những bản đồ ngài vẽ hiện nay vẫn còn nhìn được trên những bích họa lớn trong Palazzo Vecchio ở Florence và trên các bức tường của La Galleria delle Carte Geografiche trong điện Belvedere thuộc Tòa thánh Vatican. Sau chót, Danti đã hoàn thiện rado latino, một dụng cụ đo đạc, và đã vẽ họa đồ một kinh đào xuyên ngang nước Ý, chảy qua Florence , nối liền biển Adriatic và Địa trung hải.
Marin Mersenne (1588-1648)

Linh mục người Pháp Marin Mersenne bắt đầu một sự nghiệp lâu dài tại ngôi trường Dòng Tên mới lập tại La Flèche, nơi duy nhất lúc đó cho các học sinh nghèo được theo học. Trong số bạn học có cậu bé René Descartes mới lên 8 tuổi, sau này sẽ trở thành một triết gia, nhà toán và vật lý học, bạn của Mersenne. Năm 1611, Mersenne gia nhập Dòng Minims (dòng Anh em Hèn mọn do thánh Phanxicô Paola sáng lập) và thụ phong linh mục một năm sau đó. Sau khi nghiên cứu học tập về thần học, ngài nổi danh trong giới triết gia và thần học về những công trình hăng say chống chủ thuyết vô thần và chủ thuyết hữu thần tự nhiên (deism). Tuy nhiên, lịch sử lại ghi nhớ đến ngài nhiều nhất về công trình trong khoa toán, đặc biệt là cái gọi là các số nguyên Mersenne, và nỗ lực của ngài để tìm ra một công thức có thể trình bầy mọi số nguyên tố.
Trong tác phẩm La vérité des sciences (Sự thật về các khoa học), ngài biện bác về giá trị của lý trí con người. Ngài giao tiếp thư từ với những khuôn mặt tiến bộ nhất lúc đó, như Pierre Gassendi, René Descartes, Pierre de Fermat, Thomas Hobbes, và Blaise Pascal. Ngài tổ chức đàm trường dành cho các nhà khoa học khắp cả châu Âu để đọc các luận văn của họ và trao đổi các ý kiến. Những công trình quy tụ này được biết đến dưới cái tên Académie Parisiensis, nhưng cũng còn được gọi là Académie Mersenne, và con số những nhà khoa học mà sự nghiệp được đàm trường này hướng dẫn thật không thể đánh giá thấp. Giữ lời cam kết phục vụ cho khoa học, ngài để lại chỉ thị trong di chúc dùng thân xác ngài cho các cuộc nghiên cứu.
Jean-Felix Picard (1620-1682)

Là người đồng thời với Mersenne, tu sĩ Dòng Tên người Pháp Jean-Felix Picard đạt được danh hiệu là người sáng lập khoa thiên văn hiện đại ở Pháp, đồng thời cũng là một linh mục nhiệt tâm. Ngài sanh tại La Flèche, và học trường Đại học Hoàng gia Henry-Le-Grand của Dòng Tên tại đây. Ngay từ thuở còn niên thiếu, ngài đã say mê các thiên thể trên bầu trời, và sau này đã cống hiến cuộc đời trí thức của mình để phụng sự khoa thiên văn học. Picard đã đưa ra những phương pháp mới để quan sát các vì sao và cải tiến những dụng cụ khoa học mới.
Picard là người đầu tiên trong thời đại Khai minh (Enlightenment) đã đưa ra một số đo chính xác về kích thước của Trái đất qua cuộc thăm dò thực hiện vào những năm từ 1669 đến 1670. Tính toán của ngài về đường bán kính của trái đất là 6328.9 kilomet chỉ sai lạc 0.44%, và sự tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ của ngài về các dụng cụ đã chứng tỏ là điều tối cần trong việc lập ra lý thuyết về trọng lực trong vũ trụ của Isaac Newton. Picard cũng còn hoạt động và giao tiếp với một số lớn các nhà khoa học thời đó, như Isaac Newton, Christian Huygens, và cả với một đối thủ lớn nữa là Giovanni Cassini.
Ngài được người đương thời kính trọng sâu xa nhưng bị lu mờ vì những tên tuổi lớn như Galileo, Newton , và Cassini. Ngài là sáng lập viên Hàn lâm viện Pháp năm 1666. Năm 1935 ngài được tôn vinh bằng việc dùng tên ngài đặt cho một hố trên mặt trăng. Một vinh dự thấp hơn được trao vào năm 1987, khi tên ngài được dùng để đặt cho Captain Jean-Luc Picard trong show truyền hình Star Trek: The Next Generation.
Grgor Mendel (1822-1884)

Dĩ nhiên được nổi danh hơn Picard rất nhiều, đó là Gregor Mendel, Tu viện trưởng Dòng Thánh Augustine, cha đẻ của khoa di truyền học hiện đại. Sinh tại nước Áo trong một gia đình nông dân, ngài nhập Dòng Thánh Augustine năm 1843 và 4 năm sau được thụ phong linh mục. Sự nghiệp của Mendel gần như không được báo trước trong cuộc đời, và đã hoàn thành được công trình vĩ đại trong hoàn cảnh tối tăm khi giảng dạy môn khoa học tự nhiên tại một ngôi trường trung học dành cho nam sinh ở nước Áo. Quả vậy, chỉ vào những năm cuối đời, ngài mới được lên chức tu viện trưởng.
Mendel có được địa vị trong khoa học là do công trình ngài thực hiện với những cây đậu quả tầm thường. Ngài thích đi bách bộ chung quanh tu viện và nhận xét thấy có mấy thứ cây cỏ khác biệt căn bản về hình dạng và mô thức tăng trưởng. Cũng nhứ bất cứ một học sinh trung học thời nay nào có thể học biết, Mendel đã trải nghiệm bao nhiêu năm để quan sát 7 đặc tính của loại cây đậu quả và xác định được những luật căn bản chi phối sự di truyền các đặc tính trong phạm vi một loài. Đặc biệt quan trọng là sự khám phá ra các genes trội (dominant) và lặn (recessive ), đó là một chìa khoá mở ra cho khoa di truyền học hiện đại, và cuộc nghiên cứu về các đặc tính trội và lặn, kiểu di truyền (genotype) và kiểu hiện tượng (phenotype), ý niệm về dị hợp tử (heterozygous) và đồng hợp tử (homozygous). Buồn thay, Mendel đã đi trước thời đại của ngài quá xa đến nỗi mãi tới đầu thế kỷ 20 khoa học mới công nhận công lao đóng góp của ngài. Ngày nay, ngài được nổi tiếng khắp toàn cầu và thường các học sinh không mấy thích thú khi phải làm các thí nghiệm riêng của họ dựa trên công trình của ngài.
Armand David (1826-1900)

Vào khoảng cùng thời gian Mendel đi bách bộ quanh tu viện, nhà truyền giáo thuộc Dòng Lazarist, cha Aramnd David, đồng thời cũng là một nhà thực vật học, đang làm việc ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất, đó là Trung quốc. Sinh quán tại Bayonne, nước Pháp, ngài gia nhập Tu đoàn Truyền giáo năm 1848 và thụ phong linh mục năm 1862. Được sai đi truyền giáo tại Bắc kinh, ngài đã phục vụ trong cộng đồng nơi đây một cách xuất sắc. Ngài thấy thời gian ở Trung quốc là một cơ hội tốt đẹp để khảo sát về các khoa học tự nhiên.
Vì những phát hiện của ngài trong các lãnh vực về động vật học, thực vật, địa chất và cổ sinh vật học, chính phủ Pháp yêu cầu ngài gửi các mẫu tìm kiếm được về Paris để được nghiên cứu thêm. Những mẫu này, lần đầu tiên được người phương Tây chứng kiến, đã tạo ra mối quan tâm lớn lao đến độ cha David được các nhà khoa học nước Pháp yêu cầu thám hiểm nước Trung hoa để tìm ra các phát kiến mới. Khi trở về Pháp năm 1888, ngài đọc một bài diễn từ thời danh tại Hội nghị Khoa học Quốc tế của người Công giáo tổ chức tại Paris, trình bầy tài liệu nghiên cứu của ngài về hơn 60 chủng loại thú vật và hơn 60 loại chim muông, tất cả đều chưa được biết đến trước đó. Đặc biệt đáng quan tâm là “phát kiến” của của ngài về loài Gấu trúc Lớn (Giant Panda, chưa được châu Âu biết tới) và loại Nai Milu (Milu Deer), một loài nai mà sau này được gọi là Nai Cha David (Père David’s Deer - Elaphurus davidianus) để vinh danh ngài.
Julius Nieuwland (1878-1936)

Linh mục Julius Nieuwland thuộc Dòng Thánh giá, đã quan tâm về các giải đáp thực tiễn trong lãnh vực hóa học mà ngài nghiên cứu. Con của người di dân gốc Bỉ, Nieuwland sinh trưởng tại vùng South Bend , tiểu bang Indiana , và theo học trường Đại học Notre Dame. Thụ phong linh mục năm 1903, ngài tiếp tục học tại trường Đại học Công giáo Mỹ (The Catholic University of America), chuyên khoa về thực vật và hóa học.

Trở lại trường Notre Dame năm 1904, ngài phục vụ trong ban giảng huấn, làm giáo sư dạy môn thực vật và sau đó là môn hóa học cho mãi tới khi về hưu năm 1936. Trong những sảnh đường yên tĩnh, khi nghiên cứu về khoa học, ngài đã thành công trong việc polymer-hóa chất acetylene để trở thành divinylacetylene. Elmer Bolton, giám đốc nghiên cứu tại hãng Dupont, đã dùng nghiên cứu căn bản này để đạt được việc phát triển ra neoprene. Trong thực tế, chính vị linh mục khiêm tốn này là người tìm ra được chất cao su nhân tạo đầu tiên. Được Công ty Du Pont áp dụng, phát minh này có ảnh hưởng to lớn trên nhiều ngành kỹ nghệ và cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, neoprene được dùng làm chất cách điện/cách nhiệt trong dây điện, đường dây điện thoại, mặt sau các tầm thảm, và vật dụng lợp mái nhà. Cha Nieuwland cũng gần như tạo được một ảnh hưởng lớn trên lịch sử ngành football các trường đại học, khi ngài cố gắng – nhưng bất thành – thuyết phục người huấn luện viên lừng danh trong tương lai tại trường Notre Dame là Knute Rockne trở thành một nhà hóa học thay vì làm huấn luyện viên môn thể thao này.

Không xao lãng khoa thực vật học, cha Nieuwland đã lặn lội trong những vùng sình lầy và rừng rú, tìm kiếm những mẫu thích hợp để nghiên cứu, và ngài nổi danh vì đã dùng súng lục bắn những mẫu này rớt từ những cành cây cao xuống đất.
Vì sự nghiệp trong ngành hóa học, chứ không phải tài thiện xạ, ngài được trao huân chương Morehead Medal vì công trình nghiên cứu chất acetylene, huân chương American Institute Medal, và vinh dự cao quý nhất của Hiệp hội Hóa học Hoa kỳ (American Chemical Society) là huân chương Nichols Medal.
Georges Lemaître (1894-1966)

Cha Georges Lemaître, một linh mục người nước Bỉ, một nhà vật lý và toán học gia, là người đầu tiên đề ra Lý thuyết Big Bang để giải thích sự ra đời của vũ trụ. Sinh tại Charleroi, nước Bỉ, ngài học toán và khoa học tại trường Đại học Cambridge sau khi chịu chức linh mục năm 1923, và chuyên khoa về các nghiên cứu rất thịnh hành thời đó trong khoa thiên văn và vũ trụ học, đặc biệt về lý thuyết tương đối tổng quát của nhà bác học Eisntein.
Trong ngành vật lý, cái ý tưởng lúc đó được chấp nhận là vũ trụ, về bản chất, ở trong tình trạng không thay đổi, một “Tình trạng Kiên định (Steady State)”. Trong khi Einstein coi vũ trụ đang thực sự chuyển động – co cụm hoặc phình nở -- và nghĩ ra được hằng số vũ trụ học đã duy trì được tình trạng ổn định của vũ trụ, thì Lemaître lại kết luận rằng vũ trụ đang phình ra. Không chỉ như thế, Lemaître còn đề xuất rằng từ điểm đó có thể kết luận rằng mọi vật chất và năng lượng đã có lúc tập trung tại một điểm. Do đó: Vũ trụ đã có một lúc khởi đầu.
Lý thuyết này, lúc đầu gặp phải nhiều hoài nghi, được mệnh danh một cách châm biếm là “Big Bang”. Về phần mình, Lemaître mô tả một cách hoa mỹ sự khởi đầu này là “một ngày không có hôm qua.” Tháng giêng năm 1933 ngài trình bầy lý thuyết này trước cuộc hội họp các nhà khoa học tại tiểu bang California, và vào cuối buổi trình bầy, Einstein đã khen ngợi và tuyên bố: “Đây là cách giải thích về sự sáng tạo vũ trụ đẹp đẽ và thỏa mãn hết sức mà tôi được nghe từ trước đến giờ.” Những ý tưởng của Lemaître sau đó đã có được thế đứng.
Ngày nay các nhà vật lý vũ trụ sẵn sàng chấp nhận thuyết Big Bang và sự tiếp tục bành trướng của vũ trụ. Vì những công lao này, Lemaître được gia nhập Hàn lâm viện Hoàng gia Bỉ, và lên chức kinh sĩ (canon) nhà thờ chính tòa Malines . Năm 1936, Giáo hoàng Piô XI nhận ngài vào Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.
Stanley Jaki (1924-2009)

Các linh mục Nieuwland và Lemaître đã chứng tỏ rằng đức tin và khoa học không bất tương hợp. Còn linh mục Stanley Jaki, thuộc dòng Biển đức, lại đã lý luận một cách rất hùng biện rằng chính khoa học chỉ có thể phát triển được trong một nền văn hóa Kitô giáo. Với những thành quả đạt được, ngài đã được tưởng thưởng giải Templeton, và năm 1990 được Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận cho gia nhập Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.

Sinh trưởng tại Hung gia lợi (Hungary), cha đậu các cấp bằng tiến sĩ về Thần học Hệ thống (Systematic Theology) và về Vật lý Hạt nhân, thông thạo 5 ngôn ngữ và là tác giả 30 đầu sách. Là một Giáo sư ưu tú tại trường Đại học Seton Hall, công trình của cha Jaki về lịch sử và về triết học khoa học đã đưa ngài gặp gỡ nhiều người trên khắp thế giới. Trong một thế giới khoa học tân tiến đạt được đỉnh cao trong triết học thời Khai minh (Enlightenment) và rất mục chống đối sự liên hệ với tôn giáo, sự khẳng định của cha Jaki rằng khoa học và tôn giáo đều phù hợp, và rằng sự phân tích khoa học có thể rọi ánh sáng vào cả những đề cương khoa học lẫn thần học, quả là một khẳng định táo bạo.

Theo quan niệm của Jaki, những khám phá về khoa vật lý hạt nhân và khoa thiên văn đã xác nhận một trật tự thiết yếu trong vũ trụ. Tuy sự hiểu biết của chúng ta về cả hai lãnh vực đều quả thực còn chưa đầy đủ, nhưng viễn kiến Kitô giáo chứng tỏ rằng trật tự của vũ trụ thì hoàn toàn phù hợp với quan điểm về sự Sáng tạo vũ trụ theo Kinh thánh.
Đi theo dấu chân của Lemaitre, Jaki đã tìm cách giải quyết một trong những vấn nạn lớn lao nhất trong khoa học, vũ trụ học, và đã kết luận rằng khoa học cho phép chúng ta có một cái nhìn vào trong những biến cố tiếp theo sau giây phút sáng tạo, nhưng không cho biết điều gì hết về những gì đã xảy ra trước đó, lúc mà chính vật chất được tạo dựng từ hư không. Do đó mà ngài can đảm thách thức các khẳng định của các nhà vũ trụ học và vật lý học thiên thể như Stephen Hawking, cho rằng nguồn gốc của vũ trụ chứng tỏ sự bất hiện hữu của Thiên Chúa; trái lại, chính cái mệnh đề đó không thể chứng minh được bằng khoa học vì không có gì để quan sát cả. Đồng thời, trật tự tạo dựng của Thiên Chúa phản ảnh một đấng Sáng tạo hoàn toàn hợp lý và bất tận vượt trên đường lối suy nghĩ của chúng ta. Thế nên, không mấy ngạc nhiên khi một tiến độ quân bình và tích cực như thế đi vào thế giới tự nhiên được tìm thấy trong giảng huấn và văn hóa Kitô giáo chân chính, đã cho phép khoa học được nở rộ.
Michal Heller (1936- )

Những vấn nạn lớn lao về vũ trụ cũng là địa hạt chuyên biệt của vị linh mục Ba lan đồng thời cũng là một nhà vật lý học: Michal Kazimierz Heller, giáo sư dạy tại Cracow, nước Ba lan, và là thành viên Viện Khoa học Giáo hoàng từ năm 1990. Cha Heller đã dấn thân đi vào những lãnh vực cao nhất của toán học và thiên văn. Hiện nay cha đang nghiên cứu vấn đề đơn thuần (singularity) trong tương đối tổng quan (general relativity) và sự dùng khoa hình học không giao hoán (non-commutative) khi tìm kiếm việc kết hợp giữa tương đối tổng quan với cơ học lượng tử (quantum mechanics). Ngài cũng quan tâm về triết học, lịch sử khoa học, khoa học và thần học. Theo quan điểm của cha, tất cả những mặt khác biệt nhau này của khoa học đều qui tụ về một điều gì đó thật quan trọng liên quan đến “bản thiết kế” của sự Sáng tạo vũ trụ -- và giảng huấn của Giáo hội giúp chúng ta hiểu được bản vẽ đó.

Cơ may hay Mục đích?
Các linh mục-khoa học gia, những người vừa trung thành với các giảng huấn của Giáo hội và với những khắt khe gian khổ của khoa học, đã chiếm được một chỗ đáng tôn trọng trong lịch sử kiến thức, như nhận xét sau đây của Hồng y Christoph Schönborn:
Một trong những “huyền thoại” dai dẳng của thời đại chúng ta – thực ra, tôi muốn nói đến một trong những thiên kiến hình thành từ lâu – cho rằng những mối liên hệ giữa khoa học và Giáo hội là xấu, rằng đức tin và khoa học, từ những thời đại đã qua, tồn tại trong một thứ xung đột triền miên… Tin rằng Thiên Chúa là đấng Sáng tạo vũ trụ không chỉ là một trở ngại mà hơn thế, còn ngược lại. Tại sao tin rằng vũ trụ có một đấng Sáng tạo lại làm cản trở con đường của khoa học? Tại sao nó gây ra những khó khăn cho khoa học, nếu các khoa học gia hiểu biết rõ cuộc nghiên cứu của họ, phát kiến của họ và những lý thuyết họ đề ra, sự hiểu biết của họ về những mối liên hệ, như là “nghiên cứu học tập cuốn sách về sự tạo dựng vũ trụ?

Nguồn: Matthew E. Bunson/"Fathers of Science.” This Rock ( San Diego : Catholic Answers Inc., September 2008).

Phụng Nghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét